Thứ Hai 25 Tháng Mười Hai 2017 - 10:33:10 CH

SINH KẾ TRỒNG CÂY CỦA NGƯỜI KHMER Ở XÃ NGỌC BIÊN HUYỆN TRÀ CÚ, TỈNH TRÀ VINH

Tóm tắt: sinh kế trồng cây phản ánh cho phương thức tận dụng môi trường tự nhiên để gia tăng nguồn thu nhập cho kinh tế gia đình của người Khmer ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Bài viết của chúng tôi nhằm phân tích đặc điểm sinh thái dẫn đến việc lựa chọn sinh kế trồng cây, cũng như những ảnh hưởng từ văn hóa truyền thống và tác động của nền kinh tế thị trường đến nhận thức trồng cây của người Khmer ở địa phương hiện nay. Từ khóa: sinh kế, sinh thái, trồng cây, cây dầu, người Khmer, Giồng Cao, Ngọc Biên.
Dẫn luận
Ngọc Biên là xã nông thôn vùng sâu của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Với diện tích tự nhiên là 2.425 ha, toàn xã có 9.338 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm số lượng 81% dân số[1]. Địa bàn xã được chia thành bảy ấp bao gồm: Tha La, Tắc Hố, Giồng Cao, Rạch Bót, Sà Vần A, Sà Vần B và Ba Cụm. Trong số bảy ấp của xã Ngọc Biên, xét về mặt môi trường sinh thái có một ấp nằm hoàn toàn trên địa hình đất giồng là ấp Giồng Cao, hai ấp nằm thiên về phía hạ nguồn là ấp Rạch Bót và Tắc Hố, bốn ấp còn lại là Tha La, Sà Vần A, Sà Vần B và Ba Cụm nằm tiếp giáp giữa vùng đất giồng và vùng trũng. Vào mùa mưa, nước từ các nơi đổ dồn về hạ nguồn ở hai ấp Rạch Bót và Tắc Hố, tạo thành một cánh đồng ngập nước được nông dân sử dụng trồng lúa. Tính chất đa dạng của địa hình tự nhiên đã tác động trực tiếp đến hoạt động sinh kế của người Khmer sinh sống tại xã Ngọc Biên.
Nghiên cứu về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, đặc điểm tộc người và các hoạt động sinh kế của người Khmer Nam Bộ từ lâu đã được đề cập đến trong một số bài viết và các công trình nghiên cứu như quyển Lịch sử tỉnh Trà Vinh (tập một), do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh xuất bản năm 1995. Trong phần Địa lý – sinh thái, quyển sách đã mô tả chi tiết về địa hình, địa chất, sông, rạch, biển, khí hậu, thủy văn, động thực vật của tỉnh Trà Vinh, các đơn vị hành chính, dân cư, dân số của tỉnh trong đó có đồng bào Khmer sinh sống tại huyện Trà Cú. Đây là quyển sách cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến kết quả nghiên cứu của chúng tôi về sinh kế trồng cây của người Khmer tại xã Ngọc Biên. Đinh Văn Liên (1991) với bài viết “Đặc điểm môi sinh và dân số ở vùng người Khmer đồng bằng sông Cửu Long”, trong sách Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả đã khảo cứu đặc điểm sinh thái tại vùng cư trú của người Khmer Nam Bộ, tác động của điều kiện sinh thái dẫn đến lựa chọn phương thức mưu sinh và đặc trưng văn hóa của người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nguyễn Xuân Diệu (2000) với bài viết “Góp phần tìm hiểu về mối quan hệ và sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người Kinh – Khmer – Hoa ở Sóc Trăng trong tiến trình phát triển”, trong Tập san hội thảo KHLS hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước năm 1975. Nội dung của bài viết nhằm nghiên cứu đặc điểm kinh tế sản xuất, nghề trồng lúa nước và các hoạt động nông nghiệp khác của người Khmer ở Sóc Trăng cũng như mối quan hệ kinh tế giữa người Khmer và các tộc người khác tại địa phương. Bài viết “Sự hình thành cộng đồng người Khmer Nam Bộ vùng ĐBSCL” của Nguyễn Khắc Cảnh (2000) trong sách Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, đề cập đến kinh tế tiểu nông của người Khmer qua phương thức mưu sinh bằng nghề trồng lúa nước, kết hợp với nghề truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính tự cung tự cấp trong cơ cấu tổ chức phum, sóc (srock) của người Khmer vùng ĐBSCL. Tác giả Thành phần (2006) với tham luận “Biến đổi kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng” đăng trong kỷ yếu Hội thảo Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn 2006 – 2010, khảo cứu những biến đổi trong cơ cấu kinh tế - xã hội của người Khmer Nam Bộ trước tác động của kinh tế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa. Nhóm nghiên cứu Ngô Thị Thu Trang, Hồ Thị Kim, Châu Thị Thu Thủy và Ngô Hoàng Đại Long (2016) với bài khảo cứu “Thích ứng sinh kế của người nhập cư Khmer tại quận ven đô: điển cứu tại phường Bình Trị Đông B và phường An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh” công bố trên Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ số X2, đã trình bày kết quả nghiên cứu về phương thức mưu sinh thích hợp của di dân lao động người Khmer từ miền Tây Nam Bộ lên thành phố Hồ Chí Minh, những tác động của môi trường đô thị đến cuộc sống và sinh kế của người Khmer qua nghiên cứu trường hợp tại hai phường ven đô.
