Thứ Hai 21 Tháng Tám 2017 - 09:54:25 SA

Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ

(LLCT) - Dân tộc Khmer là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông của Việt Nam với trên 1,3 triệu người(1), chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long. Dân tộc Khmer có lịch sử lâu đời, với đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đặc sắc. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Khmer, đa dạng văn hóa trong phát triển là vô cùng quan trọng.

 
Người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, bao gồm: ngôn ngữ và chữ viết, văn học, nghệ thuật ca múa nhạc, lễ hội và tôn giáo.

Về ngôn ngữ, tiếng Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer trong ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic). Ngày nay, tiếng Khmer thường được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, trong sinh hoạt tôn giáo, trong giao tiếp giữa người Khmer với nhau. Tiếng Khmer ở vùng Tây Nam Bộ gồm 3 phương ngữ chính là: phương ngữ Trà Vinh, phương ngữ Sóc Trăng, và phương ngữ Rạch Giá. Ba phương ngữ này chủ yếu khác nhau trên phương diện phát âm và ở chừng mực nào đó là ở việc sử dụng từ ngữ nhưng về cơ bản là không quá khác biệt.

Chữ viết của người Khmer có nguồn gốc từ chữ Pramel – một loại chữ cổ ở miền Nam Ấn Độ(2). Nhưng do dạng chữ truyền thống này khó viết và khó nhớ nên nó không được phổ cập trong cộng đồng người Khmer Tây Nam Bộ mà thường chỉ có tầng lớp trí thức (chiếm khoảng 20% dân số) như sư sãi, những người hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục… sử dụng(3).

Về văn học, văn học dân gian của người Khmer rất phong phú, gồm tục ngữ, dân ca, truyện dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn và truyện cười). Tục ngữ và châm ngôn của người Khmer thường là những tổng kết về kinh nghiệm hay những nhận xét và những lời khuyên răn được gọi chung là Xôphia – Xết. Đặc điểm nổi bật của truyện thần thoại, truyền thuyết của người Khmer là “phản ánh nét đặc thù trong quá trình khai thiên, lập địa, mở mang địa phận trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long sình lầy, hoang vu, ngập nước và nhiều thú dữ”(4). Những truyện thần thoại của người Khmer có thể kể đến là “Sự tích mưa, gió, Mặt trời và Mặt trăng”, “Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài”,… Ngoài ra, các địa phương còn có các truyền thuyết riêng như: sự tích chiếc thuyền vỡ (ở Vũng Thơm – Sóc Trăng), sự tích Bà Panh diệt cá sấu ở vàm sông Long Xuyên (An Giang),… Truyện cổ tích của người Khmer thường phản ánh những mâu thuẫn trong xã hội thông qua sự đối lập giữa cái thiện – cái ác, cái tốt – cái xấu chẳng hạn như truyện “Hoàng tử Săng Sê Một Chây”, “Chau Sanh – Chau Thông”(5).

Bên cạnh văn học dân gian còn phải kể đến văn học viết. Những tác phẩm văn học viết của người Khmer thường được ghi chép bằng các tập lá buông, thường gọi là Sa-Tra truyện (Sa-Tra Rương), gồm những truyện dài về diệt chằn tinh, cứu người(6).

Về nghệ thuật ca múa nhạc, dân ca Khmer gồm dân ca nghi lễ, hát ru con (chum riêng bom pê kôn) và hát đối đáp trong lao động. Dân ca nghi lễ là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ cúng thần và nghi lễ cúng cầu mưa, cầu an,… Dân ca nghi lễ thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, biểu hiện ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong nghệ thuật ca dân gian của người Khmer, bên cạnh các làn điệu dân ca còn có nghệ thuật múa và nghệ thuật sân khấu. Dân tộc Khmer khá nổi tiếng về các điệu múa nhất là múa dân gian, phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân và mỗi khi có dịp gặp gỡ, vui chơi tập thể là người dân Khmer cùng nhau múa những điệu múa truyền thống. Múa dân gian bao gồm nhiều loại: múa sinh hoạt có Râm vông, Lâm lev, Sarvan. Ngoài ra người Khmer Kiên Giang còn có điệu múa Xarikakeo, múa trống chhayam,… nhưng những điệu múa này không phổ biến rộng rãi như ba điệu múa Lâm vông, Lâm lev và Sarvan.

