Thứ Sáu 28 Tháng Bảy 2017 - 08:30:23 SA

Đạo đức Phật giáo và xã hội hiện đại

Những tiêu chuẩn của tính hợp lý, được nhìn nhận trong các phương pháp của nền khoa học hiện đại và quan điểm của duy vật luận liên kết với nền khoa học ấy, có những ảnh hưởng vượt trội hơn cả trong đời sống tinh thần của con người hiện đại. Một bộ phận lớn lao các nhà trí thức hiện đại bị khuất phục trước những ảnh hưởng ấy, đã chối bỏ nền siêu hình học và tôn giáo giáo điều cùng với hàng loạt những giá trị đạo đức truyền thống.
Một điều không thể chối cãi là tính hợp lý của khoa học đã mang lại những  tiến bộ vật chất thần kỳ. Tuy nhiên, người ta vẫn không  thể  khẳng  định rằng con người trong thế giới hiện đại được sống một cuộc sống hài lòng hơn, có cảm giác an toàn hơn, được yên tâm hơn, và những lợi ích của họ không còn bị xâm hại một cách thiếu chính đáng bởi những người đồng loại. Những tranh chấp có vũ trang tiếp tục lan tràn trong thế giới ngày nay. Các hành động  khủng bố, bạo hành, vi phạm quyền con người, phân biệt đối xử vì chủng tộc và nhiều lý do khác, bạo hành chống lại những người thiếu khả năng tự vệ… chỉ là một số nhỏ trong những tội ác phi đạo đức đáng ghê sợ mà con người thường  xuyên chứng kiến ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nghèo khổ và cơ cực là những chuyện quá thông thường.
 

 
Nhìn từ quan điểm Phật giáo, những  tiến bộ khoa học và công nghệ hoàn toàn chẳng có cách nào mang lại sự giảm bớt những gốc rễ độc hại trong hành vi của con người, những điều được gọi tên là tham, sân và si. Bao lâu mà những  gốc rễ độc hại ấy của hành vi con người chưa được khắc phục  một cách đáng  kể hoặc chưa được kiềm chế trong những giới hạn hợp lý, vẫn khó có thể nghĩ đến thanh  bình, hòa hợp, hạnh phúc và hài lòng trong  xã hội con ngưởi. Tính cách thích đáng  của đạo  Phật đối với bối cảnh  xã hội hiện đại tồn tại trên một thực tế là tôn giáo này mang lại một đường  lối triết học trung  dung; một mặt, chấp nhận về nguyên tắc những chuẩn mực của tính hợp lý khoa học, mặt khác, phủ nhận cả thế giới quan cực đoan của chủ nghĩa duy vật lẫn chính thống luận mang tính giáo điều và siêu hình của các tôn giáo độc thần.
 
Khoa học  hiện  đại  không  hề  cung  cấp  cho  con người những hiểu biết về điều gì là đúng hay sai, điều gì là tốt hay xấu trên mặt đạo đức. Khi con người không quan tâm đến những hiểu biết như vậy, và cũng chẳng để  ý tới việc theo  đuổi  những  nguyên  tắc của một cuộc sống đúng  đắn về đạo đức, sự tương tác xã hội giữa những con người với nhau sẽ chẳng khác mấy sự tương tác giữa những  loài thú. Một trong những  đặc điểm  quan  trọng  nhất  phân  biệt  đời sống  giữa loài người với đời sống giữa loài thú nằm ở chỗ loài người không chỉ mong muốn được sống mà còn mong muốn được sống hạnh phúc. Loài người tìm kiếm ý nghĩa của đời sống; đồng  thời, mưu cầu đạt  tới một  lý tưởng đạo đức chính đáng và hợp lý. Về phương diện này, có lẽ Phật giáo có thể đem lại nhiều đóng  góp cho con người hiện đại.
 
