Thứ Tư 27 Tháng Mười Hai 2017 - 02:16:35 CH

PHẬT GIÁO NAM TÔNG VIỆT NAM TRONG MỐI QUAN HỆ VĂN HÓA VỚI PHẬT GIÁO THÁI LAN

Phật giáo Nam tông Việt Nam bao gồm hai hệ phái Nam tông Kinh và Nam tông Khmer. Do đặc điểm lịch sử của tộc người Việt và Khmer đã dẫn đến quá trình truyền giáo vào Việt Nam không đồng nhất về mặt niên đại. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, Phật giáo Nam tông Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ mật thiết với Phật giáo Thái Lan. Bài viết của chúng tôi phân tích mối quan hệ Phật giáo Nam tông giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực thực hành tôn giáo, tu học, hành thiền, kiến trúc và điêu khắc qua khảo cứu tại các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh và Nam tông Khmer.
 
Dẫn nhập
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo, thể hiện tính thống nhất trong đa dạng về mặt văn hóa. Theo số liệu thống kê của Ban tôn giáo chính phủ tính đến năm 2010, Việt Nam có 12 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân bao gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Ba’hai, Minh Chơn đạo, Minh Lý đạo, Bửu Sơn Kỳ Hương đang hoạt động, với 32 tổ chức giáo hội, hội thánh có trên 20 triệu tín đồ các tôn giáo, với trên 85.000 chức sắc, nhà tu hành và trên 26.000 cơ sở thờ tự các tôn giáo ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước[1]. Trong đó Phật giáo là tôn giáo có lịch sử phát triển hơn 2.000 năm ở Việt Nam và có ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Tuy nhiên, dòng Phật giáo truyền thống này là Phật giáo Bắc tông (Mahayana Buddhism) được truyền từ Trung Hoa đến Việt Nam trong giai đoạn Bắc thuộc. Còn hệ phái Phật giáo Nam tông chỉ xuất hiện trong nhóm cư dân người Việt khoảng giữa đầu thế kỷ XX.

Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer
Bên cạnh dòng Phật giáo Bắc tông ảnh hưởng sâu đậm trong cộng đồng người Việt (còn gọi là người Kinh), Việt Nam cũng tiếp nhận một truyền thống Phật giáo khác đến từ phương Nam là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Nguyên thủy (Theravada Buddhism). Nhóm cư dân chịu ảnh hưởng sớm nhất bởi dòng Phật giáo Nguyên Thủy là người Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là người Khmer Nam Bộ. Họ tiếp nhận hệ phái Phật giáo Nam tông một cách sâu đậm nhất có lẽ bắt đầu từ giai đoạn suy vong của đế chế Angkor sau thế kỷ XIV. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu thời kỳ suy tàn cực điểm của đạo Bà La Môn (Brahmanism), vốn thống trị trong cung đình Khmer từ thế kỷ thứ VI. Hiện nay, Phật giáo Nam tông Khmer có 450 ngôi chùa, trong đó tỉnh Trà Vinh chiếm số lượng nhiều nhất với 142 ngôi. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có hai ngôi chùa Nam tông Khmer là chùa Candaransi và Pô Thi Vông, còn tại Hà Nội có một chùa Phật giáo Nam tông Khmer mang tính biểu trưng nằm trong Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam[2].

Trong số 54 tộc người sinh sống ở Việt Nam, đại đa số người Việt và người Hoa theo Phật giáo Bắc tông, còn người Khmer theo Phật giáo Nam tông. Mối quan hệ cộng cư giữa 03 tộc người Việt, Hoa và Khmer tại vùng đất Nam Bộ được hình thành từ thế kỷ XVII đã làm cho mối quan hệ giao thoa văn hóa diễn ra xuyên suốt, đạo tình gắn bó mật thiết giữa hai hệ phái Phật giáo đến từ phương Bắc và phương Nam ngày càng bền chặt. Đồng thời đã tạo điều kiện để người Khmer hiểu biết thêm về Phật giáo Bắc tông cũng như người Việt và người Hoa biết đến dòng Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer một cách sâu sắc. Vào ngày 07 tháng 11 năm 1981, Đại hội Phật giáo được tổ chức tại Hà Nội thống nhất chín hệ phái, tổ chức Phật giáo ở Việt Nam thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer và Nam tông Kinh đã trở thành hai thành viên sáng lập trong tổ chức quan trọng này.
 
Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh
Người Việt ở Nam Bộ đã biết đến dòng Phật giáo Nam tông Khmer trong quá trình tụ cư sinh sống đan xen với người Khmer. Mối cơ duyên này đã hun đúc cho việc truyền bá chánh pháp của hệ phái Phật giáo Nam tông vào cộng đồng người Việt. Công việc hoằng pháp diễn ra vào năm 1939, khi phái đoàn truyền giáo của hòa thượng Hộ Tông cùng với các vị cao tăng người Việt khác như hòa thượng Thiện Luật, hòa thượng Huệ Nghiệm từ thủ đô Phnom Pênh (Nam Vang) của nước Campuchia về Sài Gòn thuyết pháp về đường lối tu tập của hệ phái Phật giáo Nam tông. Một năm sau đó (năm 1940), ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh được thành lập là chùa Bửu Quang (Ratanaramsyarama), ngày nay chùa đã trở thành một trong số những ngôi tổ đình quan trọng của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh. Vào năm 1958, Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam được thành lập chính thức đánh dấu sự ra đời của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh trên đất nước Việt Nam, tồn tại đồng hành cùng các hệ phái khác của Phật giáo. Ngày nay, Phật giáo Nam tông Kinh nằm trong chín hệ phái và tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


 
Từ ngôi tổ đình ban đầu là chùa Bửu Quang tọa lạc tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Phật giáo Nam tông Kinh đã có hơn 60 ngôi chùa trải rộng trên các tỉnh thành phía Nam và miền Trung Việt Nam[3]. Như vậy, Phật giáo Nam tông Kinh khởi truyền vào Việt Nam là từ Campuchia. Do hoàn cảnh lịch sử và xã hội của thời kỳ Pháp thuộc đã làm cho việc tiếp xúc giữa người dân ở miền Nam Việt Nam (Nam Kỳ) và Campuchia (Cambot) không gặp nhiều trở ngại trong một xứ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine française). Các vị hòa thượng khởi truyền của hệ phái đều xuất thân từ tầng lớp trí thức cao cấp của xã hội thời đó. Trước khi truyền giáo vào Việt Nam, họ đã trải qua một quá trình nghiên cứu và tu học nhiều năm tại Phnom Penh. Điều này còn lưu lại dấu ấn của Phật giáo Nam tông Campuchia tại chùa Bửu Quang và một số ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh được xây dựng trong giai đoạn đầu. Cụ thể như về thể loại kiến trúc và hình tượng thần Maha Phra Phrum bốn mặt (Phạm Thiên), tượng Đức Phật Thích Ca toạ thiền trên mình rắn thần Mucalinda ở chùa Bửu Quang, thể hiện theo phong cách nghệ thuật điêu khắc Campuchia. Bài viết Lịch sử Phật giáo Nam tông đã cho biết vào dịp diễn ra đại lễ Xây Ma Kiết Giới ở chùa Bửu Quang đã có sự tham dự của Sải vương Chuôn Nath cùng 30 vị hoà thượng, thượng toạ người Campuchia[4].
 
Phật giáo Nam tông Khmer và mối quan hệ văn hóa với Thái Lan
Năm 1986 đánh dấu thời kỳ đổi mới của Việt Nam, pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo là văn bản pháp lý quy định mọi người Việt Nam được quyền tự do tín ngưỡng và thực hành tôn giáo. Pháp lệnh cũng chính thức cho phép chư tăng người Việt và Khmer được ra nước ngoài tu học. Trong số các quốc gia theo Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á lục địa, chư tăng Việt Nam tu học theo hệ phái Nam tông thường chọn Myanmar hoặc Thái Lan. Tuy nhiên, việc sang Thái Lan tu học của chư tăng Khmer có lẽ đã diễn ra sớm hơn giai đoạn năm 1986. Theo khảo sát của chúng tôi tại chùa Quy Nông (Bot Knong Srok), một ngôi chùa cổ của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer nằm tại huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh, trên trần chánh điện (Vihana) trang trí những hình vẽ về Hera, một linh vật kết hợp giữa rắn thần Naga và rồng Trung Hoa. Chúng tôi cho rằng nguồn gốc của linh vật này xuất phát từ Thái Lan trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII khi quá trình giao thoa văn hóa giữa người Thái và người Hoa trở nên mạnh mẽ tại Thái Lan.