Để hoàn thành bài viết này, chúng tôi đã sử dụng các lý thuyết nghiên cứu như thuyết sinh thái văn hóa (cultural ecology) và sinh thái tộc người (ethno – ecology nhằm nghiên cứu những tác động từ môi trường tự nhiên dẫn đến phương thức lựa chọn sinh kế thích ứng của người Khmer tại xã Ngọc Biên. Đồng thời tìm hiểu tri thức bản địa của người Khmer trong phát triển môi trường sinh thái, ứng phó với môi trường tự nhiên, ứng dụng trong biến đổi khí hậu và đặc biệt là vai trò của tôn giáo ảnh hưởng đến nhận thức trồng cây của người Khmer. Nghiên cứu định tính (qualitative research) là phương pháp chủ đạo được sử dụng trong nghiên cứu này thể hiện qua các kỹ thuật thu thập thông tin như: ghi chép thực địa (field notes), quan sát tham dự (participant and observation), phỏng vấn sâu (in – depth interviewing), phỏng vấn hồi cố lịch sử (oral history), cùng các hình ảnh, ghi âm, bút ký… được thu thập và sử dụng làm tư liệu cho bài viết.
Đặc điểm sinh thái và lựa chọn sinh kế của người Khmer
Nằm trong đặc điểm chung về điều kiện tự nhiên của tỉnh Trà Vinh, địa hình huyện Trà Cú được kiến tạo bởi những lớp phù sa cổ do quá trình bồi tụ của biển và sông Cửu Long (Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Trà Vinh 1995, 8 - 9). Trên địa bàn xã Ngọc Biên, đặc điểm sinh thái bao gồm những giồng đất nằm trải dài theo hướng đông tây, bắc nam, dưới chân giồng là những cánh đồng trải rộng xen lẫn với những gò đất nổi nhấp nhô với cao độ khác nhau. Người Khmer chọn vị trí cư trú trên những giồng đất cao, họ dựng chùa ở những chỗ cao nhất trên giồng vì quan niệm chỗ ấy là đất thiêng. Làng xóm ở xã Ngọc Biên được xây dựng theo đặc điểm nhà cửa nằm lẫn trong những vườn cây dầu bố trí dọc theo hai bên giồng đất, giữa giồng là trục đường giao thông nối liền các sóc. Sống trên vùng đất giồng, người Khmer thường bị thiếu nước, để phát triển kinh tế gia đình họ thường nuôi bò, gà, hiếm khi nuôi trâu, heo và vịt do những loài này cần nhiều nước. Vào mùa mưa, nước từ trên các giồng đất chảy xuống tạo thành những vùng trũng thích hợp cho việc trồng lúa nước. Từ tính chất địa hình như vậy, người Khmer đã tìm ra những giải pháp tương thích cho hoạt động sinh kế của họ bằng những hình thức trồng trọt khác nhau. Cụ thể như ở ấp Giồng Cao, nơi địa hình chủ yếu là đất giồng, người Khmer tận dụng trồng rẫy như trồng bắp, ớt, khổ qua, dưa leo và đậu phộng. Ấp Rạch Bót và ấp Tắc Hố thuộc địa hình trũng nhất trong xã được tận dụng để trồng nếp và các loại lúa. Đặc biệt tại xã Ngọc Biên, chỉ có hai ấp này là trồng được nếp. Các ấp còn lại, việc trồng trọt có phần đa dạng, đất đai có thể dùng trồng lúa hay trồng màu hoặc trồng xen canh tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất của người nông dân.
Trên những giồng đất cao hay các gò đất không thể trồng lúa hay trồng màu, người Khmer đã tận dụng để trồng cây lấy gỗ. Phong trào trồng cây ở xã Ngọc Biên diễn ra trong khoảng thời gian sau năm 2000 khi nguồn gỗ trở nên khan hiếm. Các loại cây sinh trưởng ở địa phương như cây dầu[2], cây sao và cây mù u trở thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trước đây người Khmer trồng cây không lấy mục tiêu kinh tế làm trọng mà trồng vì văn hóa tín ngưỡng, trồng lấy củi, lấy gỗ, họ có xu hướng để cây mọc tự nhiên trên các giồng đất rồi trồng xen thêm vào. Điển hình nhất là tại ấp Giồng Cao có nhiều cây dầu mọc tự nhiên, do dầu thích hợp với loại đất cát và quá trình sinh trưởng của chúng lại không cần nhiều nước. Ngoài cây dầu, đất giồng còn thích hợp cho cây sao và cây mù u. Sao là loại gỗ quý, dùng cưa ván đóng thuyền, những cây sao cổ thụ người Khmer có thể dùng làm ghe Ngo, thân và gốc sao dùng tạc tượng Phật, gỗ mù u đóng xe bò rất chắc hoặc cũng có thể dùng làm cột nhà. Trước đây khi phương tiện cơ giới chưa phát triển, người Khmer ở xã Ngọc Biên sử dụng phổ biến xe bò chở nông sản ra chợ bán và chở các loại vật liệu khác từ chợ về sóc. Sao và mù u là loại cây mọc tự nhiên, phần nhiều chúng sống trong những khu vườn bao quanh chùa, chúng phải đạt tuổi thọ từ 40 đến 60 năm mới đốn lấy gỗ được. Vì thời gian lâu như vậy nên ít người Khmer muốn trồng cây sao và mù u, ngoại trừ việc chúng mọc tự nhiên trên những phần đất của nông dân rồi lớn dần theo thời gian.
Trồng cây vì sinh thái tâm linh
Người Khmer theo Phật giáo Nam tông (Theravada Buddhism) đồng thời cũng chịu ảnh hưởng chi phối bởi quan niệm về sinh thái tâm linh liên quan đến tín ngưỡng linh hồn. Nếu như trước đây việc trồng cây bên ngoài cộng đồng phụ thuộc vào ý thức riêng của mỗi cá nhân thì việc trồng cây trong chùa lại là hành động chung của tập thể. Ý thức này ngày nay vẫn còn được lưu giữ tại xã Ngọc Biên, người Khmer vẫn xem việc mang cây vào trồng trên những phần đất trống của nhà chùa là một việc làm phước thiện. Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer, việc trồng cây trong khuôn viên chùa là nhằm tạo cảnh quan cho khu rừng Himaphan hay vườn Lumpini (Lâm Tì Ni) trong Phật thoại, đồng thời để tạo bóng mát và không khí trong lành cho những người đến chùa lễ Phật. Cây cối mọc đan xen rậm rạp sẽ tạo thành một môi trường lý tưởng để các loài chim đến tá túc. Theo quan niệm sinh thái tâm linh của người Khmer, cây cối trong chùa là ngôi nhà của linh hồn tổ tiên nên xung quanh chùa con cháu của những người quá cố cần trồng nhiều cây quý và hoa cỏ.
