Thứ Hai 19 Tháng Ba 2018 - 01:56:09 CH

Phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vùng Tây Nam bộ

Tây Nam bộ là vùng đất mới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 3 dân tộc chính: Kinh, Khmer và Hoa. Người Khmer có mặt sớm nhất với gần 1,3 triệu người, chiếm khoảng 7% dân số. Trong tiến trình lịch sử của đất nước, đồng bào Khmer luôn phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó với các dân tộc, đóng góp nhiều công sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định vai trò to lớn của khối đại đoàn kết các dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng ta cho rằng chính sách đại đoàn kết các dân tộc thực chất là không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị của từng dân tộc, vừa làm cho mỗi dân tộc được phát triển toàn diện, vừa làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng, phát triển vùng đồng bào Khmer, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất của đồng bào Khmer

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer như xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn, hỗ trợ mua nông cụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Qua đó, đời sống vật chất của đồng bào Khmer không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm. Nhiều hộ vươn lên đủ ăn, có thu nhập khá, có hộ trở thành giàu.

Thứ hai, chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer

Để phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ học sinh nghèo, cử tuyển giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chính sách dự bị đại học, trung bình 1.000 học sinh/năm được tham gia các lớp dự bị đại học, góp phần to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc Khmer.

Chính sách y tế được quan tâm thực hiện tốt. Các xã, phường có đông đồng bào Khmer đều có cơ sở y tế, có y, bác sĩ khám, chữa bệnh. 100% hộ nghèo Khmer được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer như chính sách dạy và học chữ Khmer trong các trường học có đông đồng bào Khmer và trường dân tộc nội trú, trong các điểm chùa Khmer, các Đài Phát thanh - Truyền hình, báo chí khu vực và cấp tỉnh đã có chuyên mục riêng bằng tiếng Khmer. Nhiều loại hình nghệ thuật và các lễ hội truyền thống của người Khmer được tôn vinh và phát huy. Môn thể thao đua Ghe Ngo của đồng bào Khmer được nâng thành môn thể thao cấp quốc gia. Có 4 đoàn nghệ thuật Khmer và 1 đội thông tin văn nghệ Khmer là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, được Nhà nước đầu tư, đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật Khmer. Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đầu tư để các ngôi chùa phát huy vai trò trong cộng đồng Khmer. Cả vùng Tây Nam bộ có khoảng 452 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đến nay, đã công nhận 05 chùa di tích cấp quốc gia, 11 chùa di tích cấp tỉnh.

Thứ ba, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer vững mạnh

Cán bộ là người Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý. Khu vực Tây Nam bộ hiện có 12.289 cán bộ, công chức là người Khmer và có khoảng gần 12.000 đảng viên Khmer, nhiều đảng viên Khmer tham gia vào cấp ủy các cấp.

Thứ tư, từng bước làm thất bại âm mưu phá hoại, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch

Công tác nắm tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động ở nước ngoài luôn được chú trọng. Các địa phương phát huy tốt vai trò của những người tiêu biểu, nhất là trong công tác vận động quần chúng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Nhờ vậy, mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đều bị vô hiệu hóa. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer giữ vững được ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy.

Một số bất cập trong thực hiện chính sách phát triển toàn diện các mặt vùng đồng bào Khmer làm ảnh hưởng đến việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc

Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Khmer còn trên 20%. Các chính sách, chương trình, dự án nhiều nhưng dàn trải, manh mún, thiếu tập trung, nguồn lực chưa đủ mạnh. Một số chính sách được ban hành nhưng không triển khai được do vướng mắc các cơ chế, chính sách. Định mức đầu tư thấp, định mức hỗ trợ không phù hợp, mức vay sản xuất không cao nên kém hiệu quả. Việc công khai, minh bạch các nguồn vốn, nhất là cấp huyện, xã có nơi thực hiện chưa tốt.

Chất lượng nội dung, hình thức ấn phẩm văn hóa bằng tiếng Khmer còn thấp. Thời lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer có mặt chưa đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Tình trạng xây dựng, sửa chữa các cơ sở thờ tự của tôn giáo không xin phép hoặc thực hiện sai giấy phép còn xảy ra ở một số địa phương.

Hiệu quả công tác đào tạo nghề ở một số nơi chưa cao, nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo, loại hình đào tạo nhiều nơi không gắn với đặc điểm đối tượng và giải quyết việc làm.

Công tác cử tuyển, đào tạo, sử dụng cán bộ người Khmer còn nhiều bất cập. Công tác phát triển đảng viên trong dân tộc Khmer còn chậm. Việc bố trí sử dụng con em dân tộc ở các địa phương qua đào tạo cử tuyển, đại học, cao đẳng còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ người Khmer còn thiếu.

Tình hình an ninh chính trị, tôn giáo, vùng biên giới và vùng đồng bào Khmer còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, tranh chấp đất đai trong nông thôn có nơi còn diễn biến phức tạp.

Một số giải pháp phát huy vai trò của đồng bào Khmer trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc:

Thứ nhất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer một cách bền vững. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn cao so với các dân tộc khác trong vùng. Để đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo, thu hẹp chênh lệch về đời sống kinh tế giữa đồng bào Khmer và các dân tộc khác trong vùng, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, vật tư… phù hợp với đặc điểm của đồng bào ở từng địa phương. Đồng thời với xây dựng, hoàn thiện kết cấu kinh tế hạ tầng, việc đẩy mạnh công tác định canh định cư trong vùng đồng bào Khmer là cần thiết để tạo những tiền đề cho sự phát triển kinh tế của vùng. Đồng bào Khmer đa phần sản xuất nông nghiệp nên cần quan tâm hướng dẫn đồng bào kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư trong vùng đồng bào Khmer, khuyến khích, ưu tiên thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã thu mua nông sản cho đồng bào Khmer, hạn chế tình trạng tư thương ép giá.

Thứ hai, tăng cường công tác dân vận trong đồng bào Khmer nhằm nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cần chú ý phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt ở cơ sở và những người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer đối với công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận đủ về số lượng và có chất lượng; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp vận động phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào.

Thứ ba, hoàn thiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Khmer, trong đó cần chú ý hoàn thiện một số chính sách lớn: bảo tồn tiếng nói, chữ viết, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật, phát huy vai trò của chùa Khmer.

Thứ tư, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào Khmer: tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người Khmer. Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở những nơi có đông đồng bào Khmer, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở là giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của các giải pháp trên.Các cấp ủy cần chú ý công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong xây dựng hệ thống chính trị ở nơi có đông đồng bào Khmer, cần đặc biệt quan tâm đến việc không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào Khmer, có kế hoạch lâu dài và cụ thể để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên người Khmer.

Đồng bào Khmer có nhiều công lao, đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của vùng đất Nam bộ. Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để hoàn thiện các chính sách và tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách này nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, qua đó thúc đẩy xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam nói chung, vùng Tây Nam bộ nói riêng.
ThS. Hà Thị Thùy Dương
(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).