Thứ Hai 06 Tháng Năm 2019 - 09:55:12 CH

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG SỰ KIỆN CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER Ở VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ

Phật giáo Nam tông đến với Việt Nam thông qua con đường hòa bình. Mặt khác, giáo lý của Phật giáo chuyển tải tư tưởng bình đẳng, bác ái, cứu khổ, cứu nạn… gần gũi với tôn giáo, văn hóa Việt Nam, nên được người Khmer ở Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu và dễ dàng chấp nhận.
1. Quá trình hình thành Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt NamPhật giáo Nam tông được truyền vào các nước Đông Nam Á như: Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam (vùng đất Phù Nam ngày xưa) bằng hai con đường: đường thủy thông qua việc buôn bán với thương gia Ấn Độ và đường bộ qua sự giao lưu văn hóa với các nước phát triển trong đó có Trung Quốc.

Phật giáo Nam tông đến với Việt Nam thông qua con đường hòa bình. Mặt khác, giáo lý của Phật giáo chuyển tải tư tưởng bình đẳng, bác ái, cứu khổ, cứu nạn… gần gũi với tôn giáo, văn hóa Việt Nam, nên được người Khmer ở Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu và dễ dàng chấp nhận.

Trước khi Phật giáo truyền vào, người Khmer chủ yếu theo Bà La Môn hoặc thờ cúng các thần như thần đất, thần nước, thần lửa, thần gió và thần Arặk Nặk Tà,v.v... Việc Phật giáo truyền vào các nước Đông Nam Á, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer được đảm nhiệm bởi hai vị cao tăng thuộc hệ phái Nam tông là Sônathê và Utarathê. Khi đó, Phật giáo Nam tông đã được đồng bào Khmer đón nhận một cách nhiệt tình và đầy sự tôn kính.

Trải qua gần 2.000 năm tồn tại, Phật giáo Nam tông Khmer lúc thịnh lúc suy. Nhưng tư tưởng, văn hóa, đạo đức Phật giáo đã bám rễ và ảnh hưởng sâu sắc đến con người và xã hội của đồng bào Khmer ở Việt Nam. Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt như cùng nhau đoàn kết góp sức, góp của để xây dựng chùa chiền, có các vị sư sãi tu học, mỗi chùa đều có bổn đạo và Phật tử, có Nhôm wót, Achar wót và Mề vền,v.v... Hiện trên đất nước Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer có trên 460 chùa, có chùa tuổi thọ gần 2.000 năm (điển hình như chùa Sâm Bua Răng Sây ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh xây dựng vào năm 373), nhiều chùa được Đảng và Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, gần 9.000 tăng sĩ, trên 1 triệu đồng bào Phật tử.

Những thành quả đó là do sự tình nguyện chấp nhận giáo thuyết của Đức Phật. Vì người Khmer cho rằng, Phật giáo Nam tông có những điểm phù hợp với đạo đức, tâm lý của đồng bào. Từ đó, Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam được giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay. Chẳng những vậy, ngôi chùa còn là nơi giảng dạy con em người Khmer để phát triển nhân tài, là trung tâm tổ chức sinh hoạt cộng đồng người Khmer, trong kháng chiến còn là nơi nuôi chứa các đồng chí hoạt động cho cách mạng,v.v...

2. Những sự kiện của Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam trong lịch sử
Dưới sự đàn áp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer cùng đồng bào Khmer thấm thía nghĩa tình của Đảng và Nhà nước về chính sách đại đoàn kết dân tộc, trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc và tôn giáo, ra sức giúp đỡ lẫn nhau nhằm tranh thủ thoát khỏi ách thống trị của bọn thực dân và đế quốc, mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc của đại gia đình Việt Nam. Sự thất bại hoàn toàn của âm mưu cưỡng bức để đồng hóa dân tộc, đồng hóa tôn giáo của địch là lẽ đương nhiên.

Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách để chia rẽ nội bộ Phật giáo Nam tông Khmer, trong người Khmer ở Nam Bộ, thông qua một tổ chức Mặt trận Liên tôn chống Cộng bịp bợm xảo quyệt. Năm 1957, CIA giật dây cho tổ chức Đại hội Phật giáo Khmer tại chùa Chan Thặ Rằng Sây ở Sài Gòn để thành lập một giáo phái mới gọi là Theravada thay thế cho hệ thống tổ chức Phật giáo truyền thống, bắt buộc các Hội Phật giáo tỉnh (Mekon) đồng loạt đổi tên và khắc mộc mới. Dân biểu Sơn Thái Nguyên, một địa chủ được cử làm thủ lĩnh của hệ thống tổ chức cư sĩ trong các Ban Quản Trị chùa. Các ủy viên Trung ương của Khmer Sêrêy như sư Kim Sang, sư Thạch Gồng,v.v... khống chế thực tế hệ phái này tuy cố dựng Hòa thượng Lâm Em lên chức Tăng thống hữu danh vô thực. Cuối năm 1969, Mỹ ngụy còn tổ chức thêm một giáo phái nữa lấy tên là Phật giáo Khemărănikay do sư Thạch Ngộ làm Tăng thống. Sư sãi và đồng bào Khmer từng biết thái độ tâng bốc Ngô Đình Diệm của vị Tăng thống này, cho nên đã gọi châm biếm a là Ngô Sme, nghĩa là đệ tử của họ Ngô.

Trong năm 1960, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh, có khoảng 3 vạn đồng bào, sư sãi Khmer xuống đường, đồng khởi giành chính quyền trong cùng một ngày ở các xã tiếp giáp nhau giữa 3 huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần.

Đến ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân miền Nam, là cái mốc lịch sử tập hợp rộng rãi đồng bào các dân tộc đoàn kết đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, từng bước giành thắng lợi và tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tại Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ, một vị đại diện sư sãi và đồng bào Khmer đã phát biểu như sau: “Trước những tội ác tày trời của Mỹ - Diệm đối với nhân dân miền Nam thì dù là tượng Phật cũng phải đứng dậy phản đối”.

Phát huy tinh thần yêu nước, sư sãi Khmer chân chính không thể ngồi yên nhìn kẻ thù giết hại đồng bào, tàn phá quê hương, xóm làng, chùa chiền mà không động lòng thương xót đau đớn. Các vị đã tập hợp lại trong Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước do Hòa thượng Sơn Vọng, kế đến Hòa thượng Thạch Xom làm Hội trưởng khu Tây Nam Bộ. Họ đã khẳng khái thoát ly ra khỏi vùng giải phóng để lãnh đạo và huy động đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ, một thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, thực hiện trách nhiệm tham gia cứu nước, giải phóng dân tộc.

Nhiều ngôi chùa Khmer được mang danh là chùa Mặt trận vì đông đảo sư sãi trẻ tuổi tự nguyện xin lên đường tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều vị đã trở thành cán bộ chỉ huy quân sự giỏi hoặc cán bộ lãnh đạo các cơ quan Dân, Chính, Đảng như là Maha Sơn Thông, Sơn Ngọc Minh, Thạch Mẹnre, Trần Lai, Thạch Tụm, Achar Sabút, Lui Sarát,v.v...

Địch cài mật vụ, chỉ điểm vào giới sư sãi để chống phá phong trào yêu nước trong chùa. Nhưng phần lớn chúng bị sư sãi và quần chúng tín đồ vạch mặt, cơ bản đã thất bại.

Chiến lược quân sự này thất bại đến chiến lược quân sự khác, quân lực bị tiêu hao, tiêu diệt lớn đưa đến thiếu binh trầm trọng nên Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải ứng phó bằng cách ra lệnh cho các sư sãi cũng phải đi lính, bãi bỏ chế độ “động viên tại chỗ”. Điều này càng gây nên sự phẫn nộ trong sư sãi và nhân dân Khmer - Việt - Hoa ở Nam Bộ. Nhiều chùa đã trở thành pháo lũy chống địch bắt lính, có sẵn vũ khí thô sơ (gậy gộc, gạch đá,...) do sư sãi trí thức (Achar) và sư sãi trẻ làm lực lượng xung kích. Không ít cuộc xung đột, xô xát đã xảy ra trong một số chùa, có thương vong, chết chóc, hy sinh. Chùa Kropum Chhuk Chral Char ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vẫn rạng danh 2 vị sư liệt sĩ hi sinh anh dũng đó là Tỳ kheo Dương Sóc và Tỳ kheo Kim Sum vào ngày 21/02/1975 tại trận địa chống quân Mỹ ngụy bao vây tấn công chùa. Các sư sãi còn tập trung lực lượng tại chùa Sâm Bua xã Lương Hòa A, Châu Thành (nay là khóm 7, phường 8, Thành phố Trà Vinh) nhằm phân tán lực lượng cảnh sát và lính ngụy.

