Thứ Tư 03 Tháng Giêng 2018 - 07:29:40 CH

Người đặc biệt ở miền Tây

Họ là những người Khmer hay làm việc thiện, có tài năng đặc biệt... đã tạo được uy tín trong cộng đồng, trở thành tấm gương cho nhiều người khác noi theo.
Hai nhà sư xây cầu

Tuổi đã cao, hòa thượng Trần Nhiếp và thượng tọa Lý Long Công Danh vẫn miệt mài xây những cây cầu dân sinh ở vùng Tây Sông Hậu và cả vùng U Minh Thượng (Kiên Giang). Với thành tích xây dựng hàng trăm cây cầu kiên cố bằng bê-tông cốt thép vĩnh cửu, 2 vị sư trụ trì người Khmer này đã nhận được rất nhiều bằng khen của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng như sự cảm phục của người dân địa phương.

Tiếng thơm lan tỏa

Gần 90 tuổi nhưng hòa thượng Trần Nhiếp, sãi cả chùa Thanh Gia (còn gọi là chùa Đường Xuồng Mới ở ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), vẫn cùng các đệ tử và người dân xây cầu, làm đường hoặc xóa nhà tạm bợ bằng nguồn kinh phí do mạnh thường quân đóng góp. Cầu Sốc Sâu tại xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao là cây cầu mới nhất được hòa thượng Trần Nhiếp xây dựng với chiều ngang 4 m và dài hơn 30 m.

Theo hòa thượng Trần Nhiếp, 47 năm trước, ông quyết định quy y sau khi cha mẹ qua đời. Phần đất ruộng do cha mẹ để lại, ông giao hết cho vợ quản lý để chuyên tâm tu hành. Cũng vào thời điểm đó, hòa thượng Trần Nhiếp bắt đầu hướng đến công tác từ thiện xã hội như vận động phật tử trong vùng đóng góp kinh phí làm đường, xây cầu hoặc xóa nhà tạm. Ban đầu, ông đến từng nhà dân kêu gọi bà con đóng góp để làm một số công trình nhỏ tại địa phương. Lâu dần, do mọi người thấy được hiệu quả nên mới ủng hộ nhiều hơn.

Sư Trần Nhiếp đang phụ các công nhân thi công một cây cầu
 
“Ở đây kênh rạch chằng chịt lắm nên rất cần có nhiều cây cầu để giúp dân đi lại dễ dàng hơn. Nhiều khi thấy cảnh trẻ em, người già đi qua những cây cầu khỉ chông chênh mà xót thương lắm! Nghĩ là làm nên tôi vận động bà con với mong muốn sẽ xóa hết những cây cầu khỉ này, thay bằng cầu bê-tông cốt thép. Nhờ bà con thấy mình làm thật lòng và có chất lượng nên việc vận động cũng thuận lợi hơn” - hòa thượng Trần Nhiếp chia sẻ.

Là người có nhiều năm đi làm việc thiện với hòa thượng Trần Nhiếp, ông Danh Thường (73 tuổi; ngụ xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao) cho biết tính đến nay, vị sư này đã vận động được hàng chục tỉ đồng để xây gần 200 cây cầu, cất khoảng 40 căn nhà, đổ bê-tông khoảng 10 km đường nông thôn và khoan hơn 30 cây nước cho dân nghèo trong huyện Gò Quao. Ngoài ra, hòa thượng còn vận động kinh phí để xây rất nhiều cây cầu ở các huyện vùng U Minh Thượng như Vĩnh Thuận, An Biên và U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang.

Sau khi biết được việc làm thiện nguyện này của hòa thượng, rất nhiều mạnh thường quân ở TP HCM và cả Hà Nội đã vào đây hoặc gửi tiền ủng hộ.

Với những việc làm hết sức ý nghĩa này, hòa thượng Trần Nhiếp đã được tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen, trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, hòa thượng Trần Nhiếp đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Sống khỏe nhờ làm việc thiện

Để người dân 2 xã Thới Quản và Thủy Liễu đón Tết Đinh Dậu trong niềm vui trọn vẹn, thượng tọa Lý Long Công Danh (sư Minh) đang cùng người dân làm việc khẩn trương với hy vọng sẽ hoàn thành 3 cây cầu, tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, sư Minh đang trụ trì chùa Thủy Liễu (chùa Ba Bần) ở ấp Hòa Thanh, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao.

Sư Minh cho biết bản thân là người xuất gia nhưng luôn trăn trở vì chưa làm được việc gì cụ thể để giúp ích cho xã hội. Trong khi đó, nơi đây đang rất cần thêm những cây cầu kiên cố giúp bà con trong vùng quê nhiều kênh rạch đi lại dễ dàng. Ngay từ năm 2007, sư Minh vận động mạnh thường quân từ nhiều nơi cùng chung tay xây dựng những cây cầu giúp dân. Kể từ đó đến nay, vị sư này đã hoàn thành được 66 cây cầu dân sinh bằng bê-tông cốt thép trong và ngoài huyện.


Sư Minh cùng nhân công là người dân địa phương đổ các trụ bê-tông để chuẩn bị bắc cầu đoạn kết nối 2 xã Thới Quản và Thủy Liễu

“Chúng tôi không ngại đường sá xa xôi hay khó nhọc, miễn sao làm được cây cầu cho dân đi lại một cách an toàn, thuận tiện là chúng tôi vui rồi” - sư Minh nói.

Tuy nhiên, điều vị sư trụ trì này lo lắng là hiện nay, giá vật tư tăng cao quá nên kinh phí làm cầu cũng tăng theo. Trước đây, chỉ cần vận động được 30 triệu đồng là có thể làm 1 cây cầu mới nhưng nay thì phải có từ 60-80 triệu đồng. Nhờ chính quyền địa phương vận động thợ hồ cùng với bà con gần xa đến phụ giúp ngày công lao động nên cũng tiết kiệm được một phần nào về chi phí. Với cây cầu rộng 1,7 m, dài 28 m cùng với khoảng chục người phụ giúp, sư Minh hy vọng hoàn thành trong nửa tháng, khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối 2 xã Thới Quản và Thủy Liễu.

Cụ ông Lý Huổi (88 tuổi, ngụ xã Thủy Liễu) cho biết sau khi thấy sư Minh phát tâm làm việc thiện, cụ cũng muốn đi theo để tiếp sức.

“Tuy lớn tuổi hơn nhưng tôi luôn coi sư Minh như tấm gương sáng để noi theo. Chắc vì nhờ được đi theo sư Minh làm việc thiện mà mấy năm nay tôi khỏe lắm, con cháu trong nhà đều mừng” - cụ Huổi phấn chấn.

Bài và ảnh: THỐT NỐT
Nguồn: http://nld.com.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).