Thứ Ba 10 Tháng Bảy 2018 - 09:44:06 SA

Di sản văn hóa Phật giáo trong thời đại chúng ta

Trong bài “Phật giáo Việt Nam từ góc nhìn di sản văn hóa” đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 1 năm 2006, tôi đã trình bày quan điểm: Đạo Phật đã tồn tại cùng với dân tộc trong một quá trình thăng trầm lịch sử lâu đời, đã ăn sâu gốc rễ trong lòng dân tộc Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống: đức tính hiền hòa, lễ độ, kiên nhẫn, vị tha, độc lập, tự chủ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau… Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, Phật giáo đã thích ứng nhuần nhuyễn với phong tục tập quán bản địa và nhờ đó, những tinh hoa của giáo lý Phật giáo tìm được môi trường thích hợp để nở hoa, kết trái.
 
Qua điểm nhận thức nói trên, tôi muốn khẳng định Phật giáo vốn là dòng chảy song hành với dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử và văn hóa Phật giáo là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa Việt Nam.

Hãy cùng trao đổi thêm về vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong thời đại chúng ta.

1. Nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein đã nhận định “Nếu có một tôn giáo nào đó đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hòa với những khám phá mới của khoa học; Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Phật giáo là chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Cây cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu bên trong chính con người và trong môi trường sống xung quanh. Phật giáo vượt thời gian và mãi mãi có giá trị”. Chúng ta cũng có thể bổ sung thêm là, ngày nay, Phật giáo còn là cây cầu bắc ngang cuộc đời của các chúng sinh, dẫn dắt họ qua sông phiền não, khổ đau do tinh thần quá thiên về hưởng thụ vật chất, về tiêu thụ của xã hội hậu công nghiệp, sang đến bên bờ hạnh phúc và an lạc.

Quan điểm của Albert Einstein về Phật giáo chính là sự khẳng định vai trò và ý nghĩa của tôn giáo này trên tầm vĩ mô toàn nhân loại chứ không chỉ riêng đối với Việt Nam.

Thông điệp Phật đản năm 2010 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Thích Phổ Huệ đã nói rõ Tư tưởng giáo lý về hòa bình, từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha và tự giác ngộ đối với chính bản thân mỗi người vẫn là kim chỉ nam đối với người con Phật trên con đường tu tập và phụng sự đạo pháp, dân tộc, đó cũng là tư tưởng phù hợp với tiến bộ xã hội.

Nội dung thông điệp của Pháp chủ hoàn toàn phù hợp với quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Trước hết,phải khẳng định rằng, Phật giáo có nhiều điểm phù hợp với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Mặt khác, thực tiễn cũng đã chứng minh, trong quá khứ và hiện tại, Phật giáo Việt Nam có khả năng thích ứng theo con đường “đồng hành cùng dân tộc”, sống “tốt đời, đẹp đạo”… Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải xác định con đường ngắn nhất, thích hợp nhất để Phật giáo hòa nhập vào đời sống xã hội hiện đại của Việt Nam.


Đêm hội hoa đăng mừng ngày đản sanh của đức từ phụ A Di Đà do chư tôn thiền đức Tăng Ni trong và ngoài Tp. HCM... (Ảnh: internet)

Đảng ta chủ trương “đại đoàn kết dân tộc chủ yếu lấy mục tiêu chung đó làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng tới tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tất cả vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân” (Lê Quang Vịnh, “Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo”, Tạp chí Cộng sản, số 6, 3-2000, trang 11). Do đó, chúng ta cần nhận diện chính xác và phát huy những giá trị nổi trội trong di sản văn hóa Phật giáo, đặc biệt là giá trị đạo đức và giáo dục đạo đức để xây dựng nhân cách và bản lĩnh con người Việt Nam nói chung và người Phật tử nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa.

2. Trong báo cáo của Ủy ban quốc tế giáo dục cho thế kỷ XXI (do Chủ tịch Jacque Delor tuyên bố) đã khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển tương lai của cá nhân, dân tộc và nhân loại. Báo cáo còn nhấn mạnh giáo dục là “kho báu tiềm ẩn” và đã đưa ra một tầm nhìn về giáo dục của nhân loại ở thế kỷ XXI trên cơ sở 4 trụ cột quan trọng là:

- Học để biết

- Học để làm

- Học để tự khẳng định mình

- Học để cùng chung sống

Như chúng ta đã biết, giáo lý đạo Phật đã tạo dựng một nền tảng giáo dục vững chắc để giải thoát con người trên nguyên tắc “Giới, Định, Tuệ”, “giải thoát và giải thoát tri kiến”. Như vậy là, đạo Phật không tách rời cuộc đời của chúng sinh, đạo và đời là nhất thể, cho nên con người cũng trở thành trung tâm giáo dục của Phật giáo. Mục tiêu cao đẹp của Phật giáo là giáo dục để chuyển hóa con người từ mê lầm đến giác ngộ, giải thoát, tức là đến với đời sống hạnh phúc và an lạc.

