Thứ Tư 15 Tháng Mười Một 2017 - 10:42:29 SA

Lễ hội truyền thống với việc xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng của người Khmer Nam bộ

Người Khmer có nền văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, tập quán đa dạng, lễ hội phong phú. Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi cả nước bước vào thời kỳ hòa nhập, phát triển thì văn hóa tộc người Khmer Nam bộ cũng như các tộc người khác có nhiều biến đổi (cả tích cực và tiêu cực). Vì vậy, văn hóa truyền thống nói chung, lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ nói riêng cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể để góp phần vào việc tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng của người Khmer Nam bộ trong tình hình hội nhập hiện nay.

1. Văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ với việc xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.
Nam bộ là vùng đất cư trú lâu đời của người Việt, người Hoa, người Khmer và người Chăm… nhưng những năm gần đây đã có nhiều tộc người từ phía Bắc di cư đến làm ăn, sinh sống. Đối với người Khmer, là cộng đồng người có mặt sớm tại nơi đây, có nhiều đặc trưng văn hoá tiêu biểu và thường gắn chặt với các chùa Khmer. Người Khmer ở Nam bộ sớm hình thành các phum sóc trên các giồng đất cao, gò phù sa cổ, có nguồn nước ngọt, khí hậu thoáng mát nên ít bị ngập nước khi vào mùa lũ. Họ chủ yếu là những cư dân nông nghiệp, hoạt động kinh tế bằng nghề trồng lúa nước và các loại hoa màu. Người Khmer có nền văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú; có số đông là tín đồ của Phật giáo Theravada thuộc phái Nam Tông nên những sinh hoạt tôn giáo, nguyên tắc tu hành khác nhiều so với Phật giáo Bắc Tông của người Việt và người Hoa. Mỗi người Khmer hầu như vừa là thành viên của tộc người mình đồng thời cũng là những tín đồ của Phật giáo Theravada. Các chùa Phật giáo Theravada gắn liền với nơi cư trú của người Khmer ở các phum sóc, là nơi không chỉ để sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục, xã hội của cộng đồng người Khmer. Nhiều lớp học văn hóa, học ngôn ngữ Khmer cũng được tổ chức tại chùa. Vì vậy, các sư sãi có một vị trí nhất định trong văn hóa và xã hội của cộng đồng người Khmer.

Người Khmer ở Nam bộ có một nền văn hóa đặc sắc, tập quán đa dạng, lễ hội phong phú, có ngôn ngữ chữ viết phát triển lâu đời. Ngoài những sinh hoạt có tính tôn giáo, tín ngưỡng người Khmer Nam bộ còn có những sinh hoạt văn học nghệ thuật rất đa dạng. Nền văn học dân gian của người Khmer là một kho tàng lớn bao gồm nhiều truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ, nói lái, câu đố… Vì vậy, văn học dân gian của người Khmer kết hợp với các tộc người khác ở Nam bộ đã làm cho vốn văn hóa dân gian nói riêng, văn hoá của vùng trở nên phong phú và đặc sắc.

Trong quá trình hình thành và phát triển, người Khmer cũng như các tộc người khác ở Nam bộ không ngừng mở rộng giao lưu và tiếp biến văn hoá với bên ngoài cũng như giữa họ với nhau. Vì vậy, đã làm cho phong tục tập quán truyền thống của người Khmer và các tộc người khác có những thay đổi theo chiều hướng ngày càng gần nhau. Quá trình đó có những nét văn hóa được bảo tồn, phát triển, có mặt tiếp biến, bổ sung, giao thoa và có mặt biến đổi, thu hẹp và bị hạn chế dần. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội của người Khmer có cơ hội trình diễn, có nơi xây dựng được các qui ước về hoạt động văn hóa truyền thống và cũng có nơi vẫn để cho các hoạt động truyền thống diễn biến tự nhiên.