Một hình tượng khác của nghệ thuật Phật giáo Thái Lan cũng được điêu khắc tại mặt tiền tòa nhà tăng xá (Sãla) là hình tượng vua Chằn Krong Kriep (Ravana), nhân vật trong sử thi Ramakiên của Thái Lan lại đóng vai trò như một vị thần hộ pháp tại chùa Quy Nông. Trong quan niệm vũ trụ luận của Phật giáo Nam tông Khmer, vua Chằn Krong Kriep được xem là thần trấn trị phương Bắc theo tín ngưỡng Hộ Thế Bát Phương Thiên (Lokapala) của Bà La Môn giáo ảnh hưởng vào Phật giáo Nam tông Khmer. Khảo sát thực địa của chúng tôi đã cho thấy nhà tăng xá (Sãla) của chùa Quy Nông nằm về hướng Bắc của chánh điện, khuôn mặt của vua Chằn Krong Kriep được thiết kế nhìn về phía chánh điện để chiêm bái Đức Phật và hộ trì Tam bảo. Bên ngoài chánh điện chùa Quy Nông, người Khmer thiết kế một đài thờ bên trên đặt một pho tượng Phật trong tư thế đi, đặc điểm này rất giống với những tượng Phật thuộc phong cách Chieng Sean nổi tiếng của Thái Lan. Một điểm đặc trưng khác giữa chùa Quy Nông và chùa Phật Ngọc (Wat Phra Keo) của Thái Lan là việc thể hiện bộ sử thi Riemke (Riềm – Kê) của đồng bào Khmer bằng những bản vẽ trên gỗ, rồi trang trí xung quanh chánh điện. Niên đại của những bộ sưu tập này thuộc giai đoạn đầu thế kỷ XX, tương đồng với tranh vẽ tường xung quanh chùa Phật Ngọc về bộ sử thi Ramakiên của Thái Lan.


 
Từ việc tìm hiểu những hình tượng thần linh và linh vật được sắp đặt một cách có hệ thống tại chùa Quy Nông, chúng tôi đưa ra nhận định rằng, có thể Phật giáo Nam tông Khmer đã có một quá trình giao lưu lâu dài với Phật giáo Thái Lan. Niên đại của những hình tượng nghệ thuật trong Phật giáo Nam tông Khmer chịu ảnh hưởng Thái Lan được tạo tác vào đầu thế kỷ XX là bằng chứng cho thấy mối quan hệ văn hóa giữa vùng Nam Bộ và Thái Lan phải diễn ra sớm hơn cột mốc lịch sử đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, còn có một pho tượng Phật không nguyên vẹn của Thái Lan có niên đại vào thế kỷ XVIII được phát hiện trong quá trình xây dựng chánh điện chùa Phu Ma thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã cho thấy đồng bào Khmer Nam Bộ đã thờ những tượng Phật có nguồn gốc từ Thái Lan cách nay hơn 200 năm.


 
Ngày nay mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer và Thái Lan diễn ra ngày càng sâu đậm hơn. Chúng tôi đã tìm thấy hình tượng thần Phra Phrom bốn mặt của Thái Lan hay còn gọi là thần Erawan hiện diện trong những ngôi miếu thờ nằm phía trước chánh điện chùa Pô Thi Vông ở thành phố Hồ Chí Minh và chùa Quy Nông ở tỉnh Trà Vinh. Việc tu học ngày càng thông thoáng hơn nên đã có nhiều tăng sĩ Khmer sang Thái Lan học và hiện nay trong chương trình giảng dạy ngôn ngữ tại một số chùa Khmer như chùa Kompong (chùa Ông Mẹt) ở thành phố Trà Vinh, tiếng Thái là một trong bốn ngôn ngữ chính thức, bao gồm: tiếng Pali, tiếng Khmer, tiếng Thái và tiếng Anh. Mối quan hệ giữa hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer và Thái Lan cũng sẽ là nền tảng cho giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng phát triển bền vững hơn trong khối ASEAN.
 
