Thứ Bảy 07 Tháng Bảy 2018 - 01:31:03 CH

BIỂU DIỄN RIỀM KÊ QUA HÌNH THỨC MÚA CHẰN - MỘT LOẠI HÌNH SINH KẾ PHỤ CỦA NGƯỜI KHƠ ME Ở ẤP BA TRẠCH HUYỆN TRÀ CÚ TỈNH TRÀ VINH

Khơ me là một trong số 54 tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Với dân số 1.3 triệu người, người Khơ me sinh sống chủ yếu ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng là hai địa phương có đông người Khơ me cư trú.
Dẫn nhập
Bài viết này là kết quả nghiên cứu trong hai chuyến điền dã tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nơi đây người Khơ me chiếm số lượng 61% dân số toàn huyện. Chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phân tích tư liệu, điền dã tộc người, phương pháp nghiên cứu định tính trong đó phỏng vấn sâu và phỏng vấn hồi cố lịch sử được áp dụng để khảo cứu về hoạt động biểu diễn Riềm kê dưới hình thức múa Chằn như một loại hình sinh kế phụ của người Khơ me tại ấp Ba Trạch.
Vai trò của sử thi Riềm kê trong nghệ thuật Khơ me
Riềm kê là tác phẩm văn học dân gian của người Khơ me Nam Bộ, cốt chuyện được cải biên từ sử thi Ramayana của Ấn Độ do đạo sĩ Valmiki Muni sáng tác từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Tuy nhiên, Riềm kê có tầm ảnh hưởng sâu đậm đối với người Khơ me bao gồm cả lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài nghệ thuật sân khấu, Riềm kê còn được thể hiện trong điêu khắc, trên bích họa của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khơ me. Ở Trà Vinh và Sóc Trăng, các nhân vật trong sử thi Riềm kê còn được thể hiện dưới dạng mặt nạ nhằm phục vụ cho nghệ thuật biểu diễn. Trong nghệ thuật điêu khắc Khơ me, bộ tranh khắc gỗ mô tả đầy đủ nhất về sử thi Riềm kê được trang trí xung quanh chánh điện chùa Quy Nông, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là một trong những sưu tập nghệ thuật cổ xưa mà người Khơ me còn lưu giữ được. Trong điêu khắc, hình tượng các nhân vật trong sử thi Riềm kê như hoàng tử Riềm, nàng Xê Đa, Lặc (em trai của Riềm), khỉ thần Hanuman và vua Chằn Krong Kriep thường được thể hiện trên vách tường, cổng chùa, mi cửa và dọc theo các hành lang của ngôi chánh điện, đặc biệt hình tượng Chằn thường được dựng lên ở hai bên chánh điện của một số ngôi chùa Khơ me Nam Bộ đóng vai trò làm thần hộ pháp (Dravapala). Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, người Khơ me say mê Riềm kê, họ xem Riềm kê như một loại hình tín ngưỡng. Vì vậy, trong dịp lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay), người Khơ me thường mời một đội múa Riềm kê hay đội múa Chằn đến nhà họ biểu diễn để xua đuổi ma quỷ. Chính nhận thức của người Khơ me về mặt tín ngưỡng đã làm thay đổi hình thức biểu diễn và nội dung câu chuyện trong sử thi Riềm kê, hình thành nên một loại hình văn hóa biểu diễn vừa mang yếu tố tín ngưỡng vừa thể hiện yếu tố nghệ thuật tại các ngôi làng của người Khơ me ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Hoạt động biểu diễn như một loại hình sinh kế phụ trong nền kinh tế thị trường
Khảo sát của chúng tôi tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú cho thấy người Khơ me ở địa phương biết đến và yêu thích Riềm kê chủ yếu xuất phát từ hành động diễn trò của hai nhân vật, khỉ thần Hanuman và vua Chằn Krong Kriep. Vua Chằn thường hiện diện với những động tác múa mạnh mẽ, uy lực cùng những tiếng gầm thét tạo ấn tượng cho người xem nên người địa phương quen gọi hình thức múa này là múa Chằn, mặc dù có khỉ Hanuman cùng tham gia. Tại ấp Ba Trạch, Riềm kê thường được biểu diễn trong ngày lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) với ý nghĩa mang đến cho người Khơ me không khí vui tươi, hạnh phúc và niềm tin về cuộc sống bình an. Nhận thấy dân sóc (srok) yêu thích Riềm kê, vào đầu năm 2017 vị sư trụ trì chùa làng đã thành lập một đội múa Riềm kê gồm những người đàn ông Khơ me biết múa, sư cả giao cho Kim Kha Lăng (49 tuổi) phụ trách đội múa này.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy múa Riềm kê trong các ngôi làng của người Khơ me hiện nay là một loại hình diễn xướng dân gian, các đội Riềm kê do nhà chùa thành lập, các diễn viên không biểu diễn chuyên nghiệp trên sấn khấu. Trong thời gian diễn ra các lễ hội truyền thống của người Khơ me, các diễn viên mặc trang phục đóng vai vua Chằn, khỉ thần Hanuman, rồi đi đến từng nhà biểu diễn bằng hình thức nhảy múa. Dân làng trả công cho họ bằng cách treo tiền trên cao để diễn viên đóng vai khỉ leo lên lấy. Trước đây, do điều kiện kinh tế tự cung tự cấp, người Khơ me treo đủ mọi thứ như thuốc lá, trái cây, bánh tết hoặc gia chủ có phẩm vật gì dùng trong gia đình thì treo lên, không nhất thiết phải treo tiền. Hiện nay kinh tế phát triển đã tác động đến ý thức của người Khơ me, hầu như họ chỉ treo tiền chứ không treo phẩm vật nữa. Người Khơ me ở xã Tân Hiệp quan niệm rằng ngày mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) phải có ông khỉ và ông Chằn vào thăm nhà thì gia chủ sẽ làm ăn thịnh vượng, tức là hoạt động kinh tế sẽ gặp thuận lợi. Trong xã Tân Hiệp, chùa nào cũng thành lập ít nhất một đội Riềm kê, có chùa tuyển chọn được hơn 10 diễn viên tham gia đội nghệ thuật này.