Ngoài ra, phong tục hỏa táng trong nghi lễ tang ma của người Khmer cũng là nguyên nhân để họ trồng cây. Đặc biệt người Khmer thích trồng cây dầu vì củi dầu dùng đốt thây người chết. Trong ý niệm tâm linh của người Khmer, dầu là loại cây mà củi của nó dùng làm đám thiêu hoàn hảo nhất. Đặc điểm của cây dầu dù còn tươi vẫn cháy được, người Khmer chỉ cần dùng vỏ cao su mồi lửa thì có thể tiến hành lễ hỏa thiêu từ một vài cây dầu mới hạ xuống. Những hộ Khmer nghèo khi gia đình có tang, có thể đến chùa xin hạ vài cây dầu tươi để làm lễ hỏa táng ngay trong khuôn viên chùa. Đối với một số cây dầu cổ thụ, người Khmer cũng có kỹ thuật lấy dầu làm chất đốt bằng cách đục lõm vào thân cây một lỗ vuông, bên trong đặt chiếc bát để hứng nước dầu. Quy định trong phong tục hỏa táng, người Khmer thường cắt củi dầu theo kích thước từ 50 cm đến 1 mét, số lượng củi phải ước lượng làm sao khi kết thúc một lễ hỏa táng mà không còn thừa. Nguyên tắc hỏa thiêu là khi thấy thi hài cháy ra tro, phải lập tức dừng việc đốt lửa. Từ lý do này dẫn đến việc người Khmer xem củi dầu như một sự lựa chọn cần thiết cho các đám thiêu. Do củi dầu cháy nhanh, đám thiêu sẽ không cần nhiều củi, tiết kiệm được chi phí cho gia đình người có tang. Nếu trường hợp khi lễ hỏa táng kết thúc mà củi dầu vẫn còn thừa, người Khmer phải mang chúng ra khỏi lò thiêu. Số củi này theo nguyên tắc tâm linh là không được sử dụng vào bất cứ việc gì khác, kể cả làm lễ hỏa táng cho những người chết sau.
Người Khmer ở huyện Trà Cú hiện vẫn còn giữ tập tục mang củi dầu đến các đám tang để nấu nướng và làm lễ hỏa thiêu người chết. Có hai loại củi mà theo phong tục địa phương, người Khmer dùng chia sẻ với gia đình của những người có tang. Củi nhỏ được mang đến để nấu nướng làm mâm cỗ đãi khách. Loại củi lớn dài khoảng 1 mét được mang theo khi đi tiễn người chết đến chỗ hỏa thiêu. Lúc sắp diễn ra nghi thức hỏa táng, người viếng tang đặt củi xung quanh quan tài để ông Achar (pháp sư) phụ trách tang lễ châm lửa đốt. Tập tục này xét về mặt giá trị vật chất là nhằm chia sẻ chi phí với các hộ gia đình có tang ma bằng chính loại nguyên liệu có sẵn ở trong vườn nhà. Song về mặt giá trị tinh thần là thể hiện cho nghi thức tiễn biệt người chết, đồng thời cũng là một phương thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống trong nghi lễ tang ma của người Khmer ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Để phục vụ cho phong tục hỏa thiêu của cộng đồng, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong xã Ngọc Biên đều cho xây lò thiêu đốt củi. Cụ thể như chùa Tha La hiện đã xây hai lò, một lò do nhà nước đầu tư xây dựng theo Quyết định số 155/QĐ - TTg về hỗ trợ vốn xây dựng lò hòa thiêu cho các chùa Khmer Nam Bộ[3]. Lò còn lại do một nhóm phật tử người Việt từ thành phố Hồ Chí Minh xuống xây tặng cho chùa và đồng bào Khmer ở xã Ngọc Biên. Đây cũng là hai lò thiêu đốt củi và cũng theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh không có chùa Khmer nào xây lò thiêu đốt gas. Theo quan niệm truyền thống của người Khmer, lễ hỏa thiêu người chết phải đốt bằng củi, vì ngọn lửa thiêng phải được hình thành từ những vật liệu thiên nhiên mới đưa linh hồn người chết bay lên cõi Niết Bàn (Nirvana). Hơn nữa, xét về mặt giá trị kinh tế, củi ở huyện Trà Cú là chất đốt rẻ hơn gas. Đặc biệt, tính chất sinh thái đa dạng của các địa phương cũng làm ảnh hưởng chi phối đến nghi lễ hỏa thiêu của người Khmer nên không phải bất cứ ở đâu trên địa bàn huyện Trà Cú người Khmer cũng làm lễ hỏa thiêu bằng củi dầu. Trường hợp lễ hỏa thiêu của người Khmer ở xã Đại An và thị trấn Định An lại dùng vỏ và gáo dừa đốt thay cho củi dầu. Do hai xã này nằm gần biển nên nguồn nước thường bị nhiễm mặn, cây dầu khó sinh trưởng nhưng bù lại người Khmer lại trồng được nhiều dừa. Điều này cho thấy lễ hỏa táng của người Khmer phụ thuộc vào nguyên liệu địa phương, mà nguyên liệu thì phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng.
