Thứ Ba 17 Tháng Mười 2017 - 10:33:52 SA

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ - Sự hội tụ của những yếu tố tâm linh

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã tác động đến mọi hoạt động sản xuất cũng như chi phối đời sống tinh thần của nhiều người trong xã hội. Thế nhưng, yếu tố tâm linh, niềm tin vào tôn giáo, vào những thế lực siêu nhiên đã tồn tại trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ từ xa xưa vẫn không bị mất đi, mà nó vẫn được giữ gìn trong nhiều phong tục tập quán cũng như nghi lễ truyền thống của người Khmer. Điều này sẽ được minh chứng qua việc khảo sát quá trình tạo ra chiếc ghe ngo cũng như trong quá trình ghe ngo tham gia thi đấu.
 
“Người Khmer Nam Bộ là một bộ phận ngoại vi của cộng đồng Khmer thời Ăng Kor, do những sức ép xã hội hay do biến động cư dân khi Ăng Kor sụp đổ, họ đã tiến về phía Nam khai thác đồng bằng Sông Cửu Long vào khoảng thế kỷ XI, XII đến thế kỷ XIV, XV. Việc di cư này không phải một đợt mà nhiều đợt khác nhau, trong đó không chỉ là người nông dân nghèo khổ, mà còn có cả các quý tộc, quan lại” [Ngô Đức Thịnh 2006: Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam.- H:- Nxb Khoa học xã hội]. Di cư và sống định cư ở Nam Bộ hàng bao thế kỷ, đến nay người Khmer ở Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang,..
 
Trước đây, người Khmer chịu ảnh hưởng Bà la môn giáo và sau này khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, với bản chất hòa bình, hướng thiện phù hợp với tính cách người Khmer Nam Bộ, nên Phật giáo dần dần trở thành tôn giáo chính trong đời sống văn hoá tinh thần của người Khmer. Do ảnh hưởng Phật giáo, nên người Khmer Nam Bộ từ lúc mới lọt lòng cho đến khi từ giã cuộc đời đều gắn liền với ngôi chùa. Phần lớn những nghi lễ trong đời người Khmer cũng như những nghi lễ trong sinh hoạt cộng đồng cũng đều liên quan đến Phật giáo, gắn liền với ngôi chùa, với các vị sư sãi. Niềm tin tưởng vào thế giới siêu nhiên, thần bí luôn ẩn tàng trong đời sống tinh thần của người Khmer.
 
Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa anh em khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong khuôn khổ của lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió,… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia. Đây là sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch đặc trưng theo hướng liên kết vùng, nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hoá truyền thống của các địa phương trong khu vực ĐBSCL, góp phần cùng cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
  
Mũi Ghe Ngo
 
Trong Festival Đua ghe ngo, ghe ngo được xem là vật linh thiêng, là điều kiện cơ bản nhất để các đơn vị đăng ký tham gia thi đấu. Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.
 
Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau. Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh là một trong những phương thức được vận dụng để tạo nên sự thành công của ghe ngo.
 
Ghe ngo ngày xưa là một chiếc thuyền độc mộc, làm từ một thân cây, khoét ruột. Ngày nay, việc tìm thân cây sao vừa to vừa dài để đóng ghe rất khó khăn nên người Khmer làm ghe ngo bằng cách ghép những mảnh ván với nhau. Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi (sau lái) cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe làm phải đảm bảo cho từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như: ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người. Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.
 
Yếu tố tâm linh có thể tìm thấy trong việc chọn biểu tượng cho ghe ngo. Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng. Việc chọn biểu tượng ghe ngo liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của từng chùa. Biểu tượng ghe đại diện cho một tổ chức, thể hiện quyền quy của chiếc ghe, chẳng những là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua. Thông thường, biểu tượng của ghe ngo là các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh,… Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược… Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.
 
Ghe ngo được ghép từ những mảnh ván rời rạc nên để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m. “Hai cây kềm là đặc trưng của ghe ngo người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long” [Phạm Thị Phương Hạnh (cb) 2011: Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam.- H.: Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật]. Nếu ghe được làm từ hai cây kềm, mỗi cây kềm được bố trí với những chức năng khác nhau. Một cây kềm đặt sát đáy giữ thân ghe vững trãi trên đường đua, một cây kềm đặt song song ở phía bên trên cây kềm lòng dài từ giữa ghe về phía sau ghe, giữ cho ghe không bị vặn cong trên đường bơi. Một số chùa dùng hai cây nối lại với nhau ở giữa ghe, đặt song song với chiều dài ở đáy ghe. Cách thức nối hai cây với nhau là điểm mấu chốt giúp ghe di chuyển nhanh trên đường đua. Người Khmer không chỉ tin vào kỹ thuật nối mà còn tin vào những yếu tố tâm linh trong việc thực hiện nối hai cây này. Thông thường việc nối hai cây này vào ghe ngo được tiến hành vào giờ tốt, có thể cùng ngày với lễ xuống ghe, người nối cũng phải là người khỏe mạnh, có đạo đức, am hiểu về ghe ngo.
 
 Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi. Hai mắt ghe cũng được vẽ cho phù hợp với biểu tượng của ghe. Tục vẽ mắt nổi cho ghe ngo là chi tiết thể hiện yếu tố tâm linh, được giải thích bằng nhiều quan niệm khác nhau, nhưng đa số những người nghiên cứu cho rằng tục vẽ mắt nổi cho ghe ngo xuất phát từ quan niệm xem ghe như loài cá, loài rắn dưới nước cần phải có mắt để thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.
 
Yếu tố tâm linh còn được tìm thấy trong quan niệm xem mỗi chiếc ghe có một ông thần giữ ghe, vị thần này quy định sức mạnh của ghe cũng như đảm bảo sự an toàn cho vận động viên tham dự đua ghe. Điều này thể hiện sức mạnh tôn giáo, niềm tin vào sự che chở của thần linh đối với các hoạt động nhân sinh. Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, được xem là vật linh thiêng, nhất cử nhất động đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ cửa rừng xin cây làm ghe, lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, đưa ghe lên nhà ghe,… Trước mỗi lần thi đấu khoảng một tuần, các chùa Khmer thường tổ chức lễ mặc áo cho ghe ngo (còn gọi là lễ hạ thủy ghe ngo). Lễ mặc áo ghe ngo có vai trò đặc biệt quan trọng, có giá trị về mặt tâm linh, thể hiện niềm tin của người Khmer vào lực lượng thần bí, vào vị thần nắm giữ vận mệnh, quyết định sự thành bại của ghe đua.
 
Lễ vật chính của buổi lễ  là Sla-tho làm bằng quả dừa hoặc thân cây chuối để cắm nhang và nến. Dọc theo hai bên ghe đều cắm sla- tho, mỗi sla- tho đều cắm nhang và đèn cầy. Ở đầu ghe, giữa ghe, và mũi ghe đều có chỗ đặt mâm bánh, trái cây, đầu heo hoặc gà vịt tùy theo từng chùa. Sau đó, vị sư cả và đại diện phum sóc chọn những thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng làm quân bơi, cử ra một ông ngồi ở đầu ghe chỉ huy. Đến giờ định, người ta thắp nhang, đèn cầy, đánh chiêng trống, ngũ âm, reo hò, tập hợp lực lượng. Vị sư cả của chùa hoặc thành viên Ban quản trị đứng ra làm chủ lễ, khấn nguyện vị thần bảo hộ ghe ngo đi theo giúp sức để ghe giành chiến thắng trong các cuộc thi. Lực lượng tham gia thi đấu đi vòng quanh ghe. Tàn nhang, đèn cầy, họ tập hợp lực lượng đẩy ghe xuống nước để đưa đi đến nơi tập dượt.
 
Ngoài ra, khi xuất ghe đi dự hội, xuất phát trước mỗi cuộc đua hay kết thúc hội đua đưa ghe lên nhà ghe đều tổ chức những nghi lễ riêng. Mỗi lễ đều có những quy định cụ thể về lễ vật, nghi lễ cũng như vị trí đặt lễ, người cử hành lễ, người tham dự lễ. Về người tham dự các lễ liên quan đến ghe ngo, các vị sư sãi ở các chùa Khmer đều có những quy định nghiêm ngặt. Những quy định này cũng xuất phát từ quan niệm tâm linh đối với ghe ngo. Chẳng hạn như một số chùa Khmer ở Nam Bộ cấm phụ nữ đến gần ghe ngo, hay bước qua đầu ghe ngo, họ xem việc phụ nữ đến gần ghe là mang đến những điều xui xẻo. Tuy nhiên, quan niệm này cũng đã thay đổi đối với nhiều chùa Khmer ở Nam Bộ. Trong các hội đua ghe ngo ngày nay đã có ghe ngo dành cho phụ nữ tham gia tranh tài.
 
Vấn đề được đặt ra hiện nay là liệu những yếu tố tâm linh đó có thật sự mang lại những kết quả thiết thực, làm nên chiến thắng của chiếc ghe ngo trong hội đua ghe ngo truyền thống của người Khmer hay không? Điều đó, có lẽ không ai dám khẳng định một cách chắc chắn. Nhưng điều mà mọi người có thể khẳng định chắc chắn rằng, niềm tin vào những yếu tố tâm linh trong các nghi lễ liên quan đến ghe ngo vẫn giữ vị trí quan trọng trong tâm thức người Khmer Nam Bộ.
 
Dương Thị Ngọc Tú
Nguồn: vhttdlkv3.gov.vn
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).