Thứ Năm 03 Tháng Tám 2017 - 07:52:47 SA

Tục tu thiền (Som năk tho) trong xã hội nông thôn người Khmer đồng bằng sông Cửu Long

Đối với người Khmer, khi mới sinh ra đã là một tín đồ của Phật giáo Theravada, cả cuộc đời gắn bó với ngôi chùa, sống trong niềm tin tôn giáo, đến khi mất đi, nắm tro tàn cũng nương nhờ cửa Phật. Vì vậy, việc có một thời gian được tham thiền, học giáo lý nhà Phật là điều mà mọi người Khmer đều mơ ước và mong muốn thực hành. Có lẽ vì vậy, hiện nay Tục tu Thiền (Som năk tho) luôn được đông đảo người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hành. Không chỉ dành cho phụ nữ và những người lớn tuổi mà cả sư sãi cũng tham gia rất nhiều. Som năk tho có ý nghĩa lớn lao đối với mỗi cá nhân. Đa số những người Khmer khi đã lớn tuổi đều cho rằng: trong cuộc đời con người khó tránh khỏi các tội lỗi, vì vậy nếu nam giới chưa đi tu hoặc nữ giới không được tu thì khi về già nhất định họ sẽ đi Som năk tho để được trở về con đường chánh đạo.
Con cái sắp xếp công việc, tạo điều kiện cho cha mẹ đi tu Thiền được coi là một hành động hiếu thảo, thể hiện lòng tôn kính dành cho cha mẹ. Trong xã hội Khmer, người đã thực hành Som năk tho thành công được cộng đồng nể trọng như một nhà tu hành nhỏ, trong gia đình được xem như một đức Phật tại gia. Họ được cộng đồng nể trọng và có vai trò tích cực trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Sự gia tăng đáng kể về số người tham gia tu Thiền trong những năm gần đây đã làm cho xã hội nông thôn Khmer có những thay đổi đáng quan tâm. Bài viết đi tìm câu trả lời cho xu hướng gia tăng này và tìm hiểu vai trò, vị trí của Som năk tho trong xã hội nông thôn Khmer ở ĐBSCL.
Thiền được đức Phật Thích Ca sáng lập do kinh nghiệm tu tập của bản thân đức Phật và truyền cho đức Ca Diếp, rồi từ đó dần hình thành nên một tông phái trong đạo Phật là Thiền tông. Thiền là định tâm suy xét, thẩm nghĩ về đạo lý, do từ chữ Pàli là Jhàna, chữ Sanskrit là Dhyàna (tĩnh tâm), tiếng Trung Quốc là "Tch’an" hay "Tch’anna" (Thiền na), người Nhật gọi là Zen, người Pháp dịch ý là suy tưởng, suy ngẫm (méditation).
Thiền lấy hình thức tĩnh tọa nhập định là phương pháp tu luyện căn bản. Thiền tông cho rằng tất cả mọi người đều có tính Phật (tính giác ngộ), đó là “tự tính” nằm trong “chân tâm của chúng sinh”. Đối với Thiền, “Tâm” tức là Phật. Vì thế Thiền tông còn có tên là Tâm tông hay Phật tâm tông. Thiền đề cao hoạt động của tâm giới (nội lực) đi đến chỗ phủ nhận sự tồn tại của ngoại giới (ngoại lực). Vì vậy, Thiền không chủ trương dùng những nghi lễ phức tạp, chỉ yêu cầu người ta ngồi im (tĩnh tọa) định tâm tư duy, loại trừ mọi dục niệm, dùng “chân trí tuệ” của mình để suy xét nội tâm, hiểu được tự tính vốn có của con người là có thể thành Phật. Sự giác ngộ ấy bỗng nhiên đến, Thiền gọi là “đốn ngộ”, không cần có sách vở, văn tự, không cần thuyết pháp bằng lời nói.
Trong tất cả các tông phái của đạo Phật, tông phái nào cũng có tu Thiền, xét về nội dung và ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác nhau về phương pháp hay nói đúng hơn là hình thức tổ chức tu Thiền.[1] Vậy người Khmer ở ĐBSCL thực hành Thiền theo hình thức như thế nào, có gì khác biệt và Thiền có tác dụng gì đối với đời sống mỗi cá nhân và cộng đồng? Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ trình bày những nội dung đó trên cơ sở những tư liệu điền dã của chúng tôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong các năm 2009, 2010.
