Thứ Năm 17 Tháng Tám 2017 - 07:49:37 SA

Phật giáo Nam tông Khmer ở Cà Mau và những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

1. Đặt vấn đề So với các tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ, đồng bào Khmer ở Cà Mau có số lượng không đông 7.349 hộ, 40.012 nhân khẩu[1]. Trong tỉnh hiện có 07 chùa và 02 Salatel thuộc hệ Phật giáo Nam tông Khmer; hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer có 07 chùa với 25.056 Phật tử, có 31 vị sư sãi, có 02 Hòa thượng, 01 Thượng tọa, 17 Đại đức và 166 chức việc [2]. Đa phần người Khmer trong tỉnh, là tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer; số lượng tín đồ có khoảng 35.000 người. Phật giáo Nam tông Khmer là một trong 4 hệ phái Phật giáo hiện có ở Cà Mau đang sinh hoạt trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
 Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước Phật giáo Cà Mau nói chung, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng đã đóng góp nhiều công sức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, có 400 gia đình có công với cách mạng, 200 gia đình liệt sĩ, 150 gia đình thương binh, 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang[3]. Nhiều nhà sư tham gia kháng chiến cống hiến cho cách mạng như: Liệt sĩ, Hòa thượng Hữu Nhem, nguyên là Tăng trưởng chùa Cao Dân, cố vấn Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (HĐKSSYN) Khu Tây Nam bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Tăng Nê, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; Hòa thượng Tăng Hô; Đại đức Kim Cơ và nhiều vị sư khác đã tích cực vận động sư sãi, tín đồ Phật tử trong khu vực tham gia cách mạng, góp phần cho sự ngiệp chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc. Ngày nay, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước tích cực đóng góp công sức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VI, tại An Giang
 
2. Đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer ở Cà Mau trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước
 
- Trong kháng chiến chống Pháp, cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ như “ngàn cân treo sợi tóc”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; hũ gạo nuôi quân; tuần lễ vàng.., đồng bào Kinh, Hoa, Khmer ở Cà Mau đã tích cực hưởng ứng tham gia. Nhất là các chương trình hành động của Việt Minh dưới nhiều hình thức, nội dung ngắn gọn như: “đất nước độc lập”, “người cày có ruộng”, “tự do tín ngưỡng” đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trong đó có đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer. Trong thành phần Ủy ban Việt Minh các cấp có không ít trí thức, sư sãi và đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer đảm nhiệm chức vụ quan trọng về vị trí, trách nhiệm của mình đối với quốc gia, dân tộc ngày càng được nâng cao. Nhiều tấm gương yêu nước tiêu biểu, như bà Đào Thị Sóc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời mỗi năm canh tác trên 100 công ruộng góp lúa nuôi quân và vận động đồng bào Khmer, nhất là sư sãi, trí thức Phật giáo Nam tông Khmer tham gia cứu quốc[4].
 
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tại nhiều điểm chùa như: Cao Dân xã Tân Lộc và Đầu Nai xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình ngày nay; chùa Rạch Cui xã Khánh Bình Đông và chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời các vị sư sãi tích cực tham gia hoạt động cách mạng, xuống đường biểu tình giành chính quyền về tay nhân dân.
 
Tiêu biểu như chùa Cao Dân, năm 1943, Mặt trận Việt Minh chọn Chùa Cao Dân làm cơ sở cách mạng, nuôi chứa cán bộ, có cả cán bộ Trung ương Đảng đưa vào miền Nam, như cụ Vũ Đức. Trong thời gian này, ông Kim Cơ làm Đại đức Tăng trưởng, chính ông đã nhận thức được chân lý cách mạng, hăng hái lãnh đạo sư sãi và phật tử thực hiện mọi chủ trương của Đảng, của cách mạng.
 
Năm 1945, cả nước đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám, Đại đức Kim Cơ lãnh đạo sư sãi và phật tử xuống đường giành chính quyền. Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên Hội Tương tế ái hữu. Lúc này, Ban Quản trị của chùa được thành lập, thành viên hầu hết là cán bộ cách mạng như ông Danh Văn đại diện cho Mặt trận Liên Việt; ông Đinh Minh Chánh đại diện cho Đảng Cộng sản, ông Hữu Khươl đại diện cho Hội nông dân, các ông đều được cụ Vũ Đức bổ nhiệm.
 
