Thứ Tư 06 Tháng Mười Hai 2023 - 08:56:58 CH

Kiên Giang: Vị thượng tọa hết lòng với công tác giáo dục tỉnh nhà

Thời gian qua, thượng tọa Danh Phản - Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Sóc Xoài (Hòn Đất) đã tích cực vận động các nguồn lực để chăm lo cho các vị tăng sinh và đồng bào Khmer khó khăn được tiếp tục học tập. Từ những sự hỗ trợ của thượng tọa, đến nay nhiều tăng sinh và học sinh đã thành công trong cuộc sống.



Hơn 30 năm tu học, thượng tọa Danh Phản luôn xác định, chỉ có con đường học tập mới giúp đồng bào thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chính vì thế, hàng năm thượng tọa Danh Phản đã tích cực vận động các nguồn lực để hỗ trợ những tăng sinh, học sinh là đồng bào Khmer khó khăn. Năm 2017, thượng tọa Danh Phản vận động đồng bào phật tử đóng góp xây dựng ngôi tăng xá, phòng học, mua bàn ghế... với tổng kinh phí 7,585 tỷ đồng. Từ khi xây dựng các phòng học đến nay, chùa trở thành nơi tu học của tăng sinh trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, trung bình trường có khoảng 200 tăng sinh, học sinh theo học, có năm cao điểm lên đến 500 tăng sinh, học sinh.

Khoảng 2 thập niên qua, thượng tọa Danh Phản là một vị sư có công lớn trong việc bảo tồn và giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. Hàng năm, thượng tọa luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tăng sinh và con em đồng bào phật tử tiếp cận ngôn ngữ, chữ viết Khmer. Đặc biệt, vào các dịp hè, thượng tọa Danh Phản còn vận động đồng bào phật tử đóng góp kinh phí để mua tập, viết, sách cho tăng sinh, học sinh tham gia học chữ Khmer tại chùa. “Năm nay nữa em học chữa Khmer được 3 năm, bên cạnh dạy đọc viết chữ Khmer, thầy còn dạy em và các bạn biết hiếu thảo và tôn trọng những người lớn tuổi. Chùa cũng thường xuyên tặng tập viết cho em và các bạn khó khăn để có đủ điều kiện học tập” em Danh Hạo Khang, ngụ ấp Vàm Răng, xã Sơn Kiên (Hòn Đất) chia sẻ.



Có những năm tăng sinh tham gia học tập tại chùa đông, thượng tọa Danh Phản lại vận động đồng bào đóng góp xây dựng tăng xá để tăng sinh an tâm tu học. Thượng tọa còn thường xuyên trao tặng những suất học bổng cho những tăng sinh và học sinh khó khăn. Những suất học bổng đã hỗ trợ kịp thời giúp tăng sinh, học sinh vượt qua khó khăn để tiếp tục công việc học tập. “Gia đình cũng khó khăn, nhà xa trường nên sư chọn được ở chùa Sóc Xoài để học tập. Tại chùa có chổ ăn, ở cho tăng sinh ở xa. Thượng tọa cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và trao tặng học bổng. Từ những suất học bổng giúp sư trang trải trong việc học” sư Danh Như cho biết.



Nhiều tăng sinh được đào tạo tại Trường Pali - Kinh luận giới tỉnh đến nay đã có việc làm ổn định. Thạc sĩ Danh Đồng - Bí thư Đoàn Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang cho biết: “Khi còn học tại chùa Sóc Xoài, thượng tọa Danh Phản thường xuyên thăm hỏi tôi và các tăng sinh khác. Thượng tọa còn thường xuyên vận động tăng sinh và đồng bào Khmer học các lớp cao học để nâng cao thêm sự hiểu biết. Tôi còn nhớ, khi tôi gặp khó khăn, thượng tọa đã động viên và hỗ trợ tôi, nhờ đấy tôi đã hoàn thành được ước mơ như ngày hôm nay”.

Đối với đồng bào Khmer, chùa được xem là nơi tập trung nhiều loại hình văn hóa kiến trúc lâu đời, cũng là nơi phục vụ sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer. Chùa cũng là nơi bảo tồn và duy trì tiếng nói, chữ viết, những di sản văn hóa. Hiểu được điều đấy, bên cạnh việc dạy chữ Khmer, tiếng Pali, kinh Luận giới, thượng tọa Danh Phản còn tổ chức cho các trẻ là đồng bào Khmer học nhạc ngũ âm, học các điệu múa truyền thống của đồng bào. Vào các dịp lễ hội truyền thông, tại chùa Sóc Xoài những bạn trẻ sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Thông qua những việc làm đã góp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Khmer.



Theo thượng tọa Danh Phản việc học là vô cùng quan trọng. Khi có được những kiến thức, đồng bào có thể áp dụng vào sản xuất hoặc kinh doanh, từ đó sẽ vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, thượng tọa đã trao tặng trên 1.000 quyển tập, viết, sách, trao tặng trên 100 suất bổng cho tăng sinh, học sinh khó khăn với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, thượng tọa còn hỗ trợ cho những tăng sinh đang theo học tại các trường đại học và những tăng sinh đang là nghiên cứu sinh. Mới đây, thượng tọa đã tham mưu Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh thành lập học bổng “Ươm mầm Tăng tài phụng sự Đạo pháp - Dân tộc”. Học bổng được thành lập nhằm kịp thời hỗ trợ chư tăng có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học tập.



Riêng bản thân thượng tọa Danh Phản cũng không ngừng phấn đấu học tập, tiếp thu những chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động tôn giáo, để tuyên truyền, giáo dục đến chư tăng, đồng bào Khmer. “Khi thấy được những học trò từ chùa giờ đã trở thành những thạc sĩ, cử nhân và trở thành người có ích cho xã hội đó làm niềm vui, niềm tự hào của sư. Sư sẽ cố gắng hơn nữa trong công tác vận động để chăm lo cho các tăng sinh, học sinh để cùng chính quyền địa phương nâng cao được trình độ dân trí, giúp người dân nâng cao nhận thức, sự hiểu biết để từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững” thượng tọa Danh Phản cho biết.
 
Thiện Hiếu
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).