1. Hình thức tu Thiền (Som năk tho) của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long
 Tục tu Thiền của người Khmer ĐBSCL thường gọi là “Som năk tho”. Trong tiếng Khmer, Som năk có nghĩa là “pháp hành” và cũng có nghĩa là nơi chốn (ví dụ: Som nặk nâu: nơi ở, Som nặk Riêne: nơi học). Som năk tho là ngồi Thiền và hành Thiền là phương pháp tu tập để giữ cho tâm an trụ, ở yên một chỗ trong pháp môn mà mình đang thọ trì (“thọ” là nhận lãnh, “trì” là nhớ mà giữ lấy) để vững vàng nơi pháp, “thực hiện pháp hành theo những gì mà mình đã học ở kinh Phật, để rèn luyện cái tâm của mình, đừng cho giận, đừng cho ham”[2]. Ngoài ra, còn có vài cách gọi khác như: tu Thiếp hay đi Thiếp, ngồi Thum, ngồi Tóp,… Trong quá trình điền dã chúng tôi gặp cách gọi “Som năk tho” nhiều nhất, vì vậy trong bài viết này chúng tôi dùng cách gọi này.
Để thực hiện Som năk tho, điều kiện tiên quyết là phải có người hướng dẫn Thiền (Thiền sư), người tu Thiền (Thiền sinh), nơi ngồi Thiền (tóp/cốc/thum), trang phục và lễ vật.
1.1.  Người hướng dẫn Thiền (Thiền sư) và người tu thiền (Thiền sinh)
1.1.1. Thiền sư
Những người muốn tu Thiền phải có người hướng dẫn cách thực hành Thiền. Người hướng dẫn Thiền gọi là Thiền sư, người Khmer gọi là Khrù-ví-pặks-sa-nà-càm-mà-than. Phần nhiều các Thiền sư là những vị sư đã tu tập lâu năm, đã từng ngồi Thiền nhiều lần thành công và được các vị Thiền sư thầy truyền dạy lại cho. Việc truyền dạy này là một bí mật, không được nói ra, truyền cho ai là chỉ có người đó biết thôi. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng tới cách truyền dạy Thiền của Đức Phật. Tương truyền khi Đức Phật ngự trong núi Kỳ Xà Quật, đức Vua Đại Phạm Thiên cúng ngài một đóa sen vàng và cầu Đức Phật thuyết pháp, Đức Phật cầm đóa hoa lộn vào trong mấy ngón tay và không nói gì. Trong đại hội, không ai hiểu, duy nhất chỉ có đức Ca Diếp mỉm cười, Đức Thế Tôn phán với đức Ca Diếp rằng: “ta có cái tư tưởng hay lạ về Niết Bàn, cái chìa khóa Chánh Pháp mà ta muốn truyền cho ngươi” - sự im lặng đó chính là bản chất của Thiền.
Ngoài Thiền sư là các vị sư, các Acha (người đã trải qua thời gian tu học lâu năm trong chùa, am hiểu giáo lý, phong tục tập quán dân tộc) cũng có thể hướng dẫn Thiền, nếu như đó là những người có kinh nghiệm, đã thực hành thiền lâu năm và được truyền nghề. Trường hợp này khá hiếm, ví dụ, ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, ĐBSCL có một vị sư tu theo phương pháp ngồi Thiền, nay tuy đã hoàn tục nhưng ông vẫn được nhà chùa tin tưởng thỉnh về để dạy Som năk tho cho người dân và các sư khác khi chùa có mở lớp tu và trở thành Thiền sư rất nổi tiếng trong vùng.
