Thứ Tư 03 Tháng Giêng 2018 - 02:06:04 CH

Hoằng pháp Xưa và Nay

Hoằng pháp là một công tác quan trọng để con người thấm thuần chính pháp, giác ngộ giáo lý của Chư Phật. Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo, Ngài cũng nghĩ đến việc hoằng pháp trước tiên, chính vì thế nên Ngài thành lập giáo Hội Tăng già để Chư tăng lên đường hoằng dương chính pháp.
Trước khi Chư tăng lên đường vận chuyển pháp luân, Đức Phật có nhắn nhủ:  Các thầy vì  lợi ích lớn của Chư Thiên và loài người, nên Quý thầy không đi hai người một ngả. Qua lời dạy của Đức Phật Thích Ca chúng ta thấy Ngài rất quan tâm đến tầm quan trọng của việc hoằng pháp lợi sinh. Nếu đi hai người một ngả thì chỉ có ba mươi nẽo đường hoằng pháp, còn mỗi người một ngả thì được sáu mươi ngả đường có đệ tử của Phật Thích Ca hoằng pháp.
Ngày nay Quốc gia nào có giáo hội thì Quốc gia đó chắc chắn có Ban Hoằng Pháp. Đôi khi phương tiện hoằng pháp mỗi nơi có khác nhau, nhưng đều nhắm đến chúng sinh am tường chính pháp của Đức Từ bi.

I. HOẰNG PHÁP XƯA
1. Ý nghĩa và lợi ích:  là giúp cho chúng sinh hiểu được thiện ác. Nhằm phát huy điều thiện và xa lìa điều ác, vì mục tiêu của đạo Phật là không làm điều ác, thực hành các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch. Hoằng pháp ở đây chúng ta hiểu đa diện chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy giáo pháp hay biên soạn giáo lý.
Ngày xưa Đức Phật và chư thinh văn đệ tử của Ngài đi trì bình khất thực mỗi buổi sáng cũng là hình thức hoằng dương chính pháp. Hình thức này rất hữu hiệu và thực tiễn trong đời sống hằng ngày. Có rất nhiều người khi thấy Đức Phật trì bình khất thực khởi lòng tín thành và quy y. Đi khất thực là hình thức nhập thế của Đức Phật Thích Ca, vừa chứng tỏ con người có hoạt động xã hội, tạo duyên lành cho chúng sinh gieo duyên lành trong chính pháp; cơ hội giảng dạy giáo lý bằng phương pháp lý thuyết và thực hành; Khất thực là hình thức thể hiện hạnh Từ bi bác ái, tinh tiến và nhẫn nại trong giáo lý đạo Phật.  Trong kinh luật truyền thống hạnh đi trì bình khất thực là đời sống của chư phật, chứ không phải là tài sản riêng của Phật Thích Ca.
2. Phương tiện: Thông thường chúng ta thấy Đức Phật hoằng pháp ngày xưa bằng hai phương tiện, đó là:  đi bộ và thần thông. Trong Tăng Chi bộ kinh, chúng ta thấy  lịch sinh hoạt của Đức Phật mỗi ngày:
- Buổi sáng đi trì bình khất thực
- Buổi chiều thuyết pháp độ chúng sinh
- Buổi tối dạy đạo Chư Tăng
- Khuya giải đáp thắc mắc của chư thiên
- Rạng đông nhập từ bi quán để tìm chúng sinh hữu duyên tiếp độ.
3. Tư cách: Người hoằng pháp phải có tư cách đạo đức. Thiếu yếu tố này công cuộc hoằng pháp bị hạn chế. Người hoằng pháp, Đức Phật không giới hạn là người xuất gia. Là bậc xuất gia thì phải có Tam y và quả bát, gìn giữ giới học cho trang nghiêm và thanh tịnh. Người cư sĩ thì tối thiểu nghiêm trì tốt đẹp năm giới. Vì nền tảng  giáo dục căn bản của Phật giáo là: Giới- Định- Tuệ. Ba thành phần này không thể tách rời nhau được, mà phải liên kết với nhau chặt chẻ như hình với bóng. Giới năng sinh định và tuệ, không giới là không có định và tuệ.