Tuy người Khmer ở Nam bộ có quan hệ về nhiều mặt với người Khmer ở Campuchia song văn hóa của người Khmer ở Nam bộ ngày nay có những bản sắc độc đáo riêng mang yếu tố bản địa Nam bộ Việt Nam nên không thể nhầm lẫn với văn hóa của người Khmer thuộc Vương quốc Campuchia ngày nay.

Văn hóa Khmer ở Nam bộ không chỉ gắn với đặc trưng tộc người mà còn là điều kiện bảo đảm cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi cả nước bước vào thời kỳ hòa nhập, phát triển thì văn hóa tộc người Khmer Nam bộ cũng như các tộc người khác có nhiều biến đổi (cả tích cực và tiêu cực). Vì vậy, văn hóa truyền thống nói chung, lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ nói riêng cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể để góp phần vào việc tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng của người Khmer Nam bộ trong tình hình hội nhập hiện nay.

2. Một số lễ hội tiêu biểu (lễ nghi nông nghiệp) của người Khmer Nam bộ cần quan tâm nghiên cứu để có giải pháp bảo tồn, phát huy góp phần tích cực vào việc tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng của người Khmer Nam bộ.

Như nhiều cư dân nông nghiệp khác ở Đông Nam Á, người Khmer Nam bộ hiện còn bảo lưu nhiều lễ nghi nông nghiệp. Lễ hội của người Khmer Nam bộ tiêu biểu, gắn với sinh hoạt cộng đồng như: Lễ Chol Chnam Thmây; lễ vào năm mới; Lễ Rước bò vào mùa xuân; Lễ Đônta - cúng ông bà; Lễ Hạ điền; Lễ Ok Om Bok - cúng Trăng; Lễ cúng Neak Ta (ông Tà)…

Một số lễ hội gắn với lễ nghi tôn giáo như: Lễ Bon Visakha Bochia - Phật Đản; Lễ Bon Chol Vossa - Nhập Hạ; Lễ Phua Chum Bon - đặt cơm Vắt; Lễ Bon Chenh Vossa - Ra Hạ; Lễ Ka Thăn Na Tean - dâng y; Lễ Bon Puthea Phisek - an vị tượng Phật; Lễ Bon Banh Chos Xây Malayu - Kết giới….

Lễ hội gắn với đời người như: Lễ Phitai Cắt Sk Bong Kok Chmop - cắt tóc trả ơn mụ; Lễ Phimi Pidop Chnam - giáp tuổi; Lễ Bon Bom Bua - xuất gia đi tu; Lễ Phitai Apea Pincah - lễ cưới; Lễ Bon Sóp - đám tang…

Các lễ hội mang tính cộng đồng và thu hút đông đảo người địa phương cùng tham gia như: Lễ hội Chol Chnam Thmây; lễ hội Ok Om Bok và Dolta….

1) Lễ hội Chol Chnam Thmây là dịp mừng năm mới của người Khmer.
Lễ hội được giải thích với câu chuyện liên quan đến đạo Bàlamon, phản ánh quá trình con người tự nhận thức về mình. Thành phần tham gia trong lễ hội này gồm cả người Khmer và các tộc người khác sống trong vùng.

Lễ hội diễn ra vào tháng Chét (lịch Khmer) là thời điểm giao tiếp giữa mùa khô và mùa mưa (khoảng tháng tư dương lịch). Lễ hội chính được tổ chức tại các tư gia, cộng đồng và các chùa Khmer, trong 03 ngày:
- Ngày thứ nhất (rước Maha Sangkran mới), huyền thọai Thomabal và Kabil Maha Prum;
- Ngày thứ hai (gọi là Wonbôt) gồm việc dâng cơm sư sãi và tục đắp núi bằng cát (Puôn Phnôm Khsach);
- Ngày thứ ba (gọi là Lơsăk), tắm Phật, báo hiếu. Trong lễ hội này, ngoài việc người Khmer cầu mưa, cầu cho an, cầu tài, cầu lộc... họ còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội như đua ghe ngo; ca múa nhạc dân gian Khmer; hát đối aday, hát Dù Kê, múa Ram vong, múa trống sayam, trình diễn trang phục và trang sức truyền thống... diễn ra rất sôi động.

