Thứ Ba 26 Tháng Mười Hai 2017 - 06:51:16 SA

BIẾN ĐỔI CỦA HÌNH TƯỢNG NEAKTA TRONG NHÀ CHÙA VÀ PHUM SÓC (NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TẠI HUYỆN TRÀ CÚ TỈNH TRÀ VINH)

Tóm tắt: Neakta là tín ngưỡng nhiên thần của người Khmer Nam Bộ được thể hiện bằng những hòn đá nhẵn nhụi. Song hiện nay hình tượng Neakta có sự thay đổi, từ hòn đá truyền thống chuyển sang nhân hình. Sự biến đổi này xuất phát từ nhận thức mới của người Khmer về tín ngưỡng, phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa với các tộc người láng giềng và là kết quả của quá trình phát triển kinh tế. Bài viết của chúng tôi nghiên cứu những biến đổi của hình tượng Neakta tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh nhằm làm sáng tỏ những luận điểm trên.
1. NGUỒN GỐC CỦA NEAKTA
Neakta là một dạng tín ngưỡng dân gian của người Khmer Nam Bộ, đó là niềm tin vào những thần linh cai quản phum sóc, đất đai, ruộng vườn hay các hiện tượng tự nhiên như sông suối, núi đồi, rừng cây, ngả ba, bến nước, dốc đá, cây cổ thụ… Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng (2012: 1) thì đứng về mặt ngữ nghĩa, Neak trong ngôn ngữ Khmer là danh từ dùng để chỉ con người nói chung; Ta là người đàn ông có tuổi, đáng được tôn kính. Như vậy, Neakta hiểu một cách sát nghĩa nhất là vị thiên thần mang hình người và có giới tính nam. Khác với quan điểm của Trần Dũng, Thượng tọa Kim Rune (trụ trì chùa Ba Cụm, xã Hàm Giang) và ông Thạch Thay (ấp Hố Tắc, xã Ngọc Biên), người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng cho rằng chữ Neak là mạo từ chỉ giới tính nữ, ví dụ như: Neak Gru là cô giáo. Thuật ngữ Neakta có thể xuất phát từ điển tích của Phật giáo Nam tông Khmer, câu chuyện về một Chằn nữ được Đức Phật cảm hóa đã trở thành một ẩn sĩ tu hành giữ giới và có khả năng tiên đoán về mùa màng cho dân chúng.
Với niềm tin ở mỗi vị trí quan trọng của một khu vực hay địa hình đều có một ông Tà cai quản, người Khmer Nam Bộ có vô số những Neakta như tại ngôi chùa có Neakta chùa (Neakta Wạt), tại phum sóc có Neakta Phum sóc (Neakta Mechas Srok), tại bến sông có Neakta Bến (Neakta Kompong), trong các dãy núi có Neakta Núi (Neakta Phnom), tại các con giồng có Neakta Giồng (Neakta Phnô), tại các cánh đồng có Neakta Ruộng rẫy (Neakta Sre)... (Lê Hương 1969: 69, Trần Dũng 2012: 2).  Ngoài ra, tùy theo vùng ảnh hưởng mà Neakta được phân thành nhiều đẳng cấp cao thấp khác nhau. Neakta cao cấp nhất, chịu trách nhiệm chi phối gần như toàn bộ địa bàn tỉnh Trà Vinh được thờ tại Gò Ông Tà, tọa lạc tại ấp Tân Trung Giồng, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần (Trần Dũng 2012: 2). Ở xã Tân Hiệp huyện Trà Cú, Neakta thờ ở chùa Long Trường được xem như vị thần có quyền năng cao hơn các Neakta khác trong phum sóc. Hàng năm, vào cuối tháng Tư (sau lễ mừng năm mới – Chol Chnam Thmay) sư cả chùa Long Trường chọn ngày làm đám cúng cho Neakta chùa, có tổ chức đám rước diễu hành quanh chùa. Dân sóc còn gọi là cúng cầu mưa hay cầu nước. Sau lễ cúng ông Tà ở chùa Long Trường, dân sóc mới là lễ cúng những ông Tà ở bên ngoài. Đặc biệt chỉ có lễ cúng ông Tà ở chùa Long Trường mới được sư cả chủ lễ, còn lễ cúng những ông Tà ở ngoài sóc chư tăng không tham dự.