Người hoằng pháp thiếu giới luật  giảng dạy  phật pháp người nghe cũng thiếu tập trung. Vì thông thường người thầy phải gương mẫu. Trong luật tạng Đức Phật cấm giảng pháp với những hạng người vô bịnh có cầm: dù, gậy, dao gươm, súng đạn, mang giầy dép, ngồi hoặc nằm trên giường, đội khăn, ngồi cao hơn mình, đi trước mình. Tất cả những giới Đức Phật cấm trên nhắm đến người nghe phải tuyệt đối tôn kính Pháp bảo. Người nghe phải có lòng tin nơi người thuyết giảng, phải hiểu và hành phật pháp thì mới có kết quả. Thiếu niềm tin là thiếu tất cả. Có tin thì mới có tấn, niệm, định và tuệ.
4. Bốn cách thuyết giảng của Đức Phật: Thường trong một bài thuyết pháp của Đức Phật, Ngài sử dụng bốn phương pháp để người nghe dễ lãnh hội: Giải thích, Thuyết phục, Sách tấn, Khích lệ.
Giải thích giáo lý để người nghe nhận chân được nhân quả rõ ràng để bỏ tà quy chính, lìa bờ mê hướng bến giác, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Thuyết phục là Ngài chỉ cho người nghe thấy được giá trị của Pháp bảo, không dám dễ duôi quên mình .
Sách tấn nhằm động viên người nghe nhiệt tâm tinh cần trong chính pháp, giảm thiểu lười biếng, vì lười biếng không tiến bộ trong nhà phật, gia tăng hạnh tinh tiến và nhẫn nại.
Khích lệ là Ngài chỉ cho người nghe thấy được điều lợi ích khi thực hành chính pháp.
5. Nhiệm vụ người giảng và kết quả của người nghe: Trong Tăng chi kinh, Đức Phật dạy người giảng pháp phải có và thông hiểu năm phận sự của mình (dhammadesakadhamma):
- Thuyết tuần tự thứ lớp, có nghĩa là từ thấp lên cao
- Thuyết y cứ theo pháp môn và kinh điển
- Thuyết vì lòng từ bi, muốn cho người khác được lợi ích
- Thuyết không vì lợi lộc, không muốn được lợi hay được đền đáp
- Thuyết không đụng chạm mình và người khác, không cố ý châm chích, khen mình chê người.
Người giảng pháp thiếu một trong năm chi phần này xem như là nhiệm vụ người hoằng pháp không hoàn hảo. Thuyết pháp chứ không phải là hùng biện như những nhà tâm lý và chính trị. Không nên mượn diễn đàn phật pháp để thể hiện tri kiến cá nhân của mình, không nên lấy hiểu biết thế học của mình hay một danh nhân nào đó cho là Phật thuyết giảng. Lại càng không nên lấy giáo lý của Đức Phật châm chích, chê bai người này nguời nọ, không nên lấy giáo lý của Đức Phật để làm vũ khí bắn phá những học thuyết khác nhằm để tô điểm bản ngả cá nhân của mình.
Người giảng pháp, Đức Phật dạy phải giảng bằng ngôn ngữ từ bi hỷ xả, chí công vô tư, không vì lợi lộc. Chỉ nhằm mục đích duy nhất để người nghe hiểu được lời Phật dạy, áp dụng tu hành, đoạn trừ tham sân si, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Trong Tăng chi kinh quyển ba, Đức Phật cũng dạy năm lợi ích của người nghe pháp (Dhammassavanànisamsa):
- Nghe được pháp chưa từng nghe
- Thông suốt pháp đã nghe
- Đoạn trừ được nghi hoặc
- Giúp tri kiến đúng đắn
- Nội tâm trong sáng
Trí tuệ phát sinh là nhờ đọc kinh sách, nghe thuyết giảng, chiêm nghiệm những gì đọc và nghe phật pháp, tu tập thiền quán. Như vậy nghe Phật pháp là một trong những điều kiện trí tuệ gia tăng. Có nghe thì mới hiểu, có hiểu thì mới hành, có hành thì mới thành. Đa số Chư thiên và nhân loại giác ngộ và giải thoát nhờ nghe Phật pháp.

II. HOẰNG PHÁP NGÀY NAY
1. Tụng kinh: Ngày nay đa số các chùa Phật tử đến tụng kinh công phu chiều rất đông, thậm chí tụng tam tạng. Đây là hình thức hơi khác biệt với thời Đức Phật còn sinh tiền. Việc làm đó không ngoài mục đích để người Phật tử thấm nhầm chính pháp sau mỗi ngày tụng kinh. Người tụng kinh phải có chính niệm và tỉnh thức thì mới tụng không lầm lẫn. Như vậy tụng kinh công phu cũng là hình thức gia tăng chính niệm trong đời sống tu tập. Người tổ chức tụng kinh công phu cũng là người hoằng pháp.