 
 
Sinh viên Đại học Trà Vinh biểu diễn Rô Băm. Ảnh: Sơn Cao Thắng
 
Múa Riềm kê đòi hỏi người diễn viên phải có sức khỏe tốt, tay chân dẻo dai, thời điểm múa vào dịp lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) là lúc khí hậu nóng nhất trong năm. Diễn viên phải di chuyển từ nhà này sang nhà khác, phụ nữ thường không đủ sức khỏe múa suốt ngày trong bầu không khí oi bức. Tất cả 10 thành viên của đội Riềm kê ấp Ba Trạch đều là đàn ông. Đi diễn chỉ là sinh kế phụ, còn công việc chính hàng ngày của họ là làm ruộng, chăn nuôi hoặc làm thuê. Đội trưởng Kim Kha Lăng mưu sinh bằng nghề bán vé số, mỗi buổi sáng anh đạp xe đi bán loanh quanh trong xã Tân Hiệp và các xã lân cận từ 6 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa. Trước khi đi diễn ở đâu, đội trưởng có nhiệm vụ tập hợp các thành viên đến nhà mình nghe thông báo về lịch diễn, địa điểm và số tiền thù lao mà mỗi thành viên sẽ nhận được. Trước ngày diễn các thành viên hợp lại tại nhà đội trưởng cùng nhau ôn luyện các động tác cho nhuần nhuyễn để khi biểu diễn không bị bà con phàn nàn. Lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) là thời điểm làm ăn thuận lợi nhất của đội, các thành viên đều mặc trang phục diễn xuất, họ đi khắp ấp Ba Trạch thấy nhà nào treo tiền thì ghé vô múa. Đội trưởng Kim Kha Lăng cho biết: “người Khơ me ở đây rất thích xem Riềm kê. Có nhiều nhà mời đội vào nhảy (múa), nếu muốn xem nhảy lâu hơn quy định họ buột tiền nhiều lần vào mái hiên nhà, cổng nhà hoặc buột vào cây trúc treo trên cao”[1]. Cách biểu diễn của đội Riềm kê là họ di chuyển trên đường lớn giữa làng, hộ nào muốn đội vào diễn trong nhà mình thì treo tiền lên cây tre hoặc mái hiên nhà, diễn viên đóng vai khỉ đi trước thấy tiền sẽ kéo các thành viên khác vào diễn. Thời gian diễn nhanh hay chậm tùy thuộc vào số tiền mà chủ hộ treo lên. Những hộ Khơ me muốn đội diễn lâu hơn với gia đình cho thêm nhiều niềm vui thì họ treo tiền nhiều lần. Khác với cách nhận định của đội trưởng Kim Kha Lăng là hoạt động Riềm kê mang tính bảo tồn di sản nghệ thuật Khơ me, ông Thạch Sel (60 tuổi), cư trú lâu năm trong ấp Ba Trạch lại cho rằng, có sự ảnh hưởng của tính chất kinh tế thị trường trong hoạt động múa Riềm kê hiện nay. Nó thể hiện bằng thời gian biểu diễn của diễn viên phụ thuộc vào giá trị số tiền mà gia chủ tặng cho họ, trên thực tế là một hình thức trả công mà gia chủ đòi hỏi diễn viên phải thể hiện khả năng diễn xuất làm sao cho tuyệt đối.
Hoạt động kinh tế tại ấp Ba Trạch đã tác động đến nhận thức của người Khơ me về hình thức trả công cho diễn viên Riềm kê mà hiện nay cách trả công phổ biến nhất vẫn là tiền mặt. Khi kinh tế phát triển hay ít nhất người Khơ me cũng không còn nghèo khổ như ngày trước nữa thì họ có xu hướng đầu tư tiền cho các hoạt động vui chơi trong ngày mừng năm mới. Việc treo những tờ tiền mệnh giá từ 10.000 đến 50.000 đồng cho đội Riềm kê đến nhà diễn hoàn toàn nằm trong khả năng tài chính của các hộ Khơ me sống ven con đường liên xã chạy ngang qua ấp Ba Trạch. Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, ngày càng có nhiều hộ Khơ me di chuyển địa điểm cư trú đến gần đường lớn để thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh tế gia đình. Hình thái cư trú mới đã làm cho mật độ dân số của người Khơ me tập trung dày đặc dọc theo các trục lộ chính của huyện Trà Cú. Do đó khi biểu diễn vào dịp lễ mừng năm mới, đội Riềm kê chỉ cần di chuyển trên đường rồi ghé vào các hộ sống hai bên cũng đã chiếm hết thời gian một ngày của họ. Những ngày khác họ còn phải diễn trong chùa hoặc được mời đến diễn tại nhà theo đơn đặt hàng của các hộ Khơ me giàu có.