Phật giáo Nam tông Kinh và mối quan hệ văn hóa với Thái Lan
 Quá trình giao lưu văn hóa giữa hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh với Phật giáo Thái Lan diễn ra muộn hơn hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Phần nhiều chư tăng người Việt cũng sang tu học tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya của Thái Lan và Học viện Phật giáo Quốc tế Sitagu (Sītagū International Buddhist Academy) của Myanmar. Tuy nhiên về mặt kiến trúc và điêu khắc trong các chùa Phật giáo Nam tông Kinh, thường thể hiện dấu ấn văn hóa khu vực của các quốc gia theo Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á lục địa, trong đó có Thái Lan. Tuy các chùa lấy kiến trúc Việt Nam làm chủ đạo nhưng xen lẫn trong đó là kiến trúc của Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Trong đó kiến trúc Thái Lan điển hình thể hiện qua mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau (thường là 03 lớp tượng trưng cho Tam bảo), đầu hồi trang trí rắn thần Naga theo phong cách Thái Lan. Điển hình của lối kiến trúc này là chùa Hội Quang, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trong đặc điểm kiến trúc của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh cũng có những công trình thể hiện theo mẫu hình của Thái Lan như Bảo tháp Xá lợi Phật Gotama ở chùa Bửu Long được xây dựng vào năm 2007. Công trình do nghệ nhân Thái Lan đảm trách thể hiện theo kiến trúc truyền thống của vùng Suvarnaphumi (vùng Đất Vàng). Hình dáng của bảo tháp giống như quả chuông úp xuống mà ở Thái Lan nó được gọi là kiến trúc Chedi, chịu ảnh hưởng từ kiến trúc tháp Phật ở Sri Lanka. Xung quanh bảo tháp được bọc đồng, vật liệu này cũng được mang từ Thái Lan sang Việt Nam. Những pho tượng Phật đặt trong bảo tháp và các hình tượng linh vật trang trí bên ngoài như rắn thần Naga, ngỗng thần Hamsa cũng đều do phật tử Thái Lan hiến tặng. Đặc điểm của kiến trúc bảo tháp Gotama đã khiến cho chùa Bửu Long thêm nối tiếng vì vẻ đẹp đặc sắc của nó. Hiện chùa được xem là một trong những địa điểm du lịch tâm linh của thành phố Hồ Chí Minh. Người dân địa phương quen gọi chùa Bửu Long là chùa Tháp Vàng hay chùa Thái Lan.


 
Đặc điểm của chánh điện trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh thường thoáng rộng. Mỗi khi hành lễ hay thuyết pháp thường phân chỗ ngồi theo vị trí bên trái và bên phải, bên dành cho chư tăng, bên dành cho phật tử. Theo nguyên tắc của Phật giáo Nam tông chánh điện chỉ đặt tôn tượng của Đức Phật Thích Ca. Bàn thờ Phật trang trí đơn giản, chỉ có hoa, đèn nến, một số chùa đặt thêm bát nhang trước tôn tượng của Đức Phật nhưng cũng có chùa không đặt bát nhang. Việc đặt bát nhang cũng là một yếu tố Việt hóa trong hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh vì quan niệm của người Việt là khi đến chùa phải thắp hương (nhang). Trong số những chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh không đặt bát hương và thùng phước thiện có chùa Bửu Long ở quận 09, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong phạm vi điêu khắc, các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh hiện nay thường thể hiện dấu ấn của mỹ thuật Thái Lan. Các môi típ điêu khắc trên mi cửa thường thể hiện rắn thần Naga nằm theo hình cầu vòng, điểm giữa là hình tượng một vị chư thiên (Deva) chấp tay chiêm bái Đức Phật. Kiểu môi típ này rất phổ biến ở các chùa Thái Lan. Điều quan trọng nhất là tượng Phật Thích Ca đặt trong chánh điện đa dạng về mặt loại hình, thường nhập từ Thái Lan về. Theo khảo sát của chúng tôi các tượng Phật thường tạo tác theo phong cách cổ của Thái Lan, bên ngoài phủ sơn vàng, có ba phong cách chính sau đây: tượng Phật theo phong cách Sukhothai, Ayutha; tượng Phật Ngọc và tượng Phật tọa thiền trên mình rắn thần Naga Mucalinda.