1.1.2. Thiền sinh
 Những người thực hành Som năk tho hay tu Thiền (Thiền sinh) Nặk-so-veng-rột-tho. Tất cả tu sĩ và Phật tử ai cũng có thể thực hành Som năk tho, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay dân tộc. Người muốn thực hành Som năk tho thì việc đầu tiên phải học thuộc Kinh Tam Tạng. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, phần nhiều những người đi Som năk tho là những người lớn tuổi và phụ nữ là chủ yếu. Đây là những người sau khi đã hoàn tất mọi công việc lớn gia đình, họ yên tâm tìm tới Phật pháp. Vì Phật giáo Theravada chỉ có Tăng chứ không có Ni, vì vậy khi về già phụ nữ Khmer thường chọn Som năk tho như là một phương cách quy y. Điều tra sơ bộ của chúng tôi ở tỉnh Trà Vinh năm 2010 cho thấy: huyện Châu Thành có 153 người tu Thiền, trong đó có 27 nam, 84 nữ, 42 tu sĩ; huyện Tiểu Cần có 189 người tu Thiền, trong đó có 37 nam, 113 nữ và 39 tu sĩ; tại chùa Mạch Chưm Ma Ram Cành Đal (Hòa Ân, Cầu Kè) có 35 người tu Thiền, trong đó có 14 vị sư, 12 nữ và 9 nam; chùa Âng (ĐBSCL) có 30 - 40 người tu Thiền, tuổi từ 50 - 60, 65% nữ; chùa Prò Khúp (Trà Khúp, xã Ngũ Lạc, Duyên Hải) có 30 người tu Thiền, trong đó có 5 người Kinh, 22 nữ; chùa Salapang (Đôn Châu, Trà Cú) trong 30 người tu Thiền có 5 người Kinh, 22 nữ, 12 nam.
Trong cộng đồng người Khmer, Som năk tho là một trong những đại sự, do vậy người muốn thực hành Som năk tho phải bàn bạc trước với gia đình, người nào còn có cha mẹ thì bắt buộc phải được cha mẹ đồng ý. Khi đã có sự đồng ý và bàn bạc để sắp xếp công việc gia đình xong, những người muốn tu Thiền đến chùa tìm hiểu thời gian mở lớp và chuẩn bị những điều cần thiết.
2. Chuẩn bị cho việc thực hành Som năk tho
2.1. Thum/cốc/tóp
 Nơi các Phật tử ngồi Som năk tho gọi là thum hay cốc hoặc tóp. Tóp thường gặp nhất là một căn chòi nhỏ che kín, diện tích khoảng 1,6m x 2m, làm bằng tre lá, mái uốn cong như mui ghe, có một cửa ra vào. Để phòng côn trùng, rắn rết làm ảnh hưởng trong lúc Thiền định, tóp thường được làm theo kiểu nhà sàn, cách mặt đất từ 0,8m trở lên. Tùy theo chùa mà tóp là do người muốn thực hành Som năk tho đến chùa dựng hay do nhà chùa xây dựng sẵn từ trước. Gia đình nào kinh tế khó khăn không làm được tóp (mỗi tóp trị giá khoảng một triệu đồng) thì mượn phòng ở chùa ngăn lại để ngồi.
Thời gian gần đây, do nhu cầu tu Thiền của người Khmer rất lớn (thống kê sơ bộ của chúng tôi thì toàn tỉnh Trà Vinh có 141 chùa, trong đó có tới 90 chùa thường xuyên tổ chức Som năk tho) nên rất nhiều chùa xây những tóp tu Thiền kiên cố. Ví dụ, chùa Bông Ven (Cầu Ngang) đã xây 21 căn phòng dành cho tu Thiền, với tổng số vốn đầu tư lên tới hai trăm triệu đồng, do các Phật tử đóng góp. Người tu Thiền (đi Thiếp) sẽ đóng góp vào chùa khoảng 600.000 – 700.000 đồng hoặc hơn để nhà chùa tu bổ, xây dựng chùa[3].
2.2. Trang phục và lễ vật
Ý nghĩa sự tinh khiết, sạch sẽ được người Khmer chú trọng từ trang phục: áo trắng, khăn trắng vì màu trắng tượng trưng cho tấm lòng trong sạch; phải cởi bỏ tất cả nữ trang để cho lòng bớt tham, sân, si và thân thể mình hoàn toàn sạch sẽ. Đến việc cạo đầu cũng là làm cho cơ thể mình trong sạch. Người tu Thiền còn phải chuẩn bị ba cái khay: hai cái khay lớn và một cái khay nhỏ (tiếng Khmer gọi là “ròng”). Trên mỗi khay đều có nhang, đèn, hoa mỗi thứ đều có số lượng là 5, được cắm trên những chân đế nặn bằng đất sét hình khối lăng trụ cao khoảng 6 cm, đường kính khoảng 1 - 2 cm (tượng trưng cho 5 vị Phật Tổ và ngũ uẩn). Phẩm vật còn có “nếp nổ” (cầu mong phước huệ sinh sôi, nảy nở như những hạt nếp nở) và hai chung nước mưa (sự tinh khiết, tinh tấn trên con đường tu tập).
