Thứ Tư 20 Tháng Sáu 2018 - 02:17:12 CH

NHỮNG BÀI HỌC TỪ NỀN TẢNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

Ngày nay, đất nước hòa bình thịnh trị, Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững. Trong ngôi nhà chung ấy, Phật giáo Nam tông Khmer đã phát huy truyền thống tốt đẹp trên quê hương Nam Bộ với bản sắc riêng luôn được tôn trọng.
 
1. Truyền thống xuất gia niên thiếu
Trong ý nghĩa Phật giáo Khmer đồng hành cùng dân tộc, chúng tôi xin nói về một truyền thống đáng quý của Phật giáo Nam tông Khmer. Truyền thống này đã thấm sâu vào tập quán của các cộng đồng người Việt ở nơi có những ngôi chùa làng gần gũi với với ngôi chùa Khmer, đó là truyền thống xuất gia niên thiếu của trẻ em làng quê người Việt, vào tu ở những ngôi chùa địa phương ở Nam Bộ.

Lâu nay, chúng ta ai cũng biết truyền thống đưa trẻ vào chùa ở tất cả phum sóc người Khmer. Đó là một truyền thống tu báo hiếu, giáo dục đạo đức làm người đáng quý trong cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer. Mọi người nghĩ rằng, truyền thống này chỉ có ở Phật giáo Nam tông Khmer thôi.

Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, truyền thống này đã được người Việt tiếp thu và thực hiện thành tập tục địa phương tại các vùng đất Nam Bộ có ảnh hưởng Phật giáo Nam tông Khmer. Dần dần, tập tục này lan tỏa ra đến Miền Trung, Miền Bắc, tuy không phải là truyền thống tập quán của Phật giáo Bắc tông, nhưng nó có ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành một tập tục của Phật giáo người Việt. Có thể nói, ở Phật giáo người Khmer gọi là truyền thống, còn ở Phật giáo người Việt thì gọi là tập tục. Ta thử tìm hiểu mục đích, ý nghĩa của truyền thống này trong Phật giáo Nam tông Khmer như thế nào. Xuất gia niên thiếu có bốn ý nghĩa:

Một là, tu đền trả hiếu.
Hai là, rèn luyện đạo đức.
Ba là, học tập chữ nghĩa.
Bốn là, nếp sống tập thể.

Với bốn ý nghĩa trên, ta thấy truyền thống giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer góp phần rèn luyện căn bản cho tuổi trẻ đạt một chuẩn mực nhân cách đạo đức cho bản thân để bước vào cuộc sống xã hội.

Thế thì, việc học hỏi truyền thống tốt đẹp này để trở thành tập tục cho xóm làng của người Việt quả là tập tục mang tính tích cực cho việc định hướng giáo dục nhân cách cá nhân để bước vào xã hội.

2. Truyền thống tâm linh nội tại
Mỗi dân tộc đều có truyền thống tâm linh nội tại của mình. Nếu như tập quán của người Việt là truyền thống mở, thích học hỏi và dung hòa được các lĩnh vực tri thức văn hóa tôn giáo khác nhau trên thế giới, thì người Khmer lại có suy nghĩ khác. Họ luôn trung thành với quan niệm, chỉ có nền tảng Phật giáo truyền thống là tâm linh nội tại của họ vậy.

Cho đến bây giờ, chúng ta thấy rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều có sự giao thoa tư tưởng, truyền bá học hỏi các tôn giáo khác nhau, điển hình là Tin Lành, hiện đang phát triển lớn mạnh và truyền bá sâu rộng ở các nước phát triển lẫn các nước chưa phát triển. Thế nhưng, đối với người Khmer ở Nam Bộ và ngay cả đất nước Campuchia, vẫn căn bản thuần túy một nét Phật giáo Nguyên thủy, Tin Lành chưa thể phát triển vào cộng đồng này, ngay cả Phật giáo Bắc tông cũng không dễ dàng được chấp nhận trong đời sống tâm linh của họ như thế.
Vì sao như vậy? Đó chính là nền tảng dân tộc tính của họ, luôn được dạy dỗ tôn trọng truyền thống tâm linh nội tại trong chính mỗi người Khmer. Chúng tôi đã trực tiếp phỏng vấn và tìm hiểu xem vì sao các luồng văn hóa tôn giáo khác không dễ xâm nhập vào cộng đồng người Khmer, cũng đặt câu hỏi với những học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học Hòang gia Campuchia về khía cạnh này, và được trả lời rất cụ thể: Đó là do truyền thống nội tại tâm linh vốn có của người Khmer, được hun đúc từ ngàn đời, chỉ có một tôn giáo làm nên bản sắc văn hóa tâm linh của họ là Phật giáo Nam tông. Người Khmer được giáo dục từ bé trong của ngôi chùa và từ ông bà tổ tiên nối truyền, đó chính là nền tảng tinh thần dân tộc, là truyền thống văn hóa, là tâm linh nội tại đã gắn bó hữu cơ với họ không thể tách rời vậy.

Bài học thứ hai này tuy khác hẳn truyền thống người Việt, nhưng giá trị của nó là khiến cho người Việt hãy quý trọng những truyền thống thật sự của mình, đừng để bị sự xâm nhập của những nguồn văn hóa tư tưởng khác mà làm phai nhòa đi bao nền tảng bản chất tốt đẹp sẵn có.

