Thứ Bảy 08 Tháng Giêng 2022 - 06:42:06 CH

Lịch sử chùa Bapparam (chùa Cái Giá Chót) tỉnh Bạc Liêu

Chùa Buppharam hay còn gọi chùa Cái Giá Chót, hiện do Thượng toạ Tăng Sa Vong trụ trì, tọa lạc tại số 94 ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6km về hướng Đông Bắc. Chùa Buppharam được xếp vào loại di tích kiến trúc nghệ thuật.
Chùa Buppharam do Thượng tọa Kim Bupha sáng lập vào năm Quí Dậu (dương lịch năm: 1573, phật lịch năm: 2117). Địa điểm xây dựng chùa đầu tiên ở Phum Pro-âu-krom thuộc ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội ngày nay, trên khuôn viên đất rộng 18.144m2 (14 công tầm cấy) của gia đình phật tử ông Sao và bà Xem cúng dường. Khi đó Thượng tọa Kim Bupha đã cùng khoảng 100 gia đình phật tử trong vùng tập trung lại bằng công sức, vật chất đã tạo dựng lên ngôi chùa. Vật liệu xây dựng bằng cây lá địa phương, cột gỗ, mái lá, một số công trình khác được xây dựng bằng gạch tô vôi vữa,…



Chùa trải qua hai lần di dời:

– Dời chùa lần thứ nhất: Chùa xây dựng và tồn tại được 30 năm, do từ Phum này tới Phum kia quá xa không thuận tiện cho phật tử đi lại chùa sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Do đó, vào giữa năm Quý Mão – 1603, Thượng tọa Kim Bupha cùng đồng bào phật tử thống nhất ý kiến dời chùa về Phum Kh-veng BoBel – cách chùa hiện nay khoảng 200m, về hướng Tây Bắc. Chùa được xây dựng trên diện tích 7 công tầm cấy tương đương 9070m2 , đó là đất của gia đình phật tử ông Lếch – bà Ek hiến cho chùa. Vật liệu xây dựng lần này cũng bằng cây lá đơn sơ và tồn tại được 10 năm.

– Dời chùa lần thứ hai: Năm Canh Thân – DL 1620, chùa một lần nữa được dời về nơi hiện nay là Phum Kh-veng BoBel – ấp Cái Giá. Do chỗ cũ vùng đất trũng thấp, rừng rú bạc ngàn và có nhiều thú dữ, sông rạch, đi lại khó khăn không thuận lợi cho phật tử đi lại hành đạo ở chùa, do vậy, thượng tọa Kim Bupha và các vị sư cùng đồng bào phật tử một lần nữa thống nhất ý kiến dời chùa xây dựng lần thứ 2 trên diện tích 20 công tương đương 25920m2, do ông Keo – bà Trop hiến trước đó vào năm 1613, và về sau phật tử có đất xung quanh chùa cúng hiến dần cho chùa nên diện tích đất lên hơn 30 công tương đương 38880m2 và tồn tại cho đến ngày nay.

* Các lần trùng tu chùa:

Đồng bào phật tử sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nghề trồng lúa nước, đất đai phù sa màu mỡ, cộng với tính cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, đúc kết kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp,… từ lúa một vụ thành hai vụ, cải tạo ruộng, vườn áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn nên đời sống đồng bào Phật tử ngày càng nâng cao, có của cải, vật chất nên đã đóng góp một phần để trùng tu xây dựng chùa ngày càng vững chắc và khang trang hơn.

– Năm 1888, Đại đức Trương Cao chủ trì xây dựng Chánh điện lần thứ 3, bằng những vật liệu bền vững như: cột gỗ và bê tông, tường xi măng, mái ngói vảy cá, nền lát gạch bông. Các vật liệu này do ông Sô và bà Ek đầu tư tiền xây dựng. Ông bà còn hiến cho chùa 4 hecta đất ruộng và rẫy ở Xẻo Lá, thị trấn Châu Hưng, vào năm 1909 làm tài sản của chùa.

– Năm 1915, Đại đức Lâm Meak chủ trì xây dựng tăng xá lớn (Kod Thum) bằng gỗ và Sala kiểu nhà sàn bằng gỗ mái lợp ngói, nền ván gỗ, lần này do ông Ưm- bà Ngan đầu tư xây dựng (hiện nay chỉ còn lại Sala).