 Hai cái khay lớn: một đặt ở trên chánh Điện là nơi tập trung tụng kinh và trình pháp mỗi ngày, một cái đặt tại trong phòng riêng là nơi mà Thiền sinh trực tiếp tu Thiền và một cái khay nhỏ để dành sử dụng trong lúc trình pháp.
3. Thực hành Som năk tho
3.1. Thời gian thực hành Som năk tho
 Các chùa mỗi năm chỉ có thể tổ chức Som năk tho một lần vì phải đăng kí để được Thiền sư hướng dẫn. Tìm được vị Thiền sư hướng dẫn rất khó bởi lẽ các chùa đều muốn tổ chức Som năk tho, do nhu cầu của Phật tử nhiều nhưng số lượng Thiền sư rất ít, có khi một vị Thiền sư phải hướng Thiền một lúc cho 4 đến 5 chùa. Khi muốn tổ chức Som năk tho, sư cả phải xin phép và nhờ vị Thiền sư coi ngày theo lịch “Maha sang-kran” của người Khmer. Thời gian mở Som năk tho thường canh theo vụ lúa và thời gian nghỉ ngơi của nông dân, và cũng chú trọng mở vào lúc tiết trời se lạnh để Thiền sinh có thể ngồi Thiền lâu hơn, yên tĩnh tập trung hơn để suy nghĩ về ân Đức Phật.
Thời gian một khóa ngồi Som năk tho ngắn hay dài là tùy từng khóa mà các chùa mở, nhưng thường trong khoảng 3, 4 tuần. Ngày làm lễ để vào cốc ngồi Som năk tho bắt buộc phải vào ngày thứ 5 và khi ra cũng vào ngày thứ 5, không được vào ngày khác, vì theo tập quán của người Khmer, thứ 5 là ngày của bậc Thầy tổ, là ngày tốt[4].
3.2. Thực hành Som năk tho
 Sau khi đã chuẩn bị chỗ hành thiền thích hợp để tránh không bị tạp niệm, Thiền sinh phải chú trọng đến sự thích hợp của vật thực, oai nghi, dọn tâm và đề mục. Vật thực thích hợp là ăn không quá no, không ăn những thức ăn khó tiêu hóa và những thức ăn dễ dị ứng cơ thể, làm thân bất an; oai nghi thích hợp là đi, đứng, nằm, ngồi mà Thiền sinh chọn để hành Thiền, với oai nghi nào cũng được miễn là giúp Thiền sinh thoải mái tu tập; dọn tâm thích hợp là trước khi hành Thiền hoặc trước khi trú niệm đề mục phải giữ cho tâm thật yên lặng, không lo âu, không bực tức, không buồn ngủ, không vọng tưởng,… để chú tâm vào đề mục; và cuối cùng đề mục thích hợp là phải biết cá tính của mình (nặng về ái hay nặng về sân,…) để rồi chọn đề tài Thiền định hợp với cá tính của mình.
Buổi chiều trước ngày vào tóp ngồi Som năk tho, các Thiền sinh vào chùa nghe ông Lục (nhà sư) đọc kinh làm phước, sau đó về chuẩn bị trang phục, lễ vật. Sáng hôm sau vào lại chùa, các Thiền sinh lên chính điện làm lễ, buổi chiều hôm đó sẽ vào ngồi tóp và bắt đầu khóa thực hành Som năk tho. Khi đã vào tóp ngồi Som năk tho, Thiền sinh không được nghĩ đến chuyện gì khác, chỉ nghĩ đến Đức Phật, đến ánh sáng và hào quang của Phật. Trong suốt khóa tu Thiền, các Thiền sinh không được ra khỏi khuôn viên chùa, mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra trong nhà chùa. Mỗi khi đã vào ngồi Tóp thì không được bước ra khỏi tóp nữa, ngoại trừ việc lên chính điện làm lễ và đi vệ sinh. 7 ngày đầu tiên không được tắm rửa, nếu nóng quá thì có thể lấy khăn nhúng nước, vắt lại để lau chùi mặt. Ý nghĩa của việc này là nhớ đến công ơn sinh thành của mẹ đã vất vả khổ sở nằm than suốt 1 tuần. Trong thời gian tu Thiền, đàn bà thọ đủ 5 giới, còn đàn ông phải thọ đủ 8 giới.