Tác động từ bối cảnh kinh tế hiện nay đã làm cho người Khơ me nhận thức chính xác hơn về mối quan hệ giữa tiền tệ và giá trị lao động. Tiền mặt là cách trả công phù hợp nhất hiện nay, đồng thời có tính chất khích lệ người diễn viên nhảy múa hăng say hơn. Tuy nhiên, đồng tiền có được từ những loại hình sinh kế mà người Khơ me phải lao động cực nhọc, chính vì vậy họ cũng đòi hỏi lại đội Riềm kê phải diễn sao cho xứng đáng với tiền thưởng của họ. Các hộ Khơ me sống ven đường lớn cũng đủ kinh nghiệm biết rằng đội Riềm kê chỉ vào nhà đi từ trước ra sau, lấy tiền và chuyển sang nhà khác. Vì các diễn viên muốn giữ sức để đi diễn tại nhiều nơi khác nữa nhằm kiếm tiền nhiều hơn cho cuộc sống của họ. Dân làng bèn treo tiền ở những vị trí khó lấy để diễn viên phải thể hiện tài diễn của mình và buộc họ phải ở lại nhà của gia chủ lâu hơn. Kim Kha Lăng cho rằng: “lấy tiền của người ta không đơn giản chút nào, không chỉ là leo lên cao rồi lấy mà còn phải tìm cách diễn làm sao cho hay, phải làm chủ nhà hài lòng mới được. Khi hài lòng thì người ta mới treo thêm tiền cho mình lấy tiếp”[2]. Hoạt động nghệ thuật của đội Riềm kê ấp Ba Trạch và những đội Riềm kê khác nói chung, diễn viên phải lao động cực nhọc, nhất là người đóng vai khỉ thần Hanuman. Vì làm khỉ đòi hỏi người diễn viên phải leo lên cao lấy tiền, đồng thời phải diễn làm sao để bà con khen ngợi. Trong đội có nhiều diễn viên đóng vai Chằn nhưng Chằn chỉ diễn dưới đất, không được phép leo lên lấy tiền, Kim Kha Lăng cho biết: “quy định trong Riềm kê là chỉ có khỉ mới được leo cây lấy tiền. Chằn mà leo lên lấy tiền sẽ bị bà con phản ứng ngay”[3]. Nếu tiền treo quá cao, khỉ không thể lấy được thì làm động tác múa gọi Chằn đến gần, Chằn sẽ đứng trụ dưới đất công kênh khỉ trên vai để khỉ giơ tay lên lấy tiền. Một khi gia chủ đã treo tiền thì đội Riềm kê phải tìm cách lấy cho dù tiền ít hay nhiều, diễn viên đóng vai khỉ không được vì khó khăn mà từ chối lấy tiền. Diễn viên đóng vai Chằn phải là người có sức khỏe tốt, vóc dáng cao lớn, hiện tại đội trường là người đóng vai Chằn kiêm luôn đánh trống trên đường đi diễn. Đội Riềm kê ấp Ba Trạch hiện tổng cộng có 10 diễn viên, gồm ba người chơi nhạc, một người đánh đàn, một người đánh chập chõa và một người đánh trống cái, năm người đóng vai Chằn, một Chằn vua và bốn Chằn lính. Còn vai khỉ thì có hai người, một người đóng vai khỉ thần Hanuman tức là khỉ cha và một người nhỏ con đóng vai khỉ con. Đây là sự phóng tác mang tính chất biến đổi của người Khơ me ở ấp Ba Trạch so với cốt chuyện trong sử thi Riềm kê và Ramayana. Để làm tăng thêm niềm vui và thể hiện yếu tố xum hợp gia đình trong ngày mừng năm mới, đội đã tạo thêm hình tượng nhân vật chú khỉ con biểu trưng cho thế hệ thiếu niên cùng diễn với khỉ cha tức là thần khỉ Hanuman.

Tín ngưỡng liên quan đến sinh kế và biến thể trong cốt chuyện Riềm kê
Đặc điểm của nghệ thuật Riềm kê là diễn viên phải đeo mặt nạ. Hiện nay mặt nạ được sản xuất tại chùa Chông Bát, xã Tân Hiệp nhưng đội Riềm kê ấp Ba Trạch thường chọn mua mặt nạ ở thành phố Trà Vinh. Trước khi diễn, toàn đội tập hợp tại nhà đội trưởng, họ mang tất cả mặt nạ ra đặt lên bàn, bày hương án và trái cây ra để cúng thần. Nếu đi diễn ở xa hay diễn trong chùa thì việc cúng tế phải được tổ chức thật chu đáo. Hiện nay đội chỉ cúng mặt nạ khỉ Hanuman và Chằn Krong Kriep, nội dung khấn là mời hai vị thần này đi theo hộ trì cho diễn viên nhảy múa thật hay làm hài lòng dân làng. Đội trưởng khấn trước, rồi đến lượt các diễn viên đến khấn, người đóng vai Chằn thì khấn Chằn hộ trì, người đóng vai khỉ thì khấn thần khỉ Hanuman về trợ lực. Đội trưởng thì khấn xin các vị thần đi theo để ban cho diễn viên sức mạnh, không bị ma quỷ quấy phá khi diễn xuất, người không biết khấn cũng có thể cúng thần, vì khấn bằng lòng thành cũng được tin là linh nghiệm.