2) Lễ hội Đônta nhằm tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên của người Khmer.
Lễ hội Đônta diễn ra từ ngày 29 tháng tám đến mùng một tháng chín âm lịch. Trung tâm lễ hội diễn ra tại các Chùa và phum sóc của người Khmer. Thành phần tham gia chính gồm người Khmer và các sư sãi trong chùa Khmer. Về xuất xứ của lễ hội này là một câu truyện dân gian có nguồn gốc từ kinh Phật - giải thích giáo lý nhà Phật, cúng ông bà và cô hồn. Ngoài mục đích nhớ đến công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ… lễ hội còn tôn vinh tinh thần đoàn kết cộng đồng người Khmer trong cùng phum sóc.

Thông thường, vào ngày thứ nhất, người Khmer lo dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, cúng cơm người đã khuất. Ngày thứ hai thì người Khmer thỉnh mời linh hồn ông bà vào chùa nghe tụng kinh. Ngày thứ ba, người Khmer cúng cơm đưa tiễn ông bà. Song song với các lễ, nhiều gia đình người Khmer còn chú trọng đến việc làm các món ăn theo văn hóa ẩm thực truyền thống của người Khmer để dâng lên sư sãi. Ngoài ra, trong các ngày này nhiều người Khmer còn chọn cách ăn mặc theo truyền thống để tham gia lễ hội cũng như  khi tổ chức các sinh hoạt dân gian, thi tài, hát xướng dân gian, ca múa nhạc truyền thống của người Khmer…

3) Lễ cúng trăng - Ok Om Bok của người Khmer được tổ chức vào ngày rằm tháng mười âm lịch Khmer nhằm tưởng nhớ công ơn của vị thần mặt Trăng đã điều tiết mùa màng, giúp người Khmer được mùa.

Nguồn gốc lễ hội Ok Om Bok liên quan đến câu chuyện dân gian liên quan đến việc cư dân Khmer xa xưa chinh phục tự nhiên của vùng Nam bộ. Các nghi thức trong lễ Ok Om Bok đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp và phồn thực như đút cốm dẹp vào miệng trẻ em để gởi gấm khát vọng. Trung tâm lễ hội tại các khu danh thắng trong vùng Khmer, chùa Khmer và các phum sóc Khmer. Kèm theo lễ hội thường diễn ra các trò chơi dân gian như thả đèn gió, thả đèn nước, ném còn, kéo co, đấu võ, đua ghe ngo trên sông.

Lễ cúng trăng hoặc đút chuối và cốm dẹp cho trẻ con theo truyền thống của người Khmer như đoán trước thời vận trong năm. Mỗi năm lễ hội này được cử hành vào mồng 5 tháng 10 âm lịch Khmer cùng với các cuộc đua ghe Ngo, một loại con thuyền độc mộc cổ truyền Khmer. Bỏ qua yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội cúng trăng có ý nghĩa nhân văn, nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng Khmer và giữa cộng đồng Khmer với các dân tộc anh em trong vùng Nam bộ.

Người Khmer ở Nam bộ có một nền văn hóa phát triển toàn diện, mang đậm yếu tố bản địa Đông Nam Á. Trong qúa trình phát triển đã không ngừng giao lưu văn hóa với các tộc người khác như Việt, Chăm, Hoa... để tạo nên bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ. Nhất là ngày nay cùng với cả nước, họ còn không ngừng tiếp thu và tiếp biến các giá trị văn hóa của nhân loại để bổ sung vào văn hoá của mình ngày càng phong phú, khẳng định bản sắc văn hoá của tộc người Khmer Nam bộ, góp phần tích cực vào sự phát triển vườn hoa đa sắc màu của quốc gia dân tộc Việt Nam.
 
                     Bài: Đào Thị Mộng Hường 
Nguồn: https://www.vhttdlkv3.gov.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).