Trồng cây theo sinh kế truyền thống
Điển hình cho sinh kế trồng cây theo quan niệm truyền thống ở xã Ngọc Biên là trường hợp hộ ông Thạch Ni (85 tuổi), hiện ông làm Trưởng ban quản trị chùa Tha La. Ông Ni được xem là người đầu tiên trong xã Ngọc Biên trồng cây dầu trên các giồng đất. Ông bắt đầu trồng từ năm 1970, trước đó cây dầu chỉ mọc tự nhiên. Từ khi ông trồng cây, những người Khmer khác mới bắt chước làm theo, rồi cuối cùng thành phong trào từ năm 2000 vì người Khmer thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng cây lấy gỗ. Chia sẻ ý tưởng khởi nguồn cho việc trồng cây, ông Thạch Ni cho rằng: “Khi còn trẻ, tôi có quan niệm rằng những người đi làm việc ở cơ quan, lúc về già họ có lương hưu, còn tôi không đi làm việc, lúc về già phải sống bằng gì. Vì vậy, tôi nghĩ nên trồng cây để sau này bán lấy tiền sinh sống lúc tuổi già”[4]. Trước đây ở xã Ngọc Biên có nhiều đất gò, đất giồng nhưng người Khmer thường bỏ hoang, ông Ni mua lại với giá rẻ dùng làm vườn trồng cây dầu. Do vậy, ngày nay gia đình ông Thạch Ni sở hữu được nhiều vườn cây dầu lâu năm nhất trong xã.
Lúc xưa ở xã Ngọc Biên, có nhiều loại cây lấy gỗ mọc tự nhiên trên các giồng đất nhưng ông Thạch Ni chọn trồng cây dầu vì theo kinh nghiệm của ông, thời gian từ lúc trồng đến lúc hạ cây khoảng từ 15 đến 20 năm. Với khoảng thời gian ấy người trồng cây có thể chấp nhận được, còn nếu trồng cây sao thì không biết khi nào mới đốn hạ. Cụ thể như những cây sao trồng trong chùa Tha La sinh trưởng hơn 40 năm mới đạt hoành một mét[5]. Ông Ni cho rằng: “việc trồng cây ngoài vấn đề kinh tế còn phải có sự gắn bó giữa người với cây, tôi trồng cây dầu là sự lựa chọn về thời gian ở mức vừa phải. Trồng khi còn trẻ, chờ đến khi về già nó thành cây to là vừa thời gian của một đời người. Còn trồng cây sao thời gian chờ đợi sẽ quá lâu, có khi mình phải ra đi trước nó”[6]. Lý do quan trọng nhất để ông Thạch Ni cũng như những người Khmer khác chọn trồng cây dầu vì thời gian chờ cây đủ tuổi để bán không quá dài như cây sao và cây mù u. Mặt khác, họ xem trồng cây lấy gỗ là một loại hình sinh kế phụ thêm cho các hoạt động kinh tế khác trong gia đình nên phải trồng trong khoảng thời gian làm sao có thể bán được cây, mà đất không bị bạc màu. Ở xã Ngọc Biên những người Khmer lớn tuổi đều có quan niệm giống như ông Thạch Ni khi cho rằng nông dân không nên vì mục đích kinh tế mà trồng những loại cây sinh trưởng nhanh nhưng lại gây nhiều tác hại cho đất đai. Mặc dù quan niệm trồng cây dầu lúc đầu của ông Thạch Ni là nhằm mục đích sinh kế lúc tuổi già nhưng hiện tại kinh tế gia đình ông thuộc diện khá giả tại địa phương, hơn nữa suốt cuộc đời ông gắn bó với cây dầu, ông nhìn chúng lúc còn là hạt mầm rồi lớn lên thành cây to. Sự gắn bó này tạo cho ông một tình cảm thắm thiết với những vườn cây dầu của gia đình, với môi trường sinh thái mà ông đã cố gắng tạo dựng hơn 40 năm qua. Từ đó ông cũng thay đổi nhận thức của mình về cây: “cây cối sống gắn liền với đời người nên tôi không muốn bán, phải làm việc gì đó quan trọng lắm tôi mới chịu bán cây”[7]. Đối với ông chỉ có những việc làm lợi ích cho cộng đồng ông mới bán cây, cụ thể vừa rồi ông đã bán 30 cây dầu 20 năm tuổi, thu được 100 triệu đồng. Số tiền này dùng để xây một pho tượng đại Phật trong chánh điện chùa Tha La. Ông cho rằng ngoài việc đắp tượng Phật hoặc trùng tu chùa ra, ông không muốn bán cây vì những mục đích khác. Ông muốn những cây dầu mà ông trồng tồn tại như một biểu tượng về môi trường sinh thái trên đất Ngọc Biên, nơi quê hương ông.
Ngoài việc trồng cây dầu như một lựa chọn sinh kế thích hợp của người Khmer, trước đây những hộ gia đình cư trú trên giồng đất cao cũng có xu hướng trồng tre gai bao quanh phần vuông đất của họ. Theo quan niệm truyền thống, cây tre vừa tạo bóng mát, vừa làm hàng rào khu biệt phần đất của gia đình này với gia đình khác, tre cũng là nguyên liệu hữu ích cho cuộc sống của người nông dân Khmer. Họ dùng tre làm chuồng bò, chuồng heo, làm vách, phên, làm giàn để trồng bầu bí, dưa leo, khổ qua, làm các loại nông cụ và ngư cụ. Những Khmer sở hữu nhiều tre có thể  bán cho các làng nghề ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang và ấp Giồng Đình, xã Đại An làm nguyên liệu tạo tác các sản phẩm thủ công như dụng cụ đánh bắt cá tôm, lồng bàn, rổ, nia, thúng, giường tre, thang tre, ghế tre, bàn tre, lồng em bé.... Tre gai bán được giá cao, hiện một cây tre đúng tuổi giá bán khoảng từ 30 đến 60.000 đồng/cây, tre tầm vông bán được 30.000 đồng/cây. Tuy nhiên ngày nay người Khmer không thích trồng tre gai, do phải trồng lâu năm mới thu hoạch được, khi bán lại rất khó đốn vì tre liên kết với nhau thành bụi khi đốn khó kéo từng cây ra ngoài. Sinh trưởng của cây tre gai làm cho đất đai cạn kiệt phù sa, không thể trồng các loại cây khác. Một nguyên nhân khác nữa là tre thường trồng bao quanh vuông đất, lâu ngày sẽ lấn sang ranh đất của những hộ láng giềng, đôi khi làm xảy ra mâu thuẫn về đất đai. Đất ngày xưa không có giá trị cao, người Khmer không quan tâm đến đường ranh chủ quyền nhưng ngày nay đất là tài sản quan trọng nên mỗi gia đình Khmer ở Ngọc Biên đều cắm cọc đánh dấu, làm hàng rào kẽm gai và làm giấy chủ quyền. Ông Thạch Ni cho rằng: “Con người giờ đây khác xưa, họ không lấy đạo đức làm trọng nữa, người thân trong gia đình mà chênh lệch đất ranh chừng vài cm cũng có thể xảy ra tranh chấp”[8].