Sở dĩ đội Riềm kê ấp Ba Trạch phải làm lễ cúng và khấn nguyện thật kỹ mới dám đi diễn vì các diễn viên đều tin rằng sẽ luôn xuất hiện sự đối đầu giữa hai thế lực thiện ác trên thế gian do chư thiên và ma quỷ thống quản. Vì vậy, họ phải tin có khỉ thần và Chằn thật sự nhập vô người họ rồi họ mới dám đi diễn. Người Khơ me cũng tin như vậy nên đôi khi họ thuê cả đội Riềm kê về nhà nhảy múa đuổi tà vì nghi ngờ trong gia đình có người thân bị ma ám. Kim Kha Lăng cho biết: “có bệnh nhân thấy khỉ và Chằn đến tự nhiên hết bệnh. Có những lần đi nhảy (múa) trong dịp tết Chol cả đội đang đi ngoài đường, gia đình có người bệnh bèn mời vô nhà họ nhảy luôn cho ma chạy”[4]. Theo quan niệm dân gian của người Khơ me, người bị ma ám khi thấy Chằn Krong Kriep đi đến là hoảng vía bỏ chạy vào nhà, tay chân run cầm cập. Đội Riềm kê nhận ra ngay, họ bèn khuyên bệnh nhân đến chùa gặp vị sư cả xin ông đọc kinh cầu an, rẩy nước làm phép để không bị ma ám nữa. Kinh Kha Lăng nói tiếp: “ai mà bị ma nhập gặp Chằn hoảng sợ liền vì sự linh nghiệm nằm ở chiếc mặt nạ Chằn nhưng muốn có được sự linh nghiệm này thì mình phải tin và phải khấn thần đi theo”[5]. Cũng theo tín niệm của Kim Kha Lăng, những người bị ma nhập bình thường không ai biết được, chỉ khi nào có Chằn xuất hiện họ trông thấy mà hoảng sợ thì người nhà mới phát hiện. Các diễn viên trong đội Riềm kê ấp Ba Trạch tin rằng người bị ma nhập thấy Chằn thì sợ hãi là do ông Chằn thật sự đã đi theo đội diễn, sự linh nghiệm này là do người diễn viên đã khấn Chằn trước khi đi diễn. Kim Kha Lăng cho rằng trong quá trình nhiều năm đi diễn Riềm kê trong vai Chằn anh bắt nhiều người Khơ me bị ma ám, anh nói: “khi tôi đi nhảy (múa) đã từng gặp người bị ma nhập. Nhìn họ bị ma nhập là biết ngay vì họ sợ chạy trốn vào trong nhà, quay mặt vô tường rồi gào la, có người thấy Chằn liền run rẫy bỏ chạy vô một góc tối cố trốn khỏi Chằn. Người sợ thì người ta vừa cười vui, vừa chạy thôi, chứ ma mà sợ là nó gào la dữ lắm. Khi đi diễn ở xã Tập Ngãi tôi đã gặp một người Khơ me bị ma nhập, nó lớn tiếng kêu khóc khi thấy Chằn đi tới. Tôi bèn báo lại cho ông cả (sư cả) của chùa Tập Ngãi chữa giúp cho người đó”[6]. Theo tín niệm dân gian Khơ me, ma quỷ hoàn toàn không dám thách thức Chằn, nhất là vua Chằn Krong Kriep. Chằn Krong Kriep được tin là vua của ma quỷ, ông tu luyện được pháp lực vô biên, chỉ thua thần khỉ Hanuman nhưng ông tuân theo lời Phật dạy quy y Tam bảo, hạnh trì giữ giới nên nhà chùa thỉnh ông làm hộ pháp bảo vệ các ngôi tự viện. Do vậy, người Khơ me tin rằng dù ma quỷ mạnh đến đâu cũng không dám xem thường Chằn. Sinh kế nghề diễn Riềm kê đòi hỏi người diễn viên phải chấp hành tín niệm theo quy định của đội. Họ phải kiêng kỵ nhiều thứ trong ăn uống như không ăn thịt chó, rau ôm, món ăn trộn với máu sống, ngày Rằm và 30 phải thắp nhang cúng mặt nạ.
Quy định trong diễn xuất về các nhân vật Riềm kê, đội trưởng phải nắm bắt kỹ trước khi ra diễn như trường hợp diễn Chằn, diễn khỉ. Kim Kha Lăng cho rằng: “Chằn Krong Kriep là lớn nhất, là vua, sau nữa là Chằn Khum Cà, rồi Chằn Yeak Asen. Chằn Krong Kriep chỉ được phép diễn ở những dịp lễ hội lớn, chứ không diễn ở những đám phước nhỏ”[7]. Quy định dành cho diễn viên đóng vai Chằn Krong Kriep là nếu không phải diễn xuất mà có việc phải đi vào nhà của ai đó thì phải tháo mặt nạ ra, vì khuôn mặt của Chằn trông rất hung tợn sẽ làm cho trẻ con sợ hãi. Chỉ có khỉ là tự do nhất, người đeo mặt nạ khỉ có thể xuất hiện bất cứ chỗ nào cũng được, do khuôn mặt của khỉ được vẽ trông hóm hỉnh và vui tươi, trẻ con nhìn vào không bị hoảng sợ như gặp Chằn. Một quy định khác liên quan đến vấn đề an toàn diễn xuất là vào ban đêm sau khi diễn xong đi về nhà diễn viên phải tháo mặt khỉ và Chằn ra ôm trên tay, chứ được không đeo trên mặt. Do ban đêm chiếc mặt nạ khỉ và Chằn phản chiếu ánh đèn, trẻ con và phụ nữ trông thấy sẽ hoảng vía. Đội trưởng Kim Kha Lăng nhận định: “trong cách diễn của Riềm kê thì dù là Chằn vua hay Chằn lính gì đi nữa cũng phải thua ông khỉ hết. Khỉ và Chằn gặp nhau là phải đánh nhau nhưng người diễn viên phải diễn theo tuồng tích, chứ không phải là đánh lộn. Chằn phải luôn thua khỉ, chứ không được thắng khỉ”[8]. Nhận định của đội trưởng cho thấy anh hiểu về quy chuẩn diễn xuất giữa hai nhân vật khỉ thần và Chằn tức khỉ thần Hanuman, bầy tôi trung thành của hoàng tử Rama và quỷ vương Ravana trong sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Song tất cả những hoạt động biểu diễn của đội Riềm kê ấp Ba Trạch hiện nay chỉ tập trung xoay quanh hai nhân vật khỉ và Chằn, diễn viên biết được thao tác diễn thể hiện cho hành động của hai nhân vật này rồi luyện tập theo sự chỉ dẫn của đội trưởng Kim Kha Lăng. Tất cả các thành viên trong đội và kể cả đội trưởng đều không hiểu tường tận về nội dung câu chuyện trong sử thi Riềm kê, họ chỉ biết ý nghĩa riêng của các nhân vật mang yếu tố tín ngưỡng như Riềm, Xê Đa, Lặc, khỉ (Hanuman) và các loại Chằn. Sự hiểu biết của họ mang tính chất ứng dụng vào văn hóa tâm linh của người Khơ me bằng kinh nghiệm của thực tiễn nghề biểu diễn, cụ thể như họ biết quan niệm của người Khơ me cho rằng khỉ thần Hanuman và Chằn có nhiệm vụ xua đuổi tà ma, Riềm và Xê Đa mang hạnh phúc đến cho gia đình, còn Lặc bảo vệ cuộc sống hạnh phúc đó. Nhận xét về nguồn gốc của hình tượng khỉ, đội trưởng Kim Kha Lăng cho rằng: “khỉ là thuộc hạ của Riềm và Lặc. Khỉ là vua của nước khác có tài hơn Chằn nên bị Chằn ghét, khỉ là Tề Thiên Đại Thánh nên Chằn đánh không lại. Khỉ thuộc phe của Riềm và Lặc”[9]. Lời nhận xét cho thấy, Kim Kha Lăng chỉ hiểu loáng thoáng về nhân vật khỉ thần Hanuman trong sử thi Riềm Kê, rồi anh lại đồng hóa Hanuman với Tế Thiên Đại Thánh trong tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân (吳承恩).
