Thứ Tư 08 Tháng Mười Một 2017 - 11:56:23 SA

Chùa Khmer Nam bộ với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng

Tây Nam Bộ gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, dân số khoảng 17,3 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước. Trong đó, người Kinh trên 90%; người Khmer hơn 7%; người Hoa 1,2% và người Chăm chiếm gần 0,07%. Toàn vùng có 07 tôn giáo với hơn 30 hệ phái, có 4.622 cơ sở thờ tự, trong đó có khoảng 450 chùa Khmer, với gần 10.000 sư sãi.
Trong đời sống hàng ngày, người Khmer ít quan trọng đến vấn đề vật chất mà coi trọng vấn đề tinh thần. Họ luôn quan tâm đến việc xây dựng, tu bổ cho ngôi chùa chung và coi đó là bộ mặt văn hóa của toàn phum sóc. Mỗi ngôi chùa là một di tích văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Đó là nơi lưu giữ và phổ biến kinh sách Phật giáo cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật; là trung tâm đào tạo giáo lý và chữ Pali cho các sư sãi, dạy chữ Khmer cho con em trong phum sóc; là trung tâm sinh hoạt văn hóa xã hội gắn với tập tục, nơi hoạt động văn nghệ thể thao truyền thống và phổ biến thông tin của cộng đồng.
 

Chùa Khmer Nam bộ

Chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là trường học, nơi vui chơi, giải trí, thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa của người dân Khmer. Thanh niên Khmer vào chùa để tu học và rèn đạo đức, nhân phẩm, học tập khoa học kỹ thuật, cách sống, cách ứng xử với gia đình, xã hội. Sư sãi sinh hoạt tại chùa là những trí thức tiêu biểu của xã hội Khmer truyền thống. Vì vậy, có thể nói phật giáo Nam tông có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của các thanh niên Khmer, của người Khmer.

Không phải ai muốn đi tu đều được các chùa Khmer chấp nhận. Điều kiện để được đi tu tại chùa Khmer là:

1) Là nam giới;

2) Người đi tu phải trên tinh thần tự nguyện;

3) Phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ). Nếu đã có gia đình thì phải được sự đồng ý của vợ;

4) Phải là công dân tốt, không trong tình trạng vi phạm pháp luật;

5) Phải có thầy dẫn dắt và có những vật dụng cần thiết của một nhà sư.

Vì vậy, theo truyền thống, Phật giáo Nam tông Khmer không có người nữ đi tu ở chùa. Tuy nhiên, những người phụ nữ Khmer lại được học tập, giáo dục ở nhà và đặc biệt là trong thời gian “Vào bóng mát“. Người phụ nữ Khmer cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và đạo đức Phật giáo Nam tông thông qua nếp sống của những người trong gia đình, dòng họ, xóm làng (là những người ông bà, cha mẹ, anh chị, cô dì, chú bác...); thông qua các lễ hội, các buổi nhà sư thuyết giảng giáo lý và nghi thức truyền thống mang đậm nét Phật giáo Nam tông của dân tộc Khmer như: Lễ Phật đản; lễ Dâng y; nghi thức dâng cúng vật phẩm cho chư tăng; lễ Chol Chnam Thmay (như tết nguyên đán ở Việt Nam); lễ Đôn-ta (lễ cúng ông bà); lễ cúng Trăng…

Ngày nay, trong quá trình đổi mới, hội nhập khu vực và thế giới, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa với bên ngoài ngày càng rộng lớn thì chùa Khmer vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người Khmer Nam bộ, nó vẫn còn có những giá trị thiết thực, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội của người Khmer.

Nghiên cứu, tìm hiểu về Phật giáo Nam tông, chùa Khmer khu vực ĐBSCL, vào những năm 2000, Bộ Văn hóa – Thông tin (trước đây), nay là Bộ VHTTDL đã xác định chùa Khmer không chỉ là một thiết chế tín ngưỡng tôn giáo mà còn là một trường học, là một thiết chế văn hóa. Vì vậy, ngoài việc đầu tư của các địa phương, ngành Văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/2006/QĐ-TTg ngày 14/7/2006 phê duyệt Đề án “Phát triển hoạt động văn hóa – thông tin vùng ĐBSCL đến năm 2010“([1]), trong đó có nội dung quan trọng là đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật cho chùa Khmer (Tủ kệ sách, sách báo, bộ ngũ âm, âm thanh, hệ thống truyền thanh...) để tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin trên địa bàn. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia ([2]), trong đó cũng có phần đầu tư trang thiết bị... cho chùa Khmer; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới... cho các sư sãi.
 

