Thứ Hai 14 Tháng Tám 2017 - 10:10:17 SA

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG TRÊN MỘT SỐ BÌNH DIỆN CỦA LỐI SỐNG DÂN TỘC KHMER TỈNH TRÀ VINH

Trà Vinh và Sóc Trăng là hai tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có dân tộc Khmer sinh sống nhiều bậc nhất so với các tỉnh khác ở Nam Bộ. Riêng ở tỉnh Trà Vinh có hơn 300 ngàn người là dân tộc Khmer (chiếm khoảng 31% dân số toàn tỉnh). Dân tộc Khmer có văn hóa rất đặc thù, chịu ảnh hưởng lớn bởi Phật giáo Nam tông từ nhiều thế kỷ qua. Phật giáo Nam tông đã ảnh hưởng đến nhiều thành tố văn hóa của dân tộc Khmer, trong đó phải kể đến văn học, nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức, lối sống,…
Theo Phạm Hồng Tung, “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng” [9]. Rõ ràng, lối sống có nội hàm khá rộng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số bình diện của lối sống dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông, như: phong tục tập quán và lễ hội, môi trường sinh thái, tính cố kết cộng đồng, tinh thần yêu nước.

1. Khái quát về Phật giáo Nam tông

Phật giáo Nam tông (PGNT) là tôn giáo có xuất xứ từ Phật giáo nguyên thủy ở Ấn Độ. Giáo chủ của Phật giáo là Siddhartha (Tất Đạt Đa) là một người có thật trong lịch sử, được sinh ra, trưởng thành và hoạt động xã hội như bao người thế tục, song kể từ khi đắc đạo, vị Giáo chủ ấy với trí tuệ siêu việt đã sáng tạo ra một hệ thống tư tưởng, triết lý thâm thúy, nhân bản, cùng với cả quá trình truyền bá giáo pháp, hình thành Tăng đoàn, Ngài đã trở thành nhân vật kiệt xuất mang tầm vóc văn minh nhân loại.

Phật giáo nguyên thủy sau đó đã trải qua nhiều cuộc tập kết kinh điển và phân chia các bộ phái. Trước hết là sự phân chia thành hai hệ phái là Thượng Tọa bộ (Theravada) và Đại chúng bộ (Mahasanghika). Sau đó, từ hai hệ phái chính đã phân nhánh thành nhiều hệ phái khác, các hệ phái đó về sau có số đã mất đi, có số tồn tại, phát triển theo thời gian và không gian rộng lớn trên thế giới với những biến chuyển rất đa dạng để hình thành nhiều hệ phái đang tồn tại như ngày nay.

Trong quá trình phân chia bộ phái, phái Đại chúng bộ từ Ấn Độ truyền vào địa khu Trung Á, rồi từ đây truyền lên phía Bắc sang Trung Quốc, sau đó truyền vào Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Mông Cổ,... được gọi là Phật giáo Bắc tông (hay Phật giáo Bắc truyền). Các phái của Đại chúng bộ tự xưng là Phật giáo Đại thừa (PGĐT). PGĐT có nhiều học giả uyên bác với tư tưởng phóng khoáng, đã căn cứ vào lời kinh của Phật Thích Ca và các Đại đệ tử của Phật thuyết giảng được ghi trong các bộ Kinh lớn (Kinh sách Đại thừa được viết bằng tiếng Sanscrit – tiếng Phạn) mà vận dụng phát triển, truyền bá trong tăng chúng và Phật giáo với mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát, không câu nệ, cố chấp vào kinh điển, khoan dung, độ lượng trong việc thực hiện giáo luật, thu nạp tất cả những ai muốn quy y, giác ngộ, giải thoát cho nhiều người (tư tưởng tự giác, giác tha, tự độ, tự tha – tức là tự mình giác ngộ rồi giác ngộ nhiều người khác, tự mình độ cho mình rồi độ cho nhiều người khác), thờ nhiều Phật, nhân vật lý tưởng của phái này là Bồ tát.

Trong khi đó, phái Thượng Tọa bộ từ Ấn Độ phát triển xuống Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và Nam Bộ Việt Nam nên gọi là Phật giáo Nam tông (hoặc Phật giáo Nam truyền). Phái này cũng phân nhánh thành nhiều hệ phái, có giáo nghĩa Phật giáo Tiểu thừa, chủ trương bám sát kinh điển, giữ nghiêm giáo luật. Phật tử chỉ giác ngộ cho bản thân mình, chỉ thờ đức Phật Thích Ca và chỉ cầu chứng quả A La hán (Ahart) là người dựa vào tự lực (tự mình phải tu hành) để giải thoát. Tiểu thừa có quan điểm chung về sự vật đang hiện hữu; “Khổ có thật, phải giải thoát khỏi cái khổ. Giải thoát khỏi Luân hồi (Samsana), thoát khỏi sự tái sinh và đạt Niết Bàn (Nirvana) là mục đích cao nhất của Tiểu thừa” [2, tr.56].