Trong khóa Thiền, Thiền sinh phải thực hiện ngồi Thiền và kinh hành (đi chậm đọc kinh) xen kẽ nhau, thường thì một giờ ngồi Thiền, một giờ kinh hành và trình pháp.
Ngồi Thiền: Các Thiền sư sẽ hướng dẫn việc ngồi Thiền. Cách ngồi là xếp hai chân bắt tréo nhau hoặc chân trên chân dưới, giữ lưng ngay ngắn, thẳng lưng với mặt đất nhưng không cứng ngắc, ngồi thẳng xương sống không bị cong giúp Thiền sinh ngồi lâu hơn. Lòng bàn tay ngửa lên, tay phải trên tay trái để trước bụng, mắt nhắm nhẹ hướng về phía trước, xóa bỏ tất cả mọi lo toan, suy nghĩ để tập trung tư tưởng vào niệm kinh.
Kinh hành: Thiền sinh chọn một chỗ khoảng hai mươi bước chân để đi chậm rãi và đọc kinh (kinh hành).
Trình pháp: buổi sáng và chiều mỗi ngày, các Thiền sinh phải tập trung trên chánh điện để tụng kinh lễ Tam Bảo và trình pháp trước Thiền sư. Thiền sinh phải trình với Thiền sư về ấn chứng hoặc kết quả tu tập mình đã đạt được trong thời gian 1 ngày hoặc 1 đêm vừa qua. Thiền sinh phải cho Thiền sư biết trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua, Thiền sinh đã giành tổng cộng bao nhiêu giờ ngồi Thiền, bao nhiêu giờ kinh hành. Thiền sư sẽ xác nhận những ấn chứng, kết quả của Thiền sinh là đúng pháp hoặc sai pháp (chánh pháp hoặc tà pháp). Nếu đúng thì Thiền sư sẽ dạy bước tu tiếp theo, còn nếu sai thì sẽ dạy lại để Thiền sinh cố gắng tu niệm lại.
3.3. Sự đạt thành Som năk tho
Đạt thành nghĩa là được Phật chứng ngộ[5]. Vì vậy, một nội dung quan trọng trong quá trình tu Thiền/đi Thiếp “được” hay không là Thiền sinh phải thấy được những tích trong cuộc đời đức Phật. Thấy như vậy chứng tỏ bản thân người đi Thiếp đã gần với Phật hơn, gần với cõi Niết Bàn. Những người đã thực hành Som năk tho cho biết, người nào được phước nhiều thì những gì họ thấy trong khóa Som năk tho đó rõ ràng hơn.
Sau nữa là Thiền sinh phải thấy được những điều mình mong muốn đặt ra khi đi tu Thiền. Đa số các Thiền sinh đều mong muốn nhìn thấy hình ảnh cha mẹ mình hay kiếp trước của mình. Họ cũng có thể nhìn thấy tội ác hay phước thiện mà mình đã làm trong kiếp này hay kiếp trước. Nhiều Thiền sinh kể lại rằng, trong lúc đi trên con đường để đến những điều họ đang hướng tới thì họ có thể nhìn thấy một số thứ khác như thấy ma quỷ, thấy thân thể mình nhơ nhớp, hôi thối, sưng phù. Và điều đó thường làm cho họ hối hận vì những tội lỗi mà mình đã gây ra mà bây giờ mới nhận biết được. Cũng có thể những điều đó làm họ hoảng sợ, la ó, cào cấu mình mẩy,… lúc đó Thiền sư hướng dẫn để họ trở lại bình thường. Cũng có những người đi Thiếp nhưng không thành nên họ buộc phải trở về và chờ đợi những lần tiếp theo, với điều kiện họ đã thật sự thanh thản và rũ bỏ hết được mọi bụi trần.
Khi đã hoàn thành một khóa Som năk tho thường là lễ “làm phước” (cúng dường trai tăng), có chùa sẽ làm lễ và cấp giấy chứng nhận, cũng có chùa không. Khi quay lại cuộc sống hàng ngày, Phật tử vẫn làm việc bình thường và phải thọ những giới theo quy định là ngũ giới hoặc bát giới[6]. Vào những ngày thọ giới trong tháng là ngày 8, 15, 23, 30, họ phải ăn đúng giờ, phải mặc đồ như khi ngồi Thiền là quần đen, áo trắng và phải đi thọ giới ở chùa, phải tập trung làm lễ và niệm Phật. Đối với những người có cạo tóc thì vào ngày 14 họ phải cạo tóc một lần nữa để qua ngày 15 ăn chay giống như các vị sư.