Sinh hoạt văn hóa tại chùa Khmer Nam bộ

Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện trên, qua nhiều hội nghị, hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý và nhất là các sư sãi đều đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành VHTTDL với các chùa Khmer trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới... Tuy nhiên, đến nay đã trải qua một quá trình dài (khoảng 15 năm), các điều kiện vật chất, thiết bị trang bị cho các chùa đã xuống cấp nhưng ít được đầu tư mới nên việc tổ chức các hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, chúng ta đều biết xu thế của các tôn giáo đều ngày càng đi vào cuộc sống, xu thế “Nhập thế“ của tôn giáo nhằm thực thiện các hoạt động để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Với tinh thần đó, trong phạm vi phối kết hợp của ngành VHTTDL với Phật giáo Nam tông nói chung, chùa Khmer nói riêng, xin đề nghị:

Đối với các chùa Khmer Nam bộ:

1) Giữ gìn và phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử - văn hóa của chùa cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể trong hoạt động của chùa;

2) Phát huy, sử dụng có hiệu qủa các trang thiết bị hiện có để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân trong vùng;

3) Tham gia tích cực và vận động nhân dân, các phật tử tham gia tích cực công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, Phong trào “TDĐKXDĐSVH“, Phong trào “Xây dựng nông thôn mới“ ở địa phương;

4) Tịch cực tham gia và vận động Tăng sĩ, phật tử tham gia, đoàn kết cùng dân tộc hướng về biển đông phản đối hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, trái đạo đức và tình cảm mà nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc dày công xây dựng, vun đắp trong thời gian qua.

Đối với Sở VHTTDL các tỉnh, thành có chùa Khmer:

1) Quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư điều kiện vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật thông tin để các chùa Khmer có điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;

2) Nâng cao chất lượng của việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở (cộng đồng) của người Khmer, Phong trào “TDĐKXDĐSVH“, Phong trào “Xây dựng nông thôn mới“ trong cộng đồng người Khmer;

3) Sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học để công nhận một số lễ hội, hoạt động văn hóa của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, thành phố;

4) Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động để thực hiện tốt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020“ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTgngày 06.5.2009 và Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27.7.2011;

5) Tham gia tích cực các đề án, sự kiện, chương trình hoạt động của Trung ương nhằm phát triển văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa của người Khmer được tổ chức tại khu vực, mà trước mắt là “Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VI-Hậu Giang năm 2014“ và Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cộng đồng của người Khmer Nam bộ“ do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang, các Bộ ngành, địa phương khu vực Nam bộ tổ chức cuối tháng 11 năm 2014.

Đối với Bộ VHTTDL:

1) Tăng cường đầu tư các trang thiết bị, âm thanh, nhạc cụ, sách báo... qua Chương trình mục tiêu Quốc gia, các đề án phát triển VHTTDL trong cộng đồng người Khmer;

2) Nghiên cứu giá trị Lịch sử - Văn hóa các chùa Khmer để xây dựng hệ thống các điểm, sản phẩm du lịch để phát triển du lịch vùng ĐBSCL;

3) Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học để công nhận một số chùa Khmer là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia;

4) Cùng với các địa phương sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học để công nhận một số lễ hội, hoạt động văn hóa của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đối với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội:

1) Tăng cường các hoạt động nghiên cứu về Phật giáo Nam tông nói chung, Phật giao Nam tông Khmer và chùa Khmer Nam bộ nói riêng để có những định hướng, hướng dẫn, chương trình nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tâm linh và các nhu cầu khác của đời sống cộng đồng người Khmer Nam bộ;

2) Phối hợp cùng ngành VHTTDL, các địa phương xây dựng các chương trình, đề án phát triển hoạt động của Phật giáo Nam tông nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer Nam bộ để hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer, đồng bào Khmer Nam bộ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập khu vực và thế giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.

=========
Chú thích:
[1]Tổng kinh phí đầu tư là trên 1.100 tỷ đồng, trong đó có nội dung đầu tư cho chùa Khmer Nam bộ.

[2]Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn từ 2012-2015, tổng ngân sách đầu tư là 7.399 tỷ đồng.Trong đó, ngân sách trung ương: 3.231 tỷ đồng;  Ngân sách địa phương: 2.116 tỷ đồng;Vốn huy động hợp pháp khác: 2.052 tỷ đồng.
 Hùng Khu
Nguồn: https://www.vhttdlkv3.gov.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).