Ngày nay, “những công trình nghiên cứu trên thế giới đã đính chính quan niệm cũ cho Bắc tông là Đại thừa, Nam tông là Tiểu thừa. Không có một tông Phật giáo nào là Bắc tông hay Nam tông cả. Chỉ có hai con đường truyền Phật giáo ra ngoài Ấn Độ: Bắc truyền lên phía bắc, Nam truyền xuống phía nam. Trên hai con đường đó đều từng truyền cả kinh bản Tiểu thừa lẫn Đại thừa” [4, tr.288]. Trong bài viết này, PGNT được đề cập vừa để chỉ Phật giáo đi theo hướng truyền đạo (Nam truyền) vừa để chỉ là Phật giáo Tiểu thừa (góc độ giáo nghĩa).

Tên gọi Phật giáo Tiểu thừa (PGTT) xuất hiện thời phân chia bộ phái do những Tăng sĩ hệ phái Đại chúng bộ, tự xưng là Phật giáo Đại thừa đã gọi những hệ phái xuất thân từ hệ phái Thượng Tọa bộ là Phật giáo Tiểu thừa. Một thời gian khá dài, cách gọi này bị xem là cách gọi không phù hợp, có sự phản ứng của hệ phái Thượng Tọa bộ và các phái xuất thân từ hệ phái này. Về sau, các vị lãnh đạo Phật giáo thế giới có ý định thay cách gọi Phật giáo Tiểu thừa là Phật giáo nguyên thủy. Tuy nhiên, theo một số học giả nhận định,  ngày nay, ý nghĩa chê bai của danh từ này đã mất đi và nó chỉ còn có tính chất mô tả về giáo nghĩa mà thôi; hơn nữa, danh từ này đã khắc sâu trong tư tưởng của Phật tử, khó có thể dùng từ khác thay thế. Do vậy, từ “Tiểu thừa” ngày nay vẫn có thể được sử dụng để mô tả, lý giải hoặc phân tích giáo nghĩa khi cần thiết mà hoàn toàn không có ý “chê bai”.

Giáo lý của PGNT được dựa trên nền tảng Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali (Pali Tipitaka). Hệ thống Tam Tạng Kinh nguyên thủy bằng tiếng Pali gồm Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng.

PGNT đi theo con đường từ Ấn Độ sang Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia đến Nam Bộ Việt Nam từ rất sớm, song bắt đầu có ảnh hưởng mạnh ở Nam Bộ Việt Nam vào khoảng từ thế kỷ XIII.

Năm 1981, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các hệ phái của Phật giáo trong toàn quốc, trong đó có Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ (đại diện cho PGNT) do Hòa thượng Dương Nhơn làm Trưởng đoàn cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo khác đã tổ chức Đại hội và thống nhất thành lập một tổ chức chung đại diện cho tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiến chương của Giáo hội đã chỉ rõ “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp” [5, tr.3].

Trong các truyền thống Hệ phái mà Hiến chương Phật giáo đã đề cập có hệ phái PGNT. Tuy nhiên, khi diễn đạt về tên gọi của tôn giáo này, ta thấy trong phát ngôn của nhiều người và trong nhiều tài liệu đã thể hiện khác nhau, như: “Phật giáo Tiểu thừa”, “Phật giáo Nam tông”, “Phật giáo Khmer”,... Như vậy, trong thực tiễn, cách gọi tên của tôn giáo Phật giáo mà đại đa số người Khmer đang theo chưa được nhất quán một cách gọi chung. Lúc thì gọi theo hướng truyền đạo - Phật giáo Nam tông, lúc thì gọi theo giáo nghĩa - Phật giáo Tiểu thừa, lúc thì gọi theo tên tôn giáo gắn với tộc người theo đạo - Phật giáo Khmer. Do vậy, theo Ban Tôn giáo Chính phủ thì từ năm 1998, nhà nước ta đã thống nhất tên gọi là Phật giáo Nam tông Khmer để chỉ tôn giáo Phật giáo Tiểu thừa mà ngày nay đã trở thành tôn giáo của đại bộ phận người dân tộc Khmer Nam Bộ. Trong những năm gần đây, cách gọi này đã được sử dụng phổ biến trong các văn bản chính thống, đồng thời các chư tăng, Phật tử dân tộc Khmer cũng rất đồng thuận. Với bài viết này thì tên gọi Phật giáo Nam tông mang ý nghĩa như đã trình bày ở phần trên, đôi lúc được gọi tắt là Phật giáo.

2. Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến phong tục tập quán và lễ hội của dân tộc Khmer

2.1. Về phong tục tập quán

Dân tộc Khmer đã có nhiều đám lễ trở thành phong tục, tập quán lâu đời, trong quá trình đó, tùy theo sự xuất hiện và tác động của các tôn giáo mà các đám lễ ấy bị ảnh hưởng và dung hợp các nghi thức mang tính tôn giáo, trước hết là ảnh hưởng của Bàlamôn giáo, sau đó là PGNT. Theo dòng đời của mình, dân tộc Khmer có nhiều đám lễ liên quan đến những điểm mốc của đời sống. Từ lúc sinh ra, lớn lên, cưới vợ, lấy chồng, mất đi,... mỗi biến cố ấy người Khmer đều có những lễ thức, tập tục riêng. Ban đầu nó mang sắc thái dân gian, về sau hầu như các lễ thức ấy đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo, rõ nét nhất là PGNT.

