Thứ Sáu 02 Tháng Ba 2018 - 10:18:29 SA

Phát huy những điểm sáng trong hoạt động của Giáo hội

GN - “Xông đất” đầu năm mới Mậu Tuất - 2018, PV Giác Ngộ có cuộc trao đổi về nhiều vấn đề xung quanh công tác hai văn phòng TƯGH với HT.Thích Huệ Thông, vị giáo phẩm vừa được suy cử Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH.

Nói về hướng công tác của hai văn phòng I tại Hà Nội và văn phòng II tại TP.HCM trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN (nhiệm kỳ 2017-2022), HT.Thích Huệ Thông cho biết:

Đại hội Phật giáo toàn quốc khóa VIII với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” thành công tốt đẹp. Sau Đại hội, công tác văn phòng được hoạch định trên cơ sở kế thừa sự nghiệp của các bậc lãnh đạo cũng như chư tôn đức hai văn phòng trước đây. Những “đề án”, cái hay, cái tốt của các bậc tiền bối đã dành tâm huyết, kinh nghiệm thực hiện thì trong nhiệm kỳ VIII, văn phòng vẫn tiếp tục kế thừa, duy trì. 
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển sinh hoạt Giáo hội thời hội nhập, trong đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Do đó, trong thời gian tới, hai văn phòng TƯGH sẽ thực hiện, triển khai hoạt động Phật sự theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS và Ban Thường trực HĐTS để công tác Phật sự của hai văn phòng được đồng bộ.

Để thúc đẩy hoạt động của hai văn phòng TƯGH đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề kịp thời, đạt hiệu quả cao, có ý kiến cho rằng văn phòng cần phải có “cơ chế đặc biệt”, nghĩa là cần phải có bộ phận giúp việc có trình độ chuyên môn hỗ trợ, Hòa thượng suy nghĩ gì về ý kiến này?
- Tôi cũng cho đó là cần thiết. Hiện nay, tôi đang xin ý kiến quý Hòa thượng lãnh đạo HĐTS, ngoài “biên chế” bình thường như bấy lâu nay, tôi muốn xin cơ chế riêng thành lập các tổ chuyên trách hoặc là tuyển chọn một số vị đảm nhiệm vai trò cán bộ chuyên trách của văn phòng (ví dụ như mảng báo chí, thông tin - truyền thông, pháp chế…). Những người này chỉ giữ vai trò tham mưu, giúp việc trực tiếp cho văn phòng, giúp Phật sự của văn phòng trôi chảy, ổn định hơn, tránh các áp lực, các Phật sự bị ùn ứ. Nếu được lãnh đạo HĐTS thông qua, thì kế hoạch này sẽ có sự phối hợp giữa hai văn phòng để triển khai đồng bộ nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển Phật sự của Giáo hội.

Bấy lâu nay với cơ chế của Giáo hội, hoạt động Phật sự của nhiều vị giáo phẩm được suy cử Phó Chủ tịch HĐTS còn mờ nhạt, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm tương xứng với chức vụ. Trong nhiệm kỳ mới này, Giáo hội đã suy cử 2 vị Phó Chủ tịch Thường trực và 14 Phó Chủ tịch HĐTS, theo Hòa thượng, có những thay đổi nào không trong việc phân nhiệm để phát huy vai trò của các vị lãnh đạo cao cấp này?
- Sắp tới sẽ có điểm sáng mới trong phân công điều hành Phật sự, hai văn phòng dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS sẽ cử, phân công các Phó Chủ tịch HĐTS chịu trách nhiệm phụ trách GHPGVN tỉnh, thành theo từng cụm (hay từng khu vực) nhằm thúc đẩy hoạt động Phật sự và có sự gắn bó sâu sát hơn giữa TƯGH và Phật giáo địa phương.

Hội nghị giao ban (là sáng kiến của Văn phòng II TƯGH đã thực hiện ở nhiệm kỳ VII) giữa văn phòng Ban Thường trực HĐTS, các ban, ngành hữu quan và Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, thành được chư tôn đức Phật giáo địa phương đánh giá cao vì đã phối hợp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn. Xin Hòa thượng cho biết, việc này có được duy trì trong nhiệm kỳ VIII hay không, có điểm gì mới so với trước đây?
- Hội nghị giao ban trong nhiệm kỳ VII tuy chưa giải quyết được 100% nhưng đã đáp ứng rất tốt, giúp Phật giáo địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động Phật sự. Nhiệm kỳ này, văn phòng vẫn duy trì hội nghị giao ban này. Tuy nhiên, có thể sẽ có những điểm khác là cần phải tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để cùng đúc kết xem đã đáp ứng, giải quyết được khó khăn nào, vướng mắc nào còn tồn đọng, vì sao tồn đọng, cần cơ quan nào có sự hỗ trợ thêm và rút ra bài học kinh nghiệm.

Thưa Hòa thượng, Đại hội Phật giáo toàn quốc khóa VIII đã diễn ra thành công, tuy nhiên có 3 tỉnh thành chưa tổ chức đại hội theo Hiến chương; và cho đến nay vẫn còn lại 2 đơn vị là tỉnh Phú Yên và thành phố Hải Phòng vẫn chưa thể tổ chức đại hội vì chưa thống nhất được nhân sự. Quan điểm của Văn phòng II TƯGH về sự tồn đọng này như thế nào?
- Vấn đề của hai tỉnh, thành trên là vấn đề khó mà ai cũng biết. Với bài học từ giải quyết vấn đề khó khăn của Phật giáo tỉnh Bình Phước, văn phòng đã tham mưu với lãnh đạo HĐTS giải quyết dựa trên tình và lý. Về tình, chúng ta tôn trọng những thành tựu mà chư tôn đức đi trước đã làm; về lý là áp dụng đúng theo quy định của Hiến chương (sửa đổi lần 5, điều 48) quy định rõ: “Đại hội đại biểu GHPGVN cấp tỉnh phải kết thúc trước Đại hội đại biểu toàn quốc GHPGVN và thực hiện theo thông tư hướng dẫn của Ban Thường trực HĐTS”, ở đây là Thông tư 015. 

