Trong lễ hội Ók-Om-Bóc của đồng bào Khmer Nam Bộ không thể thiếu lễ cúng Trăng. Đây là một lễ có ý nghĩa rất quan trọng của đồng bào dân tộc, theo như truyền thống của Phật giáo nam truyền thì cứ vào ngày Rằm là bà con Phật tử dâng mâm cơm cúng đến chư Tăng để tưởng nhớ đến công ơn, hồi hướng phước báu đến ông bà, tổ tiên và đó cũng là một trong 4 đại trọng ơn của người con Phật, ngoài ra còn tưởng nhớ tới công ơn Mặt Trăng cũng như các vị thần đã bảo hộ mùa màn tươi tốt, giúp cho cuộc sống của người dân luôn bình an, mưa thuận gió hòa trong năm.
Lễ cúng Trăng mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ, thể hiện khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người với con người, của con người với thiên nhiên.
Ngoài ý nghĩa trên, lễ còn có ý nghĩa tâm linh được thể hiện qua các vật trang trí và vật cúng như: 2 cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “vành đai vũ trụ”; cái bàn cúng tượng trưng cho “trái đất”; 2 cây mía tượng trưng cho “sự sinh sôi, nảy nở”; 3 cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho 3 mùa trong năm là “nắng, mát, mưa”; 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp”; 7 trái cau có hình con ong bầu tượng trưng cho “7 ngày trong tuần”; 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho “tháng đủ”; 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho “tháng thiếu”. Đặc biệt, trong lễ cúng Trăng phải có vật cúng chính là cốm dẹp. Ngoài ra, còn có những vật cúng phụ là nông sản mà người dân sản xuất ra như lúa, khoai, dừa, chuối, trầu cau, v.v.. và một số loại bánh, kẹo khác.