Phật giáo có thể được xem là con đường dẫn tới sự hoàn hảo về mặt đạo đức. Toàn thể con đường này bao gồm những giai đoạn tiệm tiến của việc thanh tịnh hóa tâm thức. Đó là lý do tại sao mà theo truyền thống thì Phật giáo được gọi là Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga). Mục đích của Phật giáo là việc biến đổi hành vi của một người cùng với sự chuyển hóa kết cấu nhận thức và tình cảm của người ấy. Hậu quả của sự biến đổi và chuyển hóa ấy là con người này quan tâm đến việc vượt qua những  điều xấu xa của sự sinh tồn và chấm dứt việc gây tạo những đau khổ cho người khác. Mục tiêu này của Phật giáo được xác định thuần  túy về mặt tâm lý. Điều đó không kết hợp với Thượng đế hay Phạm thiên, cũng không tìm kiếm sự bất tử trong một vài địa hạt Tinh linh không thể hiểu nổi, mà chỉ trở nên tự do trước tham ái, giận dữ và ảo tưởng.
 
Giáo pháp đạo đức của Phật giáo cổ vũ một ý tưởng về sự hoàn hảo của đạo đức với tính cách là mục tiêu tối hậu. Sự hoàn hảo về mặt đạo đức đạt được khi những gốc rễ tâm lý độc hại của con người đã được tiêu diệt; như trên đã nói, những gốc rễ tâm lý độc hại ấy chính là tham, sân và si. Chúng được gọi là những gốc rễ độc hại vì chính là thông qua tác động của chúng mà con người bị thúc đẩy để phạm vào những hành động phi đạo đức như hủy hoại sự sống, gây hại hoặc làm tổn thương cho các sinh linh, biển thủ tài sản của người khác, phóng  túng trong các tà hạnh  và hưởng  thụ  quá đáng  những  khoái lạc của giác quan, sử dụng những lời lẽ dối trá, cay độc, phỉ báng, phù phiếm… Phật giáo nhìn nhận một cơ sở có giá trị cho việc phân biệt giữa điều tốt và điều xấu, giữa cái đúng và cái sai đối với những gì con người tạo tác. Theo giáo pháp của nhà Phật, một nền tảng có giá trị cho việc đánh giá về mặt đạo đức phải được phát hiện dựa trên kinh nghiệm của loài người, chứ không dẫn chiếu bất kỳ một thực tại siêu hình nào. Những điều kiện theo đó con người trở nên hạnh phúc và hài lòng, với những điều kiện khiến con người cảm thấy cuộc sống là khốn khổ, nói chung là như nhau. Những kiến thức bề mặt về những điều kiện đó có liên quan trực tiếp đến cuộc sống đạo đức của con người. Chúng phải được tìm thấy bằng phương tiện của sự quan sát và trải nghiệm. Sống một cách có đạo đức là sống có sự quan tâm thích đáng đối với quan điểm đạo đức ấy, dính líu đến việc tránh gây đau khổ cho người khác cùng với việc giúp làm giảm nỗi đau khổ cho người khác. Bao lâu mà con người còn để ý tới tự thân kinh nghiệm của mình thì họ sẽ không đánh mất niềm tin nơi sự quan trọng của vấn đề đạo đức. Quan tâm đến đạo đức chính là quan tâm đến lợi hay hại, hạnh phúc hay bất hạnh, xấu ác hay hiền thiện.
 
Ý nghĩa của Phật giáo đối với xã hội hiện đại là Phật giáo không mưu cầu định đoạt điều gì là đúng hay sai bằng việc ràng buộc đời sống đạo đức với một tập hợp những giáo điều siêu hình mà từ đó các giới luật được xây dựng, hoặc những  điều răn của các vị Thượng đế của các giáo phái. Những người đã từ bỏ siêu hình học và giáo điều của các tôn giáo để chọn lấy quan điểm mang tính quyết định về thực tại của chủ nghĩa duy vật và khoa học hiện đại lại có lập trường hoài nghi về bản chất của nhữ ng giá trị đạo đức. Họ có khuynh hướng đánh đồng đạo đức với siêu hình học và tôn giáo. Hậu quả của thái độ đó là việc tạo ra một khoảng trống đạo đức trong  lối sống của họ. Khi đó, tham  sân và si trở thành những động lực chủ đạo trong hành vi của họ.
 
