Thứ Ba 24 Tháng Mười Hai 2019 - 06:41:09 CH

LỄ HỘI ĐUA GHE NGO CỦA NGƯỜI KHMER TÂY NAM BỘ TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI

Người Khmer Tây Nam Bộ nói chung và người Khmer ở Kiên Giang nói riêng họ có một lễ hội rất đặc sắc đó là Đua ghe Ngo. Đây là lễ hội tập trung đông đảo người từ các nơi trong tỉnh đến dự. Vì thế có thể nói rằng, tính cố kết cộng đồng đã vượt qua ranh giới của một địa phương nhỏ mà trở thành của cả tỉnh. Mặc dù truyền thống và đương đại có nhiều nét thay đội nhưng thông qua đó lễ hội cũng cho ta thấy rõ tình đoàn kết, tính cộng đồng và tinh thần tham gia Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer Tây Nam Bộ nói chung và ở Kiên Giang nói riêng là một thứ văn hoá vô giá và bất diệt.



Lễ hội Đua ghe Ngo truyền thống là một trong những lễ hội lớn của người Khmer, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam Bộ và tinh thần đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch. Trong Lễ hội Ok Om Bok, thường tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đua ghe, biểu diễn văn nghệ,... Đặc biệt, đua ghe Ngo là một môn thể thao được đồng bào ưa thích [2, tr. 56]. Đua ghe Ngo có sức lôi cuốn đông đảo người dân đến tham gia không chỉ trong phạm vi tỉnh Kiên Giang mà còn thu hút sự tham gia của cả khu vực. Đặc biệt là ở những năm gần đây nó không những có sự hấp dẫn đối với du khách nội địa mà còn thu hút cả du khách nước ngoài đến tham quan, vui chơi với lễ hội.

Do đó, Lễ hội Đua ghe Ngo hàm chứa nhiều yếu tố tích cực về đời sống văn hóa xã hội của người Khmer trong những bối cảnh lịch sử, xã hội khác nhau, tạo nên trầm tích văn hóa ẩn bên trong lễ hội. Ngày nay, với sự tác động, giao thoa văn hóa của các dân tộc, tôn giáo và quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập kinh tế – văn hóa toàn cầu đã tác động đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động lễ hội truyền thống của người Khmer. Lễ hội Đua ghe Ngo cũng không nằm ngoài quy luật bị sự tác động của xã hội và sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế thị trường làm cho những tinh hoa văn hoá của lễ hội ngày càng bị phai nhạt đi. Chính vì lẽ đó, nên Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ nói chung và người Khmer ở Kiên Giang nói riêng cần phải được bảo tồn và phát huy để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của bà con đồng bào dân tộc. Đồng thời góp phần giới thiệu về đất nước, con người, quảng bá kinh tế, văn hóa, xã hội của người Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.



Nói về Lễ hội Đua nghe Ngo của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ nói chung và ở Kiên Giang nói riêng, có rất ít nhà nghiên cứu quan tâm đến và đây không phải là đề tài hoàn toàn mới. Trước đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về người Khmer ở Tây Nam Bộ nói chung và người Khmer ở Kiên Giang nói riêng, trong đó có những nét khái quát cơ bản về nhiều khía cạnh như dân cư, truyền thống, văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất,… Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu tiêu biểu như:
Công trình nghiên cứu “Người Việt gốc Miên” của Lê Hương đây là tài liệu đầu tiên nghiên cứu về lễ hội một cách có hệ thống từ thời gian tổ chức, nguồn gốc lễ hội và quy trình tổ chức những nghi lễ của người Khmer trước năm 1975. Cùng với đó, tác giả Sơn Phước Hoan bằng phương pháp tiếp cận lịch sử vấn đề gắn với tích truyện Phật giáo “Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ” lí giải nguồn gốc phát tích của chiếc ghe Ngo một cách rõ ràng nhất. Trường Lưu cũng viết về “Văn hoá người Khmer vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” và trong  công trình nghiên cứu này tác giả cũng đã nói về Lễ hội Ok Om Bok một cách chung nhất, trong Lễ hội Ok Om Bok tác giả cũng có miêu tả khái quát một phần của Đua ghe Ngo từ cấu tạo của chiếc ghe Ngo cho đến cơ cấu tổ chức. Đoàn Thanh Nô “Người Khmer ở Kiên Giang” trong quyển này tác giả cũng đã miêu tả khá rõ nét về Đua ghe Ngo ở Kiên Giang nhưng vẫn chưa nói về sự biến đổi của lễ trong cuộc sống đương đại. Nhìn chung, các tài liệu nói về lễ hội như là “Phong tục lễ nghi của người Khmer Nam Bộ” của tác giả Sang Sết hay là Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học “Lễ hội Ok Om Bok trong đời sống cộng đồng người Khmer tại Sóc Trăng” của tác giả Võ Văn Sự đa số các tác giả đều nói sơ qua Lễ hội Đua ghe Ngo như là một hoạt động nhỏ trong Lễ hội Ok Om Bok, tác giả chưa nghiên cứu sâu về Lễ hội Đua ghe Ngo.