Có thể kể ra một số đám lễ điển hình đã chịu nhiều ảnh hưởng của PGNT như:

- Lễ Giáp tuổi, khi đứa con trai đủ 12 tuổi tức là đúng một giáp, gia đình tổ chức lễ cúng để tạ ơn tổ tiên, thần thánh, đồng thời mời các vị sư sãi đến tụng kinh, tưới nước thơm vào người đứa trẻ để xua đuổi tà ma và mong cho đứa trẻ mạnh giỏi, nên người.

- Lễ Xuất gia đi tu, là lễ thức theo PGNT đã trở thành tập tục phổ biến. Như phần trên đã nói, Phật giáo đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư tưởng và đạo đức của dân tộc Khmer, nên ngay từ nhỏ, thiếu niên, thanh niên đều được cha mẹ cho vào chùa tu học, với mục đích học chữ nghĩa, kinh sách, tu rèn đạo đức, trả hiếu cho cha mẹ,... Việc xuất gia đi tu phải được sự chứng kiến, chấp thuận của các vị sư sãi, đồng thời phải được tổ chức đầy đủ nghi lễ do giáo luật của Phật giáo quy định.

- Đám cưới, thường được tổ chức vào mùa khô, trước Tết vào năm mới hoặc lúc mùa màng đã thu hoạch xong. Không được tổ chức vào những tháng mùa mưa, lúc các vị sư đang nhập hạ (từ 15 tháng 6 đến 15 tháng 9 âm lịch). Trong các nghi thức của lễ cưới, phải có nghi thức mời sư sãi đến tụng kinh cầu phước, chúc phúc cho đôi trai gái.

- Đám ma, từ lâu, dân tộc Khmer có tập quán là người mất sẽ được hỏa táng và tro cốt của người mất sẽ được gửi trong chùa ở các tháp để cốt. Từ lúc tẩm liệm người chết cho đến nghi thức cuối cùng đưa tro cốt vào chùa, đám tang thực hiện các nghi lễ mà trong đó thường xuyên có mặt các vị sư sãi để tụng kinh, cầu an, cầu siêu, cầu phước,... Sau đó đến những điểm mốc, bảy ngày (nếu là trẻ con), chín ngày (nếu là người lớn), thân nhân người chết sẽ làm lễ Dâng phước cho linh hồn người đã khuất. Khi đến 100 ngày hoặc một năm sau ngày mất, người thân sẽ làm đám giỗ và cầu nguyện cho người mất được hưởng phước lành. Dân tộc Khmer thường không tổ chức ngày giỗ kỵ hàng năm cho người quá cố. Thay vào đó, người Khmer tổ chức ngày lễ cúng ông bà hàng năm được gọi là lễ Sen Đôn ta. Lễ này được tổ chức để thực hiện các nghi thức tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, ông bà. Đồng thời trong lễ Vào năm mới, các gia đình người Khmer đều tổ chức lễ cúng và mời các vị sư sãi đến nhà để tụng kinh cầu siêu, tạo phước cho người đã khuất.

2.2. Về lễ hội

Lễ hội của dân tộc Khmer có thể được khái quát trong hai mảng lớn, đó là lễ hội dân gian và lễ hội tôn giáo, chủ yếu là lễ hội PGNT Khmer. Nhìn chung, do ảnh hưởng của Phật giáo nên cả hai mảng lễ hội này đều có dấu ấn của Phật giáo từ hình thức thể hiện cho đến tư tưởng - mang tính tâm linh. Các ngày lễ hội được tổ chức theo Phật lịch (quyển Đại lịch - Maha sangkran) được các nhà thiên văn, trí thức Khmer soạn ra.

Các lễ hội dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động của dân tộc, mà nguồn gốc là loại hình văn hóa nông nghiệp, trồng trọt. Lễ hội ấy ra đời từ lâu và qua mỗi giai đoạn lịch sử chịu sự tác động của tôn giáo, từ đó có sự pha trộn các yếu tố mới từ Bàlamôn giáo đến PGNT. Thể hiện rõ nhất trong ba lễ hội: Lễ Vào năm mới (Chôl chnam thmây), lễ Cúng Ông bà (Sen Đôn ta) và lễ Cúng trăng hay lễ Đút cốm dẹp (Ok om bok).

Người Khmer trồng lúa nước từ lâu đời trên các thửa ruộng vùng hạ lưu sông Cửu Long, bên cạnh đó họ cũng rất thông thạo việc chăn nuôi gia súc, trồng trọt các loại hoa màu ở các vùng đất giồng cát. Nói chung, cư dân nông nghiệp thường bị chi phối bởi các hiện tượng của thiên nhiên; bởi các biến cố của thiên nhiên, sự chuyển động của thời tiết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng, tác động đến hiệu quả của sản xuất. Với lòng cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu mà cư dân nông nghiệp Khmer đã tổ chức các lễ hội với các nghi thức mong cầu và tạ ơn năng lực siêu nhiên phò trợ. Cũng từ đây mà xuất hiện các lễ nghi nông nghiệp, một hình thức tương thông, tương cảm giữa con người với giới tự nhiên.

Từ việc xem xét các hoạt động lễ hội của người Khmer, ta thấy có hai lễ hội liên quan chặt chẽ đến lễ nghi nông nghiệp. Trước hết là lễ Vào năm mới (Chôl chhnam thmây), còn gọi là lễ chịu tuổi, tức là Tết của người Khmer, được tổ chức vào đầu tháng Chét theo Đại lịch – Maha Sangkran, tương ứng với dương lịch vào ngày 13 hoặc 14 tháng Tư. Đây là thời điểm giao mùa, mùa khô chấm dứt và mùa mưa bắt đầu.