Sáng ngày 21/2/1975, hàng trăm sư sãi Khmer xuống đường biểu tình hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền Sài Gòn”, “Chính quyền phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng”, “Cấm cảnh sát vào chùa bắt sư sãi”… Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô khẩu hiệu trong lòng thị xã Trà Vinh (nay là Thành phố Trà Vinh), khi đến ngã tư chùa Phướng (Wót Chòm Pọt Mies Khươn) thì bị lính của Tiểu khu chặn lại không cho về chùa. Bọn chúng muốn hốt các nhà sư đưa lên xe GMC nên cuộc chiến bắt đầu xảy ra. Lính ngụy dọa nạt thô bạo, rồi nhả đạn xối xả vào lực lượng sư sãi, khiến Sadi Kim Nang hy sinh tại chùa Phướng và hàng chục vị sư khác bị thương.

Đặc biệt, khi Achar Phơ, Lui Sa Rát ở chùa Bãi xào chót Kim Sơn Trà Cú và nhiều sư sãi cùng Achar ở các chùa khác bị Mỹ - Diệm bắt vào ngày 14/9/1960, thì những cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt của đồng bào Khmer chủ yếu là do lực lượng sư sãi làm xung kích, nhất là các cuộc đấu tranh quy mô lớn liên huyện kéo vào thị xã được huy động lực lượng từ các sư sãi và Phật tử Kinh - Khmer - Hoa với quy mô lớn nhỏ theo 3 mũi từ các huyện Trà Cú, Tiểu Cần - Cầu Kè, Cầu Ngang - Duyên Hải với hơn 6.000 người tham gia. Họ đi bằng đường bộ và đường thủy, khi đi tới cầu Giồng Lức thì bị lính ngụy dùng xe tăng và lực lượng cán bắn và chặn lại.

Một cuộc mít tinh tại chùa Sâm Rông Ek được tổ chức với trên 1.000 người tham dự, để tuyên truyền những hành động ác ôn của Mỹ - Diệm có ý đồ muốn đồng hóa dân tộc và tôn giáo.

Ở Trà Vinh có Hòa thượng Sơn Vọng, trụ trì chùa Mới (Wót Chêk Chrùm) xã Kim Hòa, Cầu Ngang được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của miền Nam Việt Nam, cố vấn Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ. Hòa thượng Sơn Vọng hy sinh năm 1963 do máy bay địch thả bom trong lúc đi công tác. Sau đó, Hòa thượng Hữu Nhem ở chùa Trâu Trắng (tỉnh Bạc Liêu) lên làm Chủ tịch Hội Kỷ luật Sư sãi khu Tây Nam Bộ và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Nam Nam Bộ. Đến năm 1966 Hòa thượng Hữu Nhem bị máy bay Mỹ thả bom hy sinh tại chùa Trâu Trắng.

Năm 1967, Hội Kỷ luật Sư sãi khu Tây Nam Bộ đổi tên thành Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ do Hòa thượng Thạch Som ở chùa Ô Mịch, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh làm Chủ tịch, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Nam Nam Bộ. Từ năm 1967, các tỉnh ở Nam Bộ đều thành lập Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước.

Hiện nay, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đa số chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer gắn bó với dân tộc, thực hiện chủ trương, chính sách nhà nước theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Gần đây, Phật giáo Nam tông Khmer bắt đầu chú ý đến việc nâng cao trình độ cho tăng sĩ và tín đồ bằng các lớp học, các buổi thuyết giảng, in ấn các loại sách, tham gia vào các công tác xã hội từ thiện và các công việc của nhà nước, chính quyền địa phương với tư cách là đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Phật giáo Nam tông Khmer cũng góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và sự lành mạnh của xã hội.

3. Một số kiến nghịĐề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với các bộ ngành liên quan cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phép hình thành một ban riêng để thống nhất về hệ phái Phật giáo Nam tông từ trung ương tới địa phương, có con dấu của Phật giáo Nam tông Khmer và có văn phòng đại diện làm việc riêng trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; thành lập Trường Cao cấp Pali Nam tông Khmer và đào tạo giáo viên giảng dạy để chư tăng và Phật tử theo học, khỏi phải du học ở các nước khác.

Học viện Phật giáo Nam tông Khmer cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hỗ trợ đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng dạy và học, sớm sánh vai với các trường đào tạo Phật học trong khu vực Đông Nam Á, nhằm thu hút ngày càng đông sư sãi nâng cao trình độ. Để có học viên vào học tại học viện ngày càng đông, cần quan tâm tạo điều kiện sớm cho tỉnh Trà Vinh mở Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Khmer.

Hằng tháng, hỗ trợ tiền lương cho giáo viên Khmer giảng dạy tiếng Pali và tiếng Khmer ở các điểm chùa.
Thạch Minh Mẫn
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh

Nguồn: Sách Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).