Nguồn gốc của Lễ hội Đua ghe Ngo: Lễ hội Đua ghe Ngo là một hiện tượng lịch sử, sinh hoạt văn hoá có mặt từ rất lâu đời không thể thiếu của người Khmer. Theo tục truyền, đua ghe ngo đã có tử thế kỷ XIII, việc tổ chức đua ghe hàng năm là để biểu dương lực lượng hùng mạnh và tinh thần thượng võ trên sông nước [2, tr. 56]. Cũng như hầu hết các lễ hội khác của người Khmer, mỗi lễ hội đều gắn liền với truyền thuyết, các tích truyện khác nhau và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Như hầu hết các lễ hội khác, lễ đua ghe cũng mang màu sắc Phật giáo rõ rệt [3, tr. 88]. Thuở xưa, vào một ngày sắp Ngọ, các vị sư đang đi khất thực thì trời bổng đổ một trận mưa giữ dội làm cho các vị sư ướt hết cả cà sa, nước thì dâng ngày một cao khiến các vị sư không thể nào đi về chùa được. Người dân trong vùng muốn đưa các vị sư về chùa nhưng không biết làm cách nào, nước một lúc một dâng cao nên cần phải đóng thuyền càng nhanh càng tốt ai làm nhanh chở được sư nhiều vị sẽ có nhiều phước. Người Khmer quan niệm rằng: Phước thiện là một tư tưởng rất quan trong trong giáo lý của đạo Phật [6, tr. 189]. Cuối cùng người dân bèn đốn những cây to khoét lỗ tạo thành một chiếc ghe dài, số ghe đóng ngày một nhiều, mọi người cùng nhau chở sư về chùa tạo thành một cuộc đua ghe trên sông hết sức độc đáo. Để nhớ lại những sự kiện đó, nên đồng bào Khmer hàng năm đều tổ chức những lễ hội đua ghe trên sông rất nhộn nhịp. Trên thực tế thì việc Đua ghe Ngo là một môn thể thao đã có từ rất lâu đời, có truyền thuyết cho rằng tục Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer là nhằm ôn lại kỳ tích của lực lượng chủ lực hải quân và chiếc thuyền chiến (ghe Ngo). Cũng theo người Khmer Đua ghe Ngo còn là một phong tục để cảm ơn đất và nước về những ân huệ, những tặng vật đã ban cho con người [5, tr. 124].
 
Dù bắt nguồn từ đâu thì Lễ hội Đua ghe Ngo vẫn mang một ý nghĩa nhân văn rất đặc trưng và sức mạnh hào hùng của người Khmer. Ngày nay, người dân Khmer ở vùng này tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo như một tục lệ, nó không chỉ mang một dấu ấn văn hoá mà còn là một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khoẻ mạnh hào hùng và đặc biệt là cái tài nghệ tuyệt vời của các tay bơi trên sông nước mênh mông.