4. Vai trò và những tác động của Som năk tho
Đối với người Khmer, khi mới sinh ra đã là một tín đồ của Phật giáo Theravada, cả cuộc đời gắn bó với ngôi chùa, sống trong niềm tin tôn giáo, đến khi mất đi, nắm tro tàn cũng nương nhờ cửa Phật. Vì vậy, việc có một thời gian được tham Thiền, học giáo lý nhà Phật là điều mà mọi người Khmer đều mơ ước và mong muốn thực hành. Không chỉ đối với phụ nữ và những người lớn tuổi mà cả sư sãi cũng tham gia rất nhiều. Vì thế Som năk tho có những tác động mạnh mẽ tới cá nhân, gia đình và xã hội cộng đồng người Khmer ĐBSCL.
4.1. Những tác động về mặt tâm lý
Som năk tho có ý nghĩa lớn lao đối với mỗi cá nhân. Nó có tác dụng xoa dịu tâm lý trong quá trình Thiền, làm cho người thực hành Thiền có được cảm giác yên tâm, tin tưởng do hoạt động mình đang tham gia ít nhiều tương đồng với một giai đoạn của cuộc đời Đức Phật, Thiền định để giác ngộ và sau khi giác ngộ vẫn tiếp tục hoạt động Thiền. Đa số những người Khmer khi đã lớn tuổi đều cho rằng: trong cuộc đời con người khó tránh khỏi các tội lỗi, vì vậy nếu nam giới chưa đi tu và nữ giới, những người không được tu hành, thì khi về già nhất định họ sẽ đi Som năk tho để được trở về con đường chánh đạo. Vì vậy, sau khi đi Thiền thành công, họ luôn vui vẻ với ý nghĩ rằng ít nhiều mình cũng đã tạo được một phần công đức cho chính mình và tin với phần công đức đó, cho dù có chết đi cũng sẽ không bị đọa vào cõi khổ (gieo giống nào thì gặt quả nấy). Nhất là khi sắp lâm chung thì tâm không bị bấn loạn, sợ hãi,…
Som năk tho còn là nơi có thể giải tỏa những khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống trần tục vốn đầy rẫy tham - sân - si, là chốn thanh tịnh mà các tín đồ Khmer có thể tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn lúc cuối đời. Những người Khmer lớn tuổi, sau khi đã làm xong phận sự lo toan cho con cái, việc vào chùa để được nghe kinh Phật trước lúc về với cõi vĩnh hằng là một ước nguyện mà bất kì một Phật tử Khmer nào cũng mong thực hiện. Đặc biệt, đối với phụ nữ Khmer, những người chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận với kinh nhà Phật so với nam giới, thì việc tu Thiếp vào lúc cuối đời lại càng có ý nghĩa to lớn, nó như một sự bù đắp, mang lại sự cân bằng, bình đẳng cho nữ giới trong cộng đồng người Khmer.
Trong xã hội Khmer, những người đã thực hành Som năk tho thành công có một vị trí nhất định. Họ được cộng đồng nể trọng, thường được Sư cả mời tới cùng bàn bạc các công việc nhà chùa, như tổ chức các buổi lễ vào các dịp lễ lớn (như tết Chol chnam thmay, lễ Dolta, lễ Okombok,…) hay cùng bàn bạc việc tu sửa lại chùa, việc quyên góp của các Phật tử,… Trong lúc cầu nguyện hay đọc kinh, chỗ ngồi của họ là một chỗ riêng, gần các sư hơn. Đối với xã hội, bấy giờ họ đã như một nhà tu nhỏ, đối với con cháu trong nhà thì họ được xem như một đức Phật tại gia.