Những lễ nghi trong đời sống của người cư sĩ như: đám ma, đám cưới, đám giổ đều cung thỉnh Chư tăng đến tụng kinh cầu nguyện và ban phúc lành, hình thức lễ nghi như vậy cũng là hoằng pháp. Thường những lễ nghi đó có tổ chức thuyết giảng phật pháp để thí chủ tròn đủ tài thí, vật thí và pháp thí. Đám ma là một nghi lễ để giảng giải phật pháp trong tang quyến có hiệu quả thiết thực. Vừa tụng kinh vừa giảng giáo lý vô thường để chỉ cho tang quyến thấy được sự tạm bợ của thế gian, nhằm nhàm chán để tu hành.
2. Viết kinh, dịch sách:  Là bộ phận hoằng pháp lợi ích lớn và có giá trị cao. Thuyết pháp giống như gió thoảng mây bay, người nghe khó lãnh hội hoàn toàn. Nhưng kinh sách để đầu giường ghiền ngẫm năm này qua tháng nọ, giúp Phật tử dễ chiêm nghiệm và thực hành chính pháp hơn.
Xuất bản một quyển kinh và một tác phẩm thiền là một món quà tinh thần tuyệt vời, có khả năng chuyển đổi đời sống nội tâm của người Phật tử. Ấn tống, biếu tặng một quyển kinh cũng là nghệ thuật hoằng pháp. Ngày sinh nhật của vua Thái Lan, ông cho tái 45 quyển Tam tạng  và 92 quyển chú giải để biếu tặng cho những ngôi chùa vùng sâu vùng xa để chư tăng có đủ điều kiện học phật pháp.
3. Xây một mái chùa: Nhiều ngôi chùa ở các nước Phật giáo cũng như ở Việt Nam thể hiện nghệ thuật kiến trúc khá độc đáo. Đường nét kiến trúc gắn liền với chính pháp. Nhìn mái chùa cong cong giúp  tâm hồn người phật tử cũng như không phật tử làm nhẹ bớt đi những ưu phiền trong cuộc sống. Người có tâm hồn nghệ sĩ nhìn mái chùa học được giáo lý của Đức Phật qua việc ẩn dụ trong đường nét nghệ thuật kiến trúc. Đúng là mái chùa che chở hồn dân tộc, mái chùa là bài pháp vô ngôn.
4. Phương tiện: Có thể nói phương tiện hoằng pháp ngày nay có phần thuận lợi hơn thời Đức Phật. Nói là thuận lợi nhưng chưa dám nói là thành công. Chư tăng hoằng pháp từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ Quốc gia này sang Quốc gia khác phương tiện di chuyển bằng xe và bằng mái bay hay bằng điện thoại. Có thể trong một ngày, sáng Chư tăng thuyết pháp ở Quốc gia này, chiều thuyết pháp ở Quốc gia khác.
Có những trường hợp người Phật tử hấp hối trong bệnh viện ở bên kia bán cầu cần nghe lời kinh và đạo từ của sư phụ họ, bằng phương tiện điện thoại là họ có thể thực hiện được tâm nguyện của người hấp hối.
Đoàn từ thiện của Phật giáo phát quà cho những người bị thiên tai và vùng sâu vùng xa cũng thể hiện tinh thần hoằng pháp lợi sinh. Buổi cơm cho người già, giếng nước làng quê, nhà tình thương được xây dựng, những trẻ em lang thang đường phố và những trẻ em bất hạnh thiếu cha mẹ được giới Phật giáo chăm sóc và nuôi nấng ăn học nên người. Những nghĩa cử đó chỉ tỏ tấm lòng từ thiện, nhưng tính chất hoằng pháp không thể không có. Vì họ phải tự nhủ ai lo cho mình, câu trả lời là Phật giáo.
Hoằng pháp xưa và nay tuy hình thức khác biệt theo biến thiên của thời gian và sự tiến bộ văn minh của con người, nhưng mục đích đều hướng dẫn đại chúng thâm nhập và liễu ngộ chính pháp. Xưa phương tiện có phần nhiêu khê và vất vả nhưng  phẩm chất và kết quả thì vẫn chiếm ưu thế. Ngày nay nền khoa học tiến triển phương tiện hiểu và biết phật pháp rất dễ dàng.
Có thể ngồi trên máy vi tính chúng ta có thể giải đáp và học được tất cả kinh điển Phật giáo bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng thông thường văn minh và thuận lợi chừng nào thì con người dẫn đến tinh trạng lười biếng và phẩm chất đạo đức suy giảm.
Nguồn: http://www.phatgiaonguyenthuy.com
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).