Thực dân Pháp thực hiện âm mưu gây chia rẽ sức mạnh khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng, đã có nhiều vụ xô xát đẫm máu ở một số nơi như: Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, Thới Bình… Trước nguy cơ đó, Đảng và Mặt trận cử Đại đức Kim Cơ đứng ra hoà giải hàn gắn tình đoàn kết giữa người Kinh và người Khmer. Đại đức đã thuyết phục và vạch rõ âm mưu của bọn thực dân làm cho mọi người hiểu rõ đâu là chân lý, đem lại sự đoàn kết cao, bảo vệ được sức mạnh của cách mạng và niềm tin của đồng bào đối với Đảng, với cách mạng. Sau này, cụ Vũ Đức phong tặng cho Đại đức là trung tâm đoàn kết của người Khmer tỉnh Cà Mau. Đại đức cũng là người canh gác cho nhiều cuộc họp quan trọng của các tổ chức, cơ sở cách mạng. Với trí thông minh và lòng dũng cảm Đại đức dùng nhiều hình thức để bảo vệ cơ sơ, bảo vệ Đảng. Trong các cuộc họp, nếu phát hiện địch đi càn quét thì lập tức Đại đức đánh trống hoặc kẻng báo động cho cán bộ ta. Khi địch hỏi thì Đại đức trả lời: “báo động tập hợp sư ăn cơm hoặc lao động”. Nhờ vậy, mà tính mạng của nhiều cán bộ hoạt động cách mạng ở cơ sở được bảo đảm an toàn.
 
Đến năm 1953, phái đoàn Ysarắc về thăm Cà Mau, do ông Sơn Ngọc Minh làm trưởng đoàn và một số thành viên như: Trịnh Thới Cang, Sà Gây Chí (Sáu Tùng), Lâm Minh Sang đã chọn chùa Cao Dân làm điểm mít tinh đại diện cho dân tộc Khmer tỉnh Cà Mau. Sau đó, mở lớp bồi dưỡng chính trị 3 tháng cho cán bộ Khmer tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về đường lối kháng chiến của Đảng, của Bác Hồ[5].
 
Chính vì những hoạt động sôi nổi của chùa như vậy, nên ngày 17/4/1953 thực dân Pháp đã cho máy bay dội bom ngay chùa làm hư hỏng nặng và bị thương một số người và bà thường trụ tại chùa Kim Thị Yến. Cũng trong năm này, Đại đức Kim Cơ xuất thế, được Đảng tiếp tục đào tạo làm cán bộ Khmer vận tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng.
 
- Trong kháng chiến chống Mỹ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer và sư sãi tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường cùng với các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nhiều người con ưu tú của dân tộc Khmer ở Cà Mau đã trở thành anh hùng, liệt sĩ, nhiều phụ nữ dân tộc Khmer đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng như Anh hùng lực lượng vũ trang Danh Thị Tươi, Anh hùng lực lượng vũ trang Lâm Thị Hol.
 
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ở vùng Bạc Liêu – Cà Mau trong thời gian 200 ngày, địch phải thực hiện rút quân và giao ta tiếp quản thêm một số thị tứ, xã trong khu vực. Thời điểm này, nhiều nhiệm vụ cấp bách được giải quyết, đặc biệt tại các chùa Khmer Nam tông và cơ sở cách mạng đồng loạt thực hiện tiễn đưa con em đồng bào Khmer tập kết ra Bắc. Tại một số điểm chùa như chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, ngày 08/2/1955, Đại đức Thạch Kên và một số vị sư Khmer đã tiễn đưa 5 vị sư đi tập kết ra Bắc, đó là: Danh Chương, Châu Ngọc Ảnh, Sơn Wan Na Ri, Lý Xô, Trần Trí và trên 100 con em là người Khmer lên tàu ra Bắc. Trong đó, có bà Đào Thị Sóc, chiến sĩ thi đua nông nghiệp Nam Bộ cũng mang theo 4 người con là Kim Thưng, Kim Xuân, Kim Mạnh, Kim Giỏi ra Bắc[6].
 