Ngoài ra, trong đời sống, những người đã tu Thiền thường nhóm họp, gần gũi với nhau như một kiểu “câu lạc bộ” để cùng chia sẻ, xoa dịu phần nào những cô đơn tuổi già và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
4.2. Những tác động tới quá trình điều chỉnh và giáo dục
Con người sống không tránh khỏi những sai lầm, tội lỗi, điều quan trọng là biết nhận ra và cách sửa chữa những sai lầm đó. Đối với các tín đồ Khmer thì tu Thiền chính là cách để con người quay về với chính đạo. Nhiều người Khmer cho rằng, tu Thiền theo sự hướng dẫn của Thiền sư có thể thấy được những tội lỗi kiếp trước của mình và những đọa đày khổ cực mà mình sẽ phải gánh chịu ở kiếp sau do những tội lỗi ở cuộc đời hiện tại mà mình gây ra. Vì vậy, sau khi tu Thiền trở về với cuộc sống đời thường, những Thiền sinh ấy bỗng sửa đổi, điều chỉnh lại chính mình. Họ năng làm việc thiện để tích đức, họ trở nên mẫu mực, kính trên, nhường dưới, nhẹ nhàng khuyên dạy con cháu, hòa thuận với láng giềng và cộng đồng. Som năk tho vừa như một chuẩn mực, vừa như một trải nghiệm để con người tự sửa mình. 
Đối với con cháu, việc sắp xếp để cha mẹ, ông bà đi Som năk tho là một hành động báo hiếu, thể hiện sự biết ơn đối với công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Đó chính là sự giáo dục về lòng tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà của mình. Khi cha mẹ, ông bà đã trở về già, cần một nơi yên tĩnh, ước nguyện được đến gần dưới chân Phật để giác ngộ, tu tâm tích đức trước khi trở về với cõi vĩnh hằng thì còn gì ý nghĩa hơn khi con cháu thấu hiểu và giúp đỡ để cha mẹ, ông bà thực hiện điều ước nguyện đó. Hơn nữa, sau khi tu Thiền thành công, họ được mọi người kính nể, là tấm gương, niềm tự hào của cộng đồng. Vì vậy, họ thấy tự mình phải sống cho thật xứng đáng với niềm tự hào ấy và cũng từ đó họ quan tâm và gắng sức tham gia vào quá trình giáo dục. Họ quan niệm rằng, khi chưa tu Thiền, không biết kinh pháp nên không biết dạy bảo con cháu thế nào. Nay đã tu Thiền, là người đã ngồi gần dưới chân đức Phật hơn, hiểu biết giáo lý, phân rõ nghiệp thiện, ác nên cần phải dạy bảo, trước hết là con cháu rồi đến mọi người trong cộng đồng, sống hướng thiện, theo chính nghiệp, tích phước, tích thiện cho mai sau. Họ như những “nhà giáo dục” nhân dân, âm thầm lặng lẽ làm giáo dục bằng “thân giáo” và “khẩu giáo” góp phần làm nên cuộc sống an bình, thân thiện, lành mạnh, hài hòa trong cộng đồng người Khmer.
 
Chú thích   
[1] Đại đức Thạch Hùng, trụ trì chùa Bodhivansarama (ChôngTọp ), ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa A, Châu Thành, Trà Vinh.
[2] Phỏng vấn Thượng tọa Thạch Kha, trụ trì chùa Otrom, Hiếu Tử, Tiểu Cần, ĐBSCL, 2010.
[3] Tư liệu điền dã năm 2010.
[4] Phỏng vấn sư Thạch Linh, chùa O Chao, Tiểu Cần, ĐBSCL, 2010.
[5] Phỏng vấn Thượng tọa Thạch Kha, trụ trì chùa Otrom, Hiếu Tử, Tiểu Cần, ĐBSCL, 2010.
[6] Ngũ giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Bát văn trai là: ngũ giới cộng thêm ba điều: không ăn trái giờ, không nghe hát múa hay dùng dầu thơm, không được ngồi cao hơn người trên.

Tài liệu tham khảo
1.  Lê Hương (1961), Người Việt gốc Miên.
2.   Nhiều tác giả (2008), Nhân học đại cương,  Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
3.    Đoàn Trung Côn (1995), Các tông phái đạo Phật, Nxb. Thuận Hóa.
4.   Đặng Thị Kim Oanh, Tư liệu điền dã cùng sinh viên nhân học các năm 2009, 2010.
5.   Đặng Thị Kim Oanh, Tư liệu điền dã các năm 2008, 2011.


TS. ĐẶNG THỊ KIM OANH
Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: http://ihs.vass.gov.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).