Tượng Phật Thích Ca an vị trong chánh điện của các chùa Phật giáo Nam tông Kinh ngày càng phong phú và đa dạng, biểu hiện cho đặc điểm hội nhập của Phật giáo Nam tông Kinh với các quốc gia theo Phật giáo Nam tông trong giai đoạn hiện nay. Có chánh điện an vị tượng Phật có nguồn gốc từ Thái Lan như Bảo tháp Gotama của chùa Bửu Long, chùa Siêu Lý, thiền viện Thiện Minh ở Vĩnh Long, cũng có chùa thể hiện tượng Phật theo phong cách Thái Lan nhưng do nghệ nhân Việt Nam tạo tác như tượng Phật ở thiền viện Phước Sơn tỉnh Đồng Nai. Lại có chùa thiết kế tượng Phật trên chánh điện xen lẫn giữa tượng Phật Việt Nam và tượng Phật Thái Lan như chùa Bửu Quang, chùa Bồ Đề. Đặc biệt có chùa an vị các tượng Phật mang tính quốc tế như chùa Phổ Minh, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; trên chánh điện có cả tượng Phật Việt Nam, tượng Phật Thái Lan, tượng Phật Myanmar và tượng Phật theo phong cách Angkor của Campuchia.


 
Ngoài tôn tượng của Đức Thích Ca Mầu Ni, hình tượng chư thiên có nguồn gốc từ Thái Lan cũng hiện diện trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh như ngôi miếu nhỏ thờ thần Phra Phrom (Brahma) của Thái Lan nằm phía trước Bảo tháp Gotama của chùa Bửu Long. Phần bệ của ngôi miếu chạm nổi hình voi thần Airavat ba  đầu, vật cưỡi của thần Phra In (Đế Thích). Phía bên trái bảo tháp là pho tượng thần Phra Phrom bốn mặt uy nghi tạo tác theo phong cách truyền thống của dân tộc Thái Lan nhưng được người Việt Nam gọi là Phạm Thiên hay Tứ Diện Phật. Tại thiền viên Thiện Minh tỉnh Vĩnh Long cũng có một ngôi miếu nhỏ thờ nữ thần Sakko Devino, người vợ của thiên chủ Sakka (Sakko) hay thần Phra In (Đế Thích). Pho tượng được thể hiện trong tư thế vương tọa (Rajasana), tay trái bắt ấn, tay phải cầm vương trượng để hộ trì Phật pháp và chưởng quản Tam giới (Triloka). Mặc dù tượng Sakko Devino được thể hiện theo phong cách thần linh của Thái Lan nhưng lại do người Việt Nam tạo tác. Điều này cho thấy quá trình phát triển của Phật giáo Nam tông Kinh ở Việt Nam hiện nay đã làm thay đổi nhận thức và đặc điểm công việc của các nghệ nhân Việt Nam, trước đây họ chỉ tạo tác các tượng Phật của hệ phái Phật giáo Bắc tông, bây giờ họ đã nhận thêm các đơn đặt hàng tượng Phật từ các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh.
 