Lịch sử cũng đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam tham gia xuất sắc vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục từ rất sớm, thường xuyên, lâu dài và có được ảnh hưởng xã hội thật sâu rộng trong công chúng toàn xã hội. Chúng ta cần ghi nhận và tôn vinh đóng góp to lớn này của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam đã và đang làm tốt một chức năng quan trọng của tôn giáo là “phụng sự nhân sinh, đem lại an bình, hạnh phúc, kiến tạo một xã hội tốt đẹp để mọi người được sống trong sự yêu thương hòa hợp, trong một trật tự không bị áp chế bởi giáo điều hay quyền lực”. Khi còn tại thế, đức Phật dạy chúng sinh “Đừng tin tưởng vào những gì kinh sách đạo mình nói. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì chỉ vin vào uy tín và thẩm quyền của một người nào đó. Đừng tin tưởng điều gì vì nó được nhiều người nói đi, nhắc lại. Hãy tin tưởng vào những gì mà mình đã từng trải nghiệm, thấy là đúng, thấy có lợi cho mình và có lợi cho người khác”. Đó chính là tự do tư tưởng, là sự tôn vinh con người, là sự tin tưởng vào khả năng sáng tạo và tự giải thoát của mỗi cá nhân. Ta có thể thấy rõ tư tưởng nhân văn đó qua lời khuyên của vị quốc sư – Đại sa môn phái Trúc Lâm Yên Tử với Đức vua Trần Thái Tông ngay trong buổi đầu gặp mặt: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài”. Và như vậy, ta nhận thấy điểm nổi trội và đầy sức thuyết phục trong văn hóa Phật giáo thể hiện ở các khía cạnh sau:

Không chấp nhận một đấng tối cao toàn năng;
Không chấp nhận giáo điều, niềm tin mù quáng;
Không thiên về giáo lý mà khuyến khích con người hành đạo.

Phật giáo đề cao giá trị con người trên nguyên tắc “con người là chủ của chính mình và chịu trách nhiệm cho chính mình về bất cứ những gì mình đã làm”, mà không phụ thuộc vào thượng đế hay bất cứ thần phật nào khác. Đạo Phật khuyến khích lối sống đạo đức theo hướng Từ - Bi – Hỉ - Xả, với mô thức vận hành mềm dẻo là:

Làm từ thiện, dâng hiến tình thương một cách thầm lặng, không vì danh lợi;
Giữ giới, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè, cờ bạc, nghiện hút.
Thiền định, giữ cho tâm tĩnh lặng, tự tìm lại sự cân bằng về tâm lý và sự an lạc cho chính mình.


... cùng hơn 40.000 người từ khắp nơi về tham dự đại lễ ở sân chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. HCM) (Ảnh: internet)

Có thể nói, hệ thống giáo dục đạo đức theo “Giới, Định, Tuệ” là phương pháp giáo dục nhân bản “bỏ ác, theo thiện”. Đó là lối sống đạo đức rất có ích cho xã hội loài người hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Nội dung và mục tiêu giáo dục đạo đức của Phật giáo là nhằm giúp cho con người đạt được những kết quả quan trọng là: “Đạo đức hơn. Có khả năng hơn. Hạnh phúc hơn” (Hòa thượng Thích Chơn Quang “Các mối quan hệ hữu cơ  trong vấn đề giáo dục Phật giáo”. Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, năm 2001, trang 216). Suy rộng ra, ta thấy từ cấp độ tự giác ngộ của từng cá nhân, rất cần tiến tới mức độ tự giác ngộ của toàn dân tộc (về dân tộc và thách thức mà dân tộc ta đang đối mặt) và cả thế giới quanh ta thì Việt Nam mới đủ sức tồn tại, đua tranh và vươn lên cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Bằng vào phương thức tự giác ngộ theo “mô thức giáo dục Phật giáo”, chúng ta có thể đưa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc lên tầm cao của thời đại. Vì thế, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, ngoài pháp luật và các quy luật của kinh tế thị trường, chúng ta rất cần khai thác và phát huy giá trị giáo dục đạo đức trong di sản văn hóa Phật giáo. Điều cần thiết là, chúng ta cần biết chọn lọc và tiếp thu những mặt giá trị đặc sắc trong di sản văn hóa Phật giáo nói chung và giá trị giáo dục đạo đức của Phật giáo nói riêng, để từ đó, góp phần phục vụ thiết thực mục tiêu quan trọng hàng đầu là giáo dục, đào tạo, dung dưỡng, chăm sóc và phát huy cao nhất năng lực của con người Việt Nam – động lực quan trọng nhất của công cuộc phát triển đất nước.

3. Với góc nhìn di sản văn hóa, ta thấy trong Phật giáo Việt Nam có nhiều mặt giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cần được nghiên cứu, phát hiện tôn trọng và phát huy:

Thứ nhất, Phật giáo đã góp phần đào luyện cho đất nước nhiều vị danh tăng đáng kính, đức độ, có uy tín – những nhân tài thực sự xuất sắc có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội. Trong số đó tiêu biểu nhất có thể kể tới 3 vị thiền sư uyên thâm Phật pháp, lại hết lòng chăm lo đời sống cho muôn dân và đã có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc với tinh thần nhập thế, “hộ quốc an dân”. Đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Các vị danh tăng - nhân tài có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc như thế rất xứng đáng được tôn vinh là danh nhân văn hóa của đất nước.