Ý thức hệ quyết định luận và duy vật luận kết hợp với khoa học hiện đại, vốn có tham vọng mưu cầu thay thế cho siêu hình học và giáo điều của tôn giáo, cố gắng chuyển hóa xã hội bằng cách tác động vào những  sự thay đổi về điều kiện vật chất của cuộc sống. Thế giới quan khoa học không gán cho tầm quan trọng của đạo đức một ý nghĩa nào. Đạo đức được coi là vấn đề thái độ và cảm xúc. Giá trị đạo đức được coi là tương đối và chủ quan. Theo thế giới quan khoa học, chỉ những dữ kiện thực nghiệm mới có tính khách quan. Con người chỉ được coi là một bộ máy đáp ứng các kích thích. Khả năng của con người trong việc hiểu biết và kiểm soát những gốc rễ động cơ nội tại có vẻ chỉ dành được một sự nhìn nhận nhỏ nhoi trong cái quan điểm cơ học ấy của nền khoa học vật chất. Hành vi của con người được giải thích là do những điều kiện ngoại tại quyết định. Nếu chỉ những  điều  kiện ngoại  tại quyết  định  mọi hành vi của con người, thì con người sẽ không thể có trách nhiệm gì đối với những khiếm khuyết về đạo đức của họ. Họ sẽ không hề đáng trách về những điều họ làm. Một quan điểm như thế về bản chất hành động của con người khuyến khích việc từ bỏ trách nhiệm cá nhân trước mọi hành động của mọi người.
 
Những vấn đề của xã hội hiện đại có thể được giải thích từ quan  điểm của Phật giáo như là hệ quả của sự tách rời của kiến thức khoa học và năng  lực công nghệ khỏi sự minh triết về đạo đức. Có quá nhiều bằng chứng về sự phát triển mạnh mẽ của tham lam và sân hận trên mọi cấp độ của sự tương tác xã hội trong cuộc sống hiện đại. Điều đó đã tạo nên những sự cách biệt về mặt kinh tế, đem  lại sự nghèo  đói và khốn cùng. Việc thiếu sự quan  tâm đến  việc trưởng  dưỡng  lòng thông cảm đối với hạnh phúc của người khác tiếp tục dẫn đến những  căng thẳng  và xung đột trong xã hội ngày càng tăng. Mục tiêu tối hậu trong  lối sống của người Phật tử là sự triệt tiêu lòng tham ái, sự sân hận và những  ảo tưởng. Nếu phần  lớn những  sự điên rồ về mặt tâm lý đang mang lại những khủng hoảng đạo đức trong  xã hội hiện đại chỉ là hệ quả của việc phổ biến lòng tham, sự tức giận và tình trạng vô minh, thì lý tưởng Phật giáo về sự hoàn thiện đạo đức có thể được cho rằng có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội của con người hiện đại. ■„
 
 
 

 
P.D.  PREMASIRI*
HOÀNG  NGUYÊN  ĐỨC dịch​
 
*P.D. Premarisi là giáo sư Phật học và là Trưởng khoa Ngôn ngữ Pali tại Đại học Peradeniya, Sri Lanka đã về hưu sau khi giảng  dạy tại đại học này suốt 42 năm. Ông nổi tiếng  với những tác phẩm nghiên cứu về đạo đức Phật giáo.
 Nguồn:   Buddhist Ethics, Moral Perfection  and  Modern Society, P.D. Premarisi, Hiệp hội Xuất bản Phật giáo, Sri Lanka, 2002.

Văn Hoá Phật Giáo số 209
http://tapchivanhoaphatgiao.com
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).