Một diễn viên trong đội đã có kinh nghiệm nhiều năm đóng vai khỉ thần Hanuman là anh Thạch Thêm (44 tuổi) lại kể câu chuyện hoàn toàn dựa trên cảm tác cá nhân, nó xoay quanh hai nhân vật quan trọng trong biểu diễn Riềm kê ở ấp Ba Trạch là khỉ và Chằn như sau “ngày xưa hai nước khỉ và Chằn chưa có chuyện gì xảy ra. Ở nước Chằn có một người thầy bói tài giỏi (nhà tiên tri), một hôm vua Chằn là Krong Kriep cảm thấy trong lòng không vui, bèn cho dời thầy bói đến để đoán chuyện tốt xấu. Thầy bấm tay bảo với vua Chằn là ông ấy sẽ gặp chuyện xấu trong nước. Krong Kriep nghe vậy tức giận đánh đuổi những ông Chằn nhỏ đứng xung quanh, họ bèn chạy vào trốn trong nước của Riềm và Lặc. Krong Kriep sai tướng Chằn là Cùm Pacat đi khuyên các ông Chằn nhỏ trở về nhà nhưng họ không chịu về nên chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Hai ông Chằn và khỉ mới đánh nhau, vì khỉ là tướng của Riềm và Lặc. Chằn Krong Kriep tính tình nóng nảy, cai trị khó khăn, ông không muốn cho ai đi ra khỏi nước mình. Còn các ông Chằn nhỏ vô tình chạy vào nước của Riềm và Lặc rồi liền bị khỉ Hunuman bắt uống nước thần rồi thề không được bỏ đi. Vì vậy mà các Chằn cũng không thể trở về nước của mình được nữa. Do vậy mà chiến tranh giữa vua Chằn và khỉ cứ diễn ra triền miên”[10]. Câu chuyện của anh Thạch Thêm là một dị bản kỳ lạ, cốt chuyện thể hiện tính chất phóng tác nhằm giải thích cuộc chiến giữa khỉ thần Hanuman và Chằn Krong Kriep, trong câu chuyện hoàn toàn không thấy xuất hiện hình bóng của nàng Xê Đa. Cả đội trưởng và các thành viên đều không biết chữ nên họ không thể tiếp cận được với sử thi Riềm kê theo con đường chính thống. Hơn nữa, hàng ngày họ còn phải lao động vất vả để mưu sinh thì còn thời gian và tâm trí đâu để đi tìm hiểu về một tác phẩm văn học dân gian của người Khơ me. Song cái hay của chuyện kể là lý giải về hai hình tượng mà đội Riềm kê ấp Ba Trạch luôn thể hiện trong biểu diễn. Dấu hiệu của các nhân vật chính trong sử thi Riềm kê đã lộ diện dần trong chuyện kể của các diễn viên ấp Ba Trạch như hoàng tử Riềm và Lặc, rồi có thể là nàng Xê Đa cũng dần xuất hiện trong tương lai. Câu chuyện dị bản của Riềm kê sẽ có thể sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phóng tác diễn xuất đưa đội Riềm kê ấp Ba Trạch tiến tới tầm vóc hoàn chỉnh như kế hoạch của đội trưởng Kim Kha Lăng.