Thứ hai, chúng ta tìm thấy trong Phật giáo Việt Nam một Phật pháp đậm chất Việt. Trên cơ sở Thiền tông, Phật giáo Việt Nam chẳng những thích nghi được với các yếu tố văn hóa truyền thống mang tính bản địa, mà còn dung hợp được “các yếu tố Khổng, Lão vào một nhà”. Đó là cơ sở vững chắc để xây dựng và củng cố “tinh thần Đại Việt” độc lập, tự chủ, “phi Hoa, phi Ấn” và khác biệt với Đông Nam Á về mặt văn hóa.

Giai đoạn huy hoàng nhất của Phật giáo Việt Nam, với thể chế chính trị thời đại Lý - Trần theo mô hình quân chủ quý tộc - Phật giáo, các vua Lý - Trần ngày ấy mặc dù “phải trải qua nhiều thách thức khắc nghiệt của lịch sử, không những đã giữ vững được chủ quyền của dân tộc mà còn tạo thế đi lên cho đất nước”  (Nguyễn Văn Kim “Thế ứng đối văn hóa của Đại Việt qua hành trang và tâm thức quý tộc thời Trần”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 311, tháng 5 năm 2010, trang 21). Rõ ràng, Thiền phái Trúc Lâm đã có vai trò là yếu tố tư tưởng quan trọng góp phần gắn kết lòng người và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là tinh thần nhập thế “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc - một đặc điểm nổi trội của Phật giáo Việt Nam.


Bộ tượng “Linh sơn tam thánh” thời Nguyễn, thế kỷ XIX - một trong những hiện vật đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm “Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam” do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Yên Phú (Thanh Trì, Hà Nội). (Ảnh: TL)

Thứ ba, trong lịch sử, Nho giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực tư tưởng và đời sống văn hóa của người Việt Nam. Tuy vậy, sự ảnh hưởng đó phần nhiều chỉ khuôn lại ở tầng lớp thượng lưu quý tộc và trí thức, mà ít có khả năng lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Ngược lại, Đạo Phật hội nhập vào Việt Nam không chỉ dừng lại ở các vị cao tăng kiến thức uyên thâm và “đạo đức sâu thẳm” trong các vương triều hoặc các trung tâm lớn của đất nước, mà đã bắt rễ sâu vào mọi mặt đời sống ở chốn thôn dã. GS. Cao Huy Thuần đã nhận xét xác đáng rằng, “Phật giáo thời Trần vừa rộng vừa sâu, rộng ở nền móng, sâu ở thượng đỉnh, dưới trên đều cùng một tư tưởng thông suốt”. Tầm ảnh hưởng của Phật giáo biểu hiện cụ thể qua sự hiện diện của ngôi chùa Phật ở tất cả các làng quê Việt Nam. Ta có thể không ngần ngại mà nói rằng, phàm là người Việt, có lẽ không một thế hệ nào, không một người nào lại không biết về Phật và Bụt. Phật giáo Việt Nam đạt được thành tựu trên là nhờ vào các lợi thế sau:

Đạo đức Phật giáo đã hội nhập một cách tự nhiên và ngày càng sâu sắc với đạo lý cổ truyền của dân tộc;
Các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức thực hành chức năng hoằng dương Phật pháp và giáo dục đạo đức Phật giáo thường là những người có trí tuệ, đạo đức và thực sự gương mẫu trong hành đạo.

Đạo Phật không thiên về “tầm chương, trích cú”, mà khuyến khích Phật tử thực hành giáo lý Phật giáo là giữ giới, thiền định và nhất là tự nguyện “dâng hiến” tình thương cho đồng loại. Đó là phương pháp giáo dục đơn giản về thực hành những lại tác động lên ý thức của Phật tử, làm thay đổi và củng cố hành vi thành thói quen thực hiện một cách tự giác. Bằng phương pháp giáo dục thích hợp, Phật giáo đã góp phần xây dựng những giá trị đạo đức nền tảng trong tiềm thức của con người.

Tóm lại, quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam cho chúng ta nhiều bài học và tấm gương về thế ứng đối văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển là:

Thứ nhất, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Thứ hai, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc ra thế giới để nâng cao vị thế của đất nước.

Thứ ba, dựa vào tinh thần dân tộc, chúng ta có thể tự tin tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa ngoại sinh, không phân biệt chúng có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu (phương Đông hay phương Tây, Đông Âu, Tây Âu hay Châu Mỹ), miễn là các yếu tố văn hóa đó thực sự có ích cho việc củng cố tinh thần, ý thức độc lập tự chủ, lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, theo nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường vận dụng là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”./.
PGS.TS Đặng Văn Bài
Nguồn: http://thegioidisan.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).