2. TỤC THỜ NEAKTA QUA CÁC DI VẬT BẰNG ĐÁ
Các ngôi miếu thờ Neakta qua khảo sát được thì thường có một hòn đá to có hình dáng dễ nhìn làm trung tâm tượng trưng cho ông Tà, xung quanh có những hòn nhỏ hơn đại diện cho binh lính hay người hầu của ông. Người Khmer Nam Bộ cũng có tập tục xây dựng những ngôi miếu Neakta trên những di tích cổ của thời kỳ tiền Phật giáo Nam tông như ghi nhận của Louis Malleret (1959: 30-40) về các di tích Gò Cây Tung, Gò Cây Thị…ở huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang ngày nay đều có những ngôi miếu thờ Neakta của người Khmer địa phương. Song không có chi tiết nào được Malleret nói đến về tục thờ Neakta dưới dạng nhân hình. Khi khai quật di tích thường người ta sẽ dỡ bỏ những ngôi miếu này. Điều hiển nhiên là một nhà khoa học cẩn thận như Malleret tất sẽ không bỏ xót việc ghi chép hay sưu tầm tượng Neakta nếu có. Điều ghi chép bình thường của ông cho thấy dạng tín ngưỡng Neakta vào thời kỳ mà ông tiếp xúc trên các di tích cũng chỉ là những hòn đá hay mảnh vỡ của tượng thần Bà La Môn giáo được người dân quy tụ làm vật thờ cúng.
Khảo sát của chúng tôi tại di tích Lưu Cừ  thuộc xã Lưu Nghiệp An, huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh có thể xác nhận rằng người Khmer Nam Bộ đã dùng tín ngưỡng Neakta để bảo vệ các di tích cổ mà họ cho là thiêng liêng. Trên đỉnh của khu di tích Lưu Cừ từng có một ngôi miếu Neakta, xung quanh có nhiều cây cổ thụ rậm rạp nên rắn cũng tập trung sinh sống rất đông. Người địa phương cho rằng ông Tà có nhiều binh ma, tướng rắn hộ trì nên không ai dám đến gần di tích dù là chỉ hái rau hay kiếm củi. Nhận thức này đã góp phần quan trọng để giữ nguyên hiện trạng của di tích, nó chính là dạng thức của sinh thái học tâm linh. Ngôi miếu Neakta đã góp phần đáng kể để người địa phương bảo tồn di tích Lưu Cừ, nhưng tiếc rằng niềm tin này đã bị những người xa lạ chối bỏ khi họ đến đây đào bới kiếm của, trước khi di tích được cơ quan chuyên môn khai quật.
Tại chùa Mộc Anh thuộc xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chúng tôi cũng tìm thấy một ngôi miếu Neakta nằm trước sân chùa mà những hiện vật đá trong miếu có nguồn gốc từ những cấu kiện kiến trúc của một phế tích nằm gần chùa được phật tử gom lại. Khi đến khảo sát tại chính phế tích đã cung cấp các hiện vật trên, chúng tôi cũng nhìn thấy sự hiện diện một nghi thức thờ Neakta qua việc người dân địa phương quy tụng những hòn đá tròn lại một chỗ, phía trước còn dấu vết của nhiều chân nhang được cắm xuống khi cầu nguyện. Những phật từ người Khmer Nam Bộ đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc thần bí có liên quan đến những vật bằng đá trong ngôi miếu Neakta ở chùa Mộc Anh như: có những kẻ trộm đã mang hiện vật qua sông nhưng bị Neakta trừng phạt bằng cách nhận chìm thuyền của chúng nên chúng phải bỏ lại để chạy trốn. Tất cả câu chuyện mang màu sắc huyền bí có khi chỉ là lời đồn đại để minh họa cho vai trò thiêng hóa những di vật đá đang được lưu giữ trong chùa. Điều đó cũng ảnh hưởng đến quyết định của người dân khi họ tìm thấy được những vật lạ hay cổ vật thì họ không ai dám cất làm của riêng mà phần nhiều mang vào chùa thờ cúng trong miếu ông Tà để tránh những tai ương do thần linh trừng phạt.