– Trong khoảng thời gian từ năm 1934 – 1946, Đại đức Trần Mốk đã cho trùng tu nhiều công trình phụ như: trường học, tăng xá,…

– Năm 1950, Hòa thượng Liêu Khưm chủ trì tu sửa ngôi chánh điện.

– Năm 1952, Phó Đại đức – giáo sư Pali học Tăng Min cùng với Hòa thượng Trần Khun chủ trì xây dựng trường Pali tại chùa bằng những vật liệu bền vững như: xi măng cốt thép.

– Từ năm 1964 đến năm 1969, Đại đức Kim Minh Thanh chủ trì xây dựng các công trình như: cột cờ, sân xi măng, trường tiểu học và bắt đầu xây dựng tăng xá mới (Kod thmây). Tăng xá xây dựng chưa hoàn thành thì ông đã hoàn tục.

– Từ năm 1969 – 1971, Đại đức Thạch Phước tiếp tục xây dựng tăng xá mới (Kod thmây) được 70% rồi hoàn tục.

– Từ năm 1971 – 1975, Đại đức Thạch Vươl (Mên) chủ trì xây dựng hoàn thành tăng xá và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, ông còn xây dựng nhà bếp và cây nước.

-Từ năm 1977 – 1980, Đại đức Tăng Rương đã tu sửa Chánh điện như: thay cột cũ đã bị mục nát thành cột bê tông, sửa chữa ghe ngo năm 1978 và giành chiến thắng 4 năm liền trong các cuộc đua ghe truyền thống.

– Từ năm 1987 đến nay (2006), Thượng tọa Tăng Sa Vong đã chủ trì xây dựng nhiều công trình kiến trúc như:

+ Năm 1989 tu sửa Sala, thay ngói, kèo đòn tay đã bị mục gãy,… và san lấp mặt bằng ao đìa trồng 2500 cây bạch đàn. Cũng trong năm này ông đã chủ trì xây cổng tam quan và hàng rào trước chùa bằng những vật liệu bền vững bê tông cốt sắt.

+ Năm 1994 xây dựng (Kod Sa-ma-kum) tăng xá khang trang bằng vật liệu bền vững.

+ Tháng 4/1996, Thượng tọa và Ban quản trị chùa họp bàn bạc và thống nhất ý kiến hạ giải ngôi chánh điện cũ đã xuống cấp, bắt đầu xây dựng mới theo kiến trúc chùa tháp của dân tộc Khmer. Xây dựng bằng những vật liệu bền vững như: cột, kèo, đòn tay bê tông cốt sắt, mái đổ bê tông dán gạch men màu vàng, nền lát gạch bông. Đến tháng 3/2001 làm lễ khánh thành kiết giới chánh điện (Banh chôs khan sây ma).

Trong thời gian này Thượng tọa Tăng Sa Vong còn chủ trì xây dựng hoàn thành nhiều công trình khác: Trường học Pali, tăng xá, nhà bếp; Tráng sân chùa, vật liệu bằng bê tông cốt thép; Mua đất ruộng sau chùa 1,5 công và thuê san lấp mặt bằng phía Đông Bắc chánh điện.

+ Năm 2001, xây dựng Hôtray (Bảo tháp) một trệt, một lầu bằng những vật liệu bền vững như: cột, kèo, đòn tay bằng bê tông, mái đổ bê tông dán gạch men, nền lát gạch bông,…

+ Tháng 4/2001, Thượng tọa cũng cho hạ giải tăng xá lớn rộng 08 gian (Kod Thum) do bị xuống cấp dột nát nhiều nơi; xây dựng lại bằng những vật liệu bền vững như: cột, kèo bê tông, đòn tay gỗ, mái tôn lạnh màu đỏ, nền lát gạch bông. Và trong thời gian này trồng 500 cây sao và dầu ở xung quanh chùa.

+ Tháng 6/2004, hạ giải tăng sá rộng 06 gian (Kod Thmây) xuống do bị xuống cấp, xây dựng lại bằng những vật liệu bền vững như: cột, kèo toàn bê tông, đòn tay gỗ, mái lộp tôn lạnh màu đỏ, nền lát gạch bông.