Mặt nạ dùng trong biểu diễn. Ảnh: Sơn Cao Thắng
 
Nhận thấy, hoạt động của đội Riềm kê gặp nhiều thuận lợi do kinh tế hộ gia đình của người Khơ me đang trên đà phát triển, ngày càng có nhiều người Khơ me thuê đội Riềm kê đến nhà nhảy múa trong các dịp tổ chức cúng đám. Kim Kha Lăng rất nhạy bén với nhu cầu nghệ thuật của người Khơ me ở địa phương, anh đang dự tính tăng thêm số lượng diễn viên trong đội, anh nói: “tôi muốn tìm thêm một người đóng vai hoàng từ Riềm, một người đóng vai Lặc và một người con gái đóng vai nàng Xê Đa”[11]. Ước mong của đội trưởng Kim Kha Lăng cho thấy anh hiểu biết về hình tượng nhân vật trong sử thi Riềm kê, đồng thời muốn phát triển đội nghệ thuật của mình mang tính chuyên nghiệp hơn. Đội Riềm kê ấp Ba Trạch hiện nay có 10 diễn viên nhưng chỉ tập trung vào hai hình tượng chính là khỉ và Chằn, điều này chỉ đáp ứng được nhu cầu của người Khơ me thuộc giới lao động bình dân nhân dịp lễ mừng năm mới. Vì họ theo quan niệm đơn giản rằng ngày tết có ông khỉ ông Chằn vào nhà đuổi tà, gia đình sẽ làm ăn thịnh vượng nhưng mỗi nhà cũng chỉ mất chút ít tiền thưởng cho hai ông (thần), giá trị không đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế đa dạng làm cho cuộc sống của một số gia đình người Khơ me ngày càng thịnh vượng hơn. Điều kiện kinh tế cho phép họ tổ chức những đám cúng hay tiệc vui với quy mô ngày càng to lớn. Chính vì vậy khi tổ chức đám cúng hay tiệc vui, nhiều hộ Khơ me thuê hẳn một đội Riềm kê về biểu diễn trong gia đình. Số tiền họ trả trọn gói cho đội phải hơn hẳn hoạt động biểu diễn lưu động của diễn viên trong dịp lễ mừng năm mới. Song tính chất hưởng thụ nghệ thuật của những hộ Khơ me giàu có cũng mang tầm vóc cao hơn những hộ nông dân bình thường trong làng. Đương nhiên khi họ đã bỏ tiền ra thì yêu cầu của họ là phải được xem đầy đủ mọi nhân vật, chứ không phải chỉ có ông khỉ và ông Chằn vô nhà “nhảy múa”. Kinh tế là động lực thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động văn hóa và cũng có sự tác động ngược lại từ văn hóa đến kinh tế. Những hộ Khơ me giàu có là những người có khả năng thuê diễn trọn gói cho các đội Riềm kê ở địa phương nhưng tiền và công sức lao động luôn được đặt trong mối quan hệ đối sánh. Những người Khơ me có điều kiện kinh tế khá giả sẽ thường xuyên tham dự các lễ hội truyền thống, thời điểm có sự tham gia diễn xuất của các đội Riềm kê nên họ biết rằng hai nhân vật chính trong bộ sử thi Riềm kê là hoàng tử Riềm và nàng Xê Đa, chứ không phải là ông khỉ với ông Chằn. Trong hoàn cảnh hiện nay, họ tạm thời chấp nhận thuê đội Riềm kê ấp Ba Trạch biểu diễn cho các đám lễ và đám tiệc trong gia đình, có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như do vị sư cả chùa Ba Trạch giới thiệu, mối quan hệ giữa những người cùng một làng với nhau nhưng trong tương lai có thể những mối quan hệ mang tính chất tình cảm này không còn quan trọng nữa. Khi có sự gia tăng cạnh tranh từ các đội Riềm kê ở những ấp khác trong xã Tân Hiệp thì sẽ không có gì đảm bảo rằng những người Khơ me giàu có lại tiếp tục thuê một đội Riềm kê chỉ có ông Chằn và ông khỉ đến nhà họ nhảy múa.
Cũng giống như hoạt động của những đội múa lân trong các xóm của người Việt, khi đội Riềm kê đi đến đâu tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng chập chõa làm náo động cả sóc, trẻ con, người lớn chạy theo coi đông kín đường. Tuy nhiên, trong dịp lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay), đội Riềm kê ấp Ba Trạch chỉ được diễn trong phạm vi của ấp mình, họ không được phép tự ý sang diễn ở các ấp khác vì đó là địa bàn hoạt động của các đội Riềm kê bạn. Vào dịp lễ hội Kathina (Dâng y) và các đám phước, người Khơ me thường thuê cả đội Riềm kê vào chùa diễn nghi thức dâng bông cho chư tăng. Diễn viên mặc trang phục khỉ và Chằn, theo yêu cầu của người thuê mướn họ phải diễn nhiều công đoạn, đầu tiên đến nhà múa chúc phúc trước rồi khỉ và Chằn dẫn đầu một đoàn rước lễ đến chùa làm lễ dâng bông. Khi đến chùa, đội phải diễn một lần nữa trước khi ông khỉ và ông Chằn đội mâm lễ vật trên đầu hoặc bê bằng hai tay dâng lên cho chư tăng. Việc thuê đội Riềm kê múa dâng lễ trong các dịp lễ hội hoặc đám phước tại chùa được xem là một hình thức nghi lễ tôn giáo của người Khơ me ở huyện Trà Cú. Việc tổ chức không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của các hộ Khơ me, một số người nghèo nhưng lại có tâm nguyện muốn cúng dường cho chùa vì một nguyên nhân nào đó thì họ không ngại bỏ một số tiền lớn ra để thuê cả đội Riềm kê đi dâng lễ. Tất cả mọi hoạt động sắp xếp lịch diễn đều do đội trưởng Kim Kha Lăng phụ trách, anh dùng trí nhớ của mình, chứ không ghi chép trên sổ sách do anh bị mù chữ. Tuy nhiên, anh có một phương thức sắp xếp lịch diễn rất chu toàn với số lượng người đăng ký, thời gian diễn dâng bông, ai đăng ký trước thì đội phục vụ trước, đăng ký sau thì phục vụ sau. Năm nào anh cũng sắp lịch như vậy nhưng mọi việc đều hoàn thiện, dân sóc cảm thấy hài lòng và theo lời anh nói thì vẫn chưa có ai phiền hà gì về đội Riềm kê ấp Ba Trạch của anh. Mỗi lần tham gia lễ dâng bông, đội nhận được số tiền trả công từ 1 - 2 triệu đồng, tùy thuộc vào khoảng đường xa hay gần. Nhà của người thuê ở cách xa chùa đội phải lấy chi phí tăng thêm nhưng cao nhất là 2 triệu đồng cho một lần dâng bông, mỗi thành viên sẽ nhận được 200.000 đồng/người. Nếu đội được mời sang xã khác diễn, người thuê mướn phải trả trên hai triệu, do quảng đường đi xa hơn thông lệ.
