Thứ Ba 29 Tháng Tám 2017 - 01:41:44 CH

Báo Quân đội Nhân dân thông báo Tin buồn

QĐND - Trưởng lão Hòa thượng Agga Maha Saddhamma Jotika Dhaja Ñānadhammo (Danh Nhưỡng) đã thu thần viên tịch vào hồi 15 giờ 45 phút, ngày 26-8-2017 (nhằm ngày mồng 05 tháng 7 năm Đinh Dậu), tại chùa Rantanaransi (Láng Cát), phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; trụ thế: 88 năm; hạ lạp: 68 năm.

- Hội đồng Chứng Minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang
- Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me
- Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang
- Môn đồ pháp quyến vô cùng kính tiếc báo tin:

Trưởng lão Hòa thượng Agga Maha Saddhamma Jotika Dhaja Ñānadhammo (Danh Nhưỡng)

Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng Minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang từ nhiệm kỳ I-nhiệm kỳ VIII, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, Trụ trì chùa Rantanaransi (Láng Cát), phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, bằng khen của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, bằng khen của UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào hồi 15 giờ 45 phút, ngày 26-8-2017 (nhằm ngày mồng 05 tháng 7 năm Đinh Dậu), tại chùa Rantanaransi (Láng Cát), phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; trụ thế: 88 năm; hạ lạp: 68 năm.

Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 26-8-2017 (ngày mồng 5 tháng 7 năm Đinh Dậu). Kim quan được tôn trí tại chùa Rantanaransi (Láng Cát), phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Lễ viếng bắt đầu hồi 8 giờ ngày 27-8-2017 đến hết ngày 31-8-2017 (từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 10 tháng 7 năm Đinh Dậu).

Lễ tưởng niệm được cử hành hồi 7 giờ ngày 1-9-2017 (ngày 11 tháng 7 năm Đinh Dậu), kim quan được phụng tống đến chùa Cà Lang Ông, tháp 4 vị sư liệt sĩ và sau đó đưa kim quan Trưởng lão Hòa thượng về tôn trí tại chùa Rantanaransi (Láng Cát), phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang từ 5 đến 10 năm theo nghi thức tang lễ truyền thống bậc Cao Tăng của Phật giáo Nam tông Khơ-me.

Tiểu sử

Đại lão Hòa thượng Agga Maha Saddhamma Jotika Dhaja Ñānadhammo (Hòa thượng Danh Nhưỡng)
- Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam.
- Nguyên đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, XII.
- Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me.
- Nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang.
- Nguyên Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang khóa I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII.
- Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang;
- Trụ trì chùa Rantanaransi (Láng Cát).


Hòa thượng Agga Maha Saddhamma Jotika Dhaja Ñānadhammo (Danh Nhưỡng) 

I. Thân thế
Hòa thượng Ñānadhammo thế danh là Danh Nhưỡng; hạ sinh ngày 7-6-1929 trong một gia đình có 9 anh em tại xã Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Thân phụ của ngài là cụ Danh Xê và thân mẫu là bà Thị Lê đều là những nông dân cư trú lâu đời trên quê hương Kiên Giang.

Xếp theo thứ bậc trong gia đình, ngài là huynh trưởng, còn lại là những người em bao gồm: Danh Nhiên, Danh Ke, Danh Tượng, Danh Dương, Thị Phiên (bị tật nguyền trong chiến tranh), Thị Phải, Danh Hải và Danh Đa Ra là con trai út trong gia đình.

Sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành, nhiều đời kính tin Tam bảo nên Hòa thượng đã sớm tiếp xúc với giáo lý đạo Phật và cách tu tập của đồng bào phật tử Khơ-me Nam Bộ. Trong hoàn cảnh của một gia đình đông con, với trách nhiệm của người huynh trưởng, ngài không quản nhọc nhằn, sớm khuya cùng cha mẹ lao động trên ruộng đồng để chăm lo, nuôi dạy các em nên người.

II. Thời gian xuất gia học đạo
Nhờ thiện căn gieo trồng từ thuở nhỏ nên năm 16 tuổi, ngài phát tâm xuất gia thọ giới Sadi với Hòa thượng Suvanna Dhamma (thế danh là Tăng Sanh) tại chùa Suvannaransi Khlang Ong tỉnh Kiên Giang. Đó là ngày 15-7-1935.

Từ năm 1940 đến 1944, ngài học chữ Khơ-me tại chùa Suvannaransi Khlang Ong. Tháng 7-1949, ngài thọ giới Tỳ khưu tại giới đàn chùa Suvannaransi Khlang Ong với sự tế độ của Hòa thượng Suvanna Dhamma Tăng Sanh, là vị sư trụ trì chùa và hai vị Yết Ma là Đại đức Danh Neang và Đại đức Ekapanna Danh Dện. Từ năm 1950 đến 1969, ngài theo học chữ quốc ngữ, học đệ I Kinh Luật và chữ Pali.