Theo sách Người Khmer Cửu Long [11] thì song song với ý nghĩa đón mừng năm mới, ngày lễ này còn có ý nghĩa là một lễ nghi nông nghiệp mà mục đích là cầu cho mùa khô qua nhanh và mùa mưa mau đến để có nước làm ruộng. Mục đích này thể hiện trong một số hoạt động của nghi lễ như tục đắp núi cát, tục tắm tượng Phật và tắm cho sư sãi. Tục đắp núi cát với ý nghĩa núi sẽ cản mây lại để tích tụ hơi nước thành mưa; tục tắm cho tượng Phật, cho sư sãi là một lễ thức cầu đảo. Bên cạnh đó, việc tổ chức đoàn Phật tử rước quyển Đại lịch - Maha Sangkran với nghi thức người dự lễ rước lịch đi vòng quanh chính điện ba vòng cùng với những lễ vật rất trang trọng đã toát lên sự dung hợp văn hóa giữa yếu tố văn hóa truyền thống, yếu tố tín ngưỡng Bàlamôn giáo và tiếp biến tư tưởng Phật giáo rất rõ nét. Thật vậy, nghi thức này có nguồn gốc từ huyền thoại của Bàlamôn giáo nói về việc vị thần Kabil Maha Prum - thần Bốn mặt vì thua trí Hoàng tử Thômabal nên đã tự cắt đầu của mình. Để sau đó cứ hàng năm, bảy cô con gái của vị thần này cử hành nghi lễ bưng đầu lâu bốn mặt của cha lên núi Tudi sau khi đã đi vòng quanh chân núi ba vòng (truyện Thômabal và Kabil Maha Prum - thần Bốn mặt [6, tr.43-47]). Ngày nay, khi tổ chức lễ vào năm mới (Chôl chnam thmây), thay vì rước đầu lâu theo huyền thoại Bàlamôn giáo, ngày đầu tiên người Khmer tổ chức rước Maha Sangkran - quyển Đại lịch đi vòng quanh chính điện ba lần để nhớ huyền thoại trên.

Từ chi tiết nêu trên cho ta thấy, các yếu tố tâm linh tôn giáo và yếu tố tín ngưỡng dân gian hòa quyện vào nhau. Nói cách khác, hoạt động lễ nghi nông nghiệp vốn là tín ngưỡng dân gian của dân tộc Khmer đã thấm đượm tính chất tôn giáo, cụ thể là Bàlamôn giáo được Phật giáo hóa theo cách riêng của dân tộc Khmer. Có thể nói, văn hóa Khmer trước đây đã chịu ảnh hưởng của Bàlamôn giáo khá sâu sắc, song từ khi tiếp biến Phật giáo Nam tông, văn hóa Khmer đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo sâu đậm hơn, có nhiều trường hợp, văn hóa Khmer dung hợp cả Bàlamôn và Phật giáo. Điển hình như các chùa Phật giáo Nam tông Khmer sử dụng rất nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa liên quan đến các vị thần Bàlamôn được Phật giáo hóa theo cách riêng của dân tộc Khmer.

Bên cạnh đó, lễ hội Ok om bok (được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch) có các hoạt động tiêu biểu như: lễ cúng trăng với các nông sản phẩm vừa thu hoạch được, sau đó đút cốm dẹp cho trẻ con; lễ thả đèn nước, thả đèn gió; hội đua ghe ngo,... các hoạt động này đều có chung mục đích là mừng vụ mùa bội thu, tống tiễn mùa mưa, tạ ơn mặt trăng - chào đón mặt trời với ánh nắng của mùa khô, đồng thời mong muốn mùa màng luôn tốt tươi, cuộc sống mãi no đủ. Trong đó một số hoạt động có liên quan đến tôn giáo như việc cúng trăng, đua ghe ngo đều gắn với câu chuyện về Đức Phật và câu chuyện về việc hành đạo của các sư sãi ngày xưa.

Song song với các lễ nghi nông nghiệp nói trên, dân tộc Khmer, mà cụ thể là các gia đình và phum sóc thông qua Ban Quản trị chùa đã cùng với các vị sư sãi tổ chức các buổi lễ của tôn giáo như: Lễ Phật đản (thường được tổ chức tại chùa Kompong, phường 1, Tp. Trà Vinh vào ngày 14/4 âm lịch. Lễ này được gọi là lễ Visakhapuja kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập niết bàn); Lễ Nhập hạ (tổ chức vào đầu mùa mưa, thời gian nhập hạ trong ba tháng từ 15/6 đến 15/9 âm lịch); Lễ Đặt cơm vắt (ngày 30/8 âm lịch); Lễ Ra hạ; Lễ Dâng y Kathina (trong thời gian từ 16/9 đến 15/10 âm lịch, mỗi chùa chọn vài ngày để làm lễ); Lễ An vị Phật; Lễ Kết giới (chỉ tổ chức cho trường hợp Chính điện mới được xây dựng lần đầu tiên).