Nguyên tắt quản lý do đội trưởng đặt ra là các thành viên phải làm việc kiên nhẫn, nếu không tham gia diễn thì coi như bỏ đội, đội trưởng sẽ không cho tham gia diễn nữa. Hàng ngày vì vấn đề sinh kế cá nhân, các thành viên có thể đi làm ăn ở đâu đó tùy ý nhưng khi có đám lễ, đội trưởng điện thoại thông báo thì phải quay về đi diễn, chứ không được bỏ cuộc. Kim Kha Lăng cho rằng: “nếu bỏ cuộc không chịu diễn, dân sóc tức giận sẽ phiền trách đến tai ông cả (sư cả) trụ trì”[12]. Trước ngày diễn ra lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) hoặc Dâng y (Kathina), mặc dù thời gian chưa cận kề, dân sóc cũng chưa có ai đến đặt diễn nhưng đội trưởng phải yêu cầu các thành viên tập hợp về sân nhà của mình để cùng nhau tập luyện cho quen dần các động tác nhảy múa. Do hoàn cảnh mưu sinh, các thành viên không múa thường xuyên nên cần phải có kế hoạch ôn luyện trước khi bước vào mùa diễn. Trước đây, đội Riềm kê chọn chùa Ba Trạch làm địa điểm tập luyện nhưng từ khi sư cả bị bệnh, việc tập luyện chuyển sang nhà của đội trưởng Kim Kha Lăng. Đặc điểm của đội là khi tập luyện cũng phải tổ chức đầy đủ như khi đi diễn, có tấu nhạc và đánh trống ầm ĩ nên phải tổ chức xa chùa vì sợ ảnh hưởng đến quá trình dưỡng bệnh của vị sư cả trụ trì chùa Ba Trạch.

Diễn viên múa khỉ, mưu sinh trong nổi nhọc nhằn
Lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) năm 2017 là thời điểm đội Riềm kê ấp Ba Trạch gặp thuận lợi nhất trong suốt thời gian đi diễn hơn 10 năm qua. Kim Kha Lăng cho biết: “trong bốn ngày đi nhảy đội thu được hơn 7 triệu đồng là số tiền cao nhất từ trước đến nay thu được. Do năm nay dân sóc làm ăn thịnh nên mời đội đi nhảy nhiều”[13]. Tuy nhiên, các sô diễn mà đội Riềm kê ấp Ba Trạch được bao trọn gói trong dịp lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay) phần nhiều lại không nằm ở xã Tân Hiệp mà đội phải lưu diễn sang xã Tập Ngãi, nơi cộng đồng người Khơ me có điều kiện kinh tế gia đình phát triển hơn ở Tân Hiệp. Thạch Thêm, diễn viên trong đội chuyên đóng vai khỉ, hiện do “nhảy hết nổi” đã chuyển sang đánh trống, cho biết: “đi bên xã Tập Ngãi con khỉ yếu là không nhảy nổi đâu vì hầu như nhà nào người ta cũng treo tiền, phải hai con thay phiên nhau nhảy mới nổi”[14]. Việc biểu diễn Riềm kê không đơn giản, nổi nhọc nhằn vì công việc sinh kế của người diễn viên, nhất là người diễn viên đóng vai khỉ được Thạch Thêm mô tả là vô cùng khốc liệt: “bên đó người ta hay gọi đi diễn cho lễ dâng bông (Kathina), nhiều người kêu lắm, ai yếu sức mà đóng vai khỉ là chết luôn vì nhà nào cũng treo tiền tuốt trên cao rồi họ bắt khỉ phải leo lên lấy để làm trò vui. Mỗi ngày lấy được bảy tám trăm ngàn thì không phải là ít nhưng mà thời tiết vào ngày tết Chol nắng lắm con khỉ về được đến nhà là nằm liệt giường luôn”[15]. Hiện nay khi đi diễn ở xã Tập Ngãi, đội trưởng Kim Kha Lăng phải sắp xếp cho hai diễn viên đóng vai khỉ, nhiều diễn viên đóng vai Chằn để hỗ trợ hai ông khỉ thần. Dường như đội Riềm kê ấp Ba Trạch muốn đối phó với tình huống khó khăn mà họ gặp phải ở xã Tập Ngải vì đội trưởng không sắp xếp khỉ cha và khỉ con nữa mà xếp luôn cho hai diễn viên lực lưỡng đóng vai hai ông thần khỉ. Anh lại phân công mỗi khỉ vào một nhà, Chằn thì chia ra mỗi nửa chạy theo một khỉ, anh nói: “mình phải làm vậy cho nhanh, chứ chỉ để một con khỉ leo lên lấy tiền hoài thì con khỉ của mình chết chắc”[16]. Tính chất kinh tế thị trường ảnh hưởng vào nhận thức của cả hai phía, đội Riềm kê muốn thu nhập được nhiều tiền thì họ phải diễn cho nhanh, còn các hộ Khơ me luôn muốn đội ở lại lâu hơn, họ bèn “cầm chân con khi” bằng cách treo tiền ở những chỗ khó lấy. Nổi nhọc nhằn của người diễn viên đóng vai khỉ và việc đỏi hỏi diễn xuất của dân sóc ngày càng khó khăn hơn trước đã được Thạch Thêm mô tả tiếp như sau: “nhà ai treo tiền thì đội phải vào nếu không người ta giận. Vào nhà người ta trước khi lấy tiền, mình phải nhảy từ trước ra sau mang ý nghĩa là xua đuổi tà ma rồi mới leo lên lấy tiền. Tính tình của dân sóc ngày càng khó khăn hơn trước, họ luôn treo tiền ở những chỗ thật cao bắt mình phải leo lên lấy, mình lấy không nổi họ sẽ chê con khỉ yếu vậy mà cũng bày đặt đi nhảy”[17].