3. BIẾN ĐỔI NHẬN THỨC VỀ NEAKTA
Tín ngưỡng Neakta ở vùng Trà Cú trước đây trong phạm vi nhà chùa và phum sóc đều được thể hiện bằng những hòn đá, ngày nay người Khmer làm tượng một cụ già tay chống gậy, tay cầm bình trà. Ở các sóc người Khmer chưa có điều kiện dựng tượng thì họ vẽ hình ông Tà ngồi thiền trên vách tường. Bà Lâm Thị Hoa (62 tuổi), người trông coi ngôi miếu thờ ông Tà ở ấp Tha La, xã Ngọc Biên cho rằng: “ở huyện Trà Cú, người Khmer thường thể hiện phổ biến hình tượng ông Tà theo hai biểu hiện chính là ông Tà đi thăm sóc và ông Tà ngồi thiền”. Tuy nhiên, tại chùa Long Trường xã Tân Hiệp pho tượng ông Tà có tên gọi là Preak Aisey lại được thể hiện trong tư thế ngồi thiền như những tượng Phật. Qua chuyến khảo sát thực địa tại huyện Trà Cú của chúng tôi diễn ra từ ngày 18 – 24 tháng 08 năm 2016 cho thấy ngoại trừ pho tượng Nekata ở chùa Long Trường, thì hình tượng ông Tà ngồi thiền trong các miếu thờ Neakta bên ngoài đều được thể hiện bằng hình vẽ. 
Trong quan niệm của người Khmer ở huyện Trà Cú, hình tượng ông Tà đi thăm sóc mang ý nghĩa là ông đi tìm hiểu cuộc sống của người dân để dạy bảo và giúp đỡ cho họ. Ông Tà ngồi thiền mang ý nghĩa là vị tu sĩ đang hành thiền, giữ giới luật của nhà Phật nhằm tạo phước lành cho mọi người. Đây cũng là nhận thức mới trong quan niệm về tín ngưỡng Neakta của người Khmer, nó vừa thể hiện việc bảo tồn một loại hình tín ngưỡng cổ xưa của dân tộc nhưng lại vừa thể hiện sự biến đổi mang tính ứng dụng vào cuộc sống thực tế của xã hội hiện nay. Xuất phát từ nhận thức mới cho rằng thần linh phải giữ giới tu hành nhưng phải luôn quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của người dân, đáp ứng những điều mong ước của họ trong cuộc sống.
Nhận xét về nguyên nhân tác động làm thay đổi đến nhận thức của người Khmer ở huyện Trà Cú, ông Thạch Thay (70 tuổi) cho rằng: “ngày xưa người Khmer chỉ sống và giao thương trong huyệnTrà Cú. Địa hình vùng này không có núi nên mỗi khi nhìn thấy một hòn đá ở bờ sông hay trên cánh đồng, người Khmer hết sức kính sợ, họ cho là ông Tà nổi lên nên dân sóc phải thỉnh ông về một chỗ phù hợp để thờ. Vì đá rất hiếm gặp đối với vùng đồng bằng. Ngày nay, người Khmer có điều kiện đi ra khỏi địa phương. Họ đi Đà Lạt, đi thăm miền Cao Nguyên, thấy trên đó toàn là đá. Như vậy có nhiều ông Tà mà chẳng ai thờ. Điều này tác động đến nhận thức của họ là cần thay đổi cho ông Tà có hình tượng rõ ràng, nếu chỉ là một hòn đá thì quá bình thường. Hơn nữa, người Khmer tiếc xúc với tôn giáo của các tộc người anh em, nhận thấy việc thờ cúng của họ tập trung vào hình tượng nên từ đó người Khmer cũng thay đổi về mặt nhận thức.” Nguyên nhân để người Khmer thể hiện trong nghệ thuật tạo của họ hình ông Tà là một cụ già, ông Thạch Thay cũng có nhận định như sau: “từ trước đến nay, người Khmer gọi ông Tà là Lục Tà. Tên gọi này cho thấy họ quan niệm ông Tà là một người già mang giới tính nam”. Có thể xuất phát từ những tác động do quá trình giao lưu văn hóa với các tôn giáo bạn, việc quan sát địa hình của những vùng, địa phương nằm ngoài huyện Trà Cú dẫn đến những thay đổi lớn trong nhận thức của người Khmer rằng một vị thần linh dù ẩn trong đá cũng cần phải có hình dáng cụ thể, nó đánh dấu tư duy nhận thức mới của người Khmer ở huyện Trà Cú từ một tín ngưỡng cổ truyền cho rằng Neakta vô hình chuyển sang hình tượng cụ thể.