Năm 1960-1962: Hòa thượng học Kinh Luận Giới tại chùa Cù Là Mới, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1962-1963: Hòa thượng học Kinh Luận Giới và Pali tại Bạc Liêu.

Năm 1968-1972: Hòa thượng học Tú tài I và Tú tài II tại TP Cần Thơ.

III. Thời gian hành đạo
Hòa thượng tham gia phong trào cách mạng hoạt động hợp pháp từ ngày 2-3-1962 ở thị xã Rạch Giá và cũng từ đó, Hòa thượng đã giữ vai trò lãnh đạo hàng vạn sư sãi và đồng bào phật tử trong tỉnh Kiên Giang đấu tranh chính trị trực diện với Mỹ, ngụy.

Từ năm 1962 đến 1975, Hòa thượng dạy học ở chùa Suvannaransi Khlang Ong và tham gia phong trào cách mạng hoạt động hợp pháp tại thị xã Rạch Giá. Cũng từ đó, ngài luôn giữ vai trò lãnh đạo hàng vạn sư sãi và đồng bào phật tử Khơ-me trong tỉnh Kiên Giang đấu tranh chống đôn quân bắt lính, đòi quyền tự do tôn giáo với chính quyền Việt Nam cộng hòa. Trong đó nổi bật với các sự kiện:

- Ngày 5-9-1964, tổ chức cuộc biểu tình lớn tại thị xã Rạch Giá nhân dịp lễ hỏa táng Đại đức Danh Tỷ bị chính quyền Việt Nam cộng hòa bắn chết tại chùa Cái Đuốc Vàm ngày 2-9-1964.

- Ngày 18-10-1965, nhân lễ hỏa táng cho Hòa thượng Danh Kim, trụ trì chùa Thanh Gia (Đường Xuồng Mới) tổ chức biểu tình lớn tại Láng Cát kéo ra thị xã, nhưng bị chính quyền Việt Nam cộng hòa ngăn chặn tại cổng Tam Quan.

- Ngày 25-2-1975, Hòa thượng đi Cửu Long, thị xã Trà Vinh tham gia cuộc biểu tình của hàng vạn sư sãi và đồng bào phật tử Khơ-me. Đoàn biểu tình chia thành 7 mũi kéo vào thị xã Trà Vinh, lần đó Hòa thượng và đoàn biểu tình bị địch bao vây ở chùa Som Rong Ek. Đã có 3 vị sư hy sinh và hơn 80 đồng bào phật tử bị thương. Khẩu hiệu của đoàn là: Chống bắn phá chùa chiền, bắn giết sư sãi và đồng bào phật tử Khơ-me; chống chính sách ngu dân, đồng hóa dân tộc của chính quyền Sài Gòn; thực hiện quyền bình đẳng dân tộc.

- Ngày 10-6-1974, Hòa thượng tham gia tổ chức lãnh đạo cuộc biểu tình của sư sãi và đồng bào phật tử Khơ-me của 72 chùa trong tỉnh Kiên Giang. Trong cuộc biểu tình này, 4 vị Đại đức là: Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp, Danh Hom đã anh dũng hy sinh. Khẩu hiệu đấu tranh là: Đòi chính quyền Sài Gòn trả tự do cho 10 vị sư bị bắt quân dịch vào ngày 5-6-1974 và hơn 100 vị sư khác bị đàn áp bắt trước đây; đòi chấm dứt bắn phá chùa chiền, phum sóc, chấm dứt bắt lính đôn quân và bồi thường thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và chùa chiền; chống chính sách ngu dân, đồng hóa dân tộc, đòi quyền tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do học hành chữ Khơ-me, Pali, Kinh Luận Giới, duy trì và phát huy tiếng nói, văn hóa dân tộc Khơ-me; đòi thực hiện nhân quyền, bình đẳng về mọi mặt; đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

- Sau khi thống nhất đất nước, Hòa thượng được bầu làm Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang. Từ năm 1976 đến nay, ngài được phật tử Khơ-me, Kinh, Hoa và các dân tộc anh em tin yêu, chính quyền tín nhiệm bầu vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam như sau:

- Năm 1976: Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang.

- Năm 1977: Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Đại biểu HĐND tỉnh khóa I.

- Năm 1981: Tham gia HĐND tỉnh khóa II.

- Từ ngày 4 đến 7-11-1981: Tại Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng là thành viên Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ, thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài được suy tôn ngôi vị thành viên Hội đồng Chứng Minh, suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Năm 1982: Tại Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Hòa thượng được suy cử Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang.

- Năm 1987: Ủy viên Hội đồng Trị sự trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II (nhiệm kỳ 1987-1992).

- Năm 1992: Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Tăng sự, Phó ban Giáo dục Tăng ni, Phó ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Từ năm 2002-2007: Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng Minh Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XI (nhiệm kỳ 2002-2007) và khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2011), Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ khóa IV, V, VI, VII; Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân tộc của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam khóa V, VI, VII.

- Từ năm 2006 đến nay: Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me tại Cần Thơ.