Tại chùa Cao Dân, sau khi Đại đức Kim Cơ xuất thế, thoát ly hoạt động cách mạng, công việc ở chùa giao cho Đại đức Hữu Em (1953-1961), nhưng thời gian không dài. Sau đó lại giao cho Đại đức Hữu Nhem đảm nhiệm và tiếp tục hoạt động cách mạng. Chùa cũng là điểm tập trung cán bộ Khmer và con em học tập để đưa đi tập kết. Một số con em đồng bào dân tộc Khmer ấp 7, xã Tân Lộc được tuyển chọn đưa đi tập kết như: Lý Sam, Hữu Sung, Hữu Sà Ranh, Danh Thị Leng, Lâm Thươl, Trần Thành Phôn, Sơn Thị Sa Phy, Hữu Mâu[7]. Người ở lại và người được đi đều quán triệt tinh thần “đi cũng vinh quang ở lại cũng vinh quang”.
 
Đối với sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ở Cà Mau, vai trò của đại đức Hữu Nhem vô cùng quan trọng được Đảng, Mặt trận phân công chỉ đạo bí mật cơ sở và hoạt động rộng cả khu vực chùa Tam Hiệp, chùa Rạch Cui huyện Trần Văn Thời. Trong quá trình hoạt động của mình, Đại đức đã tranh thủ thuyết phục được nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính người Kinh, người Khmer trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền quay trở về với đồng bào, với cách mạng. Chính điều đó làm cho địch càng dè dặt và thận trọng theo dõi Đại đức Hữu Nhem.
 
Đối phó với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, sau Đồng khởi, địch đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng. Trước những biến cố đó, Đại đức đã vận động Phật tử đấu tranh và buộc tên Tỉnh trưởng phải bồi thường thiệt hại về sinh mạng của 02 em bé, tiền điều trị thuốc cho 7 vị sư và 16 Phật tử bị thương trong vụ xả súng cối 81 ly vào chùa Cao Dân ngày 15/6/1960 và buộc chính quyền Ngô Đình Diệm thay đổi tên Tỉnh trưởng và tên Trưởng ty Miên vụ. Qua sự kiện này, để giữ bí mật trong hoạt động cách mạng, Đại đức Hữu Nhem giao lại cai quản và trụ trì chùa cho Đại đức Hữu Khum, Đại đức Đào Minh Trí và về tiếp tục hoạt động cách mạng tại chùa Rạch Cui, chùa Tam Hiệp, huyện Trần Văn Thời. Năm 1961, Đại đức được giới thiệu làm Chủ tịch Mặt trận xã Tân Lộc và được kết nạp vào Đoàn thanh niên giải phóng. Năm 1962, Đại đức được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc khu Tây Nam bộ và được bầu làm cố vấn Hội đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ. Ngày 20/02/1964, Đại đức Hữu Nhem vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam[8]. Ngày 07/10/1966, trong một trận càn quét của địch, Đại đức đã hy sinh tại chùa Tam Hiệp.
 
Mỹ ngụy thực hiện âm mưu đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng còn cho dội bom xuống nhà của đồng bào Khmer gây bao tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, Đại đức Hữu Khum đã chủ trương cho các sư sãi bám vào các chòi của dân lánh nạn và động viên các phật tử tiếp tục hoạt động cách mạng.
 
Đại đức Tăng trưởng Diệp Thành Minh (1969-1975), đây là giai đoạn cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, sư sãi thời kỳ này rất đông vì chống địch bắt lính nên thanh niên vào chùa tu kể cả người Kinh. Trước tình hình càn quét, khủng bố, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” địch bung ra đóng đồn xây bót. Thời gian này, cán bộ, sư sãi đều bám vào nhà dân sống và hoạt động. Năm 1970, với phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu đàn áp Phật giáo, đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt sư sãi đi lính ngày càng cao độ. Một số nhà sư hưởng ứng cuộc đấu tranh và đòi cải thiện các chính sách dân sinh, dân chủ, chống bắt bớ sư sãi..., cuộc đấu tranh có đến 50-60 sư sãi và hàng trăm Phật tử bất chấp mọi nguy hiểm lao vào càn quét và trình yêu sách đến Tỉnh trưởng và buộc Tỉnh trưởng phải chấp nhận; về sau có các Đại đức tiếp nối truyền thống anh hùng duy trì tinh thần yêu nước;
 