Khi cây tre không còn được tiếp tục trồng ở Ngọc Biên nữa, nguồn nguyên liệu cho các làng nghề cũng bị ảnh hưởng. Sản lượng tre tại huyện Trà Cú gần như đã khai thác hết. Các làng nghề thủ công ở địa phương khi cần đến nguyên liệu phải đi sang huyện Cầu Ngang mới mua được. Chi phí vận chuyển, tiền thuê công đốn tre và giá thành của cây tre cũng là nguyên nhân để sản phẩm làm từ cây tre không còn là ưu tiên lựa chọn của khách hàng. Hiện tại nông dân Khmer ở xã Ngọc Biên nếu trồng tre thì họ lại chọn loại tre lấy măng để dùng nấu canh Xiêm lo hoặc bán ra chợ kiếm tiền nhanh hơn trồng tre gai. Một số hộ Khmer chuyển sang trồng cây trúc để bán cho những cơ sở làm cần câu cá. Sinh kế trồng tre ở xã Ngọc Biên ngày nay đang đứng trước nguy cơ tan vỡ do những thay đổi về cơ cấu kinh tế và nhận thức của người nông dân Khmer về đất đai.
Trồng cây theo sinh kế hiện nay
Trên địa bàn xã Ngọc Biên ngoài hộ của ông Thạch Ni ở ấp Tha La có truyền thống trồng cây dầu, hiện còn có hộ của ông Thạch Hoane (69 tuổi) cư ngụ tại ấp Giồng Cao cũng xem việc trồng cây như một loại hình sinh kế. Ông Thạch Hoane và vợ là bà Thạch Thị Thone (65 tuổi) sinh được sáu người con. Ông bà sở hữu được 8 công đất ruộng và vườn (8.000m2). Hiện đất đai chưa phân chia cho con cháu, do họ thấy ông bà lớn tuổi lại nghèo nên không muốn nhận. Ruộng đất của ông bà nằm trên ấp Giồng Cao thuộc loại thổ nhưỡng đất cát, chỉ trồng rẫy quanh năm mà không thể trồng được lúa như ở ấp Rạch Bót và Tắc Hố. Ông bà dùng diện tích 4 công đất trồng khoai mì, cứ 6 tháng nhổ mì một lần rồi trồng lại vụ mới. Mỗi vụ mì, gia đình thu được khoảng từ 2 đến 3 triệu/công chưa tính chi phí công lao động lúc xuống giống và thu hoạch. Với diện tích 04 công đất, ông bà thu được khoảng 10 triệu trong thời gian sáu tháng. 04 công đất còn lại là đất vườn, ông bà dùng trồng cây lấy gỗ. Trong đó, cây dầu được trồng nhiều nhất. Vào mùa khô, ông bà đi nhặt hạt dầu về ươm thành cây non, đựng trong túi nylon, chờ cây đạt chiều cao khoảng 50 cm thì mang ra trồng. Theo sự phân công lao động trong gia đình, bà Thạch Thị Thone là người ươm cây dầu non, đất nhà chật hẹp bà trồng vài tuần thì đã phủ hết 4 công đất. Song bà tiếp tục ươm thêm cây non để bán cho những nông dân khác trong xã nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Trồng cây là sinh kế tương lai, còn hiện tại cả hai hộ gia đình của ông Thạch Ni và Thạch Hoane đều kiêm thêm việc ươm và bán cây dầu non. Do gỗ cây dầu bán được giá cao nên từ sau năm 2000, người Khmer bắt đầu tận dụng đất giồng để trồng cây. Nhiều hộ Khmer trong xã đã đến nhà ông Thạch Ni và Thạch Hoane mua cây non về trồng. Người Khmer, người Việt sống ở huyện Duyên Hải hay ở những giồng đất ven biển Ba Động cũng được người quen giới thiệu đến xã Ngọc Biên mua cây dầu non mang về trồng ở địa phương. Giá thị trường cây dầu non hiện nay ở xã Ngọc Biên giao động từ 7.000 đến 8.000 đồng/cây. Cây dầu rất hợp với loại thổ nhưỡng của huyện Duyên Hải và các giồng đất do cát biển đùn lên nằm ven biển Ba Động. Không những người Khmer, người Việt ở Trà Vinh cũng mua cây dầu về trồng. Song thói quen trồng dầu của hai tộc người có phần khác nhau như: người Khmer thích trồng cây dầu trên các giồng đất, còn người Việt có thói quen trồng trong sân chùa hoặc hai bên lối đi của đường làng hoặc ngỏ vào nhà. Có thể khi trồng cây người Việt chú ý đến vấn đề tạo cảnh quan sinh thái nhiều hơn là mục đích kinh tế. Số lượng khách hàng đến mua cây dầu không cố định, có người mua nhiều, người mua ít, mùa mưa họ mua nhiều hơn mùa khô. Nhiều nhất là một lần ông Thạch Ni bán cho một khách hàng ở huyện Duyên Hải được 200 cây dầu non với giá 1,4 triệu đồng. Hiện tại trong sân nhà của hai hộ trên luôn có sẵn hơn 100 dầu non, khách hàng có thể mua về trồng ngay.