Nghệ thuật sân khấu là một nét độc đáo và đặc sắc trong nghệ thuật biểu diễn của người Khmer, có lịch sử phát triển lâu đời với nhiều trình độ khác nhau từ đơn giản (dân gian) đến phức tạp (cung đình), được coi “là linh hồn của toàn bộ hệ thống nghệ thuật dân tộc mang đậm nét văn hóa và bản sắc riêng của người Khmer”(7). Các loại hình sân khấu của người Khmer bao gồm: 1) Sân khấu Rôbam (còn được gọi là hát Réamkèr) với vở kịch nổi tiếng nhất là Réamkèr được rút ra từ áng hùng ca Yamayana của Ấn Độ. Đây là loại hình nghệ thuật lấy múa làm phương tiện truyền tải nội dung nên nó còn được gọi là nghệ th uật múa sân khấu hay kịch múa. 2) Sân khấu Dù - Kê (Yukê) là kịch hát của người Khmer vùng Tây Nam Bộ, ra đời vào những năm 1920 - 1930 mang dấu ấn đậm nét của sự giao thoa văn hóa với nghệ thuật của người Hoa và người Việt(8). 3) Sân khấu Lakhôn tương tự kịch nói của người Việt.

Về đời sống tâm linh

Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ thì có hai yếu tố chi phối mạnh mẽ đời sống tâm linh của họ đó là tín ngưỡng - tôn giáo và các nghi lễ, lễ hội. Lễ hội gắn với các nghi thức, nghi lễ tôn giáo và nó thường diễn ra ở các ngôi chùa Khmer.

Tín ngưỡng dân giancó từ thời xa xưa, không còn phổ biến trong xã hội người Khmer nữa mà nó chỉ tồn tại như những tàn dư(9). Các loại tín ngưỡng dân gian này bao gồm tín ngưỡng Neak tà, tín ngưỡng Arăk và các lễ nghi nông nghiệp. Tín ngưỡng Neak tà cũng giống như tín ngưỡng thành hoàng làng của người Việt và Neak tà là vị thần bảo hộ của phum, sóc Khmer(10). Tín ngưỡng Arăk hiện nay không còn phổ biến(11). Arăk tượng trưng cho vị thần của dòng họ, là người trong dòng họ đã chết từ lâu nhưng linh thiêng nên được dòng họ tôn thờ là thần. Mỗi dòng họ có thể có nhiều Arăk hoặc nhiều dòng họ có thể thờ chung một Arăk. Về các nghi lễ nông nghiệp, do đặc điểm là cư dân trồng lúa nước và việc canh tác phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên trong xã hội người Khmer vẫn tồn tại nhiều nghi lễ nông nghiệp. Trong các nghi lễ này có tục cúng sân lúa (pi thi sel lean), cúng thần ruộng (Neak tà Xrê), cúng thần mục súc (Arăk viel).

Về tôn giáo,trước khi Phật giáo du nhập vào, người Khmer có đạo Bà - la - môn. Tuy ngày nay đạo Bà-la-môn không còn tồn tại ở xã hội Khmer nhưng những giá trị của nó còn thể hiện ở việc một số vị thần đã được đồng hóa trong tín ngưỡng Neak tà và Arăk. Một số hiện vật của đạo Bà – la - môn như linga và yoni vẫn còn được lưu giữ trong một số ngôi chùa Khmer. Hiện nay, phần lớn người dân Khmer Tây Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông (Phật giáo Nam Tông hay Phật giáo Theravada) và ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi lưu trữ văn hóa truyền thống Khmer. 

Phật giáo Nam tông chỉ tôn thờ Phật Thích ca, không tôn thờ các vị bồ tát(12). Người Khmer dù tu ở chùa hay ở nhà thì họ đều tự coi mình là con của Phật. Trong quan niệm của người Khmer thì tu không phải để trở thành Phật mà tu là để làm người có nhân cách, có đạo đức. Vì thế, “dù là sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế thì đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới, bố thí, niệm”(13). Người Khmer có câu truyền miệng rằng: “Ri neak minh ban buốt tuk, Chia tốk knong sao sơ mai” (người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống)(14). Câu này không chỉ nêu lên tầm quan trọng của việc tu hành đối với mỗi người mà còn có giá trị định hướng đạo đức đặc biệt là đối với nam giới. Con trai Khmer, bất kể là ai và có địa vị xã hội như thế nào, nếu muốn được coi là có đủ tư cách, phẩm chất trong xã hội, họ phải trải qua một thời gian tu và học tại chùa.