Như trên đã trình bày, chúng ta thấy lễ hội của dân tộc Khmer có hai mảng lớn đó là lễ hội dân gian và lễ hội tôn giáo. Cả hai mảng lễ hội này đều có quá trình hình thành và phát triển từ rất lâu đời; trải qua nhiều thế kỷ, các lễ hội này đã thật sự gắn kết sâu đậm trong đời sống văn hóa của dân tộc Khmer, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đây, chúng ta có thể xem tất cả các lễ hội đó là lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer.

Lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer thể hiện những đặc điểm văn hóa cơ bản như sau:

- Các lễ hội diễn ra hàng năm đã thể hiện sức mạnh của cộng đồng và làm tăng thêm tính đoàn kết của các cá nhân, các gia đình trong phum sóc. Nói cách khác, nó làm tăng sự cố kết cộng đồng của dân tộc Khmer.

- Lễ hội đã góp phần tạo điều kiện cho tính cộng mệnh và cộng cảm của cộng đồng ngày càng nâng cao. Mặt khác, qua lễ hội, nhất là các lễ hội có nguồn gốc là lễ nghi nông nghiệp đã làm cho cộng đồng hướng về, tìm lại nguồn cội tự nhiên của mình, hòa mình vào với môi trường thiên nhiên, làm thấm đậm thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

- Lễ hội biểu hiện sinh động đời sống tâm linh của dân tộc Khmer. Lễ hội đã giúp cho con người hướng đến cái cao cả thiêng liêng, hướng đến chân - thiện - mỹ, thỏa mãn ước vọng tôn thờ, ngưỡng vọng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt, đây cũng là dịp thăng hoa của đời sống tinh thần, là dịp để dân tộc Khmer thể hiện những nét đặc sắc của văn hóa qua các cuộc thi tài (đua ghe ngo, chơi các trò chơi dân gian,…), trình diễn nghệ thuật dân tộc (hát múa À day, Chòm riêng chà pây, Rôbăm, Dù kê,...), phô bày trang phục dân tộc,… Đây chính là dịp dân tộc Khmer vừa sáng tạo vừa thụ hưởng những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nói cách khác, lễ hội chính là môi trường để bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhìn chung, các hoạt động lễ hội của dân tộc Khmer diễn ra rất phong phú và đa dạng. Trước đây, các hoạt động này diễn ra với tần suất cao và trong nhiều ngày nên có phần ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, nhất là ảnh hưởng đến thời gian lao động và vật lực của cộng đồng. Điều này đã tạo ra sự quan tâm cho cả giới trí thức tôn giáo và cán bộ dân tộc Khmer. Do vậy, các họat động này đang có xu hướng tiết giảm về thời gian tổ chức nhằm giảm thiểu những khó khăn trong cuộc sống cho đồng bào Phật tử Khmer.

3. Ảnh hưởng của Phật giáo đến môi trường sinh thái

“Sinh thái là một khái niệm rất rộng, chỉ chung cho mối quan hệ giữa sinh vật và môi trường của chúng. Sinh thái quan tức là cách nhìn, quan điểm của con người đối với vấn đề sinh thái” [3, tr.116]. Đối với Phật giáo, liên quan đến vấn đề này, đầu tiên phải nói đến là thuyết Duyên khởi. Thuyết Duyên khởi là một quan niệm rất độc đáo về vũ trụ, thế giới, tạo nên điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Theo Nguyễn Văn Phúc, trong giáo trình Đạo đức môi trường: một số vấn đề lý luận và thực tiễn: “Nếu các tôn giáo khác nhìn nhận các sự vật, các hiện tượng, các quá trình của hiện thực như là thành tạo của một đấng sáng thế nào đó thì Phật giáo lại giữ một quan điểm vô thần về thế giới. Nói cụ thể hơn, thuyết Duyên khởi cho rằng, vũ trụ, thế giới với các biểu hiện vô cùng đa dạng của nó đều hiện hữu một cách tự thân, nghĩa là không do ai sinh ra, và do đó, không ai có thể chi phối được sự tồn tại và vận hành của nó. Vũ trụ với tư cách là vũ trụ thì không sinh, không diệt, vô thủy, vô chung; nhưng các biểu hiện cụ thể của nó thì có sinh, có diệt. Các biểu hiện cụ thể và đa dạng của vũ trụ được Phật giáo gọi là Pháp (vạn Pháp). Theo thuyết Duyên khởi, thực chất của các Pháp là duyên sinh vô tự tính, không có bản thể độc lập, là vô ngã, là không” [7, tr.6]. Có thể nói, với quan niệm về vô ngã trong thuyết Duyên khởi, Phật giáo đã nhận thức và xác lập được một quan hệ bình đẳng giữa con người và môi trường. Thuyết Duyên khởi và những tư tưởng về tôn trọng sinh mệnh, giới cấm sát sinh,... có ý nghĩa tích cực đối với việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ sự đa dạng sinh học trong điều kiện hiện nay.

Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, từ lâu, việc tu tập, xây chùa của sư sãi và Phật tử Khmer đã thể hiện sự tuân thủ giáo Pháp của Phật giáo, trong đó mặt chấp hành giới luật và ứng xử với môi trường, với cây cỏ, chim muông thể hiện rất rõ nét. Trong khuôn viên ngôi chùa luôn có khoảng không gian rộng lớn, được các vị sư và các Phật tử trong phum sóc trồng cây xanh. Nhiều ngôi chùa có vườn cây xanh lâu đời, một số cây thành cổ thụ, thường thấy là cây sao, cây dầu, cây còng,... góp phần tạo nên cảnh quan trầm mặc, trang nghiêm. Có nơi chim thú đến trú ngụ rất đông đúc, nhiều loài cò, vạc, bồ nông,... sinh sống lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các sư trong chùa luôn gìn giữ, trông nom, cấm mọi hành vi săn bắn. Điển hình như ở chùa Hang (Kom Pong Chrây – Mong Rầy) huyện Châu Thành, chùa Giồng Lớn (Phnô Đôn) được dân gian hay gọi là chùa Cò, huyện Trà Cú. Nếu tính toàn tỉnh có 141 ngôi chùa PGNT Khmer thì cũng có chừng ấy số lượng vườn cây; tổng diện tích cây xanh do các chùa tạo dựng sẽ là một đóng góp không nhỏ cho môi trường của tỉnh.

Có thể nói, vườn cây xanh kết hợp với các công trình kiến trúc khác, mỗi ngôi chùa vừa toát lên vẻ uy nghiêm của chốn Phật môn vừa như một lá phổi xanh có ý nghĩa vun bồi cho sự sống.

4. Ảnh hưởng của Phật giáo đến tính cố kết cộng đồng của dân tộc Khmer

Trong bài viết “Mối quan hệ giữa gia đình và phum sóc với ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Trà Vinh” đăng trong Tạp chí Triết học số 4(263) 2013 [10, tr.74-84], tác giả đã phân tích mối quan hệ giữa gia đình và phum sóc với ngôi chùa PGNT Khmer. Ở đây có thể khái quát lại, Phật giáo thông qua hoạt động của ngôi chùa đã phát huy ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng dân tộc Khmer. Ngôi chùa là nhân tố cố kết cộng đồng của các gia đình và phum sóc, hay nói cách khác đó là sự cố kết cộng đồng thông qua tính cộng mệnh và cộng cảm.

- Tính cộng mệnh, ở phum sóc, việc thờ Niết tà được xem như thờ thần thành hoàng đã nói lên tính cộng mệnh của cộng đồng, tuy nhiên từ khi ngôi chùa PGNT Khmer xuất hiện thì ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho cộng đồng trong phum sóc, có nơi người ta đã chuyển Niết tà vào chùa và lập miếu để thờ. Do vậy, xuất phát từ tất cả các họat động mang tính tâm linh trong ngôi chùa đã tạo cho ngôi chùa thực sự là biểu tượng thiêng liêng của cả cộng đồng, gắn kết các thành viên trong phum sóc lại với nhau trong một số mệnh chung.

- Tính cộng cảm, ngôi chùa như trên đã trình bày, từ các hoạt động lễ hội của Phật giáo, các lễ hội dân gian và cả việc các nhà sư tham gia các nghi lễ liên quan đến những sự kiện quan trọng trong vòng đời của các thành viên trong cộng đồng đã tạo cho mọi người trong phum sóc một trạng thái tinh thần chan hòa, đồng cảm, gắn kết nhau trong các mối quan hệ xã hội.

Như vậy, trên cơ sở tính cộng cư có được từ việc tổ chức cuộc sống của các thành viên trong phum sóc, ngôi chùa cùng với những hoạt động của các vị sư và tín đồ đã tạo ra tính cộng mệnh và cộng cảm. Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên tính cố kết cộng đồngbền chặt của phum sóc dân tộc Khmer. Nó thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa ba yếu tố: cá nhân - gia đình và phum sóc - ngôi chùa. Đây có thể nói là cơ sở cho việc xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng dân tộc mà ngày nay cũng được được xem là một nguồn lực quan trọng trong  sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong thời gian khá dài đã qua, tính cố kết cộng đồng nói trên đã thể hiện rõ là chất kết dính, tạo nên sức mạnh cộng đồng của dân tộc Khmer trong khắc phục thiên tai, địch họa, đặc biệt là giúp cho cộng đồng phát huy sức mạnh trong cuộc kháng chiến chống giặc, giữ nước.

Tuy nhiên, tính cố kết cộng đồng dựa trên nền tảng cộng cư của các gia đình trong phum sóc, với cuộc sống kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp và sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo nên dân tộc Khmer có tâm lý yên phận, ít cạnh tranh, thường làm phước, bố thí để tích phúc cho kiếp sau,... Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, nhất là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập với quốc tế, để phát triển thì tính cố kết cộng đồng ấy trong chừng mực nhất định có sự cản trở, hạn chế  việc phát huy sức sáng tạo, bứt phá của cá nhân, của cộng đồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đầu tư phát triển, trong hội nhập với trào lưu hiện đại,… Đây chính là vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân tộc Khmer trong giai đoạn mới.