Theo quan niệm của ông Thạch Hoane và bà Thạch Thị Thone, việc trồng cây của ông bà là nhằm để thế hệ sau con cháu đời sau hưởng lợi, vì hiện tại trong vườn nhà của ông bà phần nhiều là cây dầu non mới trồng. Nếu muốn bán gỗ, phải chờ đến 20 năm nữa, lúc đó ông bà có thể không còn sống. Tuy nhiên, ông bà không muốn bỏ đất hoang mà phải trồng cây như một hình thức lưu truyền giá trị lao động để con cháu biết đến công sức của ông bà mà noi theo trong cuộc sống. Ông bà muốn con cháu phải siêu năng làm việc như tổ tiên hoặc nếu có bán cây thì phải dùng tiền vào những việc có ý nghĩa. Tại xã Ngọc Biên, cây dầu bán được giá cao, nếu cây đạt hoành 1 mét, giá bán giao động từ 2 đến 3 triệu đồng/cây. Cách đây 10 năm, người Khmer ở xã Ngọc Biên ít ai trồng cây lấy gỗ, bây giờ họ thi nhau trồng làm cho các giồng đất gần như không còn chỗ nào bỏ hoang nữa. Tại ấp Giồng Cao, trung bình một hộ Khmer có đất như hộ ông Thạch Hoane có thể trồng từ 200 đến 250 cây dầu/một công đất. Kế hoạch của họ là tạo nguồn lợi kinh tế cho tương lai khi cây lớn sẽ đốn bán gỗ. Cây dầu lớn được thương lái mua về cưa ra đóng vách, cây sao mắc tiền hơn cây dầu vì nó là loại gỗ dùng đóng thuyền. Hiện nay xuất phát từ nhu cầu nguồn lợi kinh tế, nhiều hộ Khmer ở xã Ngọc Biên bắt đầu trồng cây tai tượng. Loại cây này sinh trưởng nhanh hơn cây dầu và cây sao, trồng khoảng từ 4 đến 5 năm sẽ đạt hoành 1 mét. Giá bán hiện thời là từ 800.000 đến 1 triệu đồng/cây. Cây dầu giá cao hơn tai tượng nhưng phải trồng ít nhất 20 năm mới bán được, còn cây sao phải mất đến 40 năm. Cánh thợ mộc ở huyện Trà Cú hiện quan tâm nhiều đến cây tai tượng vì nó dễ đốn, sắc gỗ lại đẹp, dễ cưa, dễ tạo tác, gỗ tai tượng có thể dùng đóng nhiều loại vật dụng khác nhau. Giá bán một sản phẩm bằng gỗ tai tượng thường rẻ hơn bằng các loại gỗ khác. Từ lý do kinh tế nên nhiều hộ Khmer ở xã Ngọc Biên hiện tập trung trồng nhiều cây tai tượng như một loại hình sinh kế mới liên quan đến nghề trồng cây lấy gỗ. Tuy nhiên, tai tượng là giống cây mới nên người Khmer thường trồng lẻ hoặc trồng xen với cây dầu để kiểm tra xem cây có gây tác gì đến đất đai không. Họ chưa dám trồng tai tượng phủ kín trên các giồng đất như trường hợp của cây dầu.
Tri thức bản địa về trồng cây dầu
Theo ông Thạch Ni, những người Khmer trồng cây dầu ở xã Ngọc Biên thường áp dụng hai loại hình kỹ thuật là trồng dày và trồng thưa. Trồng dày là tạo khoảng cách 2 mét giữa các cây dầu non với nhau, còn trồng thưa là cách nhau 4 mét. Cách trồng như vậy là tri thức dân gian chứ không do một kỹ sư lâm nghiệp nào chỉ dẫn cho bà con. Từ xưa đến nay, người Khmer đều áp dụng kỹ thuật trồng này và luôn đạt hiệu quả cao về mặt sinh kế. Khi trồng, người ta thường phải giăng dây để sắp xếp cho cây được thẳng hàng, sau này lớn lên các cây dầu sẽ tạo thành một khu vườn đẹp mắt. Mỗi loại kỹ thuật trồng đều mang đến cho người Khmer những lợi ích khác nhau. Trồng thưa, cây dầu sinh trưởng nhanh vì có nhiều phù sa, nhưng thân cây lại thấp, phình to về chiều ngang. Còn trồng dày, cây sinh trưởng chậm nhưng thân cây lại vươn lên thẳng tắp, khi đốn hạ có thể dùng làm cột nhà, kèo, đòn tay, cưa ván đóng vách nhà rất đẹp. Ông Thạch Ni cho rằng khi trồng cây dầu ông thích trồng dày, do ông nhận thấy cây dầu trồng cùng một đợt nhưng kích thước không đều nhau. Trồng dày sẽ thuận lợi cho mục đích sinh kế hơn là trồng thưa, vì những cây nào lớn trước người trồng có thể hạ xuống bán, nhường đất cho cây nhỏ sống tiếp. Ở xã Ngọc Biên, người Khmer học theo kỹ thuật trồng của ông Thạch Ni, họ luôn trồng dày để cây dầu khi trưởng thành có dáng thẳng bán được giá cao. Kỹ thuật trồng thưa thường được áp dụng cho mục đích tạo cảnh quan như trồng cây dầu trong chùa, trồng ở đầu sóc, trồng xung quanh những ngôi miếu thờ ông Tà (Neakta). Cây dầu trồng ở những nơi này sẽ được sống hết tuổi thọ của chúng, bởi không một người Khmer nào dám đốn cây bán lấy tiền. Thuyết sinh thái tâm linh của Phật giáo Nam tông Khmer và tín ngưỡng dân gian ảnh hưởng chi phối đến đời sống tinh thần của người Khmer ở xã Ngọc Biên nên cho dù gặp khó khăn trong cuộc sống họ cũng không thể đốn cây ở những nơi linh thiêng.