4. BIẾN ĐỔI HÌNH TƯỢNG NEAKTA TỪ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ
Các miếu thờ ông Tà ở xã Hàm Giang, xã Ngọc Biên, xã Tân Hiệp đều được xây khang trang trong những năm gần đây, do kết quả của quá trình phát triển kinh tế. Mối quan hệ không thể tách rời giữa Phật giáo Nam tông, tín ngưỡng dân gian và cuộc sống thực tại của người Khmer đã làm cho họ luôn nhận thấy phải có trách nhiệm đóng góp tịnh tài để duy trình các hoạt động văn hóa tâm linh. Ngoài những chi phí trang trải cho gia đình, người Khmer luôn dành những khoản chi phí lớn để xây dựng các cơ sở tín ngưỡng trong cộng đồng và gia đình như xây tháp cốt cho ông bà, xây chùa, cúng dường cho chư tăng. Trong phạm vi của một sóc, người Khmer thường xây miếu thờ ông Tà như miếu Lục Tà ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang được xây khang trang với mái tôn, nền lát gạch bông. Khi có ngôi miếu rồi, hàng năm vào dịp cúng ông Tà người Khmer lại tiếp tục đóng góp. Kinh phí sẽ được sử dụng để vẽ hình hoặc đắp tượng ông Tà trong miếu. Ông Thạch Hai (58 tuổi, cư ngụ ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang) cho rằng: “ngày xưa Phật Lục Tà trốn trong đất, thời gian sau ông mới chịu nổi lên bằng một cục đá. Dân sóc ngày xưa nghèo đành mang cục đá đến một gốc cây làm chỗ thờ ông. Tuy ông chỉ là cục đá nhỏ nhưng không ai dám xem thường hay chọc phá ông. Do kinh tế phát triển, người Khmer cúng tiền cho ông trong các đám lễ hàng năm nhưng Lục Tà làm sao xài tiền được. Ông Lục Cả chùa Ba Cụm thấy vậy quy tập tiền đóng góp của bà con lại, xây cho Lục Tà một ngôi nhà”. Như nhận định của ông Thạch Hai và nhiều người Khmer khác mà chúng tôi phỏng vấn đều nghĩ rằng ngày xưa phần nhiều các sóc không có miếu thờ ông Tà và chưa có tượng ông Tà do người Khmer còn nghèo. Họ chỉ thờ ông Tà bằng những hòn đá lộ thiên tại đầu sóc, cuối sóc hoặc ở ngã ba đường. Ngày nay kinh tế phát triển nên người dân có tiền đóng góp theo chu kỳ hàng năm. Tín ngưỡng Neakta vì vậy cũng thay đổi theo sự đóng góp này; đầu tiên là đóng góp để làm đám, kế tiếp dựng miếu thờ ông Tà, đóng góp vẽ hình ông Tà trên vách miếu và cuối cùng là giai đoạn biểu sự thịnh vượng kinh tế của một sóc bằng việc dựng tượng ông Tà thật hoành tráng.
Tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, miếu ông Tà được xây to hơn ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang. Tượng ông Tà của ngôi miếu này mới được thỉnh về cách nay ba năm. Kinh phí xây miếu tốn 30 triệu đồng xuất phát từ tiền đóng góp của những hộ người Khmer trong sóc. Pho tượng ông Tà do thân nhân của bà Lâm Thị Hoa mang từ Campuchia về cúng dường. Bà Hoa cho rằng thân nhân của bà trước khi sang Campuchia làm kinh tế có đến chỗ thờ Neakta của sóc khấn nguyện, nay việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi, họ bèn cúng dường cho ngôi miếu pho tượng Neakta Aisey để tạ ơn. Trong cuộc phỏng vấn ngày 21 tháng 08 năm 2016 bà Lâm Thị Hoa cho biết rằng bà đang kêu gọi bà con Khmer trong sóc đóng góp thêm kinh phí để cuối nay 2016 chỉnh trang lại khoản sân và làm hàng rào bao quanh ngôi miếu. Theo nhận định của bà thì người Khmer trong sóc nghĩ rằng sự thịnh vượng trong cuộc sống của họ là do ông Tà trợ giúp nên họ nhiệt tình đóng góp để xây nhà ông Tà khang trang như chính ngôi nhà của họ.