Mặt khác, ngày nay, với âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đang ra sức tìm mọi thủ đoạn để chia rẽ khối đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chia rẽ ngay trong cộng đồng dân tộc Khmer, chia rẽ dân tộc - tôn giáo; cường điệu, bôi nhọ vấn đề dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam. Thậm chí chúng còn lợi dụng một số người nhẹ dạ cả tin để thu nạp vào các tổ chức phản động; dùng vật chất tác động, mua chuộc, lôi kéo một số người, kể cả sư sãi để hoạt động chống phá an ninh quốc gia, gây bất ổn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cơ hội gây bạo loạn, lật đổ chính quyền,… Đây chính là những vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc, tôn giáo nói chung (trong đó nói riêng là lĩnh vực tôn giáo - dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh) trong giai đoạn mới. Chúng ta cần có những giải pháp thích hợp để giải quyết tình huống này một cách hiệu quả nhất nhằm tạo được sự ổn định và phát triển bền vững.

5. Phật giáo Nam tông với tinh thần yêu nước

Tư tưởng bất sát – cấm sát sinh trong giới luật Phật giáo là không cho phép con người thực hiện sát sinh, nhất là không được giết người. Trước hết phải xác định đây là tư tưởng đạo đức mang tính nhân văn cao cả. Tuy nhiên, thực tiễn xã hội Việt Nam cho thấy, lịch sử dựng nước và giữ nước đã xuất hiện những tình huống không thể khác được. Đó là trường hợp đất nước bị xâm lược, dân tộc bị nô dịch thậm chí bị sát hại bởi ngoại bang. Trước cái sát của kẻ thù gieo rắc đến cho dân tộc, trong tình huống chúng ta muốn nhân nhượng, nhưng kẻ thù luôn hung hăng, lấn tới để gây ra chiến tranh phi nghĩa, tàn khốc thì buộc chúng ta phải thực hiện chiến tranh vì chính nghĩa, giành lại độc lập tự do, giữ lấy mạng sống của muôn người. Điều này đã thực sự diễn ra đối với toàn dân tộc - tất cả 54 dân tộc nói chung, với dân tộc Khmer Nam Bộ và dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Với mối quan hệ chặt chẽ, tính cố kết bền vững giữa cá nhân, gia đình và phum sóc với ngôi chùa PGNT, khi có giặc ngoại xâm thì dân tộc Khmer phản ứng quyết liệt để gìn giữ khối đoàn kết ấy. Điều này thể hiện rõ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Đặc biệt từ khi có Đảng, được giáo dục lý tưởng cách mạng, dân tộc Khmer và sư sãi đã cùng nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm. “Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, phong trào cách mạng của đồng bào Khmer lên cao gấp bội, trong đó có phong trào yêu nước của sư sãi Khmer đã thực sự “nhập cuộc” với phong trào đấu tranh chung của quần chúng. Trong hầu hết các cuộc đấu tranh chống Mỹ - Ngụy đều có sự tham gia đông đảo, tích cực của sư sãi Khmer. Nhiều cuộc đấu tranh diễn ra dưới hình thức tôn giáo. Điều này phản ánh một thực tế xã hội là Phật giáo Tiểu thừa giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị và xã hội của người Khmer. Mặt khác, đó còn là một chứng cứ vạch trần chính sách lừa mị, phản động của Mỹ - Ngụy đối với tôn giáo, và nói lên nhận thức sâu sắc về vấn đề dân tộc và giai cấp của sư sãi và tín đồ Phật giáo Tiểu thừa ở Cửu Long nói riêng và Nam Bộ nói chung” [11, tr.248].

Thật vậy, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rất nhiều ngôi chùa Khmer là cơ sở của cách mạng; Phật tử và sư sãi Khmer đã làm hầm bí mật nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng; tiếp tế lương thực cho kháng chiến; làm thông tin, liên lạc; ngụy trang làm trường huấn luyện đào tạo cán bộ Khmer và thậm chí cả việc trợ lực để đánh phá đồn bốt địch. “Nhiều vị sư sãi “ngày tu, đêm là du kích”. Các vị sư chùa Bàu Môn (Đôn Châu, Trà Cú) ôm mìn gài trong đồn bốt địch, hay làm trinh sát cho bộ đội tấn công. Nhiều sư sãi đã cởi áo cà sa đi bộ đội để trực tiếp bảo vệ đất nước. Tiêu biểu như Đại Đức Sơn Vọng” [11, tr. 249, 250]. Nhiều cán bộ Khmer đã từng là Phật tử PGNT hoặc đã từng là các vị sư xuất thân từ ngôi chùa đã trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng như Ma ha Sơn Thông, Lâm Phú, Kiên Sang, Kim Sóc, Lâm Phái, Lui Sarát, Thạch Chân, Thạch SaBút, Thạch Tua, Sơn Song Sơn, Huỳnh Phước Long, Thạch Hel, Thạch Dư,... Toàn tỉnh có khoảng 30 chùa PGNT Khmer đã có thành tích trong kháng chiến. Đến nay đã có 09 chùa được công nhận là di tích lịch sử hoặc di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, cụ thể gồm các chùa: Bisivararama (chùa Ba Si), Bodhiculamani (chùa Ích - chùa Ấp Sóc), Chrôi Tansa (chùa Bãi Sào Giữa), Đom Bon Pak (chùa Bào Môn), Ta Rom (chùa Tà Rom), Pro Khup (chùa Trà Khúp), Teakhinasakor (chùa Tà Lôn - Cái Cối), chùa Can Snom (Căn Nom) và chùa Vel Lac (Lạc Hòa).