Sinh viên Đại học Trà Vinh biểu diễn múa khỉ. Ảnh: Sơn Cao Thắng
Kết luận
Riềm kê là tác phẩm văn học tôn giáo hình thành vào thời kỳ phát triển thịnh trị của đạo Bà La Môn (Brahmanism) trong cộng đồng người Khơ me Nam Bộ. Tác phầm này được thẩm thấu vào dòng văn hóa Phật giáo Nam tông với nhiều cải biên để thành tác phẩm văn học dân gian Khơ me như hiện nay. Tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, câu chuyện Riềm kê được biểu diễn dưới hai loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tên là Rô Băm và Dù Kê, được thể hiện bởi những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đi vào các ngôi làng của người Khơ me, các diễn viên quần chúng lại chọn lọc những nhân vật phù hợp với yêu cầu cuộc sống và tín ngưỡng của người nông dân Khơ me. Do đó, Riềm kê lại được cải biên một cách đáng kể tại các làng quê là nơi cư trú của người Khơ me ở đồng bằng sông Cửu Long. Sự phóng tác trong nghệ thuật diễn xướng và những câu chuyện liên quan đến Riềm kê được cải biên bởi những người diễn viên chưa bao giờ tiếp cận với tác phẩm văn học này một cách chính thống. Sự cải biên này đã đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân Khơ me nhưng nó cũng tạo nên những dị bản mang tính địa phương trong sử thi Riềm kê của người Khơ me.
Biểu diễn Riềm kê hiện nay được xem như một loài hình sinh kế phụ thể hiện tính năng động trong cuộc sống và tư duy sáng tạo nghệ thuật của người diễn viên quần chúng. Qua nghiên cứu của chúng tôi cho thấy người Khơ me Nam Bộ luôn có xu hướng nổ lực vươn lên trước mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, đồng thời Phật giáo Nam tông đã thể hiện vai trò hỗ trợ tinh thần tích cực cho các hoạt động sinh kế của người Khơ me. Từ đó, người Khơ me Nam Bộ đã có những bước chuyển mình, vững tin hơn trong cách lựa chọn sinh kế khi đối diện trước những biến động của nền kinh tế thị trường.
 
Abstract (tóm tắt)
Reamke is a classical literature of Khmer people and its story has been adapted from Ramayana, the Indian great epic. In the traditional cultural side, the Reamke which has profoundly influenced in to Khmer community in the South Vietnam, is appraised as the Khmer’s spiritual breath. My survey has been carried out in Ba Trạch Village, Tân Hiệp Commune, Trà Cú District, Trà Vinh Province shows that the local Khmer people know and is interested in Reamke epic through the performance of two main characters, Hanuman, the Monkey God and Krong Kriep or Ravana, king of Yaksanas (evils). Here, Reamke which is usually performed as a type of the Khmer’s livelihood during the Traditional New Year Festival, Chol Chnam Thmay, brings joyfulness, happiness and confidence about a peaceful life for the Khmer in village.


Keywords (từ khóa): Livelihood, Reamke, Ramayana, the Khơ me, Mekong Delta, Hanuman, Krong Kriep, Chol Chnam Thmay, performance.

 
Tài liệu tham khảo
1. Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh. 2016. Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2005- 2015 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
2. Đinh Văn Liên. 1991. “Đặc điểm môi sinh và dân số ở vùng người Khơ me đồng bằng sông Cửu Long”, trong Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, tr.75-107.
3. Ngô Thị Phương Lan. 2014. Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân vùng ĐBCL.  TP. HCM: NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM.
4. Nguyễn Khắc Cảnh. 2000. “Sự hình thành cộng đồng người Khơ me Nam Bộ vùng ĐBSCL”, trong Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á. TP. HCM: NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 217-229.
5. Nguyễn Xuân Diệu. 2000. “Góp phần tìm hiểu về mối quan hệ và sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người Kinh – Khơ me – Hoa ở Sóc Trăng trong tiến trình phát triển”, Tập san hội thảo KHLS hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước năm 1975, tr. 143-147.
6. Phan Anh Tú. 2014. “Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khơ me ở Nam Bộ: Nhìn từ sinh thái học Phật giáo”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 05 (131): tr. 61- 69.
7. Phan Thị Yến Tuyết. 2014. Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ. TP. HCM: NXB Đại học Quốc gia TP. HCM.
8. Thành Phần. 2006. “Biến đổi kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Khơ me ở tỉnh Sóc Trăng”. Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn 2006 – 2010. TP. HCM: NXB Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 320 – 331.
9. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh. 1995. Lịch sử tỉnh Trà Vinh, tập một (1732-1945), Ban tư tưởng tỉnh ủy Trà Vinh.

Chú thích:
[1] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút , ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[2] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút , ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[3] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút , ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[4] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[5] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[6] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[7] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[8] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[9] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[10] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Thạch Thêm, sinh năm 1973, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 15 giờ 30 phút , ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[11] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút , ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[12] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[13] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[14] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Thạch Thêm, sinh năm 1973, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 15 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[15] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Thạch Thêm, sinh năm 1973, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 15 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[16] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Kim Kha Lăng, sinh năm 1968, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 14 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.
[17] Thông tin theo Biên bản phỏng vấn anh Thạch Thêm, sinh năm 1973, cư ngụ tại ấp Ba Trạch, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, thực hiện lúc 15 giờ 30 phút, ngày 21 tháng 04 năm 2017.

Tác giả: Phan Anh Tú
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).