+Tháng 2/2006, xây dựng hàng rào bê tông và ngôi tháp thờ phật Thích Ca từ nguồn vốn của đồng bào phật tử ở trong vùng.

+Tháng 2/2006, xây dựng lại nhà bếp (Ruông Phót) bằng những vật liệu xi măng cốt thép. Do nhà bếp cũ bị xuống cấp thấm dột nhiều nơi.

+ Ngày 07/02/2007, xây dựng nhà Hỏa táng.

+ Ngày 19/4/2009, xây dựng hàng rào hướng đông và tượng Phật nhập niết bàn bằng đá trắng.

+ Ngày 04/5/2010, thỉnh Đại hùng chung nặng 500kg và bộ trống 0,9 x 1,8m.

+ Ngày 23/4/2011, xây dựng nhà vệ sinh Tăng và phật tử, sửa phòng Tăng xá và khách; đầu tư 1 bộ Dàn nhạc ngũ âm.

+ Ngày 03/01/2012, sưu tầm các hiện vật gỗ cổ gồm: giường, giường 3 vách, ba bộ bàn ghế và các tủ.v.v…,

+ Ngày 24/3/2013, xây giảng đường cặp giảng đường gỗ sàn, nhà ghe ngo, ghe hậu cần cổ, đôi cột cờ.

+ Ngày 03/01/2015, xây dựng cổ ngã ba hàng rào trước chùa và diễn đàn sân khấu, tráng sân bê tông trên 700m2.

+ Ngày 04/02/2017, xây dựng Đại tháp hội một trệt một lầu, tượng Bổn sư Thích Ca, Phật đài chuyển pháp luân.

+ Kể từ năm 1988 đến nay, số lượng các vị sư tu học tại chùa trung bình có từ 25 đến 30 vị. Hàng năm chùa có mở lớp vi ni (luật tạng) lớp 2 và 3. Ngoài ra, chùa còn ủng hộ cho các vị sư học chữ phổ thông, đã có nhiều vị sư tốt nghiệp cấp III và hàng chục vị sư đang học tại các trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ.



Các đời Trụ trì:

Các vị Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng trụ trì chùa từ khi xây dựng (1573-1987) có 41 vị.

Có 23 đại đức, thượng tọa Hòa thượng không rõ họ tên do chùa bị cháy vào năm 1942 và mất tài liệu liên quan.

          24 – Đại đức Trương Cao, sinh năm 1861 tại Cái Giá – Hưng Hội, trụ trì chùa năm 1885 đến năm 1906, về sau ông hoàn tục.

          25 – Đại đức Lâm Hô, sinh năm 1862 tại Sóc Trăng, trụ trì chùa từ năm 1906 đến năm 1913.

26 – Đại đức Thạch Câm, sinh năm 1873 tại Sóc Trăng, trụ trì chùa từ năm 1913 đến năm 1920.

27 – Đại đức Thạch Nghét, sinh năm 1874 tại Sóc Trăng, trụ trì chùa từ năm 1920 đến năm 1925 viên tịch.

28 – Đại đức Lâm Meak, sinh năm 1885 tại Cái Giá – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu, trụ trì chùa từ năm 1925 đến năm 1934, về sau ông hoàn tục.

29 – Đại đức Trần Mốk, sinh năm 1897 tại Cái Giá – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu, trụ trì chùa từ năm 1934 đến năm 1946, về sau ông hoàn tục.

30 – Đại đức Thạch Suôn, sinh năm 1909, ở Vĩnh Châu – Sóc Trăng. Trụ trì chùa từ năm 1946 đến năm 1947 hoàn tục.

31 – Hòa thượng Liêu Khưm, sinh năm 1878, ở Ong Kho – Sóc Trăng. Trụ trì chùa từ năm 1947 đến năm 1955.

32 – Hòa thượng Trần Khun, sinh năm 1884, tại Cái Giá – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu, quản lý chùa từ năm 1955 đến năm 1962, đến năm 1964 viên tịch.

33 – Phó Đại Đức – Giáo sư Pali học Tăng Min, sinh năm 1918, quản lý chùa từ năm 1955 đến năm 1962 cùng với hòa thượng Trần Khun. Ông đã xây dựng trường Pali tại chùa vào năm 1952, sau đó ông viên tịch.