Do Phật giáo có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người Khmer nên hầu hết mỗi sóc đều có một ngôi chùa. Chùa Khmer thường được xây trên những khuôn đất cao, thoáng mát và thường nằm ở trung tâm của các phum, sóc để thuận tiện việc đi lại của các tín đồ, phật tử. Do đặc điểm của việc tu hành của người Khmer thường gắn với việc học nên trong mỗi ngôi chùa ngoài chánh điện – nơi thờ Phật còn có những công trình khác để phục vụ việc tu học của sư sãi cũng như con em trong phum, sóc. Bên cạnh đó, ngôi chùa còn là nơi sinh hoạt lễ hội của các tín đồ đồng thời là nơi bàn bạc những công việc chung của phum, sóc. Mỗi người Khmer từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi đều gắn bó với ngôi chùa. Sau khi chết đi, phần xác thì được hỏa táng trong lò hỏa táng của nhà chùa, tro cốt được thờ tại chùa và như vậy họ vĩnh viễn được ở bên Đức Phật(15). Hàng năm, đến ngày lễ Đôn - ta (ngày 30-8 Âm lịch), người dân Khmer dù ở gần hay xa đều trở về ngôi chùa để lễ Phật và thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Lễ hộicũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Khmer vì lễ hội thường gắn với tín ngưỡng dân gian và các lễ nghi tôn giáo. Người Khmer Tây Nam Bộ có khoảng 15 lễ hội thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó có 10 lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo và do các sư sãi tổ chức trong khuôn viên chùa(16). Lễ hội của người Khmer gồm 2 loại là lễ hội dân tộc và lễ hội tôn giáo. Lễ hội dân tộc là những ngày lễ bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống lao động của dân chúng, tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì những lễ hội này thường bị pha trộn với những yếu tố tôn giáo(18). Những lễ hội dân tộc lớn trong năm của người Khmer gồm: lễ Vào năm mới (Chôl chnam thmây) - thường tổ chức vào giữa tháng 4 Dương lịch tức đầu tháng Chét của người Khmer, lễ cúng ông bà (Đôn - ta) - tổ chức vào 3 ngày từ 29-8 đến 1-9 Âm lịch, lễ cúng trăng hay lễ cúng cốm dẹp (Ók om bok) - tổ chức ngày 15-10 Âm lịch. Lễ hội tôn giáo của người Khmer ngày nay đều gắn với Phật giáo Nam tông. Những lễ hội tôn giáo định kỳ hàng năm đó là: Lễ phật đản (Lễ phật đản của người Khmer tổ chức vào rằm tháng 5 Âm lịch khác với ngày lễ phật đản của Phật giáo đại thừa: 8-4 âm lịch); lễ đặt cơm vắt (từ ngày 15 đến 30-8 Âm lịch); lễ ra hạ (14 và 15-9 âm lịch); lễ dâng y (từ 14-9 đến 15-10 Âm lịch). Ngoài ra còn có những ngày lễ không định kỳ như lễ an vị tượng Phật và lễ kết giới.

Các giá trị văn hóa,phong tục, tập quán được người dân, sư sãi Khmer giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa, một số nét đẹp văn hóa tinh thần của họ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một. Việc giữ gìn, bảo tồn chữ viết Khmer gặp nhiều khó khăn do công tác bảo tồn, dạy học chưa được đồng bộ, thiếu sách giáo khoa. Một số lễ hội bị biến tướng; một số sắc thái văn hóa cổ truyền chưa được khôi phục hoặc khôi phục chưa tương xứng, mới chỉ chú trọng đến hình thức mà chưa phát huy giá trị giáo dục… Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, không đủ nghệ sỹ, nghệ nhân và nhạc cụ để bảo tồn, phát huy…

Phát huy nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người Khmer vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa hiện nay cần:

- Nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc cho người Khmer, nhất là thế hệ trẻ, để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc mình.

- Thực hiện kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể một cách khoa học, có hệ thống về nguồn gốc lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách có hiệu quả. Huy động toàn xã hội vào công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả các di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.

- Hỗ trợ, phục dựng các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục lạc hậu, chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức các hoạt động lễ hội; duy trì và phát triển văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật biểu diễn truyền thống dân tộc và các tri thức văn hóa dân gian.

- Có chính sách tôn vinh và đãi ngộ đối với nghệ nhân nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống; khuyến khích họ giữ gìn và truyền nghề cho các thế hệ kế cận. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer.

- Tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tăng cường các hình thức xã hội hóa để mọi người dân có thể tham gia bảo vệ di sản văn hóa.

- Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, một số ngôi chùa trọng điểm và trang bị cơ sở vật chất nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động đồng bào dân tộc Khmer, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.

___________________

(1) Dẫn theo Tuyên giáo Sóc Trăng: Tìm hiểu về rồng trong đời sống văn hóa - xã hội của người Khmer Nam Bộ (phần I). 2013. Truy cập ngày 19/01/2014 tại http://www.tuyengiao.soctrang.gov.vn
(3), (5), (6), (7) Dẫn theo Huỳnh Thanh Quang: Giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.50, 51, 53, 54.
(4) Thái Văn Chải: Tiếng Khmer: Ngữ âm - từ vựng -  ngữ pháp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997,  tr.8-9.
(8), (9), (13) Nguyễn Mạnh Cường: Vài nét về người Khmer Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr.215, 216-217, 164.
(11), (12), (14), (15), (16) Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc – Đặng Vũ Thị Thảo, và Phan Thị Yến Tuyết biên soạn: Người Khmer tỉnh Cửu Long, Sở Văn hóa-thông tin Cửu Long xuất bản, 1987, tr.64, 65, 68, 76, 76-77.
(17), (18) Ban Tôn giáo Chính phủ: Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đối với đời sống văn hóa đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long, http://btgcp.gov.vn
Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị khu vực IV

Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).