Lễ hội Đua ghe Ngo trong tâm thức của người Khmer ở Tây Nam Bộ

Thời gian và không gian của Lễ hộiTheo tục truyền, Đua ghe Ngo đã có từ thế kỷ thứ XIII, khi triều đình đế quốc Khmer xây xong đền Ăngkor Wat, mới tổ chức cuộc Đua ghe Ngo hàng năm để biểu trưng tinh thần thượng võ trên sông nước [3, tr. 88]. Lễ hội Đua ghe Ngo tại Kiên Giang hàng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 (ខែកត្តឹក) âm lịch.
Theo phong tục, thì Lễ hội Đua ghe Ngo tại tỉnh Kiên Giang sẽ diễn ra theo trình tự thời gian như sau:
Thứ nhất: Trước khi cuộc đua diễn ra thì trụ trì chùa sẽ đến ban tổ chức để đăng ký tham gia và cùng họp để đưa ra thể lệ thi rõ ràng.
Thứ hai: Sau khi đăng ký, mọi người đã biết ngày giờ diễn ra thì từng chùa sẽ tổ chức buổi tập luyện vào những lúc xế chiều khi mọi người đã hoàn tất công việc gia đình, kéo dài từ 2 đến 3 tuần nhằm tạo sức dẻo dai và nhanh nhẹn cho các vận động viên. Hằng ngày, các vận động viên phải chọn ra những giờ để tập trên cạn, khi tổ trưởng cảm thấy các vận động viên bơi đều thì bắt đầu cho tập dưới nước, khi tập thì cũng cần phải lựa lúc nước lớn mới có thể tập được. Việc tập lâu dài nhằm nâng cao sức chịu đựng khi vào đua chính thức bởi khi đua có lúc đua từ sáng đến chiều, đòi hỏi sự bền bỉ về thể lực của các tay đua. Vì thế, mỗi khi vào hội đua, ta thấy ở từng đoạn sông có chùa Khmer không khí hò reo, người ta ra bờ sông xem các tay đua của phum, sóc mình luyện tập rất đông đúc.
Thứ ba: Trước ngày diễn ra cuộc đua, Ban Quản trị chùa sẽ thực hiện nghi thức hạ thuỷ chiếc ghe Ngo nhằm cho các vận động viên tập dợt trên ghe cho thành thạo rồi mới đưa ghe đến trường đua. Sau bao ngày tập luyện, đến ngày quy định thì các đội ghe Ngo ở các chùa phải tập trung đến địa điểm sông Cái Lớn thuộc huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang để cùng đua nhau tranh tài. Đến hẹn lại lên, sự mong đợi của bà con trong phum, sóc cũng đã đến. Sáng hôm đó, mọi người sẽ tập trung đến rất đông bên hai bờ sông, ngoài ra còn có những chiếc vỏ lãi của các cổ động viên từng gia đình chạy cặp trên mé sông để mong chờ một trận đua sắp diễn ra. Việc bốc thăm từ trước, đến giờ đua tất cả các đội ghe đều phải tập trung tại khán đài để bốc thăm nhận lịch đua.
Người ta tổ chức đua theo từng đợt một, mỗi đợt đua là một cặp ghe theo bảng đã được bốc thăm từ trước. Vì thế, nhiều đội tham dự sẽ có nhiều bảng đấu xếp loại theo A, B, C,…và cuộc đua diễn ra từ vòng loại đến vòng chung kết khi chỉ còn 4 ghe vào cuộc. Hai ghe thắng đua với nhau để phân nhất nhì hai ghe thua đua nhau để phân ba, tư [3, tr. 90]. Dọc hai bên bờ sông là khung cảnh của hàng nghìn người không phân biệt đội nào với đội nào, họ đua nhau nhảy nhót, múa hát, hò reo, tiềng trống, tiếng kèn cổ vũ cho đội ghe của mình làm cho các tay bơi càng có thêm động lực sức mạnh tiến về đích. Đến khi thấy sự chiến thắng của đội mình, cảm xúc của mỗi người dường như vỡ oà vì hạnh phúc, bởi vì đối với họ chiến thắng là một vinh dự cho chùa và là “tiếng thơm” cho cả một phum, sóc.