Phương thức mua bán cây theo truyền thống và hiện đại
Trước năm 1975, thương lái người Khmer đi mua cây, cứ trả tiền cho chủ vườn rồi gửi cây lại, khi nào cần mới đến đốn mang về xưởng gỗ chế tác. Ông Thạch Ni cho rằng trước đây ông cũng áp dụng hình thức mua bán kiểu này nhưng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay tranh chấp giữa người bán và người mua. Do ngày xưa cây không phải là tài sản quý, người Khmer bán cây không được nhiều tiền như bây giờ. Hiện tại ở ấp Giồng Cao, hộ ông Thạch Hoane vẫn còn sử dụng phương thức mua bán cổ truyền này khi ông bán cho một người bà con 10 cây dầu mọc tự nhiên trong vườn nhà từ năm 1960. Người mua đã trả cho ông 30 triệu đồng nhưng xin gửi cây lại chờ đến khi nào anh ta cần sử dụng mới đến đốn về. Ông Thạch Hoane cho rằng vì người mua là bà con trong thân tộc nên ông mới cho gửi cây lại. Trên thực tế, người mua cây cũng không an tâm, anh ta bèn dùng rìu khắc chữ T (tên viết tắt của anh ta) lên thân của những cây dầu mà anh ta đã mua như một ký hiệu xác nhận chủ quyền. Cũng giống như ông Thạch Ni, ông Thạch Hoane cho rằng: “do gia cảnh khó khăn, cần mua những vật dụng quan trọng nên tôi mới bán cây, chứ bình thường gia đình không muốn bán, cực khổ mấy cũng không bán. Chúng tôi đã sống chung với cây nhiều năm, quyến luyến chúng như người thân nên tôi thật lòng không muốn bán chúng”[9]. Theo khảo sát của chúng tôi, hình thức mua cây trả tiền rồi gửi lại ở xã Ngọc Biên chỉ duy nhất còn diễn ra tại hộ của ông Thạch Hoane do người mua là người bà con thân thuộc. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là sẽ không xảy ra tranh chấp nếu chẳng may ông bà Thạch Hoane qua đời mà người mua vẫn chưa đốn cây. Do vậy, việc khắc ký hiệu lên thân cây là phương thức để có thể xác minh rằng người mua đã trả tiền.
Ở những hộ Khmer khác, phương thức mua bán phổ biến là trả tiền và đốn cây. Cả đôi bên, người bán và người mua đều muốn áp dụng nguyên tắc sòng phẳng của thị trường hiện nay là tiền trao tay, cây chở về. Ông Thạch Ni cho rằng “người Khmer ngày xưa chân thật, luôn giữ chữ tín. Một khi đã giao ước là không nuốt lời. Con người ngày nay đạo đức không còn, mua rồi phải hạ cây liền, chứ gửi lại sau này chủ vườn lại bán cho người khác. Hai bên không có hợp đồng giao kèo, người mua không thể kiện được”[10]. Tác động từ nguồn lợi kinh tế làm cho người bán luôn muốn người mua hạ cây ngay để có đất cho cây nhỏ lớn lên, họ sẽ bán tiếp. Còn người mua cũng không dám tin người bán. Trong cuộc sống ngày nay, áp lực mưu sinh đã làm biến đổi nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer ở xã Ngọc Biên. Chúng ta có thể thấy điều quan trọng nhất khiến họ ra sức trồng cây là vì mục tiêu kinh tế, chứ không phải vì vấn đề môi trường sinh thái. Cũng chính vì mục tiêu kinh tế mà người Khmer phải luôn tự thân vận động, tìm kiếm những loại cây lấy gỗ làm sao đạt hiệu quả kinh tế một cách nhanh nhất. Cuối cùng, họ đã phát hiện ra cây tai tượng đáp ứng được những yêu cầu thu nhập cho gia đình mà điều kiện sinh trưởng của nó cũng lại thích hợp với loại đất giồng ở xã Ngọc Biên.
Nguồn gỗ ngày càng trở nên khan hiếm khiến cho thương lái ra sức săn tìm mua cây. Có lẽ cây là loại sản phẩm mà người Khmer có thể bán nhanh nhất tại xã Ngọc Biên hiện nay. Khi cần bán họ chỉ gọi điện là có thương lái đến mua ngay. Thỏa thuận được giá cả, thương lái trao tiền, đốn cây, rồi thuê xe chở về xưởng. Mọi công đoạn đều do thương lái đảm trách, chủ vườn chỉ việc nhận tiền mà không cần phải tham gia vào bất cứ việc gì. Những cây dầu tạp cũng có thể bán được, thương lái mua về cưa ra thành củi, rồi bán lại cho các chủ vựa củi ở chợ Tân Lập, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú. Chợ này là đầu mối mua bán củi ở địa phương, các chủ vựa thu mua từ nông dân và thương lái trong huyện Trà Cú rồi phân bối cho những cơ sở sản xuất dùng làm chất đốt hay bán cho khách hàng mua về nấu nướng thức ăn. Đa phần củi bán tại chợ Tân Lập là củi dầu, giá bán trung bình là 150.000 đồng/thước (mét) củi. Trên địa bàn xã Ngọc Biên, hiện có 3 xưởng mộc, người Khmer cũng có thể bán gỗ cho thợ mộc hoặc mang gỗ đến thuê họ đóng các vật dụng dùng trong gia đình. Chi phí đóng tại chỗ giảm rất nhiều so với việc mua sản phẩm ngoài thị trường. Chính quyền địa phương không có thông báo khuyến khích người dân nên trồng loại cây gì, dầu, tai tượng, bạch đàn, tràm bông vàng hay cây sao…. Tất cả là do quá trình tự thân vận động của người Khmer liên quan đến kinh nghiệm trong hoạt động mưu sinh. Do nhận thấy việc trồng cây lấy gỗ đạt hiệu quả kinh tế trong giai đoạn hiện nay nên họ đua nhau trồng cây phủ kín các giồng đất. Nhu cầu về nguồn gỗ đã góp phần cho người Khmer ở xã Ngọc Biên hình thành nên một loại hình sinh kế mới mang tính phổ quát, sinh kế trồng cây.