3. Góp phần trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo và giải phóng dân tộc
Trong quá trình đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ, sự chung sống sinh hoạt và lòng thủy chung của người Khmer được thể hiện qua những đóng góp cho Phật giáo Việt Nam, cho sự nghiệp cách mạng giành độc lập thống nhất đất nước. Biết bao tấm gương hy sinh của các nhà Sư Khmer, biết bao đóng góp xương máu, vật chất lẫn tinh thần của chùa Khmer ở từng phum sóc cho vùng đất này được mầu mỡ bình yên.
Điển hình cho những đóng góp này là công lao và sự nghiệp của các vị danh tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Một số vị đã được vinh danh trong hai quyển Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1994 và 1997. Còn lại những vị khác, chúng tôi dang lần lượt tiến hành tôn vinh trong những công trình kế tiếp.

Xin đơn cử các vị danh tăng Phật giáo Nam tông Khmer mà chúng tôi sưu tập được như sau:

Các vị danh tăng giai đoạn tiền chấn hưng (1880 – 1927):
1/ Hòa thượng Tăng Phô                      (1847 – 1896)

Các vị danh tăng giai đoạn chia đôi đất nước (1954 – 1975):
1/ Hòa thượng Sơn Vọng                     (1886 – 1963)
2/ Hòa thượng Tăng Nê                       (1899 – 1965)
3/ Hòa thượng Hữu Nhiêm                  (1917 – 1966)
4/ Hòa thượng Thạch Koông               (1879 – 1969)
5/ Hòa thượng Tăng Sanh                    (1897 – 1970)
6/ Đại đức Liệt sĩ Danh Hoi               (1951 – 1974)
7/ Đại đức Liệt sĩ Danh Tấp                (1941 – 1974)
8/ Đại đức Liệt sĩ Lâm Hùng              (1947 – 1974)
9/ Đại đức Liệt sĩ Danh Hom             (1950 – 1974)
10/ Hòa thượng Danh Hâu                   (1910 – 1974)

Các vị danh tăng giai đoạn thống nhất đất nước (1975 – 2000):
1/ Hòa thượng Lâm Em                       (1898 – 1979)
2/ Hòa thượng Nam Huân                    (1899 – 1982)
3/ Hòa thượng Danh Dện                     (1917 – 1987)
4/ Hòa thượng Châu Phượng               (1914 – 1988)
5/ Hòa thượng Tăng Đuch                   (1909 – 1985)
6/ Hòa thượng Danh Dinl                    (1908 – 1992)
7/ Hòa thượng Oul Srey                      (1910 – 1995)
8/ Thượng tọa Ngô Văn Ẩm                (1949 – 1998)

Các vị Danh Tăng viên tịch đầu thế kỷ XXI (2001 – nay) :
1/ Hòa thượng Maha Saray                  (1918 – 2001)
2/ Hòa thượng Châu Mum                   (1921 – 2002)
3/ Hòa thượng Kim Tốc Chơn... 
       
Còn biết bao vị tôn đức sư sãi Khmer khác mà chúng tôi chưa thể thống kê được ở Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... và các vùng đất Nam Bộ khác. Có vị đã ngã xuống vì mảnh đất này để tô đẹp màu sắc quê hương; có vị lưu dấu tích thiên thu nơi những ngôi chùa, làm điểm tựa đạo đức cho bao thế hệ sư sãi nối truyền chánh pháp Phật Đà. Họ đại diện cho Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ, góp phần chứng minh sự nghiệp đồng hành của họ với dân tộc, với đất nước quê hương Việt Nam.

Chúng tôi mong rằng, qua cuộc hội thảo này, chúng ta hãy cùng với chúng tôi, quyết tâm chung tay khảo cứu thêm, biên soạn và xuất bản cho được quyển sách chuyên đề Danh tăng Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ. Đó được xem là tổng hợp kết quả sự đóng góp to lớn của sư sãi Khmer đồng hành cùng dân tộc, với Phật giáo Việt Nam như thế nào.
*
*            *
Qua ba bài học nền tảng trên đây của Phật giáo Nam tông Khmer hay của chính người Khmer, dù trên đất nước Campuchia hay trên đất nước Việt Nam, chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ truyền thống, để đóng góp vào lịch sử Phật giáo nước nhà, vào nền tảng văn hóa xã hội và vào đời sống tâm linh của người Việt.
Ngày nay, đất nước hòa bình thịnh trị, Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững. Trong ngôi nhà chung ấy, Phật giáo Nam tông Khmer đã phát huy truyền thống tốt đẹp trên quê hương Nam Bộ với bản sắc riêng luôn được tôn trọng.
Tóm lại, Phật giáo người Việt cũng có được nhiều bài học từ Phật giáo người Khmer, đó là phương cách giữ gìn bản sắc riêng không bị đồng hóa, bền bỉ thủy chung với truyền thống tâm linh nội tại, truyền thống xuất gia niên thiếu, đã gieo mầm đạo đức từ rất sớm, một cách giáo dục xã hội căn bản mà chính người Việt cần phải tiếp thu bổ sung cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
TT.TS. Thích Đồng Bổn
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Sách: Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc. NXB Văn hóa – Văn nghệ. 2017
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).