34 – Đại đức Thạch Hai, sinh năm 1937, tại Sóc Trăng. Trụ trì chùa từ năm 1962 đến năm 1964, hoàn tục.

35 – Đại đức Kim Minh Thanh, sinh năm 1941, tại Cần Thơ, trụ trì chùa từ năm 1964 đến năm 1969.

36 – Đại đức Thạch Phước, sinh năm 1950, tại Cái Giá – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu, trụ trì chùa từ năm 1969 đến năm 1971.

37 – Đại đức Thạch Vươl (Mên), sinh năm 1950, ở Đay tà ni – Hưng Hội – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu. Trụ trì chùa từ năm 1971 đến năm 1975, rồi hoàn tục.

38 – Đại đức Lâm Kim Lịa (Es), sinh năm 1952, ở Đay tà ni – Hưng Hội – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu. Trụ trì chùa từ năm 1975 đến năm 1977, rồi hoàn tục.

39 – Đại đức Tăng Rương, sinh năm 1955, ở Đay tà ni – Hưng Hội – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu. Trụ trì chùa từ năm 1977 đến năm 1980, về sau ông hoàn tục.

40 – Đại đức Ngô Minh Đồng, sinh năm 1956, tại Sóc Đồn – Hưng Hội – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu. Trụ trì chùa từ năm 1980 đến năm 1983, sau đó ông hoàn tục.

41 – Đại đức Liêu Phết, sinh năm 1959, tại Cái Giá – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu. Trụ trì chùa từ năm 1983 đến năm 1987 rồi hoàn tục.

42 – Thượng tọa Tăng Sa Vong, sinh năm 1962, ở Đay tà ni – Hưng Hội – Vĩnh Lợi – Bạc Liêu. Trụ trì chùa từ năm 1987 đến nay.

Thượng toạ Tăng Sa Vong là người có công lao nhiều nhất trong việc giáo dục đào tạo chư Tăng và con em Phật tử tại chùa tu hành, học tập cả về mặt giáo lý, chữ Khmer và hỗ trợ kinh phí cho các vị sư đi học chữ quốc ngữ, ngoại ngữ, tin học đạt nhiều thành quả tốt.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, ngôi chùa luôn được các vị trụ trì, các vị sư, cùng ban quản trị chùa và bổn đạo Phật tử có ý thức giữ gìn, trùng tu, tôn tạo làm cho ngôi chùa ngày càng khang trang và bền vững để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, tu hành, học tập và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khmer ở trong vùng.

Nguồn: TTTT PG Bạc Liêu - phatgiaobaclieu.com
Ý kiến phản hồi

Vui lòng gõ tiếng việt có dấu

Videos tiêu biểu

Giải đua Ghe ngo mở rộng tại huyện Giồng Riềng 2023

Ngày 4-10, tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) diễn ra giải đua ghe ngo nam mở rộng. Giải nằm trong khuôn khổ Lễ hộ...

Thông báo lễ khánh thành và kiết giới Sima Chánh điện chùa Lục Phi, huyện Gò Quao, Kiên Giang

📣📣📣 សេចក្តី ជូនដំណឹង បុណ្យបញ្ចុះខណ្ឌសីមាព្រះវិហារ វត្តសុវណ្ណមុនីរង្សី "ទឹកសាប" ⏱⏱⏱ វេលា៖ ចាប់ពីថ្ងៃ ១១,១២,១៣ រោច​ ខែ...

Kiên Giang: Hội từ thiện chùa Thôn Dôn cúng dường tứ vật dụng các chùa trên địa bàn huyện Gò Quao

ថ្ងៃទី​ ២០ខែមិនាឆ្នាំ២០២២,​ ព្រះសង្ឃនិងពុទ្ធរិស័ទវត្ត​ ជ្រុងយោង​ទីក្រុងរ៉ាច់យ៉ា បាននិមន្តនិងអញ្ជេីញ​ ប្រគេនទេយ្យវត្ថុដល់...

Bài viết tiêu biểu

Đức Phật là Thầy chỉ đường

GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Niết-bàn), và Ngài cũng nói rõ: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư” (Kinh Pháp cú, kệ 276).