Đại đức Tăng trưởng Hữu Hinh (1975-1999) cùng với bốn vị kế tiếp Lâm Huynh, Lâm Sươl, Trần Hận và Hữu Trung phát huy truyền thống những người đi trước. Bên cạnh các hoạt động của các Đại đức, vai trò của các Phật tử cũng góp phần không nhỏ vào cuộc chiến đấu chống lại ngụy quân ngụy quyền, làm chỗ dựa vững chắc đóng góp sức người sức của ủng hộ hai cuộc kháng chiến thắng lợi cuối cùng.
 
Hơn hai mươi năm cuộc kháng chiến chống Mỹ với các chiến lược được chuẩn bị rất công phu, từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh, Mỹ dùng biết bao nhiêu vũ khí bom đạn cả chất độc hoá học trúc vào miền Nam Việt Nam, nhưng không thể thắng nổi sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, “Chiến tranh nhân dân mà Đảng và Bác Hồ lãnh đạo”.
 
Ở Cà Mau, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đoàn kết làm nên cuộc Đồng khởi, nổi dậy diệt tan binh tề của ngụy, phá kềm, phá ấp chiến lược, khu trù mật, để mở rộng vùng nông thôn giải phóng, thành lập lực lượng vũ trang, tăng gia sản xuất nuôi quân. Cà Mau không chỉ vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh mà còn là căn cứ của Khu, Cục… Trong những tháng năm kháng chiến, ngoài những tấm gương đã trình bày ở trên, còn có rất nhiều tấm gương sáng, như: Anh hùng Danh Thị Tươi[9], Lâm Thị Hon ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời lãnh đạo lực lượng tóc dài đấu tranh trực diện với 178 cuộc giáp mặt với quân thù; cuộc khởi nghĩa của hai anh Lý Văn Út (Út Miên), Tà Mung bắn chết tên thiếu uý ngụy ở Cả Giữa xã Khánh Bình Đông, thu súng nộp cho cách mạng; ở Rau Dừa xã Hưng Mỹ có anh Danh Tên, người dân tộc Khmer khởi nghĩa vũ trang diệt gần sạch đồn Rau Dừa…
 
3. Thay lời kết                                                                   
 
Trong 2 cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sư sãi và đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer ở Cà Mau đã kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam làm nên những chiến công hiển hách. Những cống hiến của các vị sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ở Cà Mau đã tỏ rõ lòng yêu nước, tình thương yêu, đồng bào; ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm, sự thông minh và mưu trí đối phó với quân thù trong các cuộc đấu tranh trực diện, cũng như nơi giam cầm.
 
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối, trong giai đoạn hiện nay, sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ở Cà Mau tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lựa chọn.
 
 
 Chú thích: 
[1] Xem: HĐKSSYN tỉnh Cà Mau, Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2011-2016, tr.4.
 
[2] Xem: Tài liệu Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V, Trà Vinh 2012, tr.53.
 
[3] 04 mẹ Việt Nam anh hùng: Hữu Thị Thiên, Thạch Thị Lan, Lâm Kim Sa, Danh Thị Phi; 02 Anh hùng lực lượng vũ trang: Danh Thị Tươi, Lâm Thị Hon.
 
[4] Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Cà Mau, lần thứ Nhất, năm 2009, tr.5.
 
[5] Xem: http://sogddt.camau.gov.vn        
 
[6] Xem: Lịch sử và thành tích chùa Sê Rêy Wongsa (chùa Tam Hiệp), năm 2010, tr.2.
 
[7] Xem: Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau, Chùa Cao Dân 77 năm phát triển và trưởng thành, năm 1999, tr.8
 
[8] Xem: Tiểu sử đại đức Hữu Nhem, năm 2010, tr.5.
 
[9] Anh hùng lực lượng vũ trang Danh Thị Tươi (phong tặng ngày 11/6/1999),  có 2 con là liệt sĩ, chồng là thương binh một gia đình dân tộc Khmer chiến đấu với Mỹ, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Bài và ảnh: Trần Lưu
Nguồn: http://btgcp.gov.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).