Dù là thắng hay thua thì trên nét mặt từng vận động viên vẫn nở những nụ cười điềm tĩnh. Vì đối với họ, thắng thua không phải là nhất mà việc giao lưu, đoàn kết với nhau mới là đều chính yếu. Đặc biệt hơn nữa, là họ đều cho nhau cái hẹn ở cuộc đua năm sau.
Lễ hội Đua ghe Ngo cũng chấm dứt tại đây, thường là 4, 5 giờ chiều. tất cả mọi người vui vẻ chia tay nhau cùng hộ tống ghe về. Những ghe đi chung đường thì họ cùng nhau liên hoan múa hát trên ghe để xua đi những mệt nhọc, những lo toan trong cuộc sống và đây cũng chính là đặc điểm nổi bật của người dân Khmer, dù có khó khăn hay gian khổ, dù có thắng hay bại thì họ vẫn hồn nhiên mang trong mình một sự vui tươi và năng động.
Yếu tố tín ngưỡng trong Lễ hội Đua ghe NgoTừ năm 1873, Tylor đã quan sát các quan niệm của những người sơ khai cho rằng vạn vật đều có một cái linh hồn mà người Melanesia và Polynesia gọi là mana, có thể nằm trong con người, con vật, cây cối, và đôi khi cả trong những vật vô cơ như đất đá hay những vật do con người làm ra [1, tr. 196].
Từ xa xưa, người Khmer đã có niềm tin mãnh liệt và sự thành kính thiêng liêng đối với thần thánh hay các  lực luợng siêu nhiên, là lực lượng bảo trợ tinh thần cho người đang sống.
Đối với Lễ hội Đua ghe Ngo việc cúng kiếng là việc hết sức quan trọng, nó cũng góp phần quyết định sự thành bại của cuộc đua. Đối với người Khmer, mỗi năm, chiếc ghe Ngo chỉ được hạ thủy một lần để tham gia Lễ hội Đua ghe Ngo, sau đó được đưa lên bờ và bảo quản như cũ. Việc hạ thủy ghe Ngo đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, vừa mang tính truyền thống vừa mang yếu tố tín ngưỡng. Buổi lễ được Ban Quản trị chùa tổ chức trang nghiêm, với ý niệm “vạn vật hữu linh”, người Khmer tin rằng ghe Ngo là vật linh thiêng. Nhất cử nhất động với ghe đều phải làm lễ cầu xin. Trong mỗi lễ đều có tiết lễ chi li [10, tr. 58]. Ví dụ như lễ “xuống ghe” (hạ thủy) trước mỗi kỳ đua. Với niềm tin kêu gọi thần linh đến trợ giúp đội ghe đi bơi thắng lợi, người ta tổ chức buổi lễ cúng với sự có mặt đông đủ của các vận động viên và một số cổ động viên trong phum, sóc.
Nghi thức cúng với mục đích đơn giản là cầu bình an cho mọi người trong phum, sóc và đặc biệt là cầu xin các vị thần ban sức mạnh cho các vận động viên để mang chiến thắng vinh quang cho chùa. Ngoài ra, còn một điểm cũng cần phải lưu ý khi chúng ta muốn nghiên cứu các đám lễ và đám phước của người Khmer, đó là những lễ vật dâng cúng vì chúng đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong các nghi lễ của họ [8, tr. 39].
Theo Achar Danh Út – Achar chùa Nha Si Mới cho biết: trong nghi thức hạ thuỷ chiếc ghe Ngo thì cần phải có những lễ vật dâng lên các vị thần trong đó có Neak ta. Ông cho biết thêm: ở những chùa có ghe Ngo đều thì đều có Neak ta canh giữ nên trước khi hạ thuỷ chiếc ghe Ngo cần phải dâng lễ vật cúng đến Ngài. Lễ vật cúng tuỳ theo từng chùa, gồm sla tho, bay sây, nhang đèn, vịt hoặc gà luộc nguyên con, thủ lợn, hai mâm cơm gồm thức ăn chén đũa đầy đủ,… vừa cúng Achar vừa rãi cốm để thỉnh các vị thần đến nhận lễ vật mà bà con trong phum sóc dâng cúng. Sau khi thực hiện những nghi thức cúng xong thì Achar sẽ thỉnh trụ trì chùa ra tụng kinh ban phước cho các vận động viên cũng như bà con trong phum, sóc được sự bình an và may mắn khi đi tham gia thi đấu.