Chư tăng Nam tông trong bối cảnh xã hội Việt Nam
Về giáo luật, tu sĩ Phật giáo Nam tông Kinh hay Khmer đều phải tuân theo 227 giới cho Tỳ kheo và 311 giới đối với Tỳ Kheo Ni, cũng như thực hiện 10 hạnh Ba La Mật (Pāramitā) của nhà Phật. Về pháp phục, chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer và Nam tông Kinh hiện tại vẫn tuân thủ theo nguyên tắc của truyền thống nguyên thủy từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Loại y choàng hay y vấn còn gọi là tấm áo Cà Sa biểu trưng cho cảnh trí đồng ruộng ở vùng Ma Kiệt Đà (Magadha) mà Đức Phật đã nhìn thấy khi Ngài đứng trên đỉnh núi Linh Thứu[5]. Còn dạng pháp phục của tu nữ người Việt hay Khmer đều phổ biến chung là loại trang phục màu trắng giống như tu nữ ở Thái Lan. Tuy nhiên màu áo Cà Sa của chư tăng Việt hay Khmer hiện nay lại có hai màu thường dùng là màu vàng nghệ giống như chư tăng Thái Lan và màu nâu sậm theo truyền thống của chư tăng Myanmar. Phật giáo Nam tông Kinh và Khmer không bắt buột một nhà sư phải chọn áo Cà Sa màu vàng hay màu nâu sậm, mà tất cả tùy thuộc vào sở nguyện của người tu sĩ hay nguồn gốc quốc gia mà họ đi tu học về. Do vậy, chúng ta dễ bắt gặp nhà sư học từ Thái Lan về thì chọn màu vàng nghệ của chư tăng Thái Lan, người đi tu học từ Myanmar về thì chọn màu nâu sậm của chư tăng Myanmar.

Hệ phái Phật giáo Nam tông đang dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh. Các đại lễ của Phật giáo Nam tông như Vesak (Đại lễ Tam hợp Khánh Đản) hay Đại lễ Dâng y (Kathina) thu hút nhiều người Việt, người Hoa đến tham dự như trường hợp ở chùa Candaransi, quận 03, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do đặc điểm của xã hội Việt Nam nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khuyến khích chư tăng Nam tông Kinh và Khmer tại các đô thị thực hiện hạnh khất thực vào mỗi buổi sáng. Phương thức hạnh trì này hiện tại chỉ còn thực hiện trong hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tại các miền quê, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh, còn có các nhà sư tại Thiền viện Huyền Không Sơn Thượng cách thành phố Huế 14km, vẫn thực hiện hạnh khất thực vào một số ngày trong tháng. Còn lại các chùa của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh và kể cả hai ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuân thủ theo quy định của Giáo hội nên cho phép phật tử tổ chức cúng dường thực phẩm tại chùa trước 11 giờ trong mỗi buổi sáng. Đặc điểm này làm cho Phật giáo Nam tông ở Việt Nam có đôi chút khác biệt với Phật giáo Nam tông Thái Lan về mặt tu tập và cúng dường. Tuy nhiên, vào những dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của Phật giáo Nam tông thì chư tăng cũng thực hiện việc “ôm bát hóa duyên” trong một khu vực xung quanh chùa và phật tử đến cúng dường cho họ.


 
Bên cạnh đó, các thiền viện của Phật giáo Nam tông Kinh hàng tháng đều tổ chức các lớp tu thiền, như thiền viện Thiện Minh tại tỉnh Vĩnh Long hàng tháng mở lớp thiền vào ngày 24 Âm lịch. Phần nhiều lối hành thiền mà chư tăng hướng dẫn cho phật tử là loại thiền của Thái Lan hoặc Myanmar, không phải thiền (Zen) của Phật giáo Bắc tông kiểu Trung Hoa hay Nhật Bản. Hiện tại hành thiền là một phương thức quan trọng để giảm stress và tăng cường sức khỏe, đang phát triển rất mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác. Các khóa thiền theo phong cách Thái Lan tại chùa Bửu Long (quận 09) đã thu hút nhiều người Việt tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tham gia. Các chùa Nam tông Kinh thường kế hợp giữa thuyết pháp và hành thiền, phương thức này đã thu hút rất nhiều phật tử tham gia và cũng làm cho nhiều người Việt Nam biết đến hệ phái Phật giáo Nam tông.
 