Việc đóng góp tịnh tài của người Khmer ở huyện Trà Cú thường diễn ra nhận dịp lễ cúng Neakta vào khoảng cuối tháng Tư dương lịch. Cụ thể như tại ấp Trà Tro B xã Hàm Giang. ấp Long Trường xã Tân Hiệp và ấp Tha La xã Ngọc Biên có người phụ trách miếu đứng ra quyên góp tài vật. Các gia đình người Khmer khá giả đóng góp từ 500.000 đến 1 triệu đồng, những gia đình nghèo đóng góp từ 50.000 – 100.000 đồng. Số tiền này dùng vào những việc như làm lễ đặt bát cho chư tăng đến tụng kinh, làm mâm cổ cúng cho ông Tà, số tiền còn dư sẽ dùng vào việc xây dựng như trường hợp miếu ông Tà ở ấp Trà Tro B là do sư Kim Rune trụ trì chùa Ba Cụm đảm nhận số tiền đóng góp của phật tử Khmer là 15 triệu đồng để xây miếu.
Nhận xét về mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng Neakta, sư cả Thạch Saquan (37 tuổi) trụ trì chùa Long Trường cho rằng: “người Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông lẽ ra chỉ tin vào Đức Phật. Việc tin vào nhiều thần linh sẽ làm tâm tư xáo trộn. Song tục thờ Lục Tà là tín ngưỡng truyền thống hình thành từ xa xưa, ngày nay không ai dám bỏ. Đây là phong tục do ông bà ngày xưa lưu truyền lại cho con cháu nên người Khmer ngày nay chỉ có thể bồi đắp thêm”. Việc dựng miếu và tượng ông Tà trong chùa Long Trường, sư Thạch Saquan nhận định như sau: “ngày xưa người Khmer rất nghèo nên việc thờ ông Tà chỉ dùng một vài hòn đá đặt trong nhà Thala bằng lá. Bây giờ kinh tế phát triển, xây dựng được những ngôi chùa to đẹp, đúc nhiều tượng Phật uy nghi. Phật tử cũng tự hỏi làm nhà cho Phật được thì phải làm nhà cho ông Tà, làm tượng Phật rồi thì phải làm tượng ông Tà vì ông Tà cũng là thần hộ trì cho Phật pháp và ban nước, ban mưa cho dân chúng làm ruộng trúng mùa, trâu bò không bị dịch bệnh. Dân Khmer giàu là nhờ trúng múa và chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi. Nguyên nhân này cho thấy ở những sóc, người Khmer có kinh tế sung túc thì thường dựng nhà Thala to đẹp, đúc tượng hoặc vẽ hình Ông Tà”.  Nhận xét của nhà sư Thạch Saquan cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo Nam tông Khmer và tín ngưỡng thờ Neakta của người Khmer ở Trà Cú. Ngoài ra tác động của kinh tế vô cùng quan trọng đối với việc xây cất những ngôi tự viện và những ngôi miếu thờ Neakta. Điều này cho thấy rằng quy mô của một ngôi miếu cũng như pho tượng Neakta phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh kinh tế của người Khmer tại địa phương. Thông tin từ sư cả Thạch Saquan một lần nữa cho thấy đối với người Khmer ở Trà Cú nói riêng và Nam Bộ nói chung đời sống kinh tế chịu sự ảnh hưởng từ tín ngưỡng - tôn giáo và tôn giáo - tín ngưỡng chịu sự tác động từ kinh tế.
5. BIẾN ĐỔI HÌNH TƯỢNG NEAKTA TỪ SỰ KẾ THỪA DI SẢN BÀ LA MÔN GIÁO
Hình tượng Neakta hay Lục Tà tu sĩ ở chùa Long Trường xã Tân Hiệp và ở miếu ông Tà thuộc ấp Tha La xã Ngọc Biên được người Khmer thể hiện bằng bút pháp của nghệ thuật tạo hình Phật giáo Nam tông xen lẫn với nghệ thuật Bà La Môn giáo. Có thể đây là kết quả của sự hội tụ văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử đã làm cho hình tượng Neakta nhân hình của người Khmer ở huyện Trà Cú hiện diện theo một sắc thái văn hóa đặc biệt. Theo ý kiến của chúng tôi có thể gọi đúng hơn cho những hình tượng Neakta nhân hình này là Neakta Preak Eisey nghĩa là Neakta ảnh hưởng từ hình tượng của thần Shiva tu sĩ trong đạo Bà La Môn, tôn giáo tiền thần của Phật giáo Nam tông Khmer trên vùng đất Nam Bộ.