Khác với các nơi khác, sau khi ghe Ngo hạ thuỷ và trước khi cuộc đua diễn ra một ngày thì chiều hôm đó Achar, Ban Quản trị và các vận động viên sẽ đến thực hiện nghi thức cúng Arak, cùng với đó cũng có tiếng trống, nhạc truyền thống, tiếng cồng nổi lên. Tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng cồng càng lúc càng nhanh hoà với bao điều mong ước của mọi người là muốn cho ghe mình sẽ là ghe bơi nhanh nhất để giành lấy giải thưởng về mình. Arak là thần thiện, là vị thần bảo hộ của người Khmer, nhạy bén về quyền hạn của mình, thần sử dụng Ruub Arak (រូបអារក្សៈ xác đồng) làm trung gian [9, tr. 16].
Đề cập tới tín ngưỡng dân gian, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh tới giá trị nhân văn, đặc biệt là yếu tố văn hóa đạo đức trong tín ngưỡng dân gian có giá trị đặc thù nhằm củng cố, bảo vệ đức tin thiêng liêng trong cộng đồng, đồng thời cũng chứa đựng những chuẩn mực đạo đức, mang tính nhân loại. Đó là tình thương đồng loại, hướng thiện, ngừa ác…
Những quy định của chiếc ghe NgoThời xa xưa, phong tục tập quán của người Khmer chịu ảnh hưởng của đạo Bà-la-môn [4, tr.32]. Từ đó, phong tục tập quán cũng tạo nên sự khác biệt giữa mỗi quốc gia, dân tộc đấy chính là cuộc sống đầy sinh động, là một tổng thể của những giá trị vật chất lẫn tinh thần của một xã hội, một quần thể hay một dân tộc, kéo dài từ quá khứ cho đến hiện tại và đang theo đà tiến hoá của nhân loại để bước vào tương lai. Ngoài ra, phong tục tập quán còn kéo theo những kiêng kị mà hầu như trong lễ tục nào của dân tộc cũng đều có và dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ nói chung cũng không ngoại lệ.
Trong Lễ hội Đua ghe Ngo thì hầu như chúng tôi không tìm thấy những quy định gì gọi là kiêng kị. Còn mọi vấn đề liên quan đến chiếc ghe Ngo đều có những kiêng kị nhất định như không bước qua đầu ghe, nơi để ghe Ngo tức là nhà ghe thì phụ nữ không được tới gần hoặc sờ vào mũi ghe. Đó là điều kiêng kị mà hầu hết người Khmer đều phải biết, đặc biệt là các vị Achar hay những người tri thức trong bổn sóc họ luôn nhắc nhở thành viên trong phum sóc điều này.
Thạc sĩ Danh Minh Lành – ngụ tại Gò Quao, Kiên Giang cho biết:
Sỡ dĩ có sự kiêng kị như vậy là vì đơn thuần người Khmer lúc xưa họ tin rằng ở mỗi ghe Ngo là có ma quỷ canh giữ và nếu phụ nữ đi ngang thì ghe sẽ không còn bơi nhanh như trước. Ngoài ra, người ta còn kiêng kị không cho phụ nữ có thai đến gần chiếc ghe Ngo bởi vì những ma quỷ (Neang Kh’mau, Neang Kheav) giữ ghe Ngo không thích con nít trong bụng mẹ. Có người lại lí giải bằng cách khác, do đứa bé trong bụng mẹ rất trong sạch về giới nên có uy lực xua đuổi ma quỷ giữ ghe Ngo đi chỗ khác nên từ đó có việc kiêng kị không cho phụ nữ hay phụ nữ mang thai đến gần hoặc đi ngang đầu chiếc ghe Ngo.