Nhận thức của người dân về Phật giáo Nam tông
Tại miền Nam Việt Nam, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ba nhóm tộc người Việt, Hoa và Khmer. Phần nhiều người Việt là tín đồ hoặc chịu ảnh hưởng bởi dòng Phật giáo Bắc tông, vì vậy trong phạm vi gia đình người Việt thường thiết lập bàn thờ Phật. Trên bàn thờ, việc bày trí tranh, tượng Phật sản xuất tại Thái Lan hiện đang phổ biến trong các gia đình người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người Việt thường sống cạnh các ngôi chùa Phật giáo Bắc tông, chịu ảnh hưởng về mặt tinh thần của dòng Phật giáo này nhưng không có quy định nào về việc phật tử phải thờ tranh, tượng của Phật giáo Bắc tông. Các nhà sư theo Phật giáo Bắc tông luôn hoan hỉ tiếp nhận các loại tranh tượng của Thái Lan và thực hiện các nghi lễ của Phật giáo như: “khai quang điểm nhãn” hay “lễ an vị” tượng Phật cho các gia đình phật tử. Trong suy nghĩ của người Việt Nam, Đức Phật thuộc về nhân loại, chứ phân biệt tranh hay tượng về Ngài thuộc hệ phái nào, sản xuất ở đất nước nào. Trước đây khi các nhà sư thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông còn thực hiện “hạnh khất thực” đã có rất phật tử người Việt cúng dường thực phẩm cho họ nhưng thực phẩm luôn là loại đồ chay. Sự ảnh hưởng sâu đậm về cách tu tập của tăng ni dòng Phật giáo Bắc tông đã làm cho người Việt luôn suy nghĩ rằng: một nhà sư thì phải ăn chay. Khi chúng tôi phỏng vấn một cư dân sống gần chùa Bửu Long, quận 09, thành phố Hồ Chí Minh, ông ta đã trả lời rằng: “chùa đó (chùa Bửu Long), các thầy đều ăn thịt, ăn cá, họ không ăn chay, không hiểu sao các thầy lại ăn mặn”[6]. Quan điểm về việc ăn chay hay ăn mặn cũng được một vị cao tăng của Phật giáo Nam tông Kinh là thượng tọa Bửu Chánh chia sẻ: “trong giáo luật của Đức Phật không có quy định là chư tăng phải ăn chay nhưng quan niệm của người Việt Nam thường chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông là một nhà sư thì phải ăn chay. Quan niệm này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Các vị tăng sĩ của Phật giáo Bắc tông cũng đề nghị chúng tôi ăn chay cho thống nhất về phương diện tu tập nhưng chúng tôi nghĩ đã ăn chay thì không còn là Phật giáo Nam tông nữa”[7].


 
Như vậy, người Việt Nam đã biết đến những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Kinh và Nam tông Khmer, biết đến hình ảnh của những nhà sư choàng áo Cà sa, thuyết pháp, hành thiền nhưng để hiểu biết viên mãn về Phật giáo Nam tông là một vấn đề không dễ dàng trước một truyền thống ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Bắc tông đối với đại đa số người Việt Nam. Cho nên sứ mệnh hoằng pháp của chư tăng Nam tông đối với người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục để trong một tương lai gần Phật giáo Nam tông sẽ đi vào lòng người và hòa nhập cùng với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời sự hiểu biết về Phật giáo Nam cũng sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam hòa nhập với các quốc gia Đông Nam Á lục địa trong một cộng đồng chung ASEAN.
 
Kết luận
Hệ phái Phật giáo Nam tông ảnh hưởng vào cộng đồng người Khmer Nam Bộ từ sau giai đoạn suy tàn của đế chế Angkor nhưng đối với người Việt, hệ phái này chỉ mới khởi truyền vào năm 1938. Đến nay hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh được người Việt Nam biết đến và thực hành tu tập, tín đồ đông nhất là tại các đô thị như thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu. Có thể nói khởi đầu của dòng Phật giáo Nam tông Kinh là xuất phát từ Campuchia truyền sang Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mối quan hệ văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan phát triển ngày một gia tăng đã thúc đẩy sự kết nối mật thiết giữa Phật giáo Nam tông Việt Nam và Phật giáo Nam tông Thái Lan. Mối quan hệ văn hóa này được hỗ trợ tích cực bởi hoạt động ngoại giao Phật giáo của Thái Lan trong những năm gần đây, trong đó Việt Nam là một trong chín quốc gia được trao tặng tượng Phật và áo Cà Sa của Quốc vương Thái Lan trong Đại lễ Dâng y (Kathina) theo truyền thống của Phật giáo Nam tông.