Kết luận
Sinh kế trồng cây được hình thành từ tư duy sáng tạo của cộng đồng người Khmer trong quá trình lao động sản xuất và cải thiện đời sống kinh tế. Bằng kinh nghiệm dân gian và tri thức bản địa, người Khmer đã tận dụng điều kiện sinh thái tự nhiên của xã Ngọc Biên để xây dựng nên một mô hình trồng cây trên những giồng đất khô cằn, không thể canh tác lúa hay hoa màu được. Trong đó, việc trồng cây dầu đã góp phần tạo nên nguồn lợi kinh tế cho các hộ gia đình, đồng thời góp phần bảo tồn những hình thái tín ngưỡng cổ truyền của người Khmer theo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, nguồn gỗ ngày càng trở nên khan hiếm đã tác động chi phối đến sinh kế trồng cây theo truyền thống của người Khmer tại xã Ngọc Biên. Nguồn lợi kinh tế cấp bách đã làm thay đổi nhận thức về sinh kế trồng cây. Từ đó, xuất hiện những giống cây mới du nhập từ nơi khác về Ngọc Biên, hệ giá trị văn hóa tinh thần liên quan đến cây cối, phương thức mua bán, trao đổi và quan hệ tình cảm giữa những người láng giềng với nhau cũng dần thay đổi theo dòng chảy của nền kinh tế thị trường hiện nay. Sinh kế trồng cây của người Khmer hiện tồn tại song hành hai mặt tích cực và tiêu cực; nó góp tạo ra nguồn thu nhập cho các hộ gia đình nhưng cũng hủy diệt dần những giá trị văn hóa của một vùng làng quê.
(Bài viết là kết quả nghiên cứu thuộc đề tài cấp Đại học Quốc gia TP. HCM mang tên: Sinh kế của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh phát triển hiện nay. Mã số đề tài: C2016-18b-06.)
Chú thích
[1] Dẫn theo Thanh Phong, “Khởi Sắc Ngọc Biên”, http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/tracu/!ut/p/c0/04 (truy cập ngày 20/01/2017).
[2] Cây dầu có tên khoa học là Dipterocarpus alatus, dân gian thường gọi là cây dầu rái, dầu con rái và cây dầu nước, sinh trưởng chủ yếu ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
[3] Theo Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2005- 2015 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh của Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh.
[4] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn ông Thạch Ni, sinh năm 1931, cư ngụ tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 10 sáng, ngày 22 tháng 08 năm 2016.
[5] Ở xã Ngọc Biên, người Khmer tính kính thước của cây bằng cách dùng thước dây đo đường kính bao quanh thân cây. Nếu thân cây đạt 1 mét thì có thể bán được giá cao. Song theo thói quen, người Khmer không gọi là đường kính 1 mét mà lại gọi là hoành 1 mét.
[6] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn ông Thạch Ni, sinh năm 1931, cư ngụ tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 10 sáng, ngày 22 tháng 08 năm 2016.
[7] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn ông Thạch Ni, sinh năm 1931, cư ngụ tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 10 sáng, ngày 22 tháng 08 năm 2016.
[8] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn ông Thạch Ni, sinh năm 1931, cư ngụ tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 10 sáng, ngày 22 tháng 08 năm 2016.
[9] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn ông Thạch Hoane, sinh năm 1947, cư ngụ tại ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 08h sáng, ngày 22 tháng 08 năm 2016.
[10] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn ông Thạch Ni, sinh năm 1931, cư ngụ tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 10 sáng, ngày 22 tháng 08 năm 2016.
 
Tài liệu tham khảo
1. Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh (2016), Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2005- 2015 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
2. Đinh Văn Liên (1991), “Đặc điểm môi sinh và dân số ở vùng người Khmer đồng bằng sông Cửu Long”, trong Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.75-107.
3. Ngô Thị Phương Lan (2014), Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân vùng ĐBCL, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM.
4. Nguyễn Khắc Cảnh (2000), “Sự hình thành cộng đồng người Khmer Nam Bộ vùng ĐBSCL”, trong Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 217-229.
5. Nguyễn Xuân Diệu (2000), “Góp phần tìm hiểu về mối quan hệ và sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người Kinh – Khmer – Hoa ở Sóc Trăng trong tiến trình phát triển”, Tập san hội thảo KHLS hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước năm 1975, tr. 143-147.
6. Phan Anh Tú (2014), “Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer ở Nam Bộ: Nhìn từ sinh thái học Phật giáo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 05 (131), tr. 61- 69.
7. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM.
8. Thành Phần (2006), “Biến đổi kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng”, trong Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn 2006 – 2010, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 320 – 331.
9. Thanh Phong (2013), “Khởi Sắc Ngọc Biên”, http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/tracu/!ut/p/c0/04 (truy cập ngày 20/01/2017).
10. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh (1995), Lịch sử tỉnh Trà Vinh, tập một (1732-1945), Ban tư tưởng tỉnh ủy Trà Vinh.
 11. Trần Dũng, Đặng Tấn Đức (2012), “Tín ngưỡng và lễ hội dân gian tộc người Khmer tỉnh Trà Vinh (phần IV)”, trong Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian tỉnh Trà Vinh, NXB. Văn hóa thông tin.Đã đăng:

Tác giả: Phan Anh Tú
Nguồn: Tạp chí Văn hóa dân gian
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).