- Năm 2014: Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần VIII (nhiệm kỳ 2014-2019). Đại hội đại biểu Hội Đoàn kết sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang lần thứ VI (nhiệm kỳ 2014-2019), Hòa thượng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.

Vào các ngày 7, 8, 9-10-2016, tại chùa Rantanaransi (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), dưới sự chứng minh tối cao của Hòa thượng Danh Nhưỡng, hệ phái Phật giáo Nam tông Khơ-me tổ chức Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội thảo khoa học Phật giáo Nam tông Khơ-me “Tính kế thừa, thành tựu và phát triển”. Đại diện lãnh đạo Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ tư lệnh Quân khu 7, Quân khu 9, Cục An ninh Tây Nam Bộ; tỉnh Kiên Giang, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố và hơn 2.000 hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng ni, phật tử trong, ngoài nước tham dự đại lễ. Đặc biệt đại lễ vinh dự được cung đón sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Ñānadhammo là vị giáo phẩm cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam uyên thâm Phật học và thế học, ngài đã dành cả cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho đạo pháp và dân tộc. Từ giữa năm 1980, với biết bao công việc Phật sự bận rộn, nhưng thể theo thỉnh nguyện của bà con phật tử và chư tăng, ngài đã về trụ trì chùa Rantanaransi (Láng Cát), nơi mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Ban Khơ-me vận tỉnh Kiên Giang đã chọn làm văn phòng của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang từ trước ngày 30-4-1975. Trong vai trò của trụ trì, ngài đã xây dựng và củng cố nền nếp tu hành cho chư tăng tại chùa. Với phong cách làm việc tuân theo giới luật, từ bi và khoa học, Hòa thượng đã xây dựng chùa Láng Cát thành một cơ quan lãnh đạo sư sãi và đồng bào phật tử Khơ-me yêu nước trong toàn tỉnh. Nhiều vị sư sãi và đồng bào phật tử có yêu cầu chính đáng đều được Hòa thượng tiếp đón và giải quyết thỏa đáng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa tinh thần “đẹp đạo tốt đời” cho đồng bào trong toàn tỉnh.

Hòa thượng là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình ngôi bảo tháp Chù Là, tôn thờ 4 vị hòa thượng liệt sĩ hy sinh ngày 10-6-1974 tại Kiên Giang.

Hòa thượng là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng các chùa: Chùa Xà Xía (thị xã Hà Tiên); chùa Giồng Kè (huyện Giang Thành); chùa Ngã Năm Bình Minh (huyện Vĩnh Thuận); chùa kinh 12 (huyện Hòn Đất); chùa Tà Keo Thạnh Trị (huyện Tân Hiệp); chùa Bồ Đề Hải Đảo (huyện Phú Quốc).

Ghi nhận những đóng góp của Hòa thượng đối với đất nước Việt Nam trong sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp và xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 19-3-2011, Chính phủ nước Cộng hòa Myanmar và Hội đồng Tăng già Myanmar đã phong tặng Hòa thượng tước hiệu Agga Maha Saddhamma Jotika Dhaja “Tối thượng chiếu quang chính pháp sư”. Lễ trao tặng được chính thức tổ chức tại Trụ sở Hội đồng Tăng già Myanmar.

Để tưởng thưởng cho những cống hiến to lớn của ngài đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, Đảng, Nhà nước và Mặt trận đã trao tặng ngài Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, hai Huy chương Vì sự nghiệp dân tộc và nhiều Bằng khen của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Hòa thượng Ñānadhammo vẫn dành hết thời gian cho công tác đào tạo tăng tài, phật tử hữu dụng cho đất nước và dân tộc; thuyết pháp cho chư tăng và đồng bào phật tử Khơ-me. Ngài luôn hết lòng quan tâm đến đời sống tinh thần và cuộc sống thường nhật của đồng bào Khơ-me Nam Bộ, Đạo pháp và dân tộc là tôn chỉ đi theo suốt cuộc đời tu đạo của ngài. Đối với phật tử Nam tông Khơ-me, Hòa thượng Ñānadhammo là vị danh tăng mà họ hết sức kính trọng, ngài mãi mãi là tấm gương sáng bất diệt để chư tăng và đồng bào phật tử Khơ-me Nam Bộ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung noi theo.

IV. Thời gian viên tịch:
Là một trong những cao tăng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Đại lão Hòa thượng đã có những đóng góp, những công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự và thống nhất đất nước.

Đại lão Hòa thượng là bậc tôn sư khả kính, đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt hàng ngàn môn đồ đệ tử trưởng thành, noi gương từ bi hỷ xả, tự giác giác tha của Hòa thượng để bền vững đạo tâm và trang nghiêm giáo hội.

Ngày nay, khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, tế độ chúng sinh của Đại lão Hòa thượng đã viên mãn thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Đại lão Hòa thượng trở về cõi niết bàn vào lúc 15 giờ 45 phút, ngày 26-8-2017 (tức ngày 5 tháng Bảy năm Đinh Dậu); trụ thế 88 năm, hạ lạp 68 năm.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Nguồn: http://www.qdnd.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).