Ý nghĩa của Lễ hội Đua ghe NgoMột là: liên kết cộng đồng trong phum, sóc hướng về ngày lễ chung của dân tộc. Qua đó, còn vun đắp thêm tình cảm đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong các hoạt động diễn ra suốt mùa lễ hội. Đồng thời Lễ hội Đua ghe Ngo cũng tạo điều kiện cho giới trẻ tìm hiểu về những nét văn hoá truyền thống dân tộc. Từ đó, cũng giúp cho họ hiểu rõ hơn phải biết ý thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc.
Hai là: nói lên sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng trong việc tham gia lễ hội, thông qua đó cũng cho thấy được sự yêu văn hoá của người Khmer ở Kiên Giang là tuyệt đối.
Ba là: Lễ hội Đua ghe Ngo còn mang ý nghĩa tạ ơn thần nước một năm qua đã ban nước cho người dân tưới tiêu, trồng trọt và đã luôn bảo trợ mang đến sự bình yên cho người dân trong phum, sóc.
Bốn là: Lễ hội Đua ghe Ngo còn giúp cho Lễ Ok Om Bok thêm phần long trọng và còn thắt chặt thêm sợi dây liên kết giữa các cộng đồng tộc người với nhau, làm cho con người quên đi những lo âu nhọc nhằn của cuộc sống.
Năm là: Lễ hội Đua ghe Ngo mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Khmer Kiên Giang. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được lễ hội toát lên các giá trị về giáo dục nhân cách, giáo dục sức khoẻ, giáo dục lao động, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục ý thức đồng đội và tính cộng đồng, và nhiều giá trị khác nữa luôn hoà quyện, gắn kết với nhau trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Một số biến đổi của Lễ hội Đua ghe Ngo ở tỉnh Kiên GiangVùng đất Tây Nam Bộ nói chung và ở tỉnh Kiên Giang nói riêng là một vùng đất với sự sinh sống của đa dân tộc cùng với đó là sự phát triển của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sự phát triển kinh tế và hội nhập văn hoá đã một phần nào đó tác động đến sự ảnh hưởng của văn hoá dân tộc và dân tộc Khmer ở vùng này cũng không tránh khỏi sự tác động đó. Cùng với sự phát triển đó thì những nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây cũng có sự biến đổi khá rõ rệt trong những quy mô đến cách thức tổ chức,… dưới đây là một số biến đổi trong Lễ hội Đua ghe Ngo tại tỉnh Kiên Giang mà chúng tôi nghiên cứu được:
Quy mô tổ chức Xưa kia, từng địa phương tổ chức Đua ghe Ngo tại chỗ để phục vụ đồng bào nhân ngày Ok Om Bok [2, tr. 60]. Do xã hội ngày càng phát triển nên dần về sau việc đua này ngày càng mở rộng trở thành các cuộc đua có tính chất thể thao và có tính tập trung cao. Điểm đua được trang trí khán đài rất bắt mắt, đồng thời vào dịp lễ thì những băng gôn, poster, được treo khắp các nẻo đường với mục đích quảng bá về văn hoá. Giới truyền thông, báo chí ngày càng quan tâm đặc biệt hơn đến lễ hội bằng cách quay phim viết bài đăng tin và đặc biệt hơn nữa là khi diễn ra cuộc đua thì được phát trực tiếp trên kênh truyền hình để cho các cụ già hoặc những người ở xa không có điều kiện đến địa điểm đua để xem thì họ sẽ theo dõi trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên thực trạng ngày nay thì có một số vấn đề bất cập như: một số chùa có khả năng và mong muốn được tham gia nhưng do điều kiện chùa không đủ kinh phí đóng ghe Ngo nên họ cũng không thể tham gia được. Song song với đó, thì một số chùa có ghe thì lại không có người tham gia, do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân đổ xô lên các thành thi khu công nghiệp để mưu sinh và lập nghiệp. Cho nên việc tham gia vào cuộc đua thì còn rất hạn chế và ghe Ngo của chùa cũng chỉ “nằm im” một chỗ. Đây là vấn đề cấp thiết đáng được quan tâm trong bối cảnh hiện nay, nhằm đưa ra những giải pháp thích hợp.