Phật giáo 3 tỉnh Bình Phước, Phú Yên, thành phố Hải Phòng không đáp ứng được quy định của Hiến chương và Thông tư 015 của HĐTS. Do đó, văn phòng tham mưu cho lãnh đạo HĐTS có văn bản bãi nhiệm nhiệm kỳ của BTS 3 tỉnh thành Bình Phước, Phú Yên, Hải Phòng nhiệm kỳ 2012-2017. Quy trình giải quyết khó khăn của Phật giáo Bình Phước, Phú Yên, Hải Phòng có những điểm khác biệt, nhưng cơ bản là giống nhau. TƯGH sẽ thành lập BTS lâm thời, BTS lâm thời này làm trách nhiệm trung gian, đảm trách các Phật sự để chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2017-2022.

Kinh nghiệm ở Bình Phước cho thấy cách giải quyết của TƯGH rất hiệu quả, từ khi BTS lâm thời ra mắt cho đến ngày dự kiến đại hội chỉ mất đúng 1 tháng (Phật giáo tỉnh Bình Phước tổ chức đại hội vào ngày 5, 6-2-2018). BTS lâm thời dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS phải mang tính hài hòa, tế nhị và đoàn kết nội bộ. 

Vấn đề của Phú Yên, văn phòng tham mưu với lãnh đạo HĐTS mời những vị nguyên là Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên (nhiệm kỳ 2012-2017) họp và đã thống nhất cơ bản là chọn được nhân sự BTS lâm thời. Văn phòng cũng đã nghiên cứu, trình công văn lên Ban Thường trực HĐTS ký và gởi đến lãnh đạo, các ngành chức năng tỉnh Phú Yên theo quy định, để chuẩn y nhân sự BTS lâm thời. Tôi tin rằng, trong quý I hoặc quý II-2018 sẽ tổ chức được Đại hội Phật giáo tỉnh Phú Yên. Theo sự chỉ đạo chung của Ban Thường trực HĐTS, thành phố Hải Phòng cũng sẽ giải quyết theo hướng này.

Để Tăng Ni, Phật tử hiểu rõ, áp dụng sâu rộng Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN, Hiến chương GHPGVN (sửa đổi lần thứ 6) đã có hiệu lực từ ngày 26-1-2018, về phía văn phòng Ban Thường trực HĐTS sẽ có những động thái gì nhằm giúp đỡ Giáo hội các cấp phổ biến, áp dụng Hiến chương, Nghị quyết vào hoạt động Phật sự, đời sống sinh hoạt tu tập?
- Theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS và Ban Thường trực HĐTS, vào cuối quý I (ngày 28, 29-3-2018), văn phòng sẽ có kế hoạch trình lãnh đạo HĐTS tổ chức Hội nghị toàn thể HĐTS khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) để triển khai Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN, Hiến chương GHPGVN (sửa đổi lần thứ 6), Phật đản, An cư kiết hạ và một số Phật sự quan trọng khác.

Văn phòng sẽ có kế hoạch trình lãnh đạo HĐTS kết hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở Nhà nước ban hành để Tăng Ni, Phật tử áp dụng từng bước. Muốn Tăng Ni, Phật tử hiểu và áp dụng được Hiến chương, Nghị quyết Đại hội VIII, cũng như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tất nhiên Giáo hội cần phải chủ động. Đặc biệt là tổ chức khóa bồi dưỡng về hành chính cho Ban Thư ký, Văn phòng BTS Phật giáo tỉnh, thành nhằm thực hiện tốt nghiệp vụ hành chính Giáo hội theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của Giáo hội.

Thưa Hòa thượng, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc khóa VIII, hiện nay cơ chế phát ngôn của Giáo hội được thực hiện ra sao?
- Về cơ chế phát ngôn cũng không có gì thay đổi so với trước đây, đó là trách nhiệm của người đứng đầu HĐTS - Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, người đứng đầu cơ quan thông tin truyền thông, hoặc Hòa thượng Chủ tịch HĐTS sẽ ủy quyền lại cho một vị đảm nhiệm nếu cần thiết.

Nhân đầu năm mới Mậu Tuất - 2018, Hòa thượng có những gởi gắm, trăn trở nào, xin Hòa thượng chia sẻ với Tăng Ni, Phật tử?
- Tôi thì không có tư cách lớn đó nhưng tôi chỉ có tâm nguyện riêng. Hiện nay, Phật giáo đối diện với thông tin đa chiều, nhất là thông tin trái ngược. Các phần tử xấu đã và sẽ lợi dụng thông tin đa chiều này tung lên các trang mạng xã hội những hình ảnh không đẹp, gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo. Tôi chỉ mong mỏi tín đồ Phật giáo và mọi người cần có trí tuệ, có tầm nhìn đa chiều trên tinh thần chánh kiến, chánh tư duy để nhận định rõ thật hư như thế nào, cần lắng nghe phát ngôn chính thức từ cơ quan Giáo hội các cấp để có thông tin chuẩn xác hơn. Đối với Tăng Ni cần phải cố gắng gìn giữ giới luật, phẩm hạnh, cố gắng thể hiện sự trang nghiêm. Khi chúng ta làm được điều này thì đó cũng là một cách để chúng ta phản biện.

Chân thành cảm ơn và kính chúc Hòa thượng luôn an lạc!
H.Diệu thực hiện
Nguồn: https://giacngo.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).