Mối quan hệ tôn giáo của chư tăng hai nước, quan hệ văn hóa giữa hai dân tộc cùng với chương trình ngoại giao Phật giáo của Thái Lan sẽ tiếp tục thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa hệ phái Phật giáo Nam tông nói riêng và Phật giáo nói chung, cũng như góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước Việt Nam - Thái Lan.
 
Tài liệu tham khảo
1. Dương Nhơn,  2007, “Phật giáo Nam tông Khmer ổn định trong lòng Giáo hội”, Báo Giác Ngộ online, http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2016/09/07/5BC0D1/
2. Fisher Robert, E 2002, Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo (Huỳnh Ngọc Trảng dịch), NXB. Mỹ Thuật.
3. Lê Hương, 1969, Người Việt gốc Miên, Nguyên Thiều, Sài Gòn.
4. Lê Hương, 1970, Sử liệu Phù Nam, Nguyên Thiều, Sài Gòn.
5. Nguyễn Hồng Dương, 2004, “Thực hiện chính sách tôn giáo theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng”, Web:http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1556/Thuc_hien_chinh_sach_ton_giao_theo_tinh_than_nghi_quyet_Dai_hoi_XI_cua_Dang
6. Tanistha and Michael Freeman, 2002, Things Thai – Crafts and Collectibles, Asian Books Co., Ltd.
7. Taylor, York Pamela, 1994, Beast, Birds and Blossoms in Thai Arts, Oxford University Press.
8. The Fine Arts Department, 1993. Development of Thai Culture, Rung Silk Printing Co Ltd.
9. Thiện Minh, 2001, “Lịch sử Phật giáo Nam tông”, trên trang Web: http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-650/Lich-su-Phat-giao-Nam-tong-Viet-Nam.html
10. Trần Dũng, Đặng Tấn Đức, 2012, “Tín ngưỡng và lễ hội dân gian tộc người Khmer tỉnh Trà Vinh (phần IV)”, Trong sách Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian tỉnh Trà Vinh, NXB. Văn hóa thông tin. 

======================
[1] Theo tác giả Nguyễn Hồng Dương trong bài viết: “Thực hiện chính sách tôn giáo theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng”. trên trang Web:http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1556/Thuc_hien_chinh_sach_ton_giao_theo_tinh_than_nghi_quyet_Dai_hoi_XI_cua_Dang
[2] Theo bài viết “Phật giáo Nam tông Khmer ổn định trong lòng Giáo hội” của hòa thượng Dương Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đăng trên Báo Giác Ngộ online, http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2016/09/07/5BC0D1/
[3] Theo bài viết Lịch sử Phật giáo Nam tông trên trang Web: http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-650/Lich-su-Phat-giao-Nam-tong-Viet-Nam.html  thì Phật giáo Nam tông Kinh hiện có hơn 60 ngôi chùa, với 400 Chư  Tăng và 300 Ni trên toàn quốc.
[4] Dẫn theo bài viết Lịch sử Phật giáo Nam tông trên trang Web: http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-650/Lich-su-Phat-giao-Nam-tong-Viet-Nam.html
[5] Dẫn theo nhận định của hòa thượng Danh Lung, một vị cao tăng của Phật giáo Nam tông Khmer khi nói về nguồn gốc của pháp phục chư tăng Khmer.
[6] Phỏng vấn vào ngày 08 tháng 10 năm 2016.
[7] Dẫn theo phát biểu của TT.TS. Bửu Chánh tại tiểu ban: GHPGVN: các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu. Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển”, ngày 22 tháng 11 năm 2016 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. HCM.
Phan Anh Tú
Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng
Đại học KHXHNV – Đại học Quốc gia TP.HCM

Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam – Thái Lan: Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vững chắc thời kỳ hội nhập quốc tế và liên kết khu vực
 
 
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).