Một cái thay đổi nữa mà chúng ta dễ bắt gặp trong Lễ hội Đua ghe Ngo ở Kiên Giang là ngày xưa những gì liên quan đến ghe Ngo là sẽ không có hình ảnh của người phụ nữ, từ chạm vào ghe, đi ngang đầu ghe thậm chí là tham gia đua cũng không được vì những kiêng kị của những bô lão. Nhưng ngày nay, chúng ta thấy được một đều là việc nam nữ bình đẳng và người Khmer hiểu được đều đó nên trong cuộc Đua ghe Ngo ngày nay phụ nữ có quyền được tham gia làm vận động viên chính thức và họ mạnh dạng bỏ qua những tư tưởng lạc hậu thời trước.
Tính “cộng đồng” và phát triển du lịch trong Lễ hội Đua ghe NgoCó thể nói, tính cố kết cộng đồng của Lễ hội Đua ghe Ngo đã vượt ra ngoài ranh giới của một địa phương mà trở thành của cả tỉnh. Từ đó, ta thấy rõ tình đoàn kết, tính cộng đồng và tinh thần tham gia Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer Tây Nam Bộ là một thứ văn hoá vô giá.
Trước đây việc tham gia Đua ghe Ngo với mục đích đặt tính “cộng đồng” và bảo tồn nét văn hoá truyền thống lên hàng đầu cho nên những cuộc đua đều mang tính chất vui là chính. Một số ít hiện nay, họ không đặt nặng về vấn đề cơ cấu giải thưởng lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay những cuộc đua lại không mang tính chất như vậy nữa, do được tài trợ bởi các cơ quan doanh nghiệp, cho nên giải thưởng có tính chất cao hơn trước. Từ đó, người đua chủ yếu đặt nặng vấn đề giải thưởng lên hàng đầu gây ra những vấn đề bất cập như: mất đoàn kết, giữa người với người,  giữa chùa với chùa làm nảy sinh sự đố kỵ và ganh tỵ lẫn nhau.
Lễ hội Đua ghe Ngo mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Tây Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Kiên Giang nói riêng. Thể hiện được những khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với các đấng bề trên, một lễ hội mang đầy đủ yếu tố tâm linh và giải trí và là một lễ hội qui tụ những yếu tố văn hoá của cả dân tộc. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo hàng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer Nam Bộ, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách bốn phương đến tham quan vui chơi.
Hiện nay, ở Kiên Giang ngành du lịch đang phát triển nhanh chóng và có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer đặc biệt là vào những dịp lễ hội trong đó có Đua ghe Ngo là một hướng đi mới cho du lịch của tỉnh, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn các loại hình sản phẩm du lịch. Đồng thời, khai thác các giá trị văn hóa Khmer phục vụ du lịch sẽ góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.
Nguyên nhân của sự biến đổi Lễ hội Ok Om Bok là một nghi lễ mang tính tôn giáo – tín ngưỡng và trải qua hàng trăm năm vẫn còn lưu giữ đến tận ngày hôm nay. Song song với đó do sự phát triển của xã hội, nên sự biến đổi trong nghi lễ cũng không thể nào tránh khỏi, nguyên nhân chủ yếu của sự biến đổi đó là trào lưu chạy theo sự phát triển của thời đại, mỗi người ai cũng có những tính cách riêng nên việc tổ chức lễ cũng có phần khác đi. Ngoài ra sự thờ ơ về các lễ hội truyền thống đối với đồng bào Khmer nơi đây thể hiện khá rõ rệt, một số gia đình không hiểu hết ý nghĩa và cách thức tổ chức một nghi lễ truyền thống.