Đặc biệt, PGNT của người Khmer Nam Bộ là tôn giáo đầu tiên đã được tặng Huân chương giải phóng, trong thành tích đó có thành tích của Phật tử và sư sãi Khmer tỉnh Trà Vinh. Có thể nói, từ vấn đề nêu trên đã cho ta thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 yếu tố : cá nhân - gia đình và phum sóc - ngôi chùa - Tổ quốc. Đúng như ý kiến của Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh : “Đồng bào sư sãi Khmer đã có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích Dân tộc - Đạo pháp - Chủ nghĩa xã hội, theo phương châm dân tộc vinh quang, tôn giáo huy hoàng”.

Phát huy tinh thần yêu nước, ngày nay rất nhiều Phật tử và sư sãi Khmer sau khi hoàn tục đã tham gia hoạt động trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, hiện nay có 350 cán bộ Khmer được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ cấp xã, 28 cán bộ Khmer được bầu vào BCH Đảng bộ cấp huyện, 06 cán bộ Khmer được bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh, 01 cán bộ Khmer được bầu vào BCH Trung ương Đảng. Cán bộ người Khmer đạt 50% đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh, 24% đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, 19,63% đại biểu HĐND cấp huyện và 22,89% đại biểu HĐND cấp xã. Đặc biệt hiện nay đã có 4.586 đảng viên Khmer trong tổng số 31.588 đảng viên toàn tỉnh, chiếm tỉ lệ 14,51%.

Có thể nói, ngày nay vai trò của cán bộ Khmer và cán bộ công tác trong vùng dân tộc Khmer ngày càng được nâng lên, phương thức hoạt động được đổi mới, gắn kết được hoạt động giữa đạo và đời của các chùa chiền với nhân dân trong phum sóc, ấp, xã,... vận động đồng bào dân tộc Khmer, các Phật tử Khmer thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, phát huy ý thức tự lực, tự cường, xóa dần một số tập quán lạc hậu, vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống, thực hiện tốt phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, có thể nói cả dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Khmer nói riêng đã có truyền thống yêu nước từ lâu đời, đã được lịch sử chứng minh, điều này cho thấy đạo đức mới, lối sống mới cần tiếp tục phát huy để nâng cao đức tính ấy trong giai đoạn mới. Đó là phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc trong thời kỳ chiến tranh, nâng lên thành tinh thần yêu nước trong giai đoạn hòa bình để xây dựng con người Việt Nam có những đức tính tốt đẹp như: “Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [1, tr.58, 59].

Kết luận

Phật giáo Nam tông đã có quá trình lâu dài thâm nhập trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng. Ảnh hưởng của Phật giáo thể hiện trên các thành tố văn hóa Khmer mà đặc biệt là trên một số bình diện của lối sống dân tộc Khmer như phong tục tập quán, lễ hội, môi trường sinh thái, tính cố kết cộng đồng và tinh thần yêu nước,… Quan điểm của Đảng trong Nghị quyết lần thứ 5 khóa VIII đã khẳng định: “Lối sống mới mà Đảng ta, nhân dân ta hướng đến xây dựng biểu hiện tập trung các giá trị của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là một lối sống nhằm phát huy cao độ những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa mà cha ông ta đã truyền từ đời này sang đời khác như lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lập, tự cường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, giản dị,... Đó là lối sống lấy lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nội dung và hướng hoạt động sống” [8, tr.167, 168]. Do vậy, những yếu tố nói trên đã góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và có những giá trị tích cực với lối sống mới mà Đảng ta định hướng xây dựng.

Việc xây dựng và phát huy bản sắc dân tộc Khmer nói riêng, bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung cần thấm nhuần quan điểm : “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước” [1, tr.56]. Từ quan điểm đó, việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới cần chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội. Song song đó phát huy tinh thần yêu nước của cộng đồng dân tộc Khmer để vươn lên cùng với các dân tộc anh em, tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Cần chú trọng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đại đoàn kết giữa các dân tộc trong lịch sử cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay để tạo sự thống nhất và nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, ý thức quốc gia, dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhất là giáo dục đồng bào dân tộc Khmer nhận thức đúng lịch sử vùng đất Nam Bộ theo tài liệu Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã xuất bản.

 
Tài liệu tham khảo

Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam Bộ (những vấn đề nhìn lại), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
Thích Nhuận Đạt (dịch) (2010), Đạo Phật và môi trường, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Duy Hinh, Lê Đức Hạnh (2011), Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2008), Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Sài Gòn.
Nguyễn Văn Phúc (2013), Đạo đức môi trường: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Bài giảng chuyên đề), Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Đỗ Thị Minh Thúy (2004), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Thành tựu và kinh nghiệm, Viện Văn hóa & Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Phạm Hồng Tung (2007), “Nghiên cứu về lối sống: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận”, Tạp chí Khoa học, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, T. 23, số 4, tr. 277.
Trang Thiếu Hùng, “Mối quan hệ giữa gia đình và phum sóc với ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Trà Vinh”, Tạp chí Triết học, số 4(263) 2013.
Viện Văn hóa (1987), Người Khmer Cửu Long, Sở Văn hóa – Thông tin Cửu Long xuất bản.

TRANG THIẾU HÙNG
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh
Nguồn: http://ihs.vass.gov.vn Tạp chí Nghiên cứu con người
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).