Chủ Nhật 07 Tháng Tư 2019 - 10:38:13 SA

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây

Sáng 6-4, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc phối hợp các ban, ngành T.Ư tổ chức họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp mặt.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại buổi họp mặt Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
 

 

Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; các đồng chí Bí thư T.Ư Ðảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phan Ðình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hơn 500 đại biểu là các vị lãnh đạo, chức sắc tôn giáo, sư sãi, đồng bào Khmer 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc tốt đẹp đến các vị lãnh đạo, chức sắc, sư sãi, đồng bào Khmer nhân dịp đón năm mới 2019. Thủ tướng khẳng định, Ðảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án lớn như Chương trình 135 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giúp đỡ chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer tu học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Khu vực Nam Bộ nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tuy được đầu tư từ nhiều năm và bằng nhiều nguồn lực, nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển. Ðồng bào Khmer đã có nhiều cố gắng vươn lên, nhưng do điểm xuất phát thấp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn cho nên thu nhập, việc làm và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc tuy được giữ gìn và phát huy, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của nhân dân…

Nhân buổi họp mặt, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị chư tăng Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ðồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm rút ngắn khoảng cách với cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú. Không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác, đoàn kết chống âm mưu của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ðể thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, tập trung phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào, giảm nghèo bền vững theo hướng "không để ai ở lại phía sau". Chú trọng chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, hộ nghèo dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; phát huy vai trò của Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước; nâng cao hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer, chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín, chức sắc tiêu biểu, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào nhiều hơn nữa. Từ nay đến ngày diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn Tết Chôl Chnăm Thmây trong không khí vui tươi, đầm ấm…

★ Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các đồng chí Trương Thị Mai, Phan Ðình Trạc và các đại biểu dự lễ khai trương năm đường bay mới tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ của Hãng hàng không VietJet, bao gồm: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh (Nghệ An), Cần Thơ - Thanh Hóa, Cần Thơ - Nha Trang (Khánh Hòa) và Cần Thơ - Ðà Lạt (Lâm Ðồng), dự kiến khai thác vào ngày 26-4.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng còn nhiều khó khăn như Tây Nam Bộ. Việc có thêm 5 đường bay mới sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phát triển, nhất là du lịch. Thủ tướng đề nghị các hãng hàng không tiếp tục khai thác, mở thêm nhiều tuyến nội địa và quốc tế đến Cần Thơ để thúc đẩy vùng phát triển. Tổng công ty Hàng không Việt Nam nâng cao chất lượng hạ tầng hàng không, dịch vụ bay để bảo đảm an ninh, an toàn bay, đúng giờ…

★ Chiều 6-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn công tác Chính phủ đến thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I - 2019. Theo đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ; tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn một số khó khăn, hạn chế. Thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm, đầu ra không ổn định; xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế; vướng mắc trong thủ tục đầu tư chưa được tháo gỡ và giải quyết kịp thời… Ðể tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị Chính phủ sớm cho chủ trương đầu tư cảng nước sâu Trần Ðề, hỗ trợ đầu tư các dự án về năng lượng, hạ tầng giao thông trên địa bàn…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trong việc xem xét các đề xuất của Sóc Trăng, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy các lợi thế, tiềm năng của địa phương để cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa theo hướng chất lượng bền vững. Trên cơ sở xem xét từng dự án của tỉnh, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Sóc Trăng cần chủ động nghiên cứu các phương án khả thi của các dự án trên địa bàn, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

★ Cùng ngày, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc mừng các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer và Trường Bổ túc văn hóa (BTVH) Pali trung cấp Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng.

Thay mặt Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước (ÐKSSYN) tỉnh Sóc Trăng, Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội ÐKSSYN đã phát biểu khái quát đời sống tôn giáo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Trong những năm qua, được Ðảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, các chùa đã được xây dựng, trùng tu lại khang trang hơn. Toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 85% ngôi chùa được xây dựng, sửa chữa. Hiện có 65 điểm văn hóa tại chùa Khmer, hai chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và tám chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống luôn được duy trì theo phong tục tập quán, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiệu trưởng Trường BTVH Pali trung cấp Nam Bộ Lâm Nhưng cho biết, được thành lập từ năm 1994, trường được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đầu tư xây mới với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Tất cả tăng sinh đến học trong trường đều được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Ðến nay, trường đã đào tạo được hơn 1.125 học viên, từ lớp 6 đến 12. Hằng năm, trường thông báo tuyển sinh đầu vào là 70 học viên (lớp 6 và 10). Các học viên khi được xét tuyển vào học trong trường đều được hưởng chế độ theo chính sách của Ðảng, Nhà nước như học sinh dân tộc nội trú... Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, trường luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đáp ứng nguyện vọng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, sư sãi Khmer Nam Bộ học tập nâng cao trình độ, phát triển về mọi mặt…

Biểu dương những cố gắng, thành tích của Hội ÐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng cho rằng, các vị chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer đã thực hành tốt phương châm "Tốt đời đẹp đạo", tích cực tuyên truyền vận động phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; tham gia công tác giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia xã hội hóa giáo dục, thực hiện công tác từ thiện xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương những thành tích của thầy và trò Trường BTVH Pali trung cấp Nam Bộ trong thời gian qua. Thủ tướng đề nghị nhà trường tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như công tác giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao trình độ nhận thức, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc các vị chức sắc, sư sãi và đồng bào Khmer Sóc Trăng năm mới nhiều sức khỏe, an lạc và hạnh phúc. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trồng cây sa la tại khuôn viên Trường BTVH Pali trung cấp Nam Bộ; đến thăm, tặng quà và chúc Tết cổ truyền hai gia đình chính sách người Khmer tại phường 3, thành phố Sóc Trăng.
 

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn

Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).