Bên cạnh đó, do đặc điểm của địa bàn sinh sống việc di chuyển vì kinh tế gia đình của những hộ gia đình Khmer nơi đây tập chung đến các thành thị khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm trang trải cho cuộc sống và mong thoát khỏi cảnh nghèo. Bị tách rời khỏi cộng đồng và luôn phải chịu sự giao lưu văn hoá với cộng đồng các dân tộc khác cho nên việc giữ gìn nét bản sắc văn hoá dân tộc mình cũng rất hiếm hoi. Cùng với đó là ý thức bảo tồn văn văn hoá của giới trẻ cũng không cao và dần dần bị phai nhạt dẫn đến sự mất gốc là đều không thể nào tránh khỏi.

Kết luận và khuyến nghị Lễ hội Ok Om Bok ở tỉnh Kiên Giang, không chỉ duy trì được môn thể thao độc đáo mà còn phát huy tinh thần sáng tạo và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam [2, tr. 65]. Lễ hội Đua ghe Ngo mang ý nghĩa nhân văn tượng trưng cho sức mạnh hào hùng của người Khmer Kiên Giang đồng thời cũng thể hiện rõ nét tính dân gian của các cư dân sống trong khu vực có nền văn minh lúa nước. Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer Nam Bộ là một sản phẩm văn hóa truyền thống hết sức đặc sắc có sức lan tỏa, thể hiện rõ tinh thần Khmer. Và sau cuộc đua, tất cả các ghe Ngo đều được đem về chùa cất giữ, bảo quản. Vì thế, mỗi chùa ngoài các khuôn viên sinh hoạt thường nhật và nơi thực hiện các nghi lễ lại có thêm chỗ để ghe Ngo.  

Sự biến đổi trong việc tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo phần nào là để phù hợp với thời đại và phù hợp với điều kiện sống của mỗi gia đình, sự biến đổi ấy một phần cũng phản chiếu được bức tranh chân thực trong cuộc sống đương đại này. Không những thế, sự biến đổi đôi lúc cũng tạo nên sự đồng tình nhưng đôi lúc cũng nảy sinh những ý kiến trái chiều gây tranh cãi do quá trình hội nhập chung với cộng đồng. Thông qua đó, chúng tôi cũng muốn đưa ra những khuyến nghị nhằm góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hoá trong lễ hội truyền thống dân tộc: 

Nhà nước cần phải xây dựng Lễ hội Đua ghe Ngo ở Kiên Giang trở thành một thương hiệu, một sản phẩm du lịch đặc thù về văn hoá, lễ hội, thể thao – du lịch ở quy mô Đồng bằng Sông Cửu Long.
Các cơ quan nhà nước phải thực hiện chính sách hỗ trợ người dân ở vùng này trong việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tạo lập được việc làm ổn định đảm bảo được việc người dân không đổ xô lên các thành thị khu công nghiệp, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, người dân mới có thời gian và điều kiện tham gia các buổi sinh hoạt văn hoá của dân tộc và tham gia vào các lễ hội truyền thống hàng năm.
Nhà nước phải quan tâm trong việc đào tạo đội ngũ tri thức trong cộng đồng dân tộc. Bồi dưỡng kiến thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trong số đó có các vị sư sãi, các vị achar và những người có uy tín trong cộng đồng. Họ cần được đào tạo bày bản vì họ là nguồn tư liệu hết sức quý giá trong việc tuyên truyền và giữ gìn nét văn hoá truyền thống.
Phải thường tổ chức các buổi hội thảo về phát huy vai trò gìn giữ bản sắc dân tộc, khuyến khích việc nghiên cứu tìm hiều về văn hoá ở địa phương. Nhằm mục đích để người dân nơi đây thấy được giá trị trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, từ đó cũng phải thể hiện và nói lên được sự ảnh hưởng của văn hoá bên ngoài làm mai một cái văn văn hoá truyền thống của dân tộc.
Lễ hội Đua ghe Ngo tại tỉnh Kiên Giang cần được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp và kết hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân đặc biệt là giới truyền thông trong và ngoài tỉnh nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội cùng chung tay chăm lo bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị mang tính nhân văn của lễ hội. Để nâng tầm Lễ hội Đua ghe Ngo trở thành Festival cấp quốc gia phù hợp với xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Danh Hoàng Nan - Danh Chanh

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).