Hình tượng thần Shiva thể hiện qua hình ảnh của một tu sĩ khổ hạnh rất phổ biến trong các nền văn hóa cổ chịu ảnh hưởng Bà La Môn giáo ở Đông Nam Á. Trong điêu khắc cổ Champa những tượng thờ hay phù điêu thần Shiva tu sĩ kiểu này thường xuất hiện phổ biến khoảng giai đoạn từ phong cách nghệ thuật Bình Định (thế kỷ 14-16) đến Yang Mun (thế kỷ 17-18). Nhiều học giả cho rằng đó chính là hình ảnh của những vị vua Champa trong hóa thân của thần Shiva. Giới nghiên cứu thường gọi là tượng Rish hay tượng Rishi nhưng trong thư tịch của Ấn Độ cũng gọi là Mahagoyi hay Mahagiyi nhằm chỉ những bậc đạo sư hành thiền đạt đạo của xứ Ấn Độ. Ở Campuchia, tượng Rishi rất phổ biến trong giai đoạn thế kỷ 12 khi mà Vishnu giáo chiếm ưu thế trong dòng văn hóa cung đình của đế chế Angkor. Trong giai đoạn hưng thịnh của Vishnu giáo, sự đồng hóa giữa nhà vua và thần Vishnu dựa trên việc tuyên xưng của bản thân nhà vua là hóa thân (avatar) của thần Vishnu trên trần thế. Biểu trưng cho những hóa thân mà một nhà vua thần thể hiện là mang đến cho thần dân của mình những chiến công cứu thế như 10 đại chiến công mà Vishnu đã thực hiện trong 10 kiếp hóa thân của thần. Thành tựu rõ ràng nhất là hành động chinh phạt của những vị vua thần Angkor ra những vùng đất bên ngoài lãnh thổ mà các văn bia gọi là vùng đất của quỷ Asura. Theo học thuyết quân sự của Ấn Độ cổ xưa, trách nhiệm của một vị nhà vua thần là phải thu phục hoặc biến những vùng đất của quỷ Asura thành thánh địa thiêng liêng của thần Vishnu, để thần dân của Vishnu có thể hưởng phước thái bình đời đời trên những vùng thánh địa đó.
Trong giai đoạn thịnh vượng của Vishnu giáo, đạo thờ Shiva vẫn được duy trì dưới hai hình thức phổ biến của thần Shiva là tôn sùng dục lạc và khổ hạnh. Hành động dục lạc của thần Shiva được vật chất hóa bằng ngẫu tượng Linga-Yoni vốn được triều đình đồng hóa thành tín ngưỡng phồn thực cấp quốc gia. Trong đó, lễ Puja-linga hàng năm phải được tổ chức tại những ngôi đền thiêng ở Angkor Wat với sự tham gia của các đạo sĩ cao cấp và nhà vua Angkor nhằm mang đến sự phồn vinh cho đất nước. Hình thức thứ hai biểu hiện cho đức tính khổ hạnh của thần Shiva trong hình hài của một tu sĩ Bà La Môngiáo đang thiền định, tay cầm tràng hạt, tay cầm phất trần. Thường tượng Shiva tu sĩ được thể hiện trên những mi cửa như ở đền Prasat Phnom Wan nhưng vị trí thể hiện phổ biến nhất của những bức phù điêu Shiva tu sĩ là bên dưới bệ tháp hay trên chân trụ bổ tường. Hình tượng Shiva tu sĩ là biểu hiện cho nền tảng triết lý sâu thẩm nhất của đạo Bà La Môn về việc từ bỏ cuộc sống dục lạc trên trần gian để đeo đuổi con đường tri thức hay giải thoát. Đó chính là tư cách đạo đức của một quân vương khi đã làm tròn bổn phận (Darhma) và trách nhiệm (Suti) của mình với quốc gia, dân tộc. Dấu ấn của Shiva giáo luôn được duy trì trong sự thịnh trị của Vishnu giáo bằng thể chế chính trị kiểu thần vương (Devaraja),  trong đó sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền qua việc nhà vua tự đồng hóa mình với thần Vishnu và tu sĩ khổ hạnh biểu tượng cho thần Shiva. Có thể thấy nhà vua thay mặt cho thần Vishnu bằng hóa thân của thần để cai trị vương quốc (vương quyền) nhưng nhà vua cũng là đại tu sĩ khổ hạnh, người đứng đầu của mọi tôn giáo (thần quyền). Hình ảnh đại tu sĩ (Rishi) cũng là tư tưởng suy nghiệm của một quân vương với những điều đã làm khi cai trị quốc gia. Hơn nữa hình ảnh của một tu sĩ hành thiền là dấu hiệu dự báo của Bà La Môn giáo về cho một thế giới vô thường, bất định và đầy tội lỗi mà con người cần sớm thoát khỏi. Tu sĩ hành thiền cũng là hình ảnh về sự ăn năm của một nhà vua mà trong quá trình cai trị đã mang đến không ít vinh quang và đau khổ cho thần dân của mình.
Sau thế kỷ XIV, Bà La Môn giáo mất dần vai trò trong vương quốc Angkor để nhường đường cho những luồn tư tưởng mới của Phật giáo Nam tông phát triển mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các dân tộc sinh sống trên bán đảo Đông Dương. Với tinh thần khoan dung, Phật giáo đã tiếp nhận nền tảng triết lý và hình tượng thần linh Bà La Môn giáo rồi chuyển đổi và cải biên dần theo thời gian. Đến thế kỷ 18, người dân Campuchia và người Khmer Nam Bộ bắt đầu tiếp nhận thêm những dòng tư tưởng chính thống của Phật giáo Nam tông được truyền bá từ những trung tâm tôn giáo lớn trên đất Thái Lan, Miến Điện và Sri Lanka, vô hình chung đã làm cải biên một lần nữa những hình tượng Bà La Môn giáo còn sót lại của thời kỳ Angkor.
Những bộ kinh lá buông của người Khmer Nam Bộ mô tả điển tích và hình tượng các nhân vật trong Phật thoại cũng phần nào chịu ảnh hưởng tư tưởng cốt truyện và phong cách tạo hình của nghệ thuật Phật giáo Nam tông trong khu vực. Trong quá trình nghiên cứu bước đầu về sự biến đổi của hình tượng Neakta trong tín ngưỡng – tôn giáo của người Khmer ở huyện Trà Cú, chúng tôi nhận thấy rằng ngoài yếu tố kinh tế, giao lưu văn hóa với các tôn giáo bạn, người Khmer hiện nay đang có xu hướng phục hưng những giá trị văn hóa của di sản Bà La Môn giáo. Hình tượng Lục Tà Preak Aisey có liên quan đến thần Shiva đang ngày một trở nên phổ biến hơn trong ngôi miếu thờ Neakta của người Khmer. Sự biến đổi trong cách gọi tên của người Khmer đối với ông Tà cũng có chiều hướng gia tăng. Trong 10 cuộc phỏng vấn sâu của chúng tôi về tín ngưỡng Neakta ở huyện Trà Cú đã có 9 người Khmer cho rằng cách gọi phổ biến dành cho ông Tà bằng tiếng Khmer là Lục Tà, nguyên nhân họ cho rằng ông Tà là một tu sĩ ở trong chùa hoặc từ chùa đi ra ngoài sóc nên phải gọi là Lục Tà (Lục: kính ngữ thường dùng cho tu sĩ, Tà: ông già). Một người Khmer duy nhất là thành viên của Ban quản trị chùa Long Trường, ông Lâm Lượm (61 tuổi) có ý kiến khác với 9 người Khmer kia khi cho rằng có sự khác biệt giữa Neakta và Lục Tà: “Neakta là vị thần được người Khmer thờ trong phạm vi phum sóc thể hiện bằng những hòn đá trong các nhà Thala. Còn Lục Tà là hình tượng thờ trong chùa. Do người Khmer quan niệm rằng ông Tà này ngày xưa đi tu trong chùa, Lục có nghĩa là nhà sư, vị Lục Tà giống như ẩn sĩ tu hành giữ giới..”  việc phổ biến tên gọi Lục Tà cho thấy người Khmer ở huyện Trà Cú gắn liền gắn bó với hình tượng ông Tà Aisey nhiều hơn là quan niệm về thần linh vô hình ẩn trong hòn đá như truyền thống cổ xưa. Chúng tôi cho rằng từ nhận thức này có thể trong tương lai khi người dân Khmer trong các sóc có điều kiện kinh tế tốt thì việc dựng tượng ông Tà cho các ngôi miếu ở vùng Trà Cú chắc chắn sẽ được thực hiện một cách phổ biến.
KẾT LUẬN
Neakta là tín ngưỡng nhiên thần của người Khmer Nam Bộ được thể hiện qua vật thể trung gian là những hòn đá nhẵn nhụi. Trong nhận thức của người Khmer ở huyện Trà Cú có nhiều ông Tà khác nhau nhưng tín ngưỡng thờ ông Tà coi sóc về ruộng rẫy và thời tiết là phổ biến nhất. Cũng có những ông Tà là phúc thần nhưng cũng lắm ông Tà chuyên trừng phạt mỗi khi dân sóc bất kính. Song bất kỳ ông Tà dạng nào thì hình thức thể hiện theo truyền thống trong Thala của người Khmer ở huyện Trà Cú vẫn là một hòn đá tượng trưng.
Trong khoảng một thập niên gần đây, hình tượng Neakta của người Khmer ở tỉnh Trà Vinh có những thay đổi lớn, nhất là tại huyện Trà Cú nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ hình tượng Neakta truyền thống là những hòn đá, người Khmer đã chuyển sang Neakta nhân hình mặc dù về mặt tín ngưỡng và nghi lễ cúng Neakta hàng năm vẫn không sự thay đổi lớn. Hiện tượng thay đổi hình tượng Neakta có thể xuất phát từ những nhận thức mới về hình tượng thần linh mà trong đó con người đã “nhân hình hóa” Neakta bằng hình hài của một vị thần cụ thể. Điều quan trọng hơn nữa là những mẫu hình Ông Tà được tiếp nhận từ hình ảnh của Tà Aisey (Lục Tà Preak Aisey), vị đạo sĩ Bà La Môn giáo thường phổ biến trong tranh vẽ tường của Phật giáo Nam tông Khmer. Như vậy, hình tượng Neakta được đồng hóa với tu sĩ khổ hạnh của đạo thờ Shiva, vị tu sĩ hành thiền đạt đạo trước khi Phật giáo ra đời và cuối cùng được Phật cảm hóa. Điều này cũng có thể gợi lại lịch sử của tín ngưỡng Neakta và sự đồng hóa của nó vào trong Phật giáo Nam tông Khmer.
Tại Campuchia cũng đã diễn ra phong trào phục hưng những giá trị văn hóa dân gian sau thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ. Việt Nam và Campuchia lại có mối quan hệ gần giữ về văn hóa, tộc người và tôn giáo, hàng ngày đều có hai chuyến xe đi từ  tỉnh Trà Vinh sang Campuchia, nhưng nếu ở thành phố Hồ Chí Minh thì có nhiều chuyến xe hơn. Trong khoảng không gian rất gần và vấn đề tự do đi lại của nhân dân hai nước đã góp phần rất lớn cho các mối giao lưu văn hóa. Nhiều người Khmer ở Trà Vinh và các vị sư sãi đã sang làm việc, học tập tại Campuchia nên phải chăng hình tượng Neakta nhân hình của người Khmer ở Trà Cú cũng có phần nào ảnh hưởng từ phong trào phát triển Neakta nhân hình ở Campuchia mà việc người dân mang một tượng tượng Tà Aisey về cúng dường cho ngôi miếu thờ ở ấp Thala, xã Ngọc Biên là một bằng chứng điển hình.
 
Tài liệu tham khảo
1. Ariyasaja Si và Makmatchimapatipatah, 2009. “Sema Hin Isan, the Origin of the temple boundary stone in the Northeast Thailand”. Tạp chí: The Social Sciences 4 (2): 186-190, 2009)
2. Lê Hương, 1969, Người Việt gốc Miên, Nguyên Thiều, Sài Gòn.
3. Lê Hương, 1970, Sử liệu Phù Nam, Nguyên Thiều, Sài Gòn.
4. Malleret, L. (1962), Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, tập II: Văn hóa vật chất ở Óc Eo (L’ Archéologie du delta de Mekong, volume III: La culture d Óc Eo),  Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1970.
5. Malleret, L. 1959, Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long tập I (L’ Archéologie du delta de Mekong, Volume I), Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1960.
6. Malleret, L. 1959, Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, tập II: Văn hóa vật chất ở Óc Eo (L’ Archéologie du delta de Mekong, volume II: La civilization matérielle d Óc Eo), Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1970.
7. Ngô Thị Phương Lan, 2014. Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân vùng ĐBCL. NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM.
8. Phan Anh Tú, 2014. “Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer ở Nam Bộ: Nhìn từ sinh thái học Phật giáo”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 05 (131), tr. 61- 69.
9. Trần Dũng, Đặng Tấn Đức, 2012. “Tín ngưỡng và lễ hội dân gian tộc người Khmer tỉnh Trà Vinh (phần IV)”. Trong sách Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian tỉnh Trà Vinh. NXB. Văn hóa thông tin